Cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty A

Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định phí dịch vụ chung cư theo quy định của UBND tỉnh khi đã có Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư” của tác giả Cao Thanh Loan đăng ngày 26/9/24, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai cho rằng cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của công ty A.

Thứ nhất: Ngày 20/12/2020, Hội nghị nhà chung cư lần đầu đã bầu ra Ban Quản trị nhà chung cư để thay mặt cho các chủ sở hữu, người sử dụng để thực hiện các quyền và trách nhiệm liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Ban Quản trị Tòa nhà B đã được UBND phường công nhận theo Quyết định ngày 04/02/2021. Như vậy ban quản trị nhà chung cư tòa nhà B đã được bầu ra đúng theo quy định của pháp luật được quy định tại theo khoản 5 Điều 1 Thông tư 06/2019/TT-BXD ngày 31/10/2019 và ban quản trị nhà chung cư Tòa nhà B phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của ban quản trị theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Theo điểm d khoản 1 Điều 104 Luật Nhà ở năm 2014 có quy định về quyền và trách nhiệm của Ban quản trị chung cư như sau: “1. Đối với nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu thì Ban quản trị nhà chung cư có quyền và trách nhiệm sau đây: d) Ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư với chủ đầu tư hoặc đơn vị có chức năng, năng lực quản lý vận hành nhà chung cư sau khi đã được Hội nghị nhà chung cư lựa chọn theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 102 của Luật này.”.

Vì vậy, việc ký kết Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư số 01/2021/HĐQL-HGT giữa Công ty A và ban quản trị chung cư Tòa nhà B vào ngày 01/4/2021 là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.

Mặt khác, tại Điều 30 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 của Bộ Xây dựng quy định: “Giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư được xác định theo quy định tại Điều 106 của Luật Nhà ở, được căn cứ vào từng nhà chung cư và trên cơ sở thỏa thuận với đơn vị quản lý vận hành; Trường hợp các bên không thỏa thuận được giá dịch vụ thì xác định theo khung giả dịch vụ do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư đó quy định”. Thực tế, tại Điều 5.1 của hợp đồng các bên có thỏa thuận giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư nên phải cần áp giá dịch vụ theo thỏa thuận trong Hợp đồng là phù hợp. Vì vậy, việc ông C cho rằng mình đã trả thừa phí dịch vụ cho Công ty A là không có cơ sở.

Từ những phân tích trên, việc ông C không thanh toán phí quản lý vận hành và chi phí các dịch vụ tiện ích phát sinh đối với toàn bộ các căn hộ và cửa hàng thuộc sở hữu của mình đã vi phạm vào những thỏa thuận tại Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư số 01/2021/HĐQL-HGT giữa Công ty A và ban quản trị chung cư Tòa nhà B được ký vào ngày 01/4/2021.

Như vậy, Việc Công ty A khởi kiện yêu cầu ông C phải thanh toán phí quản lý vận hành; chi phí các dịch vụ tiện ích khác và phần lãi chậm trả theo yêu cầu khởi kiện của Công ty A là đúng theo quy định của pháp luật.

Bài viết: "Xác định phí dịch vụ chung cư theo quy định của UBND tỉnh khi đã có Hợp đồng dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư"  của tác giả Cao Thanh Loan tapchitoaan.vn/xac-dinh-phi-dich-vu-chung-cu-theo-quy-dinh-cua-ubnd-tinh-khi-da-co-hop-dong-dich-vu-quan-ly-van-hanh-nha-chung-cu11991.html 

TRẦN DUY KHÁ (TAQS khu vực Quân khu 7)

Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.