Vướng mắc trong trường hợp hủy bỏ Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự

Trong thực tiễn có vướng mắc nảy sinh là việc xử lý như thế nào đối với Quyết định tạm đình chỉ và việc Tòa án sơ thẩm xử lý như thế nào đối với vụ án đã thụ lý khi có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm đã hủy bản án có hiệu lực pháp luật? Vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau...

Trong quá trình Tòa án cấp sơ thẩm đang tiến hành thụ lý giải quyết vụ án do bị cấp giám đốc thẩm hủy để xét xử sơ thẩm lại thì có Quyết định kháng nghị đối với quyết định giám đốc thẩm đó. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án chờ kết quả giám đốc thẩm.

Tuy nhiên, trong thực tiễn có vướng mắc nảy sinh là việc xử lý như thế nào đối với Quyết định tạm đình chỉ và việc Tòa án sơ thẩm xử lý như thế nào đối với vụ án đã thụ lý khi có quyết định giám đốc thẩm hủy quyết định giám đốc thẩm đã hủy bản án có hiệu lực pháp luật? Vấn đề này còn có nhiều quan điểm khác nhau…

Ba quan điểm khác nhau

Tác giả xin nêu một tình huống cụ thể như sau: Tòa án nhân dân huyện P giải quyết vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa nguyên đơn là ông A và bị đơn là bà B. Bản án sơ thẩm chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của ông A, buộc bà B trả số nợ gốc và lãi theo quy định. Bà B kháng cáo toàn bộ bản án của TAND huyện P. Tại bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đ không chấp nhận kháng cáo của bà B giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện P.

Quyết định giám đốc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đ và bản án dân sự sơ thẩm của TAND huyện P. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện P để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm. Trong quá trình thụ lý giải quyết lại vụ án, Chánh án TANDTC ban hành quyết định kháng nghị đối với quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TANDCC tại Đà Nẵng.

Căn cứ quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC, TAND huyện P căn cứ điểm h khoản 1 Điều 214 BLTTDS năm 2015 để tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Tại quyết định giám đốc thẩm của TANDTC tuyên hủy quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban thẩm phán TANDCC tại Đà Nẵng về vụ án “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” giữa nguyên đơn là ông A và bị đơn là bà B. Giữ nguyên hiệu lực đối với bản án dân sự phúc thẩm của TAND tỉnh Đ.

Vấn đề đặt ra, việc giải quyết vụ án dân sự nêu trên khi có quyết định giám đốc thẩm của TANDCC tại Đà Nẵng hủy đề giao hồ sơ cho TAND huyện P để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm và giải quyết việc TAND huyện P tạm đình chỉ giải quyết vụ án khi quyết định giám đốc thẩm của TANDTC có hiệu lực thi hành, hiện có nhiều quan điểm như sau:

Quan điểm thứ nhất: TAND huyện P ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo Điều 216 và căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án (Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp vụ án mà Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại).

Quan điểm thứ hai: Khi có quyết định giám đốc thẩm của TANDTC thì Tòa án nhân dân huyện P xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý với lý do sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. (Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định theo Điều 349 BLTTDS năm 2015) và quyết định này đã được gửi đến cho các đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng.

Quan điểm thứ ba: TAND huyện P ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự theo Điều 216 BLTTDS năm 2015 và Thông báo bằng văn bản để các đương sự, VKSND biết, đồng thời xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý cũng với lý do sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Cần bổ sung thêm quy định tại Điều 344 BLTTDS

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ ba vì các lý do sau:

Thứ nhất, nếu TAND huyện P căn cứ điểm c khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS năm 2015 để đình chỉ giải quyết vụ án với lý do “Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án” là không đúng. Vì căn cứ đình chỉ này chỉ áp dụng trong trường hợp Tòa án thụ lý mới một vụ việc mà vụ việc đó đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật.

Còn trong trường hợp này, Tòa án đang thụ lý cùng một vụ việc đang được xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm. Mặt khác, nếu Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án thì theo quy định tại Điều 273, 280 BLTTDS năm 2015, quyết định đình chỉ có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm như vậy trong cùng một vụ án vừa tồn tại các bản án, quyết định giải quyết có hiệu lực pháp luật vừa có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án là không đúng.

Thứ hai, nếu TAND huyện P không thông báo cho đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng biết mà tự ý xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý với lý do Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã gửi đến cơ quan tiến hành tố tụng và các đương sự sẽ dẫn đến việc: quyết định tạm định giải quyết vụ án của Tòa án nhân dân huyện P vẫn cứ tồn tại mà theo quy định tại Điều 216 “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 214 của Bộ luật này không còn thì Tòa án phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự và gửi quyết định đó cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, Viện kiểm sát cùng cấp. Quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự hết hiệu lực kể từ ngày ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự. Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án kể từ khi ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự”.

Theo quy định nêu trên, thì quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng giám đốc thẩm ra quyết định nên lý do tạm đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án nhân huyện P không còn do vậy TAND huyện P buộc phải ra quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự trong thời hạn 03 ngày làm việc.

Từ những vướng mắc nêu trên, tác giả thiết nghĩ cần bổ sung thêm quy định tại Điều 344 BLTTDS năm 2015 theo hướng “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị và giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới xét xử đúng pháp luật nhưng đã bị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hủy bỏ hoặc sửa đổi một phần hay toàn bộ đồng thời giải quyết hậu quả bản án, quyết định đã hủy khi giao lại cho Tòa án thụ lý, giải quyết lại”, Hoặc Tòa án sơ thẩm có văn bản đề nghị Chánh án tỉnh kiến nghị TANDCC hoặc Chánh án TANDTC xem xét quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm theo Điều 327 BLTTDS năm 2015 hay TANDTC có văn bản giải đáp, hướng dẫn./.

NGUYỄN HỮU GIÁP - VÕ THANH HÀ (TAND tỉnh Đắk Lắk)