Vướng mắc trong việc đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc
Luật Xử lý vi phạm Hành chính (LXLVPHC) các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/ 2014. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng những quy định này còn có nhiều vướng mắc.
1. Quy định của pháp luật
Luật Xử lý vi phạm Hành chính (LXLVPHC) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 /2013, các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 1/1/ 2014.
Ngày 20/01/2014, UBTVQH đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND.
Nghị định 111/2013/NĐ-CP quy định áp dụng với đối tượng nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cơ trú ổn định, nhưng để xác định tình trạng nghiện ma túy thì bác sỹ, y sỹ bắt buộc có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Song với một số địa phương, nhiều trạm trưởng y tế cơ sở cũng chưa có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý do Sở Y tế cấp theo quy định của Luật Khám chữa bệnh. Mặt khác, theo Luật Phòng chống ma túy (LPCMT) quy định, người được coi là nghiện ma túy thì một trong tiêu chí bắt buộc là phải lệ thuộc vào ma túy, tức là sau 24 tiếng phải xuất hiện hội chứng sau cai nhưng theo Điều 122 LXLVPHC lại quy định không được tạm giữ hành chính với đối tượng liên quan đến ma túy. Tuy nhiên, hiện nay TAND chưa nhận được danh sách các y, bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy thuộc trạm y tế xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên.
Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định việc quyết định đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc do TAND cấp huyện quyết định, nhưng hiện tại các ngành liên quan chưa tổ chức tập huấn và có văn bản hướng dẫn cấp cơ sở thống nhất cách lập hồ sơ, quy trình xét duyệt người nghiện đi cai nghiện bắt buộc dẫn đến sự lúng túng của các địa phương, khi thực hiện quy trình xét duyệt đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc. Bên cạnh đó, quy định quy trình xét duyệt quá dài gây khó khăn trong công tác lập hồ sơ, Nghị định 221/2013/NĐ-CP cũng quy định người bị áp dụng cai nghiện bắt buộc được thông qua việc lập hồ sơ và được đọc, sao chép hồ sơ, đây là quy định không phù hợp với thực tế vì tâm lý người nghiện khi biết bị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc thường có tâm lý trốn tránh các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc khiến công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc theo quy định của LXLVPHC và Nghị định 221/2013/NĐ-CP về việc giao các tổ chức chính trị – xã hội (Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ…) quản lý đối tượng nghiện trong thời gian chờ làm thủ tục hơn 30 ngày để đưa đi cai bắt buộc, trong khi các tổ chức này không có chuyên môn y tế, cơ sở vật chất. Cùng với đó là sự chưa vào cuộc của chính quyền cấp xã trong công tác tổ chức cai nghiện tại cộng đồng và lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện đi cai nghiện bắt buộc.
2. Khó khăn, vướng mắc và kiến nghị
Do đó, việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND mới được bắt đầu thực hiện từ năm 2015. Trong quá trình thực thi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đã bộc lộ một số hạn chế, thiếu sót, chưa phù hợp đáp ứng thực tiễn cần phải có sự tháo gỡ, hướng dẫn của các cơ quan có thẩm quyền hoặc cần có sự sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật sát với thực tiễn đang diễn ra.
Thứ nhất về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại khoản 1 Điều 96 LXLVPHC:“Đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.”
Theo quy định này, chỉ được áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc khi người nghiện thuộc một trong hai trường hợp sau: Trường hợp thứ nhất, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện. Trường hợp thứ hai, người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên mà trước đó chưa bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc lần nào nhưng lại không có nơi cư trú ổn định. Vậy với trường hợp người đã từng bị áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo quy định của LPCMT, những người đã từng bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà vẫn còn nghiện thì xử lý thế nào? Họ có thuộc trường hợp phải tiếp tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc không? Xoay quanh vấn đề này có ý kiến cho rằng, cần đưa những người sau khi đã được cai nghiện tại gia đình, tại cộng đồng mà tái nghiện; người đã từng bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà tái nghiện thì phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 28 LPCMT có quy định: “Người nghiện ma tuý từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”
Thứ hai về việc xác định nơi cư trú
Nguyên nhân của sự thiếu thống nhất về việc xác định nơi cư trú của cá nhân trước hết là do các văn bản quy phạm pháp luật quy định về vấn đề này còn có sự khác nhau một cách cơ bản. Cụ thể đó là, tại Điều 40 của Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015 quy định: “1. Nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. 2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú là nơi người đó đang sinh sống”.
Như vậy, BLDS năm 2015 đã không căn cứ vào tiêu chí về yếu tố quản lý hành chính là nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú khi xác định nơi cư trú của cá nhân. Trong khi đó tại Điều 12 của Luật Cư trú (được ban hành ngày 29/11/2006 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007) lại quy định là:
“1. Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc tạm trú,… Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chổ ở nhất định và đã đăng ký thường trú. Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú.
2. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của công dân theo quy định tại khoản 1 Điều này thì nơi cư trú của công dân là nơi người đó đang sinh sống”.
Như vậy, Luật Cư trú đã dựa vào hai tiêu chí song song đó là nơi thường xuyên sinh sống và nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú để xác định nơi cư trú của công dân. Từ sự khác biệt này nhiều người đã cho rằng quy định của BLDS và Luật Cư trú về việc xác định nơi cư trú là vênh nhau. Vậy, trong thực tiễn áp dụng căn cứ để xác định nơi cư trú để áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên căn cứ vào quy định nào là đúng.
Hơn nữa,tại Điều 9 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Nghị định 221/2013/NĐ-CP) có quy định về hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, như sau:
“1. Đối với người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định:
a) Bản tóm tắt lý lịch;
b) Phiếu trả lời kết quả của người có thẩm quyền quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định này về tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
c) Biên bản về hành vi sử dụng ma túy trái phép;
d) Bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ;
đ) Tài liệu chứng minh đã chấp hành xong Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn bao gồm: Quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy và Giấy chứng nhận đã chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn do nghiện ma túy của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;
e) Giấy xác nhận hết thời gian cai nghiện ma túy tại gia đình hoặc cai nghiện ma túy tại cộng đồng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tài liệu chứng minh bị đưa ra khỏi chương trình điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế;
g) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho gia đình quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc;
h) Văn bản của cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
2. Đối với người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định:
a) Hồ sơ đề nghị quy định tại Điểm a, b, c, d, h Khoản 1 Điều này;
b) Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc giao cho tổ chức xã hội quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.”.
Như vậy, người nghiện ma túy theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 của Điều này là đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Thứ ba về thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 6 Luật XLVPHC: “Thời hiệu áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là 03 tháng, kể từ ngày cá nhân thực hiện lần cuối hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 96 của Luật này.”
Với quy định này, hiện nay có những cách hiểu khác nhau như sau: Cách hiểu thứ nhất, thời hạn là 3 tháng tính đến ngày Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người bị đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, nghĩa là trong phạm vi thời gian luật quy định, các cơ quan có chức năng trong phạm vi thẩm quyền của mình có trách nhiệm thu thập tài liệu, hoàn tất bộ hồ sơ đúng theo quy định tại Điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP để đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cách hiểu thứ hai, việc lập bộ hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc như quy định tại Điều 9 của Nghị định 221/2013/NĐ-CP đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có nhiều thời gian, việc thu thập đầy đủ các loại tài liệu theo quy định thật sự không dễ dàng chút nào, trong khi đó người nghiện luôn có tâm lý né tránh việc phải vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà số người nghiện ma túy ngày một tăng. nên quy định thời gian trên chưa thật sự phù hợp với thực tế, vì vậy, trước mắt cứ đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, rồi sau đó các cơ quan chức năng có trách nhiệm bổ túc hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đúng, đủ theo quy định của pháp luật.
Thực tiễn cho thấy, việc lập hồ sơ đưa các đối tượng theo quy định vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải trải qua nhiều quy trình, cụ thể, đối tượng được yêu cầu test ma túy tại trung tâm y tế dự phòng, nếu dương tính với chất ma túy sẽ được viết tự khai và cán bộ công an lấy lời khai, xác minh nơi cư trú. Sau đó, công an sẽ mời đối tượng để tống đạt quyết định giao cho địa phương. Hết ba tháng giáo dục tại xã phường, nếu không hiệu quả thì trưởng công an xã, phường, sẽ đề nghị chủ tịch UBND xã, phường lập hồ sơ đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc theo Nghị định 221/2013/ NĐ-CP trong thời gian 24 tháng. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có văn bản hướng dẫn đầy đủ, nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều vướng mắc.
Thứ tư, về quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc
Trong trường hợp đối tượng bị Phòng Lao động – Thương binh – Xã hội đề nghị Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nhưng tại phiên họp đối tượng hoặc người nhà đối tượng cung cấp được các tài liệu, chứng cứ chứng minh về việc đối tượng bị đề nghị có nơi cư trú ổn định hoặc đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đang áp dụng biện pháp cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng theo quy định của Luật PCMT thì Tòa án ra quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với đối tượng này. Do các phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đều được mở tại Trung tâm Giáo dục – Lao động và dạy nghề nên Tòa án không thể cấp ngay quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính cho đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ trả tự do cho đối tượng bị đề nghị áp dụng ngay tại phiên họp hay giao trả đối tượng cho Trung tâm Giáo dục – Lao động và dạy nghề tiếp tục quản lý cho đến khi nhận được quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án?
Khoản 1 Điều 24 Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 quy định về việc gửi quyết định của Tòa án: “Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính cho người được quy định tại Điều 107 của Luật xử lý vi phạm hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp”.
Vậy trong thời gian chờ nhận được Quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án, Trung tâm Giáo dục – Lao động và Dạy nghề sẽ căn cứ vào quy định nào để tiếp tục quản lý đối tượng đã được Tòa án tuyên không áp dụng biện pháp xử lý hành chính?
Do đó, để chủ trương đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc của Nhà nước đạt hiệu quả, nên chăng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm nghiên cứu ban hành những quy định có tính thống nhất chung trong việc thực hiện quy trình đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho cấp cơ sở nhưng bảo đảm tính pháp lý, tránh tình trạng dây dưa kéo dài gây tâm lý bất an, lo lắng của người dân do người nghiện lang thang bên ngoài gây mất an ninh trật tự, trong khi đó các cơ quan thực thi pháp luật vẫn loay hoay việc lập hồ sơ đề nghị đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc./.
Cơ sở cai nghiện làm hồ sơ người cai nghiện – Ảnh: Tiengchuong
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận