Cơ quan nhà nước từ chối trả lời Tòa án, có vi phạm gì không ?

Vụ VN Pharma nhập khẩu 9300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng không rõ nguồn gốc, khi được Tòa hỏi về các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến trách nhiệm để cho VN Pharma nhập trót lọt thuốc rởm về, đại diện Bộ Y tế và đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương có mặt tại phiên tòa đều xin trả lời tòa sau.

Thời gian qua trong một số vụ án, đặc biệt là các vụ án gây chấn động cả nước gần đây, dư luận ngỡ ngàng khi chứng kiến đại diện các cơ quan nhà nước được triệu tập tham gia phiên tòa lại từ chối trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử. Như trong vụ OceanBank thiệt hại 1.500 tỷ đồng, đại diện Ngân hàng nhà nước có mặt tại phiên tòa lại xin khất trả lời sau, khi tòa chất vấn về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước trong việc để OceanBank chi sai thiệt hại 1.500 tỷ đồng mà không phát hiện ngăn chặn kịp thời.

Và mới đây nhất là vụ VN Pharma nhập khẩu 9300 hộp thuốc chữa ung thư kém chất lượng không rõ nguồn gốc, khi được Tòa hỏi về các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến trách nhiệm để cho Pharma nhập trót lọt thuốc rởm về, đại diện Bộ Y tế và đại diện Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương có mặt tại phiên tòa cũng lại tái xuất kịch bản… “sẽ trả lời tòa sau” !

Việc triệu tập đại diện các cơ quan này đến phiên tòa là nhằm làm sáng tỏ vụ án, liên quan đến những việc đánh giá hành vi của các bị cáo, nên khi các đại diện này không trả lời, Hội đồng xét xử khó khăn hơn trong việc giải quyết vụ án. Khoản 1 Điều 26 BLTTHS 2003 qui định về “Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các cơ quan tiến hành tố tụng” như sau: “Trong phạm vi trách nhiệm của mình, các cơ quan nhà nước phải áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm; phối hợp với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm… Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ. Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ.” BLTTHS 2015 cũng qui định tương tự tại Điều 5.

Việc từ chối hay xin khất trả lời sau của những người đại diện có nhiều lý do. Có thể họ không muốn công khai những nội dung của ngành, của cơ quan đơn vị mình ra trước phiên tòa, trước công luận. Có thể họ không nắm vững nội dung mà Hội đồng xét xử đặt ra. Có thể có những vấn đề vượt ngoài khả năng hay thẩm quyền của họ…

Thực tế chưa xảy ra vụ nào từ chối hay xin khất trả lời mang dấu hiệu của hành vi “cản trở hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng”, nhưng rõ ràng việc không có câu trả lời kịp thời từ đại diện các cơ quan được triệu tập đến Tòa án gây ảnh hưởng nhất định đến công tác xét xử.

Vì vậy, vấn đề đặt ra đối với các cơ quan cử đại diện đến tham dự phiên tòa là phải cử người có đủ năng lực trả lời các câu hỏi liên quan đến vụ án thuộc phạm vi quản lý của cơ quan mình, nếu nội dung phức tạp thì nên cử một nhóm và có kết nối với cơ quan để nhanh chóng có câu trả lời cho Hội đồng xét xử, không phải chờ khất để làm văn bản trả lời sau.

Các văn bản trả lời sau vẫn có giá trị pháp lý, cần thiết cho việc giải quyết vụ án, nhưng nếu chậm trễ thì sau phiên tòa phúc thẩm, phải xem xét ở cấp giám đốc thẩm khiến vụ án kéo dài, gây phức tạp, tốn kém cho Tòa án, cho ngân sách nhà nước.

Do đó, để thúc đẩy sự hợp tác tích cực hơn từ các cơ quan được triệu tập, phải tính đến biện pháp xử lý hành chính đối với những trường hợp biết rõ vấn đề nhưng từ chối khai báo vì mục đích nào đó.

Tòa án cũng cần có phản hồi kịp thời đến cơ quan cử đại diện là người không nắm được vấn đề cần làm rõ, để họ nhanh chóng cử người thay thế có đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu của Hội đồng xét xử. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án cũng có thể gửi văn bản đến cơ quan, đơn vị có liên quan, về những vấn đề cần biết để họ có sự chuẩn bị cả về nội dung và người tham gia phiên tòa thì cũng phần nào hạn chế tình trạng không trả lời, xin khất trả lời sau như hiện nay.  

 

PHẠM MẠNH HÀ