Xét xử vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường 'Nhuệ') và các bị cáo khác
TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", sinh năm 1971) và Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1980) cùng 05 đồng phạm. Cả 07 bị cáo đều bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm do tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội của các bị cáo.
Vụ án còn 05 bị cáo khác, gồm: Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, trú tại Tổ 8 phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình); Phạm Văn Úy (tên gọi khác là Trường, sinh năm 1989, trú tại Tổ 36 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (sinh năm 1979, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (sinh năm 1995, còn gọi là Tiến "trắng", con nuôi Nguyễn Xuân Đường, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Quách Việt Cường (sinh năm 1974, trú tại Tổ 10 phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình).
Chỉ có 4/25 bị hại, 1/11 người làm chứng tham dự phiên tòa, các bị hại, người làm chứng khác có đơn xin xét xử vắng mặt.
Theo cáo trạng số 44/CT-VKSTB ngày 24/6/2021 của VKSND tỉnh Thái Bình, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 4/2020, Nguyễn Xuân Đường đã dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Trong khoảng thời gian trên, nhóm của vợ chồng Nguyễn Xuân Đường và đàn em đã chiếm đoạt của 25 bị hại tổng số tiền 2,469 tỷ đồng bằng cách lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đường Dương do vợ mình là Nguyễn Thị Dương làm Giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ trên địa bàn phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù Công ty này không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty Cổ phần dịch vụ tang lễ Hoàng Long (tỉnh Nam Định) ủy quyền. Nguyễn Xuân Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành Quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.
Đồng thời, cáo trạng cũng chỉ rõ hành vi phạm tội của 6 đồng phạm, gồm Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến, Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương trong việc giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình cưỡng đoạt tài sản. Với mỗi ca hỏa táng, vợ chồng Đường "Nhuệ" cùng đàn em yêu cầu các đơn vị kinh doanh dịch vụ hỏa táng phải nộp về 500.000 đồng/ca. Nếu không chấp hành, nhóm này chặn xe, đánh đập và cắt địa bàn hoạt động.
Trong số 7 bị cáo hầu tòa, 4 bị cáo hiện đang chấp hành án phạt tù trong các bản án khác. Trong đó, Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến chấp hành án lần lượt là 7 năm tù và 12 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Xâm phạm chỗ ở của công dân;" Nguyễn Thị Dương 4 năm 6 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ;" Phạm Văn Úy 22 năm tù về tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích.".
Phiên tòa xét xử vợ chồng Đường 'Nhuệ' Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Bài liên quan
-
Năm 2024 hệ thống Tòa án đã xét xử nhiều vụ án trọng điểm
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
-
Hệ thống Tòa án nâng cao chất lượng xét xử giải quyết các vụ án, vụ việc liên quan đến đất đai
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận