Xác định ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết
Theo quy định tại khoản 4 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 thì việc tuyên bố một người là đã chết là việc dân sự và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân . Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng pháp luật để xác định ngày chết của một người bị tuyên bố là đã chết chưa có sự thống nhất.
Quy định của pháp luật
Thủ tục tuyên bố một người là đã chết được quy định tại Chương 27 BLTTDS 2015 gồm 3 điều (từ Điều 391 đến Điều 393).
Điều 391 BLTTDS 2015 quy định về quyền yêu cầu tuyên bố một người là đã chết. Theo đó, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật Dân sự; kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết thuộc trường hợp theo quy định của Bộ luật Dân sự (BLDS).
Điều 393 BLTTDS quy định về quyết định tuyên bố một người đã chết như sau: “Trường hợp chấp nhận đơn yêu cầu thì Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết; trong quyết định này, Tòa án phải xác định ngày chết của người đó và hậu quả pháp lý của việc tuyên bố một người là đã chết theo quy định của Bộ luật dân sự.”
Điều 71 BLDS 2015 quy định:
“1. Người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:
a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;
c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này.
Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết.
Quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người bị tuyên bố là đã chết để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch.”
Khi quyết định của Tòa án tuyên bố một người là đã chết có hiệu lực pháp luật thì quan hệ về hôn nhân, gia đình và các quan hệ nhân thân khác của người đó được giải quyết như đối với người đã chết; quan hệ tài sản của người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được giải quyết như đối với người đã chết; tài sản của người đó được giải quyết theo quy định của pháp luật về thừa kế[1].
Khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 quy định các trường hợp người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết. Điều đó có nghĩa là nếu yêu cầu đáp ứng đủ các điều kiện của một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 nêu trên thì Tòa án phải thụ lý đơn yêu cầu.
Còn nhận thức khác nhau
Tuy nhiên trong thực tiễn xét xử, việc áp dụng pháp luật để xác định ngày chết của một người bị tuyên bố là đã chết chưa có sự thống nhất. Mặc dù việc xác định ngày chết của một người có ý nghĩa quan trọng nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. Vì vậy, hiện có những quan điểm khác nhau về vấn đề này:
– Quan điểm thứ nhất cho rằng[2]: Việc một người bị Tòa án tuyên bố là đã chết được hiểu là “chết về mặt pháp lý”, không phải là “chết về mặt sinh học”. Do vậy, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định thì mới được xác định là đã chết; thời điểm chết phải được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để được tuyên bố là đã chết.
– Quan điểm thứ hai cho rằng, tùy trường hợp cụ thể mà Tòa án xác định ngày chết: Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 thì ngày chết là ngày có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án đối với người đó có hiệu lực pháp luật; trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 thì ngày chết là ngày kết thúc chiến tranh; trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 thì ngày chết là ngày chấm dứt tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai; trường hợp tại quy định điểm d khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 thì ngày chết là ngày người đó biệt tích.
– Quan điểm thứ ba cho rằng, ngày chết của một người bị tuyên bố là đã chết phải chính là ngày mà quyết định tuyên bố một người đã chết của Tòa án có hiệu lực pháp luật[3].
Tác giả bài viết này hoàn toàn đồng tình với quan điểm thứ nhất; không đồng tình với quan điểm thứ hai và quan điểm thứ ba, bởi các lẽ sau:
– “Con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội”. Việc xác định ngày chết của một người không chỉ ảnh hưởng mang tính chất quyết định đối với các quyền, lợi ích của người đó mà còn ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người khác. Do đó, chỉ khi có đầy đủ các điều kiện do pháp luật quy định cho từng trường hợp tại khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 thì mới được xác định là đã chết; thời điểm chết phải được xác định là thời điểm ngay sau khi có đầy đủ các điều kiện để tuyên bố là đã chết như quan điểm thứ nhất là đúng.
– Khoản 2 Điều 71 BLDS 2015 quy định: “Căn cứ vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết”.
Như vậy, ngày chết của người bị yêu cầu tuyên bố là đã chết phải được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn của từng trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 71 BLDS, cụ thể như sau:
+ Đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 – trường hợp đã có quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
+ Đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 – trường hợp biệt tích trong chiến tranh thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 05 năm kể từ ngày chiến tranh kết thúc.
+ Đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 – trường hợp bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt.
+ Đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 Điều 71 BLDS 2015 – trường hợp biệt tích thì ngày chết được xác định là ngày đầu tiên kế tiếp ngày kết thúc thời hạn 05 năm kể từ ngày xác định biệt tích.
Việc xác định ngày chết của một người bị tuyên bố là đã chết còn có những quan điểm khác nhau như trên, Vì vậy, để bảo đảm việc thống nhất áp dụng pháp luật rất cần có hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề này.
[1] Xem Điều 72 Bộ luật Dân sự 2015.
[2] Hoàng Yến, Thủ tục tuyên bố chết: Rối chuyện xác định ngày chết, Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh (ý kiến của Thẩm phán Trương Công Huấn, TAND Quân 11 Thành phố Hồ Chí Minh); link: http://plo.vn/thoi-su/thu-tuc-tuyen-bo-chet-roi-chuyen-xac-dinh-ngay-chet-346763.html
[3] Phương Loan, Sửa quyết định vì xác định sai ngày chết, Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh, Link: http://plo.vn/plo/sua-quyet-dinh-vi-xac-dinh-sai-ngay-chet-72078.html
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận