Bàn về nghĩa vụ chịu án phí dân sự trong trường hợp các đương sự thỏa thuận thành
Án phí là một trong những vấn đề có mặt hầu hết trong các bản án, quyết định của Tòa án khi giải quyết, xét xử các vụ án nói chung và trong vụ dân sự (nghĩa hẹp) nói riêng. Án phí hiện diện trong các bản án, quyết định của Tòa án, là một trong những điều kiện để thụ lý vụ án (đóng tạm ứng án phí). Do đó, việc Tòa án quyết định về án phí như thế nào, mức án phí của vụ án là bao nhiêu, ai là người phải chịu án phí, miễn, giảm án phí trong trường hợp nào... là những vấn đề phức tạp, đòi hỏi các Thẩm phán phải thận trọng khi đưa ra phán quyết.
Quyết định không chính xác về án phí sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của các tổ chức, cá nhân khi tham gia tố tụng tại Tòa án. Tuy nhiên, hiện nay cách xác định nghĩa vụ chịu án phí trong trường hợp các đương sự thỏa thuận thành trong vụ án dân sự nói chung, cũng như trong vụ án tranh chấp hợp đồng vay tài sản nói riêng còn nhiều quan điểm khác nhau trong nhận thức của Thẩm phán, Kiểm sát viên, dẫn đến việc không thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trong việc tính án phí trong trường hợp các đương sự thỏa thuận thành.
1. Quy định về nghĩa vụ chịu án phí vụ án dân sự trong trường hợp các bên thỏa thuận thành
Khoản 3 Điều 147 BLTTDS 2015 quy định: “Trước khi mở phiên tòa, Tòa án tiến hành hòa giải; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này”.
Theo quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì: “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch; Trường hợp các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó. Trường hợp các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 3 Điều 320 của Bộ luật tố tụng dân sự thì các đương sự phải chịu 50% án phí giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn”.
Và khoản 1, khoản 2 Điều 147 BLTTDS 2015 quy định: “Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm; Trường hợp các đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung và có yêu cầu Tòa án giải quyết chia tài sản chung đó thì mỗi đương sự phải chịu án phí sơ thẩm tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được hưởng”.
Khoản 5 Điều 147 BLTTDS 2015 và khoản 9 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Trong vụ án có người không phải chịu án phí hoặc được miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm thì những người khác vẫn phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm”.
2. Một số bất cập trong việc xác định nghĩa vụ chịu án phí khi các đương sự thỏa thuận thành và có đương sự được miễn, giảm án phí và đề xuất, kiến nghị
Điều 147 BLTTDS 2015 và Điều 26, Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 đã quy định về nghĩa vụ chịu án phí, đặc biệt trong trường hợp các đương sự thỏa thuận.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc xác định và tính án phí dân sự trong trường hợp các bên thỏa thuận thành và có đương sự được miễn, giảm án phí của một số Thẩm phán, Kiểm sát viên có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau, hiện có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: tất cả các đương sự (cả nguyên đơn, bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) phải cùng chịu án phí khi họ thỏa thuận thành theo quy định tại khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Nghĩa là, nguyên đơn và bị đơn cùng phải chịu án phí nên khi có một đương sự được miễn, giảm thì bên còn lại vẫn phải chịu án phí. Ví dụ như: Tại Quyết định số 20/2024/QĐST-DS ngày 27/5/2024 của TAND thị xã Đ đã xác định tính án phí như sau: “Ông Nguyễn Văn T và bà Trần Ngọc D tự nguyện chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là 61.500.000 đồng (sáu mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng). Bị đơn Nguyễn Văn T và bà Trần Ngọc D được chính quyền địa phương xác nhận hiện tại có hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn nên được giảm 50% mức án phí mà ông T, bà D phải chịu theo khoản 1 Điều 13 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 là 15.375.000 đồng nên phần còn lại ông T, bà D tự nguyện chịu là 46.125.000 đồng (Bốn mươi sáu triệu một trăm hai lăm nghìn đồng)”[1]. Theo như Quyết định công nhận thỏa thuận nêu trên thì bị đơn ông T, bà D phải chịu 1/2 án phí và nguyên đơn phải chịu 1/2 án phí, nên bị đơn chỉ được giảm án phí của họ. Điều này là bất lợi cho bị đơn, vì trong trường hợp này nếu xét xử, bị đơn sẽ được giảm 1/2 án phí, còn như thỏa thuận chỉ được giảm 1/4 án phí mà họ phải chịu.
- Quan điểm hai: Trong vụ án dân sự các bên đương sự đã thỏa thuận thành thì việc xác định, tính án phí phải áp dụng theo nguyên tắc thứ tự quy định tại khoản 1 Điều 147 BLTTDS 2015 và khoản 1, 2, 3 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, sau đó mới vận dụng trong trường hợp vụ án được thỏa thuận thành. Nghĩa là Tòa án phải xác định “đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận”. Và trong vụ án dân sự, việc bị đơn thừa nhận nghĩa vụ của họ đối với nguyên đơn, thì họ không muốn tốn khoản án phí phải chịu 100% nếu xét xử nên họ thỏa thuận thời hạn, phương thức thực hiện nghĩa vụ cho nguyên đơn để được giảm 50% án phí. Do đó, trong trường hợp này nếu bị đơn được miễn giảm thì họ sẽ được miễn giảm theo nguyên tắc có lợi cho bị đơn, chứ không như trường hợp tính và xác định án phí như tại Quyết định số 20/2024/QĐST-DS ngày 27/5/2024 của TAND thị xã Đ nêu trên.
Cũng TAND thị xã Đ, tại Quyết định số 23/2024/QĐST-DS ngày 04/6/2024 đã xác định, tính án phí như sau: “Bị đơn ông Nguyễn Văn T, bà Trần Ngọc D có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp án phí Tòa án có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường H nên được giảm 50% án phí; ông Nguyễn Văn T, bà Trần Ngọc D phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 29.000.000 đồng (Hai mươi chín triệu đồng) ((112.000.000đ + (0,1% x 4.000.000.000đ)) x 50% x 50%)”[2] (cũng là 01 bị đơn ông Nguyễn Văn T, bà Trần Ngọc D).
Đây là thực tiễn mà Thẩm phán, Kiểm sát viên có nhiều cách hiểu và vận dụng khác nhau trong việc xác định và tính án phí dân sự trong trường hợp các bên thỏa thuận thành và có đương sự được miễn, giảm án phí.
Qua nghiên cứu, tác giả đồng tính theo quan điểm thứ hai về cách tính, xác định nghĩa vụ chịu án phí vụ án dân sự trong trường hợp các bên thỏa thuận thành như đã phân tích nêu trên. Bởi lẽ, việc cấu trúc một điều luật có nhiều khoản, điểm thì phải được hiểu áp dụng theo nguyên tắc thứ tự là điểm, khoản quy định bắt buộc được ưu tiên áp dụng trước, chẳng hạn như Điều 308, Điều 658 BLDS 2015 quy định về thứ tự thanh toán. Điều ngày là phù hợp theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTDS 2015: “… thì họ chỉ phải chịu 50% mức án phí sơ thẩm quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này” (đương sự phải chịu án phí đối với yêu cầu của họ không được chấp nhận). Và một số ý kiến cho rằng vì họ thỏa thuận nên không xác định được ai phải là chịu án phí là hoàn toàn sai lầm, bởi vì, Tòa án chỉ công nhận thỏa thuận khi thỏa thuận đó không trái đạo đức xã hội, không trái pháp luật, nên phải mặc nhiên hiểu bên có nghĩa vụ (thường là bị đơn) đồng ý thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của nguyên đơn và thỏa thuận thành thì bị đơn phải chịu án phí.
Việc vận dụng, nhận thức khác nhau về cách xác định nghĩa vụ chịu án phí, cách tính án phí dân sự trong trường hợp các đương sự thỏa thuận thành và có đương sự được miễn, giảm án phí là rất phổ biến trong các vụ án dân sự mà Tòa án giải quyết, đặc biệt liên quan đến các vụ án tranh chấp về hợp đồng vay tài sản, tranh chấp hợp đồng tín dụng. Mà nếu xác định và tính án phí như quan điểm thứ nhất thì sẽ ít nhiều gây bất lợi cho đương sự (hầu hết là bị đơn) đang có hoàn cảnh khó khăn, không đúng theo nguyên tắc bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của đương sự mà pháp luật dân sự, pháp luật tố tụng dân sự quy định.
Từ những bất cập thể hiện qua hai quyết định nêu trên, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC cần có văn bản hướng dẫn vấn đề này, để bảo đảm việc vận dụng xác định nghĩa vụ chịu án phí, xác định án phí trong vụ án dân sự mà các bên thỏa thuận thành và có đương sự được miễn, giảm án phí theo quy định tại khoản 3 Điều 147 BLTTDS 2015 và khoản 7 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 được thống nhất.
[1] Quyết định số 20/2024/QĐST-DS ngày 27/5/2024 của TAND thị xã Đ, tỉnh P về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
[2] Quyết định số 23/2024/QĐST-DS ngày 04/6/2024 của TAND thị xã Đ, tỉnh P về công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.
TAND cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm vụ án dân sự - Ảnh: Hoàng Nguyên.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận