Bắt bị can tạm giam theo luật tố tụng hình sự Việt Nam- Bất cập và kiến nghị
Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích những quy định pháp luật về việc bắt bị can để tạm giam để giải quyết vụ án hình sự và thực tiễn trong việc áp dụng. Từ đó, nhận diện được những bất cập, kiến nghị, đề xuất để hoàn thiện các quy định của pháp luật vấn đề này.
1. Một số quy định pháp luật về BPTG đối với bị can
1.1. Đối tượng áp dụng
Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định: " Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng”. Điều luật này đã nêu rõ đối tượng bị áp dụng BPNC tạm giam chỉ có thể là bị can, bị cáo. Trong phạm vi bài viết, tác giả đi sâu nghiên cứu về việc áp dụng BPNC tạm giam đối với đối tượng là bị can. “Bị can là người hoặc pháp nhân bị khởi tố về hình sự”[1], và quyết định khởi tố đó có sự phê chuẩn của VKSND. BPTG chỉ có thể áp dụng đối với bị can là cá nhân. Bởi vì, pháp nhân là một tổ chức được pháp luật thừa nhận[2] chứ không phải là một cá nhân cụ thể, trong khi đó, BPTG chỉ có thể áp dụng để cách ly một đối tượng cụ thể xác định ra khỏi xã hội trong thời gian nhất định và hạn chế một số quyền công dân của đối tượng đó.
Tại Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định rõ các trường hợp áp dụng BPNC tạm giam. Theo đó, có thể áp dụng biện pháp tạm giam (BPTG) đối với các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, BPTG áp dụng đối với bị can về tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng. Khi bị can thuộc trường hợp này thì người có thẩm quyền ra lệnh tạm giam ngay mà không cần có thêm điều kiện nào khác.
Thứ hai, tạm giam có thể áp dụng đối với bị can về tội nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù trên 02 năm khi có căn cứ xác định người đó thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015. Theo đó, để quyết định áp dụng BPTG đối với bị can trong trường hợp này, pháp luật tố tụng hình sự quy định phải thỏa mãn hai điều kiện:
Một là, hành vi phạm tội mà bị can thực hiện phải là tội phạm nghiêm trọng, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù có thời hạn trên 02 năm, đây là điều kiện cần để xem xét.
Hai là, phải thuộc một trong 05 trường hợp quy định từ điểm a đến điểm đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015, trong đó, hai trường hợp tại điểm a, b khoản 2 Điều 119 BLTTHS 2015 là những quy định mới so với BLTTHS năm 2003. Đây là điều kiện đủ để quyết định áp dụng BPTG đối với bị can.
Thứ ba, Tạm giam có thể áp dụng đối với bị can về tội ít nghiêm trọng mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu họ tiếp tục phạm tội hoặc bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã. Đây là một quy định hoàn toàn mới so với BLTTHS 2003. BLTTHS 2003 không quy định trường hợp bị can phạm tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù từ 2 năm trở xuống có thể bị áp dụng BPNC bắt tạm giam. Đến khi BLTTHS 2015, trường hợp này được quy định thành một khoản riêng trong điều luật quy định về tạm giam. Bởi lẽ trong thực tiễn thi hành BPNC bắt bị can để tạm giam việc bị can phạm tội ít nghiêm trọng mà hình phạt tù từ hai năm trở xuống cũng có thể gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra, truy tố, xét xử nếu họ bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội.
Thứ tư, Tạm giam đối với bị can là đối tượng “đặc biệt” quy định tại khoản 4 Điều 119 BLTTHS năm 2015 như: phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không được tạm giam mà áp dụng BPNC khác, trừ những trường hợp BLTTHS năm 2015 quy định[3]. Như vậy, BLTTHS 2015 vẫn giữ nguyên các đối tượng “đặc biệt” không bị áp dụng biện pháp bắt tạm giam như BLTTHS 2003. Tuy nhiên, BLTTHS 2015 có bổ sung cụm từ “có lý lịch rõ ràng". Việc bổ sung này là cần thiết, vì bị can có nơi cư trú rõ ràng mà không có lý lịch rõ ràng (như những người có tiền án, tiền sự, không có ai là người giám hộ hợp pháp...) thì cũng không đảm bảo việc bị can có thể bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội gây khó khăn cho hoạt động tố tụng hình sự.
1.2. Thẩm quyền áp dụng BPTG đối với bị can
Theo quy định tại khoản 1 Điều 113 BLTTHS năm 2015 thì những người sau đây có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can để tạm giam: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VLSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSQS các cấp.
Trong giai đoạn điều tra, việc bắt bị can để tạm giam do Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp trong và ngoài quân đội quyết định. Trường hợp này, lệnh bắt phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành, quy định này vẫn được kế thừa từ BLTTHS năm 2003. Theo khoản 1 điều 2 Luật Tổ chức VKSND năm 2014 thì VKS là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp cho nên đối với riêng trường hợp Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp ra lệnh tạm giam thì phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành. Viện kiểm sát phải hoàn trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra ngay sau khi kết thúc việc xét phê chuẩn dù có phê chuẩn hay không[4].
Trong giai đoạn truy tố, việc bắt bị can để tạm giam do Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và VKSQS các cấp quyết định.
1.3. Trình tự, thủ tục bắt bị can để tạm giam
Trình tự, thủ tục bắt bị can để tạm giam được quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 113, Điều 109, 119, 502, 503 BLTTHS năm 2015.
1.4.Thời hạn tạm giam bị can
Thời hạn tạm giam bị can trong giai đoạn để điều tra: Tương tự như BLTTHS năm 2003, thời hạn tạm giam để điều tra vụ án theo BLTTHS năm 2015 được phân chia theo từng loại tội phạm, từ ít nghiêm trọng cho đến đặc biệt nghiêm trọng. Theo quy định tại Điều 173 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tạm giam tối đa đối với bị can phạm tội ít nghiêm trọng là 03 tháng, đối với tội nghiêm trọng thì Cơ quan điều tra chỉ được tạm giam tối đa 05 tháng, tội rất nghiêm trọng là 07 tháng và tội đặc biệt nghiêm trọng là 12 tháng.
Trong trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần phải có thời gian dài hơn cho việc điều tra và không có căn cứ thay đổi hoặc huỷ bỏ BPTG thì chậm nhất là mười ngày trước khi hết hạn tạm giam, cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị viện kiểm sát gia hạn tạm giam.
Khi đã hết thời hạn điều tra mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm thì cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra.
Như vậy, so với BLTTHS năm 2003 thì BLTTHS năm 2015 đã rút ngắn thời hạn gia hạn tạm giam. Khi thực hiện các quy định về thời hạn tạm giam cũng như gia hạn thời hạn tạm giam thì cơ quan có thẩm quyền ngoài tiến hành theo đúng quy định pháp luật thì cần thực hiện quy trình điều tra, thu thập chứng cứ nhanh chóng, đảm bảo đúng thời hạn tạm giam và thời hạn gia hạn tạm giam.
BLTTHS năm 2015 còn đặt ra 03 loại thời hạn điều tra trong một số trường hợp đặc biệt là thời hạn phục hồi điều tra, điều tra bổ sung, điều tra lại quy định tại Điều 17.
Thời hạn tạm giam bị can trong giai đoạn truy tố: Điều 241 BLTTHS năm 2015 quy định về việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ BPNC trong giai đoạn truy tố như sau: “Thời hạn áp dụng BPNC trong giai đoạn truy tố không được quá thời hạn quyết định việc truy tố quy định tại khoản 1 Điều 240”. Như vậy, thời hạn tạm giam để truy tố bị can cũng được xây dựng dựa trên loại tội phạm và thời hạn này phải nằm trong giới hạn của thời hạn truy tố.
1.5. Việc áp dụng BPTG bị can đối với một số trường hợp khác
Việc bắt bị can để tạm giam đối với một số đối tượng khác ngoài việc phải tuân thủ các quy định về bắt người tạm giam nói chung còn phải căn cứ vào một số quy định khác của pháp luật. Cụ thể:
Áp dụng BPTG đối với bị can là đại biểu các cơ quan dân cử
Áp dụng BPTG đối với bị can là đại biểu Quốc hội: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước; là người thay mặt Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội”[5]. Với vị trí “đặc biệt” của mình, việc áp dụng các BPNC nói chung, BPNC tạm giam nói riêng đối với đại biểu Quốc hội phạm tội được quy định khá chặt chẽ Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014. Theo đó, việc bắt bị can là đại biểu Quốc hội phạm tội để tạm giam chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội[6]. Việc đề nghị BPNC tạm giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc của đại biểu Quốc hội thuộc thẩm quyền của Viện trưởng VKSNDTC[7].
Áp dụng BPTG đối với bị can Đại biểu Hội đồng nhân dân
Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, hoạt động của Hội đồng nhân dân thông qua Đại biểu Hội đồng nhân dân.“Đại biểu Hội đồng nhân dân là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân địa phương”[8]
Tương tự như đại biểu Quốc hội, với vị trí quan trọng của mình, việc áp dụng BPNC đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân cũng phải tuân thủ chặt chẽ những quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Có nghĩa là, việc bắt bị can là đại biểu Hội đồng nhân dân phạm tội để tạm giam cũng chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của Hội đồng nhân dân hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân[9].
Áp dụng BPTG đối với bị can là người chưa đủ 18 tuổi
Điều 419 BLTTHS năm 2015 quy định: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có thể bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, bị bắt, tạm giữ, tạm giam về tội phạm quy định tại khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của Bộ luật này”[10]. Theo đó, việc áp dụng BPNC tạm giam đối với bị can là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải thỏa mãn hai yếu tố:
Một là, Bị can phải phạm tội một trong các tội: tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều sau đây: Điều 143; Điều 150; Điều 151; Điều 170; Điều 171; Điều 173; Điều 178; Điều 248; Điều 249; Điều 250; Điều 251; Điều 252; Điều 265; Điều 266; Điều 285; Điều 286; Điều 287; Điều 289; Điều 290; Điều 299; Điều 303; Điều 304 BLHS năm 2015.
Hai là, nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của BLTTHS năm 2015.
Bị can từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng có thể bị áp dụng BPNC tạm giam khi phạm tội: “tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng nếu có căn cứ quy định tại các điều 110, 111 và 112, các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 của luật này”[11]. Như vậy, BLTTHS năm 2015 quy định khi áp dụng BPNC tạm giam bị can từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng phải thỏa mãn 2 điều kiện:
Thứ nhất, Bị can phải phạm tội nghiêm trọng do cố ý, tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng.
Thứ hai, Khi có căn cứ xác định bị can thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS năm 2015.
Ngoài ra, bị can từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi cũng có thể bị áp dụng BPNC tạm giam đối với tội nghiêm trọng do vô ý, tội ít nghiêm trọng mà BLHS quy định hình phạt tù đến 02 năm nếu trong thời gian điều tra, truy tố, xét xử họ tiếp tục phạm tội mới, bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã.
Người ra lệnh tạm giam bị can dưới 18 tuổi phải thông báo cho người đại diện hợp pháp của họ biết trong thời hạn 24 giờ kể từ khi tạm giam.
2. Bất cập, hạn chế trong việc áp dụng pháp luật của BPTG đối với bị can
- Về căn cứ tạm giam: Tại điểm a khoản 1 điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định: Nếu bị can phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng là có thể bị tạm giam mà không cần căn cứ nào khác. Đây là quy định chưa hợp lý. Bởi vì:
Bị can chưa phải là người có tội và họ mới chỉ bị nghi thực hiện tội phạm. Không thể suy luận một người đã phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng là có thể tiếp tục phạm tội, trốn tránh, gây khó khăn cho việc điều tra để từ đó có thể bắt tạm giam. Thực tiễn cho thấy nhiều trường hợp bị can phạm vào các tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng không có dấu hiệu bỏ trốn, tiếp tục phạm tội hoặc tiêu hủy chứng cứ nhưng CQĐT vẫn bắt tạm giam (VKS đã phê chuẩn lệnh tạm giam). Người tiến hành tố tụng chưa chú trọng đến quyền con người mà chỉ xem đây là hình thức để phục vụ điều tra, thu thập chứng cứ giúp cho việc giải quyết vụ án dễ dàng hơn, đây là nguyên nhân chính xâm phạm đến quyền con người nói chung, quyền và lợi ích hợp pháp của bị can nói riêng.
Đồng thời, tại khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”. Đây là quy định chung về căn cứ, mục đích áp dụng BPNC nói chung, Điều luật không quy định các trường hợp ngoại lệ (tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng). Vì vậy, Điểm a khoản 1 điều 119 BLTTHS năm 2015 chưa tương thích với khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015.
Việc xác định nơi cư trú của bị can: Một trong những căn cứ để áp dụng BPNC tạm giam là bị can “Không có nơi cư trú rõ ràng hoặc không xác định được lý lịch của bị can”. Nơi cư trú của công dân bao gồm: nơi thường trú, nơi tạm trú hoặc là nơi ở hiện tại của người đó[12]. Như vậy, việc xác định một công dân có nơi cư trú rõ ràng phải thuộc một trong các trường hợp là nơi thường trú, nơi tạm trú. Trên thực tế có nhiều vụ án để xác định được bị can có nơi cư trú rõ ràng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như bị can là người ngoài tỉnh hoặc bị can vừa có nơi thường trú vừa có nơi tạm trú lại có nơi đang sinh sống thì việc xác định nơi cư trú như thế nào?
Việc xác định bị can là “người già yếu”, “người bị bệnh nặng”: hiện nay trong BLTTHS năm 2015 chưa quy định cụ thể về trường hợp thế nào là “người già yếu”, “người bị bệnh nặng” gây rất nhiều khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực tiễn hiện nay, các cơ quan chức năng chỉ xem xét dựa vào ý chí chủ quan và xét thấy có giấy chứng nhận của bệnh viện nơi bị can khám chữa bệnh để làm căn cứ cho bị can được miễn áp dụng BPTG. Điều này có thể gây nên sơ hở cho các tội phạm thực hiện hành vi phạm tội rồi dễ dàng được miễn trừ trách nhiệm hình sự.
- Về thẩm quyền: Khoản 5 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định: “Những người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này có quyền ra lệnh, quyết định tạm giam. Lệnh tạm giam của những người được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thi hành”. Đối chiếu với các quy định trên cho thấy ở giai đoạn điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp có quyền ra lệnh tạm giam, tuy nhiên lệnh tạm giam đó phải được VKS phê chuẩn trước khi thi hành. Ngoài ra, trong quá trình điều tra, việc quyết định hủy bỏ, thay thế BPTG, quyết định việc gia hạn tạm giam cũng đều thuộc thẩm quyền của VKS. CQĐT chỉ có quyền “đề xuất”. Như vậy, việc quy định cho phép CQĐT có thẩm quyền áp dụng BPTG ở giai đoạn điều tra chỉ mang tính hình thức, còn trên thực tế việc áp dụng, thay thế, hủy bỏ BPTG do VKS quyết định.
- Về thời hạn tạm giam: Thời hạn tạm giam trong các vụ án hình sự vẫn còn khó khăn, bất cập. BLHS năm 2015 quy định thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra có sự mâu thuẩn, đối lập nhau trong cách quy định thời hạn điều tra và thời hạn tạm giam để điều tra. Cụ thể: Tại điểm a khoản 2 Điều 172 quy định: “Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng”, trong khi đó, tại điểm a khoản 2 Điều 173 quy định: “Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn tạm giam một lần không quá 01 tháng”. Như vậy, thời hạn điều tra dài hơn thời hạn tạm giam để điều tra nếu được gia hạn. Vấn đề đặt ra trong trường hợp này là việc xác định thời hạn tạm giam đối với bị can như thế nào khi trong vụ án thời hạn tạm giam ít hơn thời hạn điều tra theo quy định điều 173 BLTTHS năm 2015. Vấn đề này pháp luật TTHS chưa quy định cụ thể. Các quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 172 và điểm b, c khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015 cũng mâu thuẩn, đối lập tương tự.
3. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về BPTG đối với bị can
Thứ nhất, hoàn thiện căn cứ áp dụng BPTG theo hướng chặt chẽ, rõ ràng.
BLTTHS năm 2015 sử dụng kết quả phân loại tội phạm để xây dựng căn cứ áp dụng BPTG. Vấn đề này dẫn đến những khó khăn, bất cập kể cả lý luận và thực tiễn áp dụng BPTG như đã phân tích.
Nhằm hoàn thiện căn cứ áp dụng BPTG, tác giả kiến nghị: Khi áp dụng BPTG cần xem xét cả 2 yếu tố là hành vi phạm tội do lỗi cố ý hay vô ý, thái độ hợp tác và các căn cứ áp dụng BPTG quy định tại khoản 2 Điều 119 BLTTHS để làm căn cứ tạm giam đối với bị can phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Đồng thời không sử dụng kết quả phân loại tội phạm làm cơ sở duy nhất để áp dụng BPTG, cần coi các yếu tố như cản trở điều tra, truy tố, xét xử hoặc bỏ trốn, tiếp tục phạm tội là cơ sở chủ yếu để xem xét việc áp dụng BPTG.
Những quy định chưa rõ ràng tại Điều 119 BLTTHS năm 2015 đối với các cụm từ “không có nơi cư trú rõ ràng”, “dấu hiệu tiếp tục phạm tội”,“cần thiết”... cần có văn bản dưới luật hướng dẫn cụ thể như thế nào là tiếp tục phạm tội, xác định nơi cư trú ra sao để giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có cách hiểu thống nhất khi áp dụng. Nên quy định cụ thể rằng trường hợp bị can “không có nơi cư trú rõ ràng” là không có chổ ở, địa chỉ thể không xác định được nơi cư trú theo Luật Cư trú. Ban hành văn bản hướng dẫn trong những trường hợp nào là cần thiết có thể áp dụng BPTG đối với người dưới 18 tuổi cũng như người đã thành niên để cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ để tạm giam được chính xác, công bằng không còn phụ thuộc vào ý chí, quan điểm cá nhân của người THTT.
Cần quy định cụ thể khái niệm “người già yếu” và “người bị bệnh nặng” trong căn cứ tạm giam tại BLTTHS để các cơ quan tiến hành tố tụng có căn cứ pháp luật cụ thể áp dụng BPTG đối với bị can được thuận tiện, rõ ràng đúng pháp luật.
Thứ hai, hoàn thiện quy định về thẩm quyền áp dụng BPTG của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT theo hướng bỏ thẩm quyền áp dụng của chủ thể này.
Xem xét về thẩm quyền áp dụng BPNC tạm giam của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT các cấp. Quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng cho thấy quyền áp dụng của những chủ thể này không phải là thẩm quyền độc lập, các chủ thể này chỉ là “đề xuất” lệnh tạm giam, lệnh tạm giam của họ sẽ không có hiệu lực pháp lý nếu không có sự phê chuẩn của VKS. Việc quy định thẩm quyền áp dụng của BPTG cho Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT như hiện nay dẫn đến việc áp dụng biện pháp này trong giai đoạn điều tra đang có nhiều khó khăn, vướng mắc bởi vì việc hiểu và áp dụng pháp luật của hai chủ thể (CQĐT, VKS) trong nhiều vụ án chưa thống nhất. Vì vậy, để thu hẹp thẩm quyền áp dụng BPTG, giảm bớt khâu trung gian trong quy định về thẩm quyền áp dụng, tác giả kiến nghị bỏ thẩm quyền áp dụng BPTG của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT trong giai đoạn điều tra và trao thẩm quyền áp dụng cho VKS. Trong giai đoạn điều tra, Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT chỉ có quyền đề xuất áp dụng BPTG còn thẩm quyền áp dụng thuộc về Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS.
Thứ ba, hoàn thiện quy định về thời hạn tạm giam để điều tra
Tác giả kiến nghị thời hạn tạm giam để điều tra không được quá thời hạn điều tra tại Điều 173 BLTTHS năm 2015. Như tác giả đã phân tích ở trên, việc sửa đổi thời hạn tạm giam để điều tra theo hướng này sẽ khắc phục được những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn hiện nay. Đồng thời, bảo đảm sự tương thích, thống nhất giữa thời hạn tạm giam để điều tra với các chế định khác trong BLTTHS năm 2015. Thể hiện đúng bản chất trong mối quan hệ giữa thời hạn tạm giam để điều tra với thời hạn điều tra.
Thứ tư, hoàn thiện quy định về bắt tạm giam là “đối tượng đặc biệt”
BLTTHS năm 2003 cũng như BLTTHS 2015 chưa có điều luật nào quy định về việc bắt người là đại biểu dân cử; đảng viên; cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân; người nước ngoài ... Trong khi đó việc bắt những "đối tượng đặc biệt " này được quy định trong một số văn kiện của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước. Chẳng hạn như: Luật Tổ chức Quốc hội; Luật tổ chức chính quyền địa phương; “Công văn số 318/CV-BNV(V11) ngày 29/3/1992 của Bộ Nội vụ về việc xin ý kiến trước khi bắt, giam, giữ một số đối tượng đặc biệt; Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 05-HD/NCTW ngày 15/01/2001 của Ban Nội chính Trung ương về sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xử lý tội phạm theo tinh thần chỉ thị số 52-CT/TW ngày 16/3/2000 của Bộ Chính trị về việc bắt giữ các đối tượng đặc biệt”[13]. Vì thế tác giả kiến nghị cần ban hành văn bản hướng dẫn thống nhất, chi tiết việc bắt các “đối tượng đặc biệt” cho phù hợp.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can về tội Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, quy định tại Điều 290, BLHS- Ảnh: Vũ Oanh
[1] Điều 109 Bộ luật tố tụng hình sự 2015
[2] Xem thêm Điều 74 Bộ luật Dân sự 2015
[3] Xem thêm điểm a,b,c,d khoản 4 Điều 119 BLTTHS năm 2015
[4] Trường Đại học Luật Hà Nội (2018), Giáo trình luật Tố tụng hình sự Việt Nam (Tái bản lần thứ 15 có sửa đổi, bổ sung), NXB. Công an nhân dân
[5] Điều 21 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
[6] Xem thêm Điều 81 Hiến pháp năm 2013.
[7] Xem thêm Khoản 1 Điều 37 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014.
[8] Khoản 1 Điều 115 Hiến pháp năm 2013
[9] Xem thêm Khoản 1 Điều 100 Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015
[10] Khoản 2 Điều 419 BLTTHS năm 2015
[11] Khoản 3 Điều 419 BLTTHS năm 2015
[12] Điều 11 Luật cư trú 2020
[13] Hữu Tuấn, Đại biểu Quốc hội không phải là "bất khả xâm phạm", nguồn: https://baodautu.vn/dai-bieu-quoc-hoi-khong-phai-la-bat-kha-xam-pham-d879.html, truy cập:15/02/2024
Bài liên quan
-
Đề nghị truy tố Tổng Giám đốc Công ty Thành An và 37 bị can gây thiệt hại ngân sách hơn 743 tỉ đồng
-
Thanh Hóa: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương
-
Khởi tố 1.038 bị can, thu giữ 323,5 kg ma túy trong chuyên án tiếp viên hàng không xách ma túy
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép khởi tố, bắt tạm giam đối với đại biểu Lê Thanh Vân
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận