Xác định tư cách tham gia tố tụng đối với Lê Quang Đô, Đinh Thị Lan và ba người có nhu cầu xin học thế nào?
Trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự về nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu nhất là tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, để xác định đâu là Người bị hại và đâu là Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án trong nhiều trường hợp gặp không ít khó khăn, phức tạp và còn có những quan điểm khác nhau trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của hai loại người này. Sau đây, chúng tôi xin phép được nêu ra một vụ án, cụ thể:
NỘI DUNG VỤ ÁN
Tháng 8/2015, Nguyễn Chí Công được cử đi hoàn thiện Đại học tại lớp 9B, Hệ Đại học trường Đại học CS. Trong quá trình học tập Công thường xin nghỉ thứ bảy, chủ nhật về chơi với ông Ngô Sơn Hà là anh ruột, mẹ Công. Trong các lần về quê, Công gặp ông Lê Quang Đô và trở thành thân quen, ông Đô mời Công về nhà mình chơi.
Sau đó, trong một lần về chơi, ông Đô nói chuyện và nhờ Công xin hộ mấy đứa cháu vào học Trung cấp Cảnh sát 1. Qua xem trên mạng, Công biết năm 2013 trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) tuyển sinh đào tạo trung cấp Phòng cháy Chữa cháy hệ ngoài ngành Công an, thông báo công khai trên Website của trường (đhpccc.edu.com), đối tượng là học sinh đã tốt nghiệp phổ thông trung học, trung học bổ túc v.v. Công gọi điện thoại cho ông Đô nói trường Cảnh sát trên Hà Nội sắp tuyển sinh để cháu xin cho, một suất vào Trung cấp Cảnh sát là 180 triệu đồng. Ông Đô nhất trí.
Khoảng tháng 3 năm 2016, Công về nhà ông Đô nhận 3 bộ hồ sơ của Trịnh Văn Sĩ, Nguyễn Tiến Hà, Giang Tiến Thu nhưng chưa có tiền. Ba bộ hồ sơ trên do Đinh Thị Lan qua các mối quan hệ quen biết đã nhận và giao cho ông Đô từ trước. Sau khi nhận được hồ sơ nhưng chưa có tiền, Công nói với ông Đô chưa có tiền thì phải đưa trước 1/3 để mua hồ sơ (đưa trước 60 triệu đồng/01 hồ sơ). Sau đó một tuần, ông Đô giao cho Công 100 triệu đồng là tiền Lan đưa trước đó cho ông Đô xin học cho các trường hợp trên. Giao tiền xong, ông Đô cùng Công đi sang nhà Lan. Từ đó, Công trực tiếp trao đổi với Lan. Công nói xin vào Trung cấp Cảnh sát 1 hết 180 triệu đồng và phải đưa trước 1/3 (60 triệu đồng/01 bộ hồ sơ) để mua hồ sơ. Lan nhất trí và đưa thêm cho Công 80 triệu đồng cộng với 100 triệu đồng ông Đô đưa cho Công, Công viết giấy nhận 180 triệu đồng của Lan.
Những ngày sau đó L liên tục gọi điện thúc giục Công về việc xin học. Công đã tự nghĩ ra mẫu đơn xin học, giấy cam kết của gia đình học sinh, nơi gửi là Ban giám hiệu trường Cảnh sát nhân dân, Ban lãnh đạo các cấp rồi đưa và Hướng dẫn để Lan bảo các gia đình viết. Ngày 21/9/2016 Lan gửi 360 triệu đồng vào số tài khoản của Công. Ngày 16/10/2016 trường Đại học PCCC có giấy báo nhập học của Nguyễn Tiến Hà, Giang Tiến Thu, Trịnh Văn Sĩ vào khóa KS11 Trung cấp PCCC hệ ngoài ngành Công an. Sau khi nhận được thông báo kết quả trúng tuyển các gia đình làm đơn tố cáo Nguyễn Chí Công về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
QUAN ĐIỂM KHÁC NHAU
Qua vụ án này về tội danh thì không có tranh luận gì. Bởi hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Chí Công đã rõ, việc truy tố xét xử bị cáo Nguyễn Chí Công về tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 139 BLHS năm 1999 ( thuộc điểm a khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015) là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên đối với vụ án này trong quá trình nghiên cứu giải quyết vấn đề xác định tư cách đương sự đối với Lê Quang Đô, Đinh Thị Lan và ba người có nhu cầu xin học hiện vẫn có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi xét xử Tòa án phải xác định ba người đã nộp hồ sơ xin học và nộp tiền là những người bị hại. Còn Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và buộc bị cáo hoàn trả số tiền 540.000.000 đồng đã nhận của 03 người có nhu cầu xin học đã nộp tiền cho Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan.
Quan điểm thứ hai cho rằng, Tòa án phải xác định Đinh Thị Lan là người bị hại, còn ba người có nhu cầu xin học và Lê Quang Đô là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Vì ba người có nhu cầu xin học không trực tiếp đưa tiền cho bị cáo, những người xin việc không có quan hệ gì với bị cáo, không giao tiền cho bị cáo nên bị cáo không có trách nhiệm gì với họ. Họ trực tiếp đưa tiền cho Đinh Thị Lan và lần 1 Đinh Thị Lan thông qua Lê Quang Đô đưa cho bị cáo 100 triệu, còn các lần sau việc giao dịch diễn ra trực tiếp giữa bị cáo Nguyễn Chí Công với người bị hại. Nên nếu Đinh Thị Lan không xin được học cho ba người có nhu cầu xin đi học thì Đinh Thị Lan phải có trách nhiệm bồi thường cho họ, chứ không phải bị cáo. Bị cáo chỉ có trách nhiệm bồi thường cho Đinh Thị Lan.
Quan điểm thứ ba lại cho rằng, Tòa phải xác định Đinh Thị Lan là người bị hại, và ba người có nhu cầu xin học là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; còn Lê Quang Đô trong vụ án này chỉ tham gia tư cách tố tụng là Người làm chứng.
Qua nội dung của vụ án, quan điểm của chúng tôi cho rằng: Để xác định đúng tư cách tham gia tố tụng, chúng ta cần tìm hiểu những nội dung thuộc về bản chất. Điều 51 BLTTHS quy định: “Người bị hại là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do phạm tội gây ra.”
Người bị hại trong vụ án hình sự phải là con người cụ thể bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại về thể chất, tinh thần, tài sản. Thể chất, tinh thần, tài sản của họ phải là đối tượng của tội phạm. Thông qua việc tác động tới những đối tượng đó để xâm hại đến khách thể của tội phạm. Thiệt hại xảy ra là biểu hiện về mặt khách quan của tội phạm, phù hợp với mục đích của người phạm tội.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thì mặc dù Bộ luật tố tụng hình sự năm 1999 (được sửa đổi bổ sung năm 2009) không đưa ra khái niệm như thế nào là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mà chỉ đưa ra các quyền và nghĩa vụ cụ thể, tuy nhiên, đến BLHS năm 2015 (có hiệu lực thi hành 01/01/2018) đã quy định tại khoản 1 Điều 65, cụ thể như sau: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.”. Vì vậy, có thể hiểu: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến những quyết định của Tòa án. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án là người không tham gia thực hiện tội phạm hoặc có tham gia, nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và Tòa án phải xử lý quyền lợi, tài sản của họ vì liên quan đến tội phạm. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án thường là: người là chủ tài sản, nhưng tài sản đó lại có trong tay người phạm tội; người được người phạm tội cho tài sản, mà tài sản đó có được do hoạt động phạm tội.
Họ có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức. Nếu là cá nhân thì so với người bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án cũng là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do hành vi của người phạm tội gây ra, song chúng không phải là đối tượng của tội phạm và thiệt hại xảy ra không phù hợp với mục đích của người phạm tội, nhưng việc giải quyết vụ án đã ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Căn cứ vào mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại với hành vi mà người phạm tội đã thực hiện. Nếu thiệt hại là kết quả trực tiếp của hành vi phạm tội phù hợp với mục đích của người phạm tội thì người bị thiệt hại được xác định là người bị hại. Còn người làm chứng là người nào biết được những tình tiết của vụ án thì đều có thể xác định là người làm chứng, họ tham gia tư cách tố tụng để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Vì vậy, theo quan điểm của chúng tôi trong trường hợp này Tòa án phải xác định Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, còn ba người đã nộp hồ sơ xin học là Nguyễn Tiến Hà, Giang Tiến Thu, Trịnh Văn Sĩ phải được xác định là người bị hại mới đúng pháp luật. Bởi mục đích chiếm đoạt của bị cáo là nhằm vào người có nhu cầu đi học; Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan chỉ là người trung gian giao dịch. Số tiền mà bị cáo chiếm đoạt là tiền của những người có nhu cầu xin học. Không thể vì Đinh Thị Lan đã bỏ tiền ra đối với mỗi trường hợp là 180 triệu, mặc dù có thể Đinh Thị Lan chưa nhận được tiền của những người có nhu cầu xin học mà việc chuyển tiền cho Lê Quang Đô và Nguyễn Chí Công là tiền của Đinh Thị Lan thì cũng không thể xác định Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan là người bị hại trong vụ án được.
Mặt khác tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là tội có cấu thành vật chất, tội phạm hoàn thành khi người thực hiện hành vi phạm tội chiếm đoạt được tài sản của người bị hại. Như vậy, trong trường hợp này, để đạt được mục đích, bị cáo đã sử dụng Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan như là một công cụ để tác động; thông qua Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan để chiếm đoạt tài sản của những người xin học. Vì vậy phải xác định ba người có nhu cầu xin học Nguyễn Tiến Hà, Giang Tiến Thu, Trịnh Văn Sĩ là người bị hại; còn Lê Quang Đô và Đinh Thị Lan là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án mới đúng pháp luật.
Qua nội dung việc xác định tư cách tham gia tố tụng trong vụ án này, chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất với những căn cứ lập lập như trên xin được trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc. Rất mong nhận được sự tranh luận của đồng nghiệp và quý bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận