Công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng
Sáng 19/02, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức Họp báo Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5.
Chủ trì buổi họp báo có Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần; cùng đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, đại diện các Bộ, ngành, Văn phòng Chủ tịch nước.
Theo Điều 88 và Điều 91 của Hiến pháp; căn cứ Điều 80 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Chủ tịch nước công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 thông qua ngày 18/01/2023.
Tại buổi họp báo, thừa lệnh của Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước đã công bố toàn văn Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Luật Đất đai và Luật Các tổ chức tín dụng.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, sau gần 08 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, khả thi cho việc khai thác nguồn lực, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả đất đai, đáp ứng nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại, hạn chế như: quy hoạch sử dụng đất chưa bảo đảm tính đồng bộ, chất lượng chưa cao; nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; việc sử dụng đất có nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn bất cập; việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; tài chính về đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế…
Nguyên nhân là do đất đai có tính lịch sử, phức tạp; việc thi hành pháp luật về đất đai ở một số nơi còn chưa nghiêm; chính sách, pháp luật còn có những bất cập, một số nội dung của pháp luật có liên quan chưa thống nhất, đồng bộ với pháp luật về đất đai; việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý chưa được thực hiện tốt; một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.
Luật Đất đai sửa đổi lần này đã thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các nghị quyết, kết luận của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai. Đảm bảo kế thừa, ổn định, phát triển của hệ thống pháp luật đất đai; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn.
Đảm bảo đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về đất đai với các pháp luật có liên quan; hoàn thiện các chế định để quản lý đất đai theo chức năng là tài nguyên, tài sản, nguồn lực cả về diện tích, chất lượng, không gian sử dụng.
Tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đồng thời thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý đất đai. Tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để thúc đẩy sử dụng đất hợp lý, hiệu quả, bền vững.
Hiện đại hóa, chuyển đổi số công tác quản lý đất đai dựa trên hệ thống thông tin, dữ liệu đất đai thống nhất, tập trung, phục vụ đa mục tiêu kết nối từ Trung ương đến địa phương, quản lý biến động đến từng thửa đất.
Luật Đất đai gồm 16 chương, 260 điều, trong đó sửa đổi, bổ sung 180/212 điều của Luật Đất đai năm 2013 và bổ sung mới 78 điều.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 thay thế Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2017. Việc xây dựng Luật lần này nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật, khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, trong đó có tham khảo kinh nghiệm quốc tế và phù hợp với chiến lược phát triển ngành Ngân hàng.
Luật có 15 Chương 210 Điều, quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể, phá sản các tổ chức tín dụng; thành lập, hoạt động, can thiệp sớm, giải thể, chấm dứt hoạt động của Văn phòng đại diện Việt Nam của các tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng; việc xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ có chức năng mua bán, xử lý nợ.
Phóng viên các cơ quan báo chí đặt câu hỏi đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành trao đổi làm rõ các vấn đề quan tâm.
Toàn cảnh buổi họp báo - Ảnh: Thái Vũ
Bài liên quan
-
Quy định về thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp của Luật Đất đai năm 2024 từ góc nhìn về thẩm quyền hủy quyết định cá biệt
-
Bình luận Án lệ số 52/2021/AL về hiệu lực của hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất khi chưa đăng ký quyền sử dụng đất - Dưới góc nhìn của Luật Đất đai năm 2024
-
Thủ tướng yêu cầu các tỉnh thành ban hành văn bản quy định Luật Đất đai
-
Eximbank hướng tới mô hình mới tiêu biểu theo Luật Các tổ chức tín dụng 2024
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận