Xét xử trực tuyến trong công cuộc cải cách tư pháp ở nước ta
Bước đầu triển khai xét xử trực tuyến đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng qua thực tiễn có thể thấy vẫn có những vấn đề cần phải có hướng dẫn và hoàn thiện cho đầy đủ các quy định của pháp luật.
1. Đặt vấn đề
Xét xử trực tuyến đang là hình thức xét xử được triển khai ở nhiều nước trên thế giới vì tính ứng dụng và hiệu quả của nó đặc biệt trong thời gian dịch bệnh phải cách ly ở nhiều nơi. Tại Tòa án nhân dân cấp cao (TANDCC) tại Đà Nẵng, sau khi triển khai mô hình xét xử trực tuyến từ đầu tháng 8 năm 2022 cho đến nay đã thực hiện được trên 100 phiên tòa kết nối điểm cầu từ TANDCC và TAND hai cấp ở 12 tỉnh thành thuộc phạm vi thẩm quyền của TANDCC tại Đà Nẵng, để xét xử các vụ án hình sự, dân sự và hành chính. Ngoài ra cũng đã có phiên toà kết nối tới điểm cầu tại trụ sở của người bị kiện trong vụ kiện hành chính, hoặc trại tạm giam đối với vụ án hình sự. Có thể nói TANDCC tại Đà Nẵng là một trong những điểm sáng, dẫn đầu trong công tác xét xử bằng hình thức trực tuyến. Tuy bước đầu triển khai xét xử trực tuyến đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhưng qua thực tiễn triển khai thực hiện, trên góc độ nghiên cứu áp dụng thì vẫn có những vấn đề cần phải hoàn thiện cho đầy đủ các quy định của pháp luật về phiên toà trực tuyến.
2. Thực trạng xét xử trực tuyến hiện nay
2.1. Ưu điểm, thuận lợi
Phòng xét xử trực tuyến (điện tử) là phòng xử án có hình thức bố trí theo quy định của luật tố tụng và được trang bị thêm thiết bị ghi âm, ghi hình, màn hình ti vi, máy tính, mạng internet, mạng truyền hình trực tuyến và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động phiên tòa, phiên họp.
Các chủ thể là thành phần của một phiên tòa sẽ tham gia vào phiên xét xử giống như một hội nghị video trực tuyến. Người tiến hành xét xử ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở Tòa án (điểm cầu trung tâm) và người tham gia tố tụng ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở Tòa án ở địa phương (điểm cầu địa phương) hoặc trại tạm giam đối với vụ án hình sự, và trụ sở cả người bị kiện trong vụ án hành chính, thông qua các thiết bị điện tử được thiết lập, liên kết nhau bằng internet và hoạt động bằng một chương trình phần mềm ứng dụng mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại một phòng xử như thông thường, mà vẫn nhìn thấy mặt, thực hiện việc xét hỏi tranh tụng… trực tiếp với nhau vào cùng một thời điểm. Hơn nữa, nếu được sự cho phép của điểm cầu trung tâm (HĐXX), đông đảo người dân quan tâm đến vụ án có thể theo dõi quá trình xét xử vụ án mà không bị giới hạn số lượng người xem bởi không gian của phòng xử án thông thường.
Qua kinh nghiệm của các nước, chúng ta có thể thấy việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Tòa án mang lại rất nhiều lợi ích, như:
– Phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng, đúng với đường lối chủ trương của Đảng và nhà nước về áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong xét xử.
– Không tập trung đông tại một phòng xử án nên hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, phân tán con người giúp dễ dàng kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
– Tòa án giảm bớt được chi phí, thời gian đi lại, ăn ở, tổ chức phiên tòa lưu động khi xét xử ở các địa phương; đặc biệt việc xét xử trực tuyến rất phù hợp với các TANDCC tại Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
– Đảm bảo an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và hồ sơ vụ án khi không phải di chuyển xa. Người tiến hành tố tụng không bị hành hung hay phát sinh các vấn đề khác từ các đương sự thiếu kiềm chế trong phòng xử cũng như trên đường di chuyển…
– Tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng tham gia phiên tòa nếu điểm cầu nào di chuyển thuận tiện hơn, hạn chế việc vắng mặt, đến phiên xử trễ.
– Đông đảo người dân quan tâm đến vụ việc có thể theo dõi quá trình xét xử mà không bị giới hạn số lượng như phòng xử án thông thường, nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn;
– Các phiên tòa được ghi âm, ghi hình lại và lưu trữ tại điểm cầu trung tâm làm tài liệu nghiên cứu, rút kinh nghiệm…
– Hỗ trợ Thẩm phán, bất kể ở khu vực địa lý nào, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn hiệu quả hơn. Hỗ trợ bộ phận quản lý hành chính tư pháp Tòa án thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được dễ dàng hơn.
Quang cảnh phiên tòa thông qua hình ảnh kết nối trực tuyến đến các điểm cầu
2.2 Khó khăn vướng mắc
Căn cứ Điều 250 BLTTHS 2015 thì HĐXX phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi, nghe ý kiến của VKS và những người tham gia tố tụng khác; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập; công bố biên bản, tài liệu và tiến hành hoạt động tố tụng khác để kiểm tra chứng cứ... Vậy vấn đề thẩm định chứng cứ sẽ thực hiện như thế nào nếu xét xử trực tuyến? Việc thẩm định qua màn hình trực tuyến có đảm bảo chính xác hay không? Trong một vụ án, Thẩm phán và Kiểm sát viên có thời gian tiếp cận chứng cứ, còn Hội thẩm nhân dân sẽ tiếp cận chứng cứ như thế nào?
Riêng về án hình sự, khi xét xử trực tuyến, việc thực hiện nguyên tắc đảm bảo tranh tụng trong xét xử, nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa cũng gặp khó khăn từ yêu cầu đảm bảo sự có mặt của những người tham gia tố tụng được triệu tập.
Nếu người tham gia tố tụng không biết cách chia sẻ chứng cứ họ có được lên màn hình, kể cả trường hợp họ cố ý không tham gia phiên tòa nhưng đổ lỗi cho yếu tố kỹ thuật thì cũng khó đáp ứng điều kiện tổ chức phiên tòa. Yêu cầu cách ly khi xét hỏi chỉ có thể thực hiện được trên phòng xét xử ảo, còn thực tế bên ngoài vẫn có thể thông tin cho nhau, khó kiểm soát.
Về việc nghiên cứu hồ sơ trước khi mở phiên tòa, để thực hiện hồ sơ vụ án phải được số hóa toàn bộ và việc cấp quyền truy cập phải thật chặt chẽ. Sau khi kết thúc phiên tòa, phải đảm bảo quyền xem biên bản phiên tòa và yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa của những người có quyền này.
Các vụ án phức tạp, nhiều người tham gia, bị cáo bị tạm giam kéo dài, thiệt hại lớn... là những vụ án cần được xét xử trực tuyến để tránh tồn đọng án, tránh vi phạm tố tụng, đảm bảo ý nghĩa của xét xử trực tuyến.
Ngoài ra, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật đảm bảo cho công tác xét xử trực tuyến cũng chưa được đồng bộ ở các địa phương trong cả nước. Do đó, để triển khai rộng rãi cũng cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư nâng cấp hệ thống mạng lưới kĩ thuật.
3. Kiến nghị và giải pháp
Để kịp thời khắc phục, hướng dẫn những vấn đề mới trong xét xử trực tuyến, ngày 15 tháng 12 năm 2021 liên ngành TANDTC, VKSNDTC, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT. Tuy nhiên trong thời gian tới cần kiến nghị bổ sung các quy định về xét xử trực tuyến trong các bộ luật tố tụng. Bởi vì:
Điều 250 BLTTHS, Điều 225 BLTTDS và Điều 152 Luật Tố tụng hành chính hiện nay chỉ quy định “Xét xử trực tiếp bằng lời nói”; do vậy cần bổ sung quy định về việc xét xử trực tuyến trong các luật tố tụng nêu trên.
Cũng tại Điều 14 Thông tư Liên tịch nêu trên quy định xử lý một số tình huống tại phiên toà, trong đó có trường hợp phải tạm ngừng phiên toà, hoãn phiên toà. Thiết nghĩ các quy định nêu trên cũng cần được bổ sung để cụ thể hoá trong các quy định của pháp luật về tố tụng.
Ở một số nước, việc xét xử trực tuyến được thực hiện đối với các tranh chấp về hợp đồng thương mại hoặc tranh chấp trong quá trình sản xuất kinh doanh. Riêng ở Việt Nam, việc xét xử trực tuyến đang được thực hiện ở tất cả các loại vụ việc. Vì vậy, đối với những hạn chế đã được đề cập ở mục 2.2 trên đây, tác giả đề nghị một số giải pháp thực hiện như sau:
- Đối với các vụ án hình sự: Cần quy định và hướng dẫn chi tiết loại vụ, việc nào được xét xử trực tuyến, loại vụ việc nào không được xét xử trực tuyến nhằm đảm bảo bí mật đời tư cho đương sự hoặc trong trường hợp cần phải xử kín hay có người tham gia tố tụng là chủ thể đặc biệt như người chưa thành niên, người yếu thế cần được bảo vệ…
- Kết hợp giữa xét xử trực tuyến và xét xử trực tiếp: Trong một vụ án, nếu những người có liên quan ở xa, không thể có mặt tại phiên tòa, họ đồng ý tham dự phiên tòa trực tuyến thì có thể kết hợp cả xét xử trực tiếp và xét xử trực tuyến.
- Đầu tư hạ tầng kỹ thuật đường truyền, thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến ở những địa phương mà không thể xét xử trực tiếp được, hướng dẫn sử dụng cho người được triệu tập tham gia tố tụng.
Với những kết quả đạt được, bước đầu chúng ta có thể khẳng định việc triển khai xét xử bằng hình thức trực tuyến sẽ góp phần không nhỏ trong công cuộc cải cách Tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.
Quang cảnh phiên tòa tại điểm cầu tại trụ sở TANDCC tại Đà Nẵng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận