Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi theo xu hướng tiến bộ của thế giới, đổi mới triệt để hệ thống Toà án
Chiều 26/03, Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình – Trưởng ban soạn thảo Luật Tổ chức Toà án nhân dân sửa đổi, đã báo cáo giải trình, tiếp thu trước các Đại biểu Quốc hội chuyên trách và khẳng định dự thảo Luật đã đổi mới, tiệm cận trình độ quốc tế.
Chiều 26/03, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ bảy. Tại Hội nghị đã thảo luận cho ý kiến đối với những vấn đề lớn của Luật tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi.
Đổi tên và thẩm quyền xét xử của 2 cấp Tòa án
Về tổ chức toà án theo thẩm quyền xét xử, quan điểm của Ban soạn thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) là chọn phương án 2. Tức là đổi tên Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh... thành Tòa án nhân dân sơ thẩm. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đổi tên thành Tòa án nhân dân phúc thẩm.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, điều này xuất phát từ quy định của Đảng, xuyên suốt từ trước đến nay, qua nhiều nghị quyết được ban hành.
Nói thêm về truyền thống pháp lý, Chánh án cho biết, từ khi thành lập Toà án, Bác Hồ đã lập toà sơ thẩm, phúc thẩm và quy định tại Hiến pháp năm 1946. “Còn tham khảo quốc tế, không có nước nào tổ chức Toà án cấp tỉnh, cấp huyện mà chỉ theo thẩm quyền xét xử”.
Đặc biệt, Chánh án khẳng định: Việc đổi tên đồng nghĩa với việc đổi thẩm quyền xét xử theo đúng quy định. Thẩm quyền các toà đã được ghi rõ trong quy định về toà sơ thẩm, toà phúc thẩm. Việc đổi tên bao gồm cả đổi thẩm quyền trong luật. Việc đổi thẩm quyền này còn mạnh mẽ hơn nữa khi sửa các luật tố tụng và phân cấp toà án.
“Chúng ta đã tiến một bước khi phân công cho Toà cấp huyện xử án đến 15 năm, nhưng trong trình độ hiện nay, Toà này có thể xử đến chung thân, tử hình. Chúng ta nên có bước đi hợp lý, chứ không dừng lại ở cấp huyện chỉ xử án 15 năm. Một số vụ có yếu tố nước ngoài chuyển lên cấp tỉnh xử, nhưng trên thực tế năng lực của Toà cấp quận như Hà Nội, TP HCM cũng xử được. Ở đây có đổi cả tên, cả thẩm quyền. Điều này mang lại nhiều lợi ích, nguyên tắc độc lập được đảm bảo và đúng với tinh thần Hiến pháp và Nghị quyết 27”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nhấn mạnh.
Trên tinh thần này, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị UBTVQH lập 2 phương án để có cơ hội giải trình trước Quốc hội.
“Hiện nay chúng ta không làm, trong tương lai con cháu chúng ta cũng phải làm. Đây là xu hướng tiến bộ của thế giới, nếu không làm sẽ lỡ cơ hội đổi mới triệt để hệ thống Toà án”, Chánh án Nguyễn Hoà Bình nói.
Quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ
Về thu thập chứng cứ theo Điều 15 của dự án Luật, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết, việc quy định Toà án có quyền yêu cầu các cơ quan cung cấp chứng cứ; Toà án có nhiệm vụ tiếp nhận chứng cứ tài liệu cung cấp, hướng dẫn đương sự thu thập chứng cứ; kiểm tra, thẩm định chứng cứ có trong hồ sơ… Như vậy, phạm vi thu thập chứng cứ theo Nghị quyết 27 cần phải làm rõ và sẽ lưu ý việc diễn đạt trong luật.
“Nhiệm vụ của Toà án là yêu cầu, tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá tính xác thực của chứng cứ để xét xử. Những nội dung này đã được phản ánh đầy đủ trong dự án Luật”, Chánh án nói.
Về phân loại án ngẫu nhiên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết “thế giới đã làm từ lâu, bây giờ chúng ta mới quy định trong luật”.
“Người ta đảm bảo tính độc lập của thẩm phán, chỉ tuân theo pháp luật, tránh trường hợp Chánh án muốn xử theo ý mình thì phân cho thẩm phán có quan hệ tốt. Lần này chúng tôi quy định trong luật và ban hành thông tư hướng dẫn. Trong thông tư đó cũng khắc phục được tình hình mà cả thế giới đang làm là có một số vụ án phải phân công cho thẩm phán có năng lực. Việc phân công này cũng phải ngẫu nhiên chứ không phải một hai thẩm phán có năng lực. Điều này đảm bảo tính độc lập trong xét xử”, Chánh án nêu rõ.
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: DT
Tính trang nghiêm trong phiên xử
Về quy định ghi âm, ghi hình tại phiên toà, Chánh án khẳng định, dự thảo Luật không điều chỉnh việc truyền thông của các cơ quan báo chí về vụ án. “Chúng tôi chỉ điều chỉnh truyền thông trong phiên toà xét xử, còn ra ngoài phỏng vấn ai, đưa tin như thế nào, đó là việc của báo chí, đây là việc cả thế giới làm. Việc tổ chức phiên toà phải đảm bảo 3 yêu cầu: đúng luật, chất lượng và bảo đảm tính trang nghiêm trong phiên xử. Để thực hiện được 3 yêu cầu này, Toà án phải quy định về truyền thông trong phiên xét xử, nếu tổ chức vi phạm quyền con người - Toà phải chịu trách nhiệm. Còn ra khỏi phòng xử, truyền thông thế nào là việc của báo chí”.
“Trong vụ án ly hôn, ra trước Toà chồng nói thế này, vợ nói thế kia rồi ghi âm, ghi hình tung lên mạng, rất phức tạp, xâm phạm quyền con người. Người ta không muốn cho thế giới biết mình có bao nhiêu tài sản, lý do vì sao ly hôn… vì vậy chúng tôi điều chỉnh việc ghi âm, ghi hình trong phòng xử”, Chánh án nói.
Chánh án Nguyễn Hoà Bình cũng viện dẫn thêm việc thế giới không cho ghi âm, ghi hình phiên toà. “Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát, luật sư toàn tâm toàn ý cho việc xét xử vụ án, nhưng nếu bị chĩa máy quay vào sẽ phân tán trong lúc cần quyết định sáng suốt nhất. Việc điều chỉnh này nhằm đảm bảo cho các cơ quan tiến hành tố tụng tập trung xét xử. Tiếp thu ý kiến Thường vụ Quốc hội, chúng tôi sẽ quy định toà án ghi âm, ghi hình phục vụ công tác nghiệp vụ và lưu trong hồ sơ vụ án. Việc sử dụng phải đảm bảo quyền con người”.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình – Trưởng ban soạn thảo dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) trình bày tại Hội nghị - Ảnh: DT
Bài liên quan
-
Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Tiến dự hội nghị Chánh án ASEAN lần thứ 11 tại Phillippines
-
Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Nhà giáo
-
Giao Bộ Y tế nghiên cứu xây dựng đề án sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá để sớm báo cáo Quốc hội
-
Bổ nhiệm Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đối với ông Nguyễn Tiến Sỹ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận