Vướng mắc trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án
Cấp, tống đạt văn bản tố tụng là nhiệm vụ thường xuyên của Thư ký Tòa án. Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử, việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng còn gặp nhiều vướng mắc.
Điều 173 Chương X BLTTDS 2015 quy định 5 phương thức cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng, gồm: (1) Phương thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc người thứ ba được ủy quyền; (2) Bằng bằng phương tiện điện tử theo yêu cầu của đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; (3) Niêm yết công khai; (4) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; (5) Phương thức khác theo quy định tại Chương XXXVIII của BLTTDS.
Trong phạm vi bài viết, tác giả xin được trao đổi những vướng mắc trong việc cấp, tống đạt văn bản tố tụng ở một số hình thức cụ thể như sau:
1. Tống đạt văn bản tố tụng thông qua dịch vụ bưu chính và thông qua người thân thích
Trong vụ án có đương sự không hợp tác, cố tình trốn tránh, Tòa án thực hiện việc tống đạt thông qua người thân thích của người được cấp, tống đạt, họ ký nhận văn bản tố tụng nhưng không cam kết giao cho người được cấp, tống đạt thì có được xem xét là tống đạt hợp lệ không. Mặc dù BLTTDS 2015 đã có một chương quy định về các loại văn bản được tống đạt, người thực hiện tống đạt, thủ tục tống đạt… nhưng chưa quy định trường hợp tống đạt qua người khác mà họ không viết cam kết giao lại tận tay cho người được cấp, tống đạt.
Cũng như tống đạt qua người thân thích của người được cấp, tống đạt, việc tống đạt văn bản tố tụng thông qua dịch vụ bưu chính hiện nay cũng không được bảo đảm, khi văn bản tố tụng được giao cho người nhận thì nhân viên bưu chính chưa quan tâm đến đương sự ký nhận hay không, quan hệ như thế nào với người được nhận và việc cam kết giao nhận giữa người trực tiếp nhận văn bản và chủ thể được cấp tống đạt (nếu đương sự là cá nhân). Việc đương sự đã nhận được văn bản nhiều khi tổ chức dịch vụ bưu chính cũng không thông báo lại cho Tòa án, mặc dù khi thực hiện phương thức tống đạt này, Tòa án có yêu cầu thừa phát lại, và cũng có Công văn phối hợp, yêu cầu tổ chức dịch vụ bưu chính phối hợp thực hiện theo đúng quy định.
Về chế định xử lý: Theo quy định tại khoản 4 Điều 172 BLTTDS 2015 thì “nhân viên tổ chức dịch vụ bưu chính” là một trong những người có nghĩa vụ tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho đương sự, nếu không làm đúng trách nhiệm của mình thì tùy vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế quy định này chưa khả thi vì nhân viên bưu chính thường không quan tâm đến người nhận văn bản, cũng như quan hệ của người nhận với người được cấp, tống đạt, thậm chí nhân viên bưu chính chỉ yêu cầu người nhận thay đó ký tên mà không biết cụ thể họ tên của người nhận, dẫn đến chất lượng tống đạt không cao. Ngoài ra, đối với quy định xử lý trách nhiệm của nhân viên bưu chính khi không làm đúng trách nhiệm của mình mang tính hình thức, chưa áp dụng được trên thực tế.
2. Việc cấp tống đạt bằng hình thức thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng
2.1. Quy định về phương thức tống đạt trên “phương tiện thông tin đại chúng” còn quy định chung chung, có sự chồng lấn với quy định về điều kiện áp dụng phương thức “niêm yết công khai”. Cụ thể, theo quy định tại khoản 5 Điều 177 và khoản 2 Điều 178 BLTTDS 2015, người tiến hành tống đạt áp dụng phương thức “niêm yết công khai” khi phát sinh một trong hai trường hợp sau:
(1) Khi người được tống đạt vắng mặt, không rõ thời điểm trở về (có khả năng trở về, chỉ là không rõ thời điểm trở về).
(2) Khi người được tống đạt vắng mặt, không rõ nơi cư trú mới, nghĩa là họ đã thay đổi nơi cư trú (khả năng trở về thấp).
Như vậy người được tống đạt trong trường hợp (2) không thể nhận được thông tin về văn bản tố tụng mà Tòa án niêm yết công khai tại địa chỉ cư trú cũ, đây lại là điều kiện để áp dụng phương thức tống đạt “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” theo quy định tại khoản 1 Điều 180 BLTTDS.
Theo quan điểm tác giả, pháp luật nên có quy định, định lượng hóa điều kiện áp dụng phương thức tống đạt văn bản tố tụng “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng”. Cụ thể là khi người được tống đạt vắng mặt trong một khoảng thời gian nhất định nào đó và không rõ nơi cư trú mới thì Tòa án sẽ áp dụng phương thức tống đạt “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” để tránh sự chồng lấn giữa hai hình thức cấp tống đạt niêm yết công khai và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
2.2. Việc xác định chi phí thực hiện tống đạt theo phương thức “thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng” (chi phí tống đạt) có phải là chi phí tố tụng khác hay không và nghĩa vụ nộp tạm ứng hay chịu chi phí tống đạt này cũng đang gặp nhiều vướng mắc, hiện đang có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất: Chi phí tống đạt này không phải là chi phí tố tụng.
Quan điểm thứ hai: Chi phí tống đạt này là chi phí tố tụng.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Tại Mục 2 Chương IX BLTTDS 2015 không liệt kê ra chi phí tố tụng gồm: chi phí cấp, tống đạt, nhưng về bản chất, chi phí cấp, tống đạt giống như chi phí tố tụng, đều được hiểu là khoản chi phí hợp lý cần phải thanh toán cho bên thứ ba độc lập trong quan hệ tố tụng để Tòa án giải quyết các yêu cầu của đương sự trong vụ án, vụ việc dân sự cụ thể. Mặt khác, cũng tại mục này, quy định chi phí ủy thác ra nước ngoài (bao gồm cả chi phí tống đạt ra nước ngoài) là chi phí tố tụng khác. Từ đó có thể hiểu, chi phí cấp, tống đạt cũng là chi phí tố tụng.
Do đó, thiết nghĩ cần xác định chi phí tống đạt là chi phí tố tụng khác để xác định nghĩa vụ nộp tạm ứng hay chịu chi phí tống đạt được thực hiện theo quy định của BLTTDS và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
3. Việc cấp tống đạt bằng hình thức niêm yết công khai
Vấn đề xác minh nơi cư trú của một cá nhân, cơ quan, tổ chức được cấp, tống đạt, thông báo (viết tắt: là người được cấp, tống đạt, thông báo) trong cùng một vụ án.
Hiện nay có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Chỉ cần xác minh nơi cư trú của người được cấp, tống đạt, thông báo một lần duy nhất (lần đầu tiên) khi thực hiện việc cấp tống đạt, các lần khác chỉ lập biên bản không cấp tống đạt được và thực hiện thủ tục niêm yết công khai.
Quan điểm thứ hai: Phải xác minh lại nơi cư trú của người được cấp tống đạt mỗi khi thực hiện việc niêm yết công khai.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án ban hành nhiều loại văn bản và ở mỗi thời điểm khác nhau, nên cần quy định rõ là trước khi tiến hành thủ tục niêm yết công khai, người người thực hiện việc cấp, tống đạt, thông báo phải tiến hành lập biên bản xác minh để xác minh nơi cư trú của người được cấp, tống đạt, thông báo. Trường hợp nội dung biên bản xác minh đủ điều kiện “người được cấp, tống đạt, thông báo vắng mặt ở nơi cư trú mà không rõ thời điểm trở về hoặc không rõ địa chỉ nơi cư trú mới của họ” thì tiếp tục lập biên bản về việc không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp văn bản tố tụng với lý do như trong biên bản xác minh, sau đó mới tiến hành thủ tục niêm yết công khai văn bản tố tụng.
Trên đây là quan điểm của cá nhân tác giả về vướng mắc trong việc cấp tống đạt văn bản tố tụng, kính mong quý bạn đọc cùng đóng góp ý kiến.
TAND quận Gò Vấp, TP HCM xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Trung Sơn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận