Xét xử vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm
Theo Thông tấn Quốc phòng, ngày 30 / 7 /2018 tại Hà Nội, Tòa án Quân sự Quân khu 7 đưa vụ án Đinh Ngọc Hệ và các đồng phạm ra xét xử về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Thái Sơn (thuộc Bộ Quốc phòng). Dự kiến phiên tòa tuyên án vào ngày 1/8.
5 bị cáo 4 tội danh
Trước đó, ngày 3/12/2017, CQĐTHS Bộ Quốc phòng ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can đối với Đinh Ngọc Hệ cùng các đồng phạm. Ngày 04/7/2018, VKSQSTW ra Cáo trạng số 164/CT-VKSQSTW truy tố các bị can:
Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015 và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 341 BLHS năm 2015. Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Trần Văn Lâm, bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Trần Văn Lâm khi phạm tội là Tổng Giám đốc điều hành, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; nơi cư trú: 18/B518 Chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Xuân Sơn bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Trần Xuân Sơn khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; nơi cư trú: Khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Bùi Văn Tiệp bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015. Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân (đã nghỉ hưu).
Phùng Danh Thắm bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 1, Điều 285 BLHS năm 1999. Phùng Danh Thắm khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Đây là vụ án đồng phạm, trong đó Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại khoản 3, Điều 356 BLHS năm 2015.
Đinh Ngọc Hệ là ai?
Khoảng tháng 7/2009, Đinh Ngọc Hệ ( thường được biết đến với hỗn danh Út trọc) – khi đó là Thượng tá, Phó phòng kinh doanh Tổng công ty Thái Sơn) biết được Tổng công ty có chủ trương mở rộng thị trường phát triển sản xuất kinh doanh đã đề nghị thành lập doanh nghiệp cổ phần do Tổng Công ty Thái Sơn và một số cá nhân góp vốn thành lập, theo mô hình “công ty mẹ, con”. Ngày 19/9/2009, Sở Kế hoạch – Đầu tư TP HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty CP PTĐT Thái Sơn với vốn điều lệ 20 tỷ (trong đó Tổng công ty Thái Sơn góp 51%).
Từ tháng 3/2013 cho tới ngày bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là người đại diện pháp luật và là Tổng giám đốc Công ty PTĐT Thái Sơn.
Cơ quan điều tra cho rằng, mặc dù mang danh nghĩa là công ty con của Tổng công ty Thái Sơn, nhưng thực chất vốn kinh doanh của Công ty PTĐT Thái Sơn là của tư nhân, mọi hoạt động đều theo sự điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ.
Hơn nữa, sau khi thành lập không lâu, Tổng Công ty Thái Sơn bắt đầu rút phần lớn cổ phần khỏi Công ty PTĐT Thái Sơn. Tháng 11/2012, Tổng công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký hợp đồng chuyển nhượng vốn cho người quen của Đinh Ngọc Hệ với giá… 0 đồng. Tháng 10/2017, Tổng công ty Thái Sơn chuyển nhượng nốt 20% cổ phần còn lại thu về 1,2 tỷ đồng.
Suốt 7 năm nắm quyền (2011-2016), Đinh Ngọc Hệ đã mặc sức tự tung tự tác gây thiệt hại rất lớn cho ngân sách. Có thể điểm qua một số hành vi, ông Hệ đã báo cáo không trung thực về hoạt động của công ty, thông qua Ban TGĐ Tổng Công ty Thái Sơn, ông Hệ đề nghị cho mua và đăng ký sử dụng nhiều loại ô tô giá trị lớn bằng vốn tự có.
Khi được miễn thuế trước bạ và đăng ký xe, ông Hệ đã chỉ đạo cấp dưới ký hàng loạt hợp đồng thế chấp các ô tô cho tổ chức tín dụng để vay hoặc bảo lãnh tiền. Hành vi cho thuê, cho mượn, thế chấp xe của ông Hệ đã dẫn tới đơn thư tố cáo gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của Nhà nước và Quân đội.
Từ cuối năm 2012, với sự chỉ đạo của Hệ, Công ty PTĐT Thái Sơn đã ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà. Sau đó, Đinh Ngọc Hệ ký quyết định thành lập chi nhánh Công ty Thái Sơn tại Bình Dương, bổ nhiệm Trần Xuân Sơn làm giám đốc.
Cơ quan điều tra cho rằng, thực chất việc lập chi nhánh này là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép xăng dầu giúp công ty Hải Hà. Sau khi được cấp phép, công ty Hải Hà đầu tư, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn. Tưởng như việc kinh doanh này bình thường thì ngày 23/6/2014, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương đã phát hiện ra cửa hàng này có lượng xăng tồn không đạt tiêu chuẩn.
Khi đó, ông Hệ chỉ đạo ông Trần Văn Lâm làm văn bản giả mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng chủ yếu phục vụ kinh tế ngành gửi cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và đã được miễn xử phạt.
Trong quá trình làm việc với cơ quan điều tra, Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào các bằng chứng, lời khai của các đồng phạm… đủ cơ sở để xác định ông Hệ là người quyết định, chỉ đạo sử dụng xe để thế chấp, cho thuê, giao xe cho một số đối tượng sử dụng trái quy định mà không phải nộp thuế trước bạ trên 3,1 tỷ đồng, hưởng lợi 6 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Hệ còn lợi dụng danh nghĩa câu kết làm giả hợp đồng gửi xăng, hợp thức hóa nguồn gốc xăng dầu kém chất lượng, tránh bị xử phạt, gây thất thu ngân sách trên 1,4 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra còn phát hiện Đinh Ngọc Hệ có hành vi mua bằng đại học giả, sử dụng bằng đại học giả để khai trong hồ sơ đảng viên, hồ sơ cán bộ. Hành vi của Đinh Ngọc Hệ có đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Người bị truy tố tội Thiếu trách nhiệm
Trong các bị cáo bị đưa ra xét xử, riêng bị cáo Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn) bị truy tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đại tá Phùng Danh Thắm
Bị cáo Phùng Danh Thắm nguyên Đại tá, Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng, từng được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ năm 2001-2003, góp phần xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc; Bằng khen “Doanh nhân tiêu biểu khối doanh nghiệp Trung ương năm 2006”; Doanh nhân tiêu biểu của Quân đội năm 2006, Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2006, Doanh nhân Quân đội tiêu biểu năm 2007, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2007.v.v.
Tổng công ty Thái Sơn này kinh doanh nhiều ngành nghề, lĩnh vực như: chuyển giao công nghệ, đầu tư bất động sản, phát triển khu công nghiệp, xây dựng, phân phối và bán lẻ sản phẩm công nghệ, thương mại dịch vụ logistics, tư vấn đào tạo và hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng. Trong đó, đầu tư bất động sản là lĩnh vực ưu tiên. Sản phẩm cung cấp bao gồm căn hộ, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, khu đô thị, khu công nghiệp, khu nghỉ dưỡng…
Thái Sơn có hàng loạt các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản lớn tại Hà Nội, TPHCM (Dự án chung cư Thái Sơn 20.000 m2 tại quận Tân Bình, Dự án khu biệt thự và chung cư cao cấp Phong Phú (Phong Phu Villas) tổng diện tích hơn 55.000 m2 tại huyện Bình Chánh, TPHCM; dự án khu dân cư Phước Kiển Thái Sơn 1 và 2; Dự án Sunshine Hill Villa…) và các tỉnh, thành phố khác. Ngoài ra, còn tham gia đầu tư bất động sản tại Liên bang Nga và Ukraina.
Năm 2004, Tổng công ty Thái Sơn đã tiến hành hợp tác liên doanh với Tập đoàn Sojizt (Nhật Bản) cùng thực hiện dự án Khu công nghiệp LOTECO ở tỉnh Đồng Nai. Đến đầu năm 2016, Tổng công ty Thái Sơn tiếp tục hợp tác liên doanh với đối tác Hồng Kông triển khai Dự án KCN và Đô thị Việt Phát (Long An) với quy mô diện tích 1.832,95ha.
Ông Phùng Danh Thắm đã từng phát biểu: Ngay cả những khi gặp khó khăn nhất, một doanh nhân chân chính vẫn phải tâm niệm tôn chỉ kinh doanh không đi ngược lại truyền thống văn hóa của dân tộc, không bị lu mờ bởi tính thực dụng, đua chen. Nếu kinh doanh mà thiếu “tâm”, đến một lúc nào đó khách hàng, đối tác cũng sẽ quay lưng. Doanh nghiệp có thể có lợi trước mắt nhưng tự hại mình về lâu dài. Để tình trạng kinh doanh thiếu “tâm” và “tín” cứ “xâm lấn” dần vào các doanh nghiệp thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến thu hút đầu tư, đến nền tảng văn hóa kinh doanh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế bền vững của đất nước và lực lượng doanh nhân Việt sẽ thiếu tự tin khi sánh vai cùng doanh nhân các nước.
**
Trước khi diễn ra phiên tòa, ông Hệ và gia đình tự nguyện nộp 500 triệu đồng khắc phục hậu quả. Tương tự, ông Lâm nộp 10 triệu đồng, ông Tiệp nộp 250 triệu đồng, ông Sơn nộp 500 triệu đồng và ông Thắm nộp 20 triệu đồng.
(MK tổng hợp)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận