Vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử theo Điều 277 BLTTHS 2015
Thủ tục xét xử sơ thẩm vụ án hình sự được quy định tại Chương XXI của BLTTHS 2015. Điều 277 quy định về thời hạn chuẩn bị xét xử. Trong thực tiễn áp dụng quy định này có những vướng mắc, nhận thức khác nhau.
Điều 277 về thời hạn chuẩn bị xét xử của BLTTHS 2015 so với BLTTHS 2003 (Điều 176) không có gì khác nhau, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn mới về vấn đề này, do đó thực tiễn giải quyết, xét xử hiện vẫn áp dụng Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 của HĐTP TANDTC hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba “Xét xử sơ thẩm” của BLTTHS 2003. Tại tiểu mục 1.2 và 1.3, Mục 1, Chương I của Nghị quyết đã hướng dẫn chi tiết Điều 176 BLTTHS 2003.
Theo hướng dẫn này, trường hợp không phải gia hạn thời hạn, thì thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm kể từ ngày Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà nhận hồ sơ vụ án, tối đa là 45 ngày, 02 tháng, 02 tháng 15 ngày, 03 tháng 15 ngày tương ứng với 04 loại tội phạm ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; trường hợp phải gia hạn thời hạn, thì thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa là 02 tháng, 02 tháng 15 ngày, 03 tháng 15 ngày, 04 tháng 15 ngày tương ứng với 04 loại tội phạm nói trên, và mỗi trường hợp chỉ được gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử là 01 lần. Trường hợp vụ án được trả lại để yêu cầu điều tra bổ sung thì thời hạn chuẩn bị xét xử là 30 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ. Nếu phiên toà không mở được trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử vì có lý do chính đáng, thì thời hạn mở phiên tòa của mỗi trường hợp trên được cộng thêm 15 ngày nữa, tối đa là 02 tháng 15 ngày, 03 tháng, 04 tháng, 05 tháng tương ứng với 04 loại tội phạm.
Tuy nhiên, trường hợp khi nghiên cứu hồ sơ, Tòa án xét thấy vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của mình theo các quy định về thẩm quyền xét xử từ Điều 268 đến Điều 273 BLTTHS 2015, thì Tòa án ra quyết định trả hồ sơ vụ án (kèm theo hồ sơ vụ án) đến Viện kiểm sát (VKS) đã truy tố để VKS chuyển hồ sơ vụ án đến VKS có thẩm quyền truy tố, nhưng nếu VKS đã truy tố không chấp nhận quyết định trả hồ sơ của Tòa án và vẫn giữ nguyên quan điểm về thẩm quyền thì thủ tục tố tụng được tiến hành theo quy định tại các Điều 274 và 275 BLTTHS 2015.
Ví dụ: Ngày 01/10/2019, Tòa án quân sự khu vực X Quân khu Y thụ lý hồ sơ vụ án Nguyễn Văn A bị VKS quân sự khu vực X1 truy tố về tội “Trộm cắp tài sản” (Điều 173 BLHS 2015). Theo Cáo trạng thì hành vi của bị can A phạm vào điểm c khoản 2 Điều 173 BLHS 2015, là tội phạm nghiêm trọng, thời hạn chuẩn bị xét xử ban đầu là 02 tháng. Qua nghiên cứu hồ sơ Tòa án X nhận thấy tài sản mà bị can A chiếm đoạt thuộc quyền sở hữu của Bộ CHQS tỉnh M, tuy nhiên tại thời điểm xảy ra tội phạm thì tài sản đó đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ H – là công ty dân sự, công ty H thuê tài sản của Bộ CHQS tỉnh M để làm việc (theo Hợp đồng số 01/2019/HĐ ngày 01/01/2019 giữa Bộ CHQS tỉnh M và Công ty H), chủ thể bị thiệt hại trực tiếp đồng thời là bị hại trong vụ án được xác định là Công ty H, nên vụ án không thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự X theo quy định tại Điều 272 BLTTHS 2015 mà thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án nhân dân.
Vì lý do trên, ngày 01/11/2019, Tòa án X ra quyết định trả hồ sơ vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát X1. Tuy nhiên, ngày 05/11/2019, Viện kiểm sát X1 chuyển lại hồ sơ vụ án cho Tòa án X kèm theo Công văn với nội dung: Tài sản bị xâm phạm thuộc quyền sở hữu của chủ sở hữu là Bộ CHQS tỉnh M, Công ty H chỉ có quyền quản lý, sử dụng tài sản chứ không có quyền sở hữu, quyền định đoạt tài sản đó, nên bị hại trong vụ án phải là Bộ CHQS tỉnh M, vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo Điều 272 BLTTHS 2015; đồng thời địa điểm nơi xảy ra tội phạm là Khu công nghiệp huyện N – nơi có tài sản bị trộm cắp, thuộc thẩm quyền về lãnh thổ của Tòa án X, nên Tòa án X phải là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ án này. Vậy, trường hợp này nếu sau khi Tòa án X thụ lý lại vụ án lần thứ 02 thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính như thế nào? Về vấn đề này hiện nay chưa có quy định hướng dẫn cụ thể, tuy nhiên có 02 quan điểm như sau:
– Quan điểm thứ nhất: Trường hợp này tương tự trường hợp Tòa án trả hồ sơ vụ án cho VKS để yêu cầu điều tra bổ sung, do đó thời hạn chuẩn bị xét xử của Tòa án khi thụ lý vụ án lần 2 là 30 ngày.
– Quan điểm thứ hai: Tòa án X đã giải quyết vụ án với Quyết định trả hồ sơ vụ án ngày 01/11/2019, do đó khi Tòa án X nhận lại hồ sơ và thụ lý lại vụ án lần 02 thì vụ án này được xem là một vụ án mới, do đó thời hạn chuẩn bị xét xử của lần thụ lý 2 vẫn là 02 tháng (đối với tội phạm nghiêm trọng) như lần thụ lý 1.
Tác giả bài viết đồng tình với quan điểm thứ hai. Trên đây là một số vướng mắc về thời hạn chuẩn bị xét xử, rất mong các đồng nghiệp và bạn đọc đóng góp ý kiến trao đổi thêm.
TAND thành phố Kon Tum mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự – Ảnh: Đức Nhuận/ Báo KT
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận