Xác định người đại diện theo ủy quyền trong vụ án dân sự có xem xét việc hủy quyết định cá biệt
Trong vụ án dân sự mà có yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự thì việc xác định người đại diện theo ủy quyền có được áp dụng theo nội dung quy định của luật tố tụng hành chính hay không?
BLTTDS 2015 đã kế thừa quy định của BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2011) về nội dung khi giải quyết vụ việc dân sự Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự. Theo đó về thẩm quyền của cấp Tòa án được quy định tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 đã dẫn chiếu đến các quy định của LTTHC 2015: “Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.
Quy định trên là rất rõ ràng về việc xác định thẩm quyền cấp tòa án; vấn đề đặt ra là việc ủy quyền của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền ban hành quyết định cá biệt bị xem xét việc hủy trong vụ việc dân sự có được thực hiện theo luật tố tụng hành chính hay không, bởi một trong những điểm mới quan trọng của LTTHC 2015 là quy định về chủ thể đại diện theo ủy quyền là: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng hành chính phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được đương sự hoặc người đại diện theo pháp luật của đương sự ủy quyền bằng văn bản.
Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia tố tụng hành chính thì các thành viên có thể ủy quyền cho một thành viên hoặc người khác làm đại diện tham gia tố tụng hành chính.
Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Như vậy, khi giải quyết khiếu kiện về quyết định hành chính, hành vi hành chính trong vụ án hành chính đối với người bị kiện là cơ quan tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình.
VD: Anh A khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy quyết định thu hồi đất của UBND huyện X. Khi giải quyết vụ án hành chính, Tòa án xác định người bị kiện là UBND huyện X và Chủ tịch UBND huyện X phải tham gia tố tụng, trong trường hợp vì lý do công việc bận rộn hoặc lý do khác không thể tham gia được thì chủ tịch UBND huyện X chỉ có thể ủy quyền lại cho Phó chủ tịch UBND huyện X mà không được ủy quyền lại cho trưởng phòng hay cán bộ, công chức như trước đây nữa để tham gia tố tụng; quy định này sẽ giúp cho việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa được hiệu quả, góp phần đảm bảo việc giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện và đúng thời hạn luật định.
Quy định trên được áp dụng trong việc giải quyết vụ án hành chính. Tuy nhiên, trong vụ án dân sự mà có yêu cầu hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự thì quy định trên có được áp dụng không? Để làm rõ vấn đề này, tác giả xin đưa ra vụ án sau đây:
Theo đơn khởi kiện đề ngày 06/4/2016 và quá trình tố tụng nguyên đơn chị Nguyễn Thị L khởi kiện đối với bị đơn anh Phạm Đình M trong vụ án tranh chấp hôn nhân và gia đình, chị L xin được ly hôn với anh M về tài sản chung chị trình bày:
Quá trình chung sống vợ chồng chị có mua được mảnh đất tại số 46 phố X, thành phố B, thửa đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên chủ sử dụng là cá nhân anh Phạm Đình M. Chị L đề nghị Tòa án xác định đây là tài sản chung của vợ chồng để chia theo luật định và đề nghị Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên anh Phạm Đình M. Quá trình giải quyết vụ án, xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính và khi nhận được yêu cầu của chị L, Tòa án đã đưa UBND huyện Y tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Ngày 4/6/2016, Chủ tịch UBND huyện Y có ủy quyền cho Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Y tham gia tố tụng. Ngày 2/7/2016, Tòa án có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Y có nội dung không chấp nhận giấy ủy quyền ngày 4/6/2016 và đề nghị Chủ tịch UBND huyện Y hủy giấy ủy quyền trên để làm lại giấy ủy quyền cho Phó chủ tịch UBND huyện Y theo đúng nội dung điều luật tại (khoản 3 Điều 60 LTTHC năm 2015).
Hiện nay, có hai quan điểm khác nhau về cách giải quyết nêu trên của Tòa án:
Quan điểm thứ nhất: Việc Tòa án không chấp nhận giấy ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Y ủy quyền tham gia tố tụng cho Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Y là chính xác bởi: Việc yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng là yêu cầu hủy quyết định hành chính vì vậy trình tự thủ tục về người được ủy quyền cũng phải tuân theo quy định tại Luật Tố tụng hành chính, minh chứng cho điều này là khi xác định thẩm quyền của tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt được xác định tương ứng theo luật tố tụng hành chính về thẩm quyền (khoản 4 Điều 34 BLTDS 2015).
Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả): Việc Tòa án không chấp nhận giấy ủy quyền của Chủ tịch UBND huyện Y ủy quyền tham gia tố tụng cho Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Y là không chính xác, bởi lẽ: Bản chất đây là vụ án dân sự đan xen trong đó có yêu cầu hủy quyết định hành chính, yêu cầu này phụ thuộc vào việc giải quyết vụ án dân sự, việc giải quyết yêu cầu này sẽ giúp vụ án dân sự được giải quyết chính xác và triệt để hơn chính vì vậy pháp luật cần áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án chính là pháp luật tố tụng dân sự.
Điều 3 BLTTDS quy định “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này” như vậy thủ tục giải quyết vụ án dân sự phải tuân theo các quy định của BLTTDS; chỉ khi nào BLTTDS có quy định viện dẫn áp dụng pháp luật tố tụng khác thì mới được áp dụng (VD: khoản 4 Điều 34 BLTTDS quy định việc xác định thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự trong trường hợp vụ việc dân sự có xem xét đến việc hủy quyết định cá biệt thì được xác định theo quy định tương ứng của luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh; khoản 4 Điều 34 BLTTDS 2015 quy định rất rõ chỉ áp dụng đối với quy định về xác định thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh theo Luật Tố tụng hành chính, còn lại các nội dung khác phải tuân theo BLTTDS).
Mặt khác, Điều 87 BLTTDS 2015 quy định: “1. Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
a) Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;
b) Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.
2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng được áp dụng đối với trường hợp đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự.
3. Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật”. Như vậy, pháp luật tố tụng dân sự không hề buộc cơ quan tổ chức có quyết định bị xem xét hủy tham gia quá trình giải quyết vụ án dân sự phải ủy quyền lại cho cấp phó nên việc Chủ tịch UBND huyện Y ủy quyền lại cho Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện Y là hoàn toàn hợp pháp.
Về nội dung này, tại mục 3 Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của TANDTC về giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có đề cập, giải đáp như sau: “3. Trường hợp khi giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án có xem xét hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định cá biệt đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì người đại diện theo ủy quyền của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có bắt buộc phải là cấp phó của họ theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật tố tụng hành chính năm 2015 hay không?
Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 quy định: “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện”. Như vậy, quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 chỉ áp dụng đối với trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong vụ án hành chính.
Theo quy định tại Điều 3 BLTTDS năm 2015 thì: “Mọi hoạt động tố tụng dân sự của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tuân theo các quy định của Bộ luật này”. Do vậy, khi giải quyết vụ án dân sự mà Tòa án có xem xét hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTDS năm 2015 và phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức đã ban hành quyết định cá biệt đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì việc xác định người đại diện theo ủy quyền của họ được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 85 BLTTDS năm 2015: “Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”. Tuy nhiên, vì liên quan đến việc xem xét hủy hay không hủy quyết định hành chính cá biệt nên Tòa án cần có ý kiến để cơ quan đã ban hành quyết định cá biệt đó ủy quyền cho người có đủ năng lực và chuyên môn tham gia tố tụng”. Nội dung công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC cũng thể hiện sự độc lập trong quy định giữa 02 đạo luật là Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và BLTTDS 2015, tuy nhiên văn bản này chỉ là văn bản hướng dẫn nội bộ của hệ thống Tòa án, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Do đó trong thời gian tới, để đảm bảo tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, cần thiết luật hóa nội dung trên vào văn bản hướng dẫn thi hành về Điều 34 BLTTDS 2015.
Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được sự trao đổi của quý bạn đọc và đồng nghiệp.
TAND tp Lạng Sơn xét xử vụ án dân sự - Ảnh: Hữu Xuân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận