Các chính sách tiêu biểu có hiệu lực từ tháng 12 năm 2018

Trong tháng 12 năm 2018, nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ quy định nhiều chính sách tiêu biểu có hiệu lực thì hành. Xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

Học viên lái xe được đào tạo trên thiết bị mô phỏng

Ngày 08/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 138/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Theo Nghị định số 138/2018/NĐ-CP, phòng học lái xe phải được trang bị phương tiện nghe nhìn phục vụ giảng dạy như băng đĩa, đèn chiếu; có hình hoặc tranh vẽ mô tả thao tác lái xe cơ bản như điều chỉnh ghế lái, tư thế ngồi lái, vị trí cầm vô lăng; có xe được kê kích bảo đảm an toàn để tập số nguội, số nóng và có thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe

Ngoài ra, văn bản cũng quy định tiêu chuẩn chung giáo viên dạy lái xe, như phải đáp ứng tiêu chuẩn với nhà giáo dạy trình độ sơ cấp về giáo dục nghề nghiệp. Giáo viên dạy lý thuyết phải có bằng tốt nghiệp trung cấp trở lên, ở các chuyên ngành luật, công nghệ ôtô, công nghệ kỹ thuật ôtô, lắp ráp ôtô…

Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Theo Nghị định này, người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khi có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

Người lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này khi thuộc một trong các trường hợp: (i) di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định số 11/2016/NĐ-CP ngày 03/02/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; (ii) người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 1 Điều 187 của Bộ luật Lao động.

Thêm một trường hợp được miễn học phí từ năm học 2018 – 2019

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP ngày 16/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm 2020-2021, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Nghị định số 145/2018/NĐ-CP đã bổ sung thêm một trường hợp được miễn học phí, bên cạnh 15 trường hợp đã được quy định trước đây tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP.

Cụ thể, từ năm học 2018 – 2019 (tức từ ngày 01/9/2018), miễn học phí đối với trẻ em học mẫu giáo 5 tuổi ở vùng đặc biệt khó khăn có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo.

Quy định 5 trường hợp được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh

Ngày 17/10/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018. Theo Điều 14 của Nghị định này, 5 trường hợp được mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh là:

a) Người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo và một số đối tượng khác; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

b) Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; bà mẹ Việt Nam anh hùng; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, bệnh binh khi điều trị vết thương, bệnh tật tái phát; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81 % trở lên; trẻ em dưới 6 tuổi.

c) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến xã;

d) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với trường hợp chi phí cho một lần khám bệnh, chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở;

đ) Chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia bảo hiểm y tế 05 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 06 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến.

Quy định mới về tiền lương ngày nghỉ lễ

Nghị định số 148/2018/NĐ-CP ngày 24/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/2018.

Theo số 148/2018/NĐ-CP, trong các ngày nghỉ lễ, tiền lương được tính như sau: Tiền lương theo hợp đồng lao động chia cho số ngày làm việc bình thường trong tháng theo quy định của người sử dụng lao động, nhân với số ngày người lao động nghỉ. Trước đây, tại Nghị định số 05/2015/NĐ-CP, tiền lương ghi trong hợp đồng lao động được quy định cụ thể là tiền lương của tháng trước liền kề.

Điều chỉnh lương hưu cho lao động nữ

Nghị định số 153/2018/NĐ-CP ngày 07/11/2018 của Chính phủ quy định chính sách điều chỉnh lương hưu đối với lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2021 có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm đến 29 năm 6 tháng, có hiệu lực từ ngày 24/12/2018.

Theo Nghị định này, mức điều chỉnh sẽ được tính bằng mức lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2014 tại thời điểm bắt đầu hưởng lương hưu nhân với tỷ lệ điều chỉnh tương ứng với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội và thời điểm hưởng lương hưu.

Nếu nghỉ hưu năm 2018, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 12,3%; thấp nhất là 1,08%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Nếu nghỉ hưu năm 2019, tỷ lệ điều chỉnh cao nhất là 9,23%, thấp nhất là 0,81%, tùy thuộc vào thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Số lao động nữ bắt đầu hưởng lương hưu trong giai đoạn 2018-2021 và số người có từ 20 năm đến 29 năm 6 tháng đóng bảo hiểm xã hội là khoảng 91.000, gồm 20.500 người nghỉ hưu vào năm 2018; 22.000 người vào năm 2019; 23.500 người vào năm 2020 và 25.100 người vào năm 2021 (theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam).

Cấm họp kết hợp tham quan, nghỉ mát

Ngày 09/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 45/2018/QĐ-TTg quy định chế độ họp trong hoạt động quản lý, điều hành của cơ quan thuộc hệ thống hành chính Nhà nước. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25/12/2018.

Theo đó có 5 trường hợp không được tổ chức cuộc họp là: (i) họp kết hợp với tham quan, giao lưu, nghỉ mát hoặc dùng hình thức họp để tổ chức vui chơi, giải trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; (ii) họp giải quyết các công việc thường xuyên trong tình hình có thiên tai hoặc tình trạng khẩn cấp; (iii) họp giải quyết công việc đã được phân quyền, phân cấp, ủy quyền cho thủ trưởng cơ quan hành chính cấp dưới giải quyết; (iv) họp giải quyết công việc đã được pháp luật quy định giải quyết bằng các cách thức khác không phải thông qua cuộc họp; (v) họp nghe báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác của cấp dưới thay thế cho việc kiểm tra trực tiếp đối với cơ quan, đơn vị cấp dưới và cơ sở.

Hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự

Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm của Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Tại Điều 2 của Nghị quyết, các tình tiết định tội đã được hướng dẫn cụ thể. Theo đó, động vật hoang dã là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Động vật hoang dã khác là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp. Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).

Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan…).

Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng…); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).

Nghị quyết cũng quy định không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2018, trừ trường hợp tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.

Thẩm phán không mặc áo choàng khi xét xử bị cáo dưới 18 tuổi

Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2018.

Theo đó, những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên sẽ được xét xử tại Phòng xét xử thân thiện. Khi xét xử vụ án này, Thẩm phán mặc trang phục làm việc hành chính của Tòa án nhân dân và không mặc áo choàng. Phòng xử án được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.

Với vụ án có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục, bị bạo hành hoặc bị mua bán, Tòa án phải xét xử kín. Đối với những vụ án khác có yêu cầu của người dưới 18 tuổi hoặc để bảo vệ bí mật đời tư cho người dưới 18 tuổi thì cũng có thể xử kín nhưng phải tuyên án công khai. Đặc biệt, không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên

Ngày 16/10/2018, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 14/2018/TT-BTP ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên. Thông tư có hiệu lực từ ngày 12/12/2018.

Theo đó, đấu giá tài sản là một trong những hình thức bán tài sản phổ biến trong nền kinh tế thị trường nhằm tối đa hóa giá trị tài sản của người có tài sản đấu giá. Bằng hoạt động nghề nghiệp của mình, đấu giá viên góp phần vào việc xử lý tài sản công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, đặc biệt là tài sản Nhà nước và tài sản mà theo quy định của pháp luật phải xử lý dưới hình thức đấu giá.

Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên quy định các chuẩn mực đạo đức, hành vi ứng xử của đấu giá viên trong hành nghề đấu giá, là cơ sở để đấu giá viên tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức trong hành nghề và trong đời sống xã hội nhằm nâng cao trách nhiệm pháp lý, trách nhiệm nghề nghiệp, tính chuyên nghiệp của đấu giá viên, nâng cao uy tín của hoạt động đấu giá tài sản trong xã hội.

Theo Điều 2 của Quy tắc, trong hoạt động hành nghề, đấu giá viên phải tuân thủ những nguyên tắc: (i) tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, không trái đạo đức xã hội; (ii) bảo đảm tính độc lập, trung thực, công khai, minh bạch, công bằng, khách quan khi thực hiện đấu giá, không vì bất kỳ lý do nào mà làm ảnh hưởng đến kết quả đấu giá tài sản; (iii) trực tiếp điều hành cuộc đấu giá tài sản, chịu trách nhiệm trước pháp luật, tổ chức đấu giá tài sản về cuộc đấu giá do mình thực hiện, bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra cho tổ chức đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật; (iv) tuân thủ các quy định của Quy tắc đạo đức nghề nghiệp đấu giá viên này và Điều lệ của tổ chức xã hội – nghề nghiệp của đấu giá viên mà mình là thành viên./.

ThS. TẠ ĐÌNH TUYÊN