Yêu cầu phản tố: Vẫn còn quan điểm khác nhau trong thực tiễn xét xử.
Thực tiễn khi giải quyết các vụ án nhất là các vụ án về tranh chấp quyền sử dụng đất, vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vụ án tranh chấp ly hôn và chia tài sản khi ly hôn… bị đơn thường đưa ra yêu cầu nào đó để Tòa án xem xét giải quyết và yêu cầu này của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố hay không thì hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái ngược nhau.
1. Quy định của pháp luật về yêu cầu phản tố
Theo quy định tại khoản 1 Điều 200 của BLTTDS: “Cùng với việc phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.” Như vậy, quyền được đưa ra yêu cầu phản tố là của bị đơn và bị đơn chỉ đưa ra yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03 tháng 12 năm 2012 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC: Được coi là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu yêu cầu đó độc lập, không cùng với yêu cầu mà nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập yêu cầu Toà án giải quyết.
Ví dụ: Nguyên đơn A có đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn B phải trả lại tiền thuê nhà còn nợ của năm 2005 là năm triệu đồng. Bị đơn B có yêu cầu đòi nguyên đơn A phải thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà bị hư hỏng và tiền thuế sử dụng đất mà bị đơn đã nộp thay cho nguyên đơn là ba triệu đồng. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.
Chỉ coi là ý kiến của bị đơn mà không phải là yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, đối với người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập nếu bị đơn có yêu cầu cùng với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập (như yêu cầu Toà án không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập hoặc chỉ chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
Ví dụ: Nguyên đơn C có đơn khởi kiện yêu cầu Toà án công nhận quyền sở hữu đối với một xe ô tô và buộc bị đơn D trả lại cho mình xe ô tô đó. Bị đơn D có yêu cầu Toà án không công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu của C mà là của mình hoặc công nhận xe ô tô này thuộc sở hữu chung của C và D. Trường hợp này, yêu cầu của bị đơn D không được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn C.
Theo quy định của BLTTDS thì yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
[1]- Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
Yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ đối với bị đơn; do đó, bị đơn có yêu cầu Toà án giải quyết để bù trừ nghĩa vụ mà họ phải thực hiện theo yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập.
[2]- Yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập
Yêu cầu phản tố của bị đơn dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn,người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.
[3]- Giữa yêu cầu phản tố và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có sự liên quan với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh hơn.
Có sự liên quan giữa yêu cầu phản tố của bị đơn và yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là trường hợp hai yêu cầu này có mối quan hệ với nhau và nếu được giải quyết trong cùng một vụ án, thì làm cho việc giải quyết vụ án được chính xác và nhanh chóng hơn.
2. Quan điểm khác nhau về yêu cầu phản tố trong thực tiễn
Qua rút kinh nghiệm từ thực tiễn công tác xét xử của Tòa án, cá nhân tôi cho rằng để xác định yêu cầu của bị đơn trong 3 ví dụ trên có phải là yêu cầu phản tố hay không thì ngoài việc nhận biết qua một trong ba trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 200 của BLTTDS thì cần thêm một điều kiện chung sau đây sẽ phân biệt yêu cầu của bị đơn có phải là yêu cầu phản tố. Đó là: nếu trường hợp nguyên đơn rút lại yêu cầu khởi kiện thì với yêu cầu của bị đơn như vậy, Tòa án sẽ đình chỉ giải quyết vụ án hay Tòa án phải thay đổi địa vị tố tụng (nguyên đơn thành bị đơn; bị đơn thành nguyên đơn) để tiếp tục giải quyết vụ án. Nếu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án do không có yêu cầu nào phải giải quyết thì yêu cầu của bị đơn không phải yêu cầu phản tố. Nếu Tòa án thay đổi địa vị tố tụng tiếp tục xem xét giải quyết yêu cầu của bị đơn thì yêu cầu của bị đơn là yêu cầu phản tố.
Tôi xin nêu ra một số ví dụ mà trong thực tiễn giải quyết các vụ án vẫn còn quan điểm trái ngược nhau:
Ví dụ 1: Ngày 12/3/2017, chị Nguyễn Thị Hồng nộp đơn khởi kiện yêu cầu ly hôn với anh Trần Văn Ngự. Về con chung, tài sản chung và nợ chung chị Hồng khai chị và anh Ngự không có. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án và thông báo cho anh Ngự biết thì anh Ngự nộp đơn cho Tòa án yêu cầu Tòa án buộc chị Hồng chia cho anh Ngự 40 triệu đồng trong 80 triệu đồng hiện do chị Hồng đang quản lý. Anh Ngự cho rằng số tiền này là tài sản chung của vợ chồng tích góp trong thời gian chung sống.
Hiện nay có 2 quan điểm về yêu cầu của anh Ngự:
Quan điểm 1: Yêu cầu của anh Ngự là yêu cầu phản tố.
Quan điểm 2: Yêu cầu của anh Ngự không phải yêu cầu phản tố mà mà yêu cầu chia tài sản chung của vợ chồng.
Quan điểm cá nhân tôi cho rằng yêu cầu của anh Ngự là yêu cầu phản tố. Vì các lý do sau: (1) Đây là yêu cầu của anh Ngự (bị đơn) đối với nguyên đơn (chị Hồng) mà Tòa án phải xem xét giải quyết; (2) Yêu cầu của anh Ngự thuộc trường hợp thứ 3 của yêu cầu phản tố. Rõ ràng khi giải quyết vụ án ly hôn, nếu có đương sự đặt ra vấn đề chia tài sản chung của vợ chồng thì Tòa án phải xem xét giải quyết nên yêu cầu của anh Ngự là có sự liên quan với yêu cầu ly hôn của chị Hồng. Có quan điểm cho rằng Tòa án hoàn toàn có thể tách yêu cầu chia tài sản của anh Ngự để giải quyết trong một vụ án khác. Tôi cho rằng nhìn một cách tổng thể nếu Tòa án giải quyết yêu cầu chia tài sản trong cùng một vụ án ly hôn thì sẽ thuận tiện và nhanh hơn so với việc phải tách thành hai vụ án; (3) Yêu cầu chia tài sản của anh Ngự và yêu cầu ly hôn của chị Hồng là hoàn toàn độc lập nhau; (4) Nếu trường hợp chị Hồng rút lại yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn phải giải quyết yêu cầu chia tài sản chung của anh Ngự.
Ví dụ 2: Ngày 12/5/2015, ông Lý Văn Thuận có nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn Hòa 120m2 đất với số tiền là 250 triệu đồng. Hai bên có viết giấy sang chuyển nhượng đất. Theo đó, ông Thuận đưa trước cho ông Hòa 200 triệu đồng. Khi nào ông Hòa làm xong thủ tục sang tên cho ông Thuận thì ông Thuận sẽ giao số tiền còn lại cho ông Hòa. Tuy nhiên sau đó, ông Hòa không làm thủ tục sang tên cho ông Thuận. Ông Thuận khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Hòa phải tiếp tục thực hiện hợp đồng chuyển nhượng như đã thỏa thuận. Ông Hòa yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông và ông Thuận là vô hiệu và giải quyết hậu quả vì vợ ông không đồng ý chuyển nhượng đất cho ông Thuận.
Hiện nay có 2 quan điểm về yêu cầu của ông Hòa:
Quan điểm 1: Yêu cầu của ông Hòa là yêu cầu phản tố.
Quan điểm 2: Yêu cầu của ông Hòa không phải yêu cầu phản tố.
Theo quan điểm của tôi thì yêu cầu của ông Hòa là yêu cầu phản tố. Vì các lý do sau: (1) Đây là yêu cầu của ông Hòa (bị đơn) đối với nguyên đơn ông Thuận mà Tòa án phải xem xét giải quyết; (2) Yêu cầu của ông Hòa thuộc trường hợp thứ 2 của yêu cầu phản tố. Với yêu cầu của ông Hòa nếu được Tòa án chấp nhận sẽ dẫn đến việc Tòa án sẽ không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Thuận do việc chuyển nhượng đất vô hiệu; (3) Yêu cầu tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng của ông Thuận và yêu cầu ly tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng của ông Thuận là hoàn toàn khác nhau. Có quan điểm cho rằng nếu Tòa án xác định hợp đồng chuyển nhượng trên là vô hiệu thì Tòa án cũng phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu nên ông Hòa không cần phải yêu cầu. Tôi cho rằng Tòa án chỉ có thể xem xét giải quyết yêu cầu của đương sự trong phạm vi yêu của đương sự. Cho nên nếu hợp đồng chuyển nhượng giữa ông Thuận và ông Hòa là vô hiệu thì Tòa án không thể giải quyết hậu quả nếu không có đương sự nào yêu cầu. Tòa án không thể giải thích với ông Thuận là hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu nên ông hãy yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu trong khi ông Thuận vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện. Nếu ông Thuận yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì khi đó ông Thuận đã thay đổi yêu cầu khởi kiện nên đương nhiên ông Hòa không phải yêu cầu nữa. Còn nếu ông Thuận không giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì để giải quyết toàn diện vụ án Tòa án phải xem xét đến yêu cầu của ông Hòa; (4) Nếu trường hợp ông Thuận rút lại yêu cầu khởi kiện thì Tòa án vẫn phải giải quyết yêu cầu của ông Hòa.
Ví dụ 3: Ngày 01/7/2016, ông Nguyễn Văn An được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại thửa 12 diện tích 800m2. Toàn bộ diện tích 800m2 này hiện do ông Trần Văn Nam đang trực tiếp sử dụng. Do mâu thuẫn nhau nên ông An khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc ông Trần Văn Nam trả lại toàn bộ diện tích 800m2 thuộc thửa 12 mà ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi Tòa án thụ lý vụ án, ông Nam có đơn yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thừa 12, diện tích 800m2 mà UBND huyện đã cấp cho ông An và yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 800m2 thuộc thửa 12 cho ông Nam.
Hiện có các quan điểm về yêu cầu của ông Nam như sau:
Quan điểm 1: Toàn bộ yêu cầu của ông Nam là yêu cầu phản tố.
Quan điểm 2: Toàn bộ yêu cầu của ông Nam không phải là yêu cầu phản tố.
Quan điểm 3: Yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nam không phải là yêu cầu phản tố. Còn yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của ông Nam là yêu cầu phản tố.
Quan điểm của tôi đối với hai yêu cầu của ông N như sau: Đối với yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nam như ví dụ trên thì đây là yêu cầu hủy quyết định cá biệt trong vụ án dân sự được quy định tại Điều 34 BLTTDS. Theo quy định tại khoản 2 Điều 34 của BLTTDS thì: “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.”. Như vậy, khi có căn cứ cho rằng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rõ ràng trái pháp luật thì Tòa án có quyền quyết định hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó mà không phụ thuộc vào việc có đương sự yêu cầu hay không.
Bản chất của yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong vụ án dân sự là yêu cầu khiếu kiện hành chính nhưng sẽ được giải quyết trong cùng vụ án dân sự. Nếu trong vụ án hành chính thì cơ quan ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người bị kiện thì trong vụ án dân sự cơ quan ban hành Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, chủ thể mà bị đơn ông Nam hướng tới và “có tranh chấp” là UBND huyện đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 12 cho ông An chứ không phải là ông An. Và trong vụ án dân sự thì UBND huyện không có yêu cầu độc lập gì nên không thỏa mãn được điều kiện: “bị đơn có quyền yêu cầu phản tố đối với …, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập” quy định tại khoản 1 Điều 200 BLTTDS. Một vấn đề nữa là khi giải quyết vụ án tranh chấp giữa ông An và ông Nam thì Tòa án bắt buộc phải xem xét, đánh giá tính hợp pháp của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông An. Qua đó mới có căn cứ quyết định chấp nhận hay không không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông An. Do đó, yêu cầu này của ông Nam là cùng (không độc lập) với yêu cầu của ông An. Qua những phân tích như trên, quan điểm của tôi là yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Nam không phải là yêu cầu phản tố.
2. Đối với yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất của ông Nam theo quan điểm của tôi là yêu cầu phản tố. Vì yêu cầu của ông Nam là hoàn toàn độc lập, không cùng với yêu cầu của nguyên đơn ông An. Vì ông An yêu cầu ông Nam trả lại 800m2 đất, còn ông Nam thì yêu cầu Tòa án công nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích đất 800m2. Nếu yêu cầu của ông Nam được Tòa án chấp nhận một phần hay toàn bộ sẽ dẫn đến việc loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 200 của BLTTDS trên cơ sở Tòa án đã quyết định hủy một phần hay toàn bộ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông An.
Cuối cùng, nếu trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn là ông An rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện đối với ông Nam và ông Nam không đồng ý rút lại yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải thay đổi địa vị tố tụng của đương sự trong vụ án (ông Nam là nguyên đơn, ông An là bị đơn) và tiếp tục giải quyết vụ án theo yêu cầu của ông Nam chứ Tòa án không thể đình chỉ giải quyết vụ án.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, rất mong nhận được ý kiến phản hồi của đồng nghiệp và quý bạn đọc.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
4 Bình luận
Thế Anh Nguyễn
12:16 26/12.2024Trả lời
minhlinh
12:16 26/12.2024Trả lời
Ms.Q
12:16 26/12.2024Trả lời
1 phản hồi
lan anh
12:16 26/12.2024Trả lời