Xác định quyền thừa kế thế vị của chị D (hàng thừa kế thứ ba) đối với tài sản của cố L

Vợ chồng cố L và cố T (đều chết từ lâu) có các con là cụ P, cụ Đ, cụ X, cụ H. Cụ Đ mất năm 1952, có một người con là ông Đ1. Ông Đ1 chết năm 1966, có một người con là chị D. Chị D có được xác định là hàng thừa kế thứ ba của cố L hay không?

1. Nội dung vụ án

Vợ chồng cố L và cố T (đều chết từ lâu) có các con là cụ P, cụ Đ, cụ X, cụ H và 4 người con khác (đều chết từ nhỏ). Cụ Đ mất năm 1952, có 1 người con là ông Đ1. Ông Đ1 chết năm 1966, có 1 người con là chị D.

Tại 3 Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (với tổng diện tích 6.293m2) cùng ngày 07/4/2003 của cụ H, Ủy ban nhân dân xã xác nhận nguồn gốc đất do ông bà để lại cho cụ X trước năm 1975, cụ X chết để lại đất cho em ruột là cụ H sử dụng. Ủy ban nhân dân xã và Ủy ban nhân dân huyện đều có văn bản xác định nguồn gốc đất của vợ chồng cố L để lại cho các con là cụ Đ, cụ X, cụ H canh tác, sử dụng; cụ Đ mất năm 1952, có con duy nhất là ông Đ1 tiếp tục cùng cụ H, cụ X canh tác đất; năm 1966, ông Đ1 chết thì cụ X, cụ H tiếp tục canh tác và nuôi dưỡng chị D (con duy nhất của ông Đ1).

Chị D xác định khi chị lập gia đình vào năm 1980, cụ X cụ H cho chị cất nhà ở trên phần đất vườn (chị D đang ở hiện nay) để canh tác phần đất 5 ha, phần đất ruộng 5 ha (gồm 5 thửa) và 2 mảnh vườn. Cụ H xác định cụ X khi còn sống có cho chị D một phần đất để cất nhà ở.

 Bà D1 (con duy nhất của cụ X, hiện định cư tại Hà Lan) cho rằng sau khi cụ X chết thì chị D quay về trao đổi với bà D1 về việc xin làm lại 3 đám ruộng trước đó cụ X cho mượn để làm.

Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn ngày 25/3/1993 giữa anh H1 với chị D thì chị D được sở hữu căn nhà lá (làm năm 1980), 20 giạ lúa và 4 con bò. Năm 2004 căn nhà bị sập nên chị D xây căn nhà mới trên thửa đất số 82.

Năm 1999, Ủy ban nhân dân huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 46.293m2 cho cụ X (sau này cấp cho cụ H vào năm 2003), trong đó có diện tích đất mà chị D đã cất nhà, canh tác. Ngày 02/4/2010 cụ H (82 tuổi, không có chồng, con) lập Di chúc (tại Phòng Công chứng) với nội dung để lại toàn bộ diện tích đất 26.981m2 (trong đó có thửa đất 82 chị D đang ở) cho ông S bà K, nhân chứng (ông A - Luật sư) đã đọc lại Di chúc này cho cụ H nghe rõ, cụ H đồng ý toàn bộ nội dung Di chúc, đồng ý lăn tay, ký tên. Theo Giấy khám sức khoẻ ngày 02/10/2010, Bệnh viện đa khoa tỉnh kết luận cụ H nghe kém 2 tai. Tại Biên bản làm việc ngày 13/8/2008, bà D1 xác định cụ H đã lớn tuổi, không còn khả năng nghe để có ý kiến. Ngày 17/10/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho ông S, bà K. Do đó, ông S bà K khởi kiện yêu cầu chị D tháo dỡ công trình trên diện tích đất 1.127m2 thuộc thửa đất số 82 để trả lại diện tích đất trên cho ông bà. Chị D có đơn phản tố yêu cầu Tòa án buộc ông S bà K trả lại diện tích đất 26.981m2; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp ngày 17/10/2014 cho ông S bà K; hủy di chúc của cụ H. Đồng thời, năm 2012 chị D cũng có đơn khởi kiện tranh chấp diện tích đất trên với cụ H và được Tòa án thụ lý ngày 17/02/2012.

2. Quá trình giải quyết vụ án

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 22/2019/DSST ngày 27/12/2019 Tòa án nhân dân tỉnh M đã quyết định (tóm tắt):

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông S bà K, công nhận chị D được quyền sử dụng diện tích đất 1.127m2; hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2014 cho ông S bà K. Chị D được quyền  liên hệ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất trên. Buộc chị D thanh toán cho ông S bà K số tiền 5.166.800.000đ (giá trị quyền sử dụng đất).

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị D.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà K có đơn kháng cáo. Tại phiên tòa phúc thẩm bà K rút đơn kháng cáo, đồng ý cho chị D trả lại cho bà 50% giá trị quyền sử dụng đất theo giá các bên đã thỏa thuận.

Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 697/2020/DSPT ngày 22/02/2020 Tòa án nhân dân cấp cao quyết định: Sửa một phần bản án sơ thẩm về phần buộc chị D  thanh toán cho ông S bà K số tiền 1.044.000.000đ.

3. Quan điểm đối với vụ án

Theo tài liệu về 3 Đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất và văn bản của Ủy ban nhân dân xã , Ủy ban nhân dân huyện, có căn cứ để xác định diện tích 46.293m2 đất có nguồn gốc của vợ chồng cố L để lại cho các con canh tác, sử dụng. Cụ H cũng xác định cụ X khi còn sống có cho chị D một phần đất để cất nhà ở và bà D1 (con cụ X) cũng xác định việc chị D trao đổi với bà về việc xin làm lại 3 đám ruộng trước đó cụ X cho mượn để làm. Vậy, có căn cứ để xác định các thừa kế của vợ chồng cố L là cụ X, cụ H và chị D1 (thuộc hàng thừa kế thứ ba của vợ chồng cố L, được thừa kế chuyển tiếp từ ông D, cụ Đ) đã phân chia đất cho chị D cất nhà ở và canh tác. Mặt khác, theo Quyết định công nhận thuận tình ly hôn ngày 25/3/1993 chị D được sở hữu căn nhà lá (làm năm 1980), 20 giạ lúa và 4 con bò. Theo Điều 17 Luật Đất đai năm 1987 thì chị D được quyền sử dụng đất có căn nhà nêu trên.

Căn nhà lá mà chị D xây năm 1980 đã bị sập vào năm 2004 và chị D đã xây mới trên thửa đất số 82. Tuy nhiên, năm 1999, Ủy ban nhân dân huyện lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ diện tích 46.293m2 cho cụ X (sau này cấp cho cụ H vào năm 2003), trong đó có diện tích đất mà chị D đã cất nhà, canh tác và ở ổn định từ năm 1980 là không đúng quy định của pháp luật về đất đai. Toà án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định diện tích 46.293m2 đất có nguồn gốc của vợ chồng cố L, nhưng cho rằng chị D không phải hàng thừa kế thứ nhất, không thuộc diện thừa kế thế vị của vợ chồng cố L nên không có quyền tranh chấp tài sản nêu trên; cụ X, cụ H đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp theo Luật Đất đai năm 1993 là không đúng và không đảm bảo quyền lợi của chị D.

Theo Giấy khám sức khoẻ ngày 02/10/2010 và ý kiến của bà D1, có cơ sở xác định thời điểm lập Di chúc 02/4/2010 ngày cụ H không còn minh mẫn, sáng suốt. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chưa xem xét, đánh giá nguồn gốc, quá trình sử dụng đất của các bên, tính hợp pháp của Di chúc nêu trên, nhưng lại xác định Di chúc hợp pháp là chưa đủ căn cứ. Mặt khác, chị D đã khởi kiện tranh chấp toàn bộ đất nêu trên với cụ H và được Toà án thụ lý ngày 17/02/2012 nhưng ngày 17/10/2014, Sở Tài nguyên và Môi trường lại cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tải sản khác gắn liền với đất cho ông S bà K trong khi đất đang có tranh chấp là không đúng với quy định tại Điều 188 Luật Đất đai năm 2013. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông S bà K, không chấp nhận yêu cầu phản tố của chị D; buộc chị D phải thanh toán % giá trị quyền sử dụng thửa đất số 82 cho ông S bà K để được tiếp tục sử dụng 1.127m2 đất tại thửa đất số 82 là không có căn cứ và không bảo đảm quyền lợi cho chị D.

Trên đây là quan điểm của tác giả đối với vụ án, rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

 

Một góc Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: Thái Vũ

Luật gia CHU MINH ĐỨC