Vướng mắc trong việc xét kháng cáo quá hạn theo Điều 275 của BLTTDS
Hiện nay, việc xét kháng cáo quá hạn theo quy định tại Điều 275 của BLTTDS còn nhiều vướng mắc, cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn.
1.Tình huống
Ngày 10/8/2021, TAND huyện S, tỉnh N ban hành Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm. Ngày 12/8/2021, Tòa án gửi Quyết định này cho bà Nguyễn Thị A. Tại phiếu báo phát thể hiện bà A nhận được Quyết định vào ngày 16/8/2021, có ký tên. Tuy nhiên, tại biên bản lấy lời khai đối với bà A, bà A trình bày bà nhận được quyết định đình chỉ nêu trên vào 13 giờ ngày 24/8/2021 do bưu điện chuyển đến gắn ở cửa, ngày 28/8/2021 bà làm đơn kháng cáo là trong thời hạn quy định; bà không thừa nhận việc nhận quyết định và ký tên ở phiếu báo phát vào ngày 16/8/2021, chữ ký “A” trên phiếu báo phát không phải của bà, ai ký thì bà không biết nhưng bà không cung cấp được chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình. Còn tại biên bản xác minh tại Bưu điện huyện S thể hiện bà A đã nhận được thư vào ngày 16/8/2021 và ký tên ở phiếu báo phát, phiếu báo phát đã chuyển về cho Tòa án.
2. Vướng mắc của quy định pháp luật
Điều 275 BLTTDS quy định như sau:
Điều 275. Kháng cáo quá hạn và xem xét kháng cáo quá hạn
1. Kháng cáo quá thời hạn quy định tại Điều 273 của Bộ luật này là kháng cáo quá hạn. Sau khi nhận được đơn kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ (nếu có) cho Tòa án cấp phúc thẩm.
2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo quá hạn và tài liệu, chứng cứ kèm theo, Tòa án cấp phúc thẩm thành lập Hội đồng gồm ba Thẩm phán để xem xét kháng cáo quá hạn. Phiên họp xem xét kháng cáo quá hạn phải có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và người kháng cáo quá hạn. Trường hợp người kháng cáo, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.
3. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc kháng cáo quá hạn, ý kiến của người kháng cáo quá hạn, đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng xét kháng cáo quá hạn quyết định theo đa số về việc chấp nhận hoặc không chấp nhận việc kháng cáo quá hạn và phải ghi rõ lý do của việc chấp nhận hoặc không chấp nhận trong quyết định. Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định cho người kháng cáo quá hạn, Tòa án cấp sơ thẩm và Viện kiểm sát cùng cấp; nếu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận việc kháng cáo quá hạn thì Tòa án cấp sơ thẩm phải tiến hành các thủ tục do Bộ luật này quy định.
Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 275 của BLTTDS thì Tòa án huyện S đã lấy lời khai bà A về lý do bà kháng cáo quá hạn, tuy nhiên bà A cho rằng mình nhận Quyết định đình chỉ vào ngày 24/8/2021 nên ngày 28/8/2021 kháng cáo là trong thời hạn pháp luật quy định[1], không phải kháng cáo quá hạn nhưng bà A không tự chứng minh được. Như vậy, việc chứng minh ngày bà nhận được Quyết định đình chỉ có thuộc về trách nhiệm của một mình bà A hay không?
Thứ hai, bà A không thừa nhận có ký tên vào phiếu báo phát ngày 16/8/2021 nhưng Bưu điện huyện S khẳng định đã phát thành công cho bà A và bà A ký nhận trên phiếu báo phát. Như vậy, việc xác định chữ ký này có phải của bà A hay không thuộc về cá nhân, cơ quan, tổ chức nào? Bà A có quyền yêu cầu giám định chữ ký không? Việc bà A chuẩn bị tài liệu, chứng cứ cho yêu cầu của mình được xác định trong thời hạn bao lâu để Tòa án sơ thẩm đưa vào hồ sơ kháng cáo quá hạn gửi cho Tòa án phúc thẩm.
Thứ ba, theo quy định tại khoản 2 Điều 275 của BLTTDS, sau khi nhận được hồ sơ kháng cáo quá hạn do Tòa án sơ thẩm chuyển đến, thì Tòa án phúc thẩm chỉ có 10 ngày để họp xét kháng cáo quá hạn. Như vậy, trong trường hợp này khi thấy chưa có đủ căn cứ vững chắc, Tòa án cấp phúc thẩm có quyền tự mình thu thập thêm tài liệu, chứng cứ không? Ví dụ trưng cầu giám định chữ ký của bà A trên phiếu báo phát, chi phí giám định được giải quyết như thế nào? Nếu kéo dài trên 10 ngày chưa thể mở phiên họp được có trái quy định pháp luật không?
Như vậy, theo quan điểm của tác giả trong tình huống nêu trên để xác định được kháng cáo có quá hạn hay không, cần xác định bà A có ký tên trên phiếu báo phát ngày 16/8/2021 không, việc này cần đến trưng cầu giám định chữ ký. Tuy nhiên, giữa thực tế và quy định pháp luật tại Điều 275 của BLTTDS chưa tương thích, còn nhiều “lỗ hổng” như phân tích nêu trên dẫn đến Tòa án sẽ bị động trong việc xem xét, giải quyết.
3. Kiến nghị
Tác giả kiến nghị bổ sung thêm vào Điều 275 của BLTTDS quy định “Khi Tòa án xét thấy cần thiết hoặc đương sự có yêu cầu, Tòa án có thể thực hiện các biên pháp xác minh, thu thập chứng cứ tại Chương VII Bộ luật này, các nội dung liên quan thực hiện theo quy định pháp luật tương ứng” để Tòa án có thể chủ động hơn trong việc xem xét, giải quyết các vấn đề còn vướng mắc trong khi xét kháng cáo quá hạn.
Qua bài viết này, tác giả rất mong nhận được sự quan tâm trao đổi, góp ý của quý bạn đọc.
[1] Điều 273. Thời hạn kháng cáo
2. Thời hạn kháng cáo đối với quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là 07 ngày, kể từ ngày đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật này.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận