Hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến
Bài viết tập trung phân tích nhận thức về hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến đối với các vụ án theo quy định của pháp luật; đánh giá những thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn; từ đó đưa ra một số giải pháp khuyến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Đặt vấn đề
Xét xử trực tuyến từ lâu đã là một khái niệm không xa lạ đối với nhiều nước trên thế giới. Tại Việt Nam, tuy phương thức tiến hành tố tụng (THTT) này mới xuất hiện cách đây vài năm, nhưng đã bước đầu chứng minh được tính ứng dụng và hiệu quả của phương thức này. Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến là cơ sở pháp lý bước đầu vô cùng quan trọng trên chặng đường xây dựng Tòa án điện tử (TAĐT) tại Việt Nam theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bài viết đề cập đến những hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến và đưa ra một số giải pháp góp phần tích cực vào chiến lược cải cách tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh hơn, trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
1. Khái quát về hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến
1.1. Khái niệm về hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến đang là hình thức xét xử được lựa chọn và triển khai ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi tính ứng dụng và hiệu quả cao của nó.
Xét xử bằng hình thức trực tuyến (xét xử trực tuyến) là việc Tòa án tổ chức phiên tòa tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do Tòa án quyết định, nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.
Những vụ án được tổ chức xét xử theo hình thức trực tuyến gồm có những vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án rõ ràng theo trình tự sơ thẩm, phúc thẩm. Một số vụ án không được tổ chức phiên tòa trực tuyến gồm có: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia và một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.
1.2. Bối cảnh thời đại
Gần đây, nhiều nước phát triển trên thế giới như Áo, Đức, Mỹ,… đã thực hiện việc xét xử trực tuyến. Từ năm 2004, pháp luật Áo cho phép nghe các bên, chuyên gia và người làm chứng trong tố tụng dân sự, bị cáo và người làm chứng trong tố tụng hình sự trình bày qua video. Có thể nói, việc sử dụng phương tiện thông tin điện tử được coi là một đặc điểm phổ biến trong trình tự tố tụng của pháp luật Áo[1]. Vương quốc Anh đã thành lập một Tòa án trực tuyến để xử lý các tranh chấp dân sự và gia đình có giá trị dưới 25.000 bảng Anh[2].
Bắt kịp xu hướng của thế giới và khu vực, nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ số trong việc hiện đại hóa Tòa án, khi tham gia Hội đồng Chánh án các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Hội đồng Chánh án khu vực Asean, Việt Nam cam kết đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng và tổ chức vận hành TAĐT. Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai nhiều hoạt động trong lộ trình xây dựng TAĐT, Tòa án số, tiến tới xây dựng Tòa án thông minh.
Thêm vào đó, sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến toàn xã hội nói chung và hoạt động xét xử nói riêng; nhiều vụ án bị kéo dài quá thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể tham gia trực tiếp phiên tòa. Đây cũng là lý do thúc đẩy cho việc triển khai phiên tòa trực tuyến nhanh hơn.
Tính đến ngày 20/3/2023, các Tòa án đã tổ chức xét xử hơn 5.400 vụ theo hình thức trực tuyến[3].
Tại Tòa án nhân dân hai cấp thành phố Hà Nội, điều kiện cơ sở vật chất hiện nay chưa được trang bị đầy đủ các thiết bị phòng riêng phục vụ cho công tác xét xử trực tuyến, phần lớn thiết bị đi mượn, đi thuê. Tuy nhiên, với nỗ lực vượt qua khó khăn, Tòa án hai cấp Thủ đô đã phối hợp với các ngành Công an, Viện kiểm sát để thực hiện xét xử trực tuyến được hơn 120 vụ án các loại về hình sự, hành chính.
Kết quả này đạt được do sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, là minh họa cho kết quả của một chủ trương đúng đắn đã và đang được các cấp, các ngành ủng hộ; sự tham gia chung tay góp sức của đông đảo cán bộ, Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án trong cả nước và sự đồng thuận của toàn thể xã hội.
2. Hiệu quả của hoạt động tổ chức phiên tòa trực tuyến
Hiệu quả của việc tổ chức phiên tòa trực tuyến thể hiện rõ nét, nổi bật từ nhận thức đến thực tiễn hoạt động, thể hiện như sau:
2.1. Góp phần thực hiện đúng, kịp thời quan điểm, đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về cải cách tư pháp
Có thể khẳng định, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến là xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp; phù hợp với chủ trương của Đảng về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án theo tinh thần Nghị quyết số 49/NQ-TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII về việc đổi mới tổ chức phiên tòa xét xử và tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan tư pháp. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, khẳng định quan điểm của Đảng ta là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng; xác định nhiệm vụ, mục tiêu trọng tâm là cải cách hành chính, cải cách tư pháp. Xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, trong đó có xây dựng TAĐT. Bản chất của xây dựng TAĐT là chuyển đổi số các hoạt động tố tụng của Tòa án, đưa việc thực hiện hoạt động tố tụng trên trang web hoặc các ứng dụng phần mềm, ví dụ: phần mềm nộp đơn khởi kiện trực tuyến, hệ thống quản lý án, hệ thống quản lý văn bản điều hành là thể hiện của thủ tục tố tụng được số hóa. Việc cho phép xét xử trực tuyến cũng nằm trong nội dung của việc xây dựng TAĐT.
Thể chế hóa đường lối của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 về tổ chức phiên tòa trực tuyến, quyết nghị: “Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng,…”. Ngày 15/12/2021, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thống nhất ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến; quy định và hướng dẫn việc xem xét, quyết định mở phiên tòa trực tuyến; yêu cầu đối với phiên tòa trực tuyến; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; chuẩn bị phiên tòa trực tuyến. Đây là cơ sở pháp lý bước đầu nhưng vô cùng quan trọng nhằm tiến tới xây dựng TAĐT tại Việt Nam theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
2.2. Bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp và quy định của pháp luật
Hiện nay, theo quy định tại Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đối với các vụ án hình sự, dân sự, hành chính. Phương thức THTT này cho phép bị hại, người làm chứng, luật sư và những người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại các địa điểm khác nhau với sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ. Nhiều vụ án có đương sự ở xa trụ sở Tòa án, đương sự ở nước ngoài tham gia phiên tòa, tiết kiệm nguồn lực cho việc tổ chức một phiên tòa. Bên cạnh đó, việc xét xử trực tuyến các vụ án hành chính còn tạo thuận lợi cho việc tổ chức phiên tòa, hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần hoặc xét xử vắng mặt người bị kiện; giảm bức xúc cho người khởi kiện.
Phương thức xét xử trực tuyến cũng giúp người tham gia tố tụng giảm cảm giác “ngại”, “sợ” khi xuất hiện tại Tòa án, tạo sự bình đẳng cho các bên tham gia tố tụng. Trong một số vụ án như vụ án hình sự về tội xâm hại tình dục, người tham gia tố tụng là người bị xâm hại tình dục, nạn nhân của tội phạm bạo lực gia đình, người làm chứng, người tố giác tội phạm,… vì lý do giữ gìn danh dự, an toàn cá nhân, nên họ không cần thiết phải đến điểm cầu trung tâm để xét xử trực tiếp; bằng khoa học công nghệ có thể bảo vệ hình ảnh, tiếng nói của họ mà vẫn bảo đảm quyền được tham gia phiên tòa, quyền được lắng nghe, được cung cấp thông tin liên quan trình bày ý kiến về việc giải quyết vụ án.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến giúp tăng khả năng tiếp cận công lý, góp phần bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân tốt hơn, hiệu quả hơn, bảo đảm thời hạn giải quyết vụ án nhanh hơn.
2.3. Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho các bên liên quan tham gia xét xử đầy đủ trong vụ án
Trong bối cảnh giao tiếp không biên giới qua các phương tiện công nghệ thông tin như hiện nay và khi người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, đặc biệt là người đang sinh sống, học tập, làm việc có khoảng cách xa với Tòa án đang thụ lý, giải quyết vụ án, người đang chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, bệnh tật, thiên tai hoặc có hoàn cảnh khó khăn khác, người ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… không thể đến Tòa án tham gia xét xử trực tiếp, thì việc tổ chức xét xử trực tuyến là một kênh thuận lợi để bảo đảm việc tham gia phiên tòa được kịp thời, đầy đủ và tiết kiệm chi phí đi lại, ăn ở… cho những người liên quan trong vụ án.
Bị can đang bị tạm giam, bị cáo đang chấp hành hình phạt tại trại giam không nhất thiết phải đến Tòa án, mà vẫn tham gia phiên tòa thông qua việc xét xử trực tuyến; các cơ quan, tổ chức xã hội, các cá nhân như đơn vị giam giữ bị can, bị cáo không phải bố trí phương tiện, người để áp giải bị can, bị cáo đến Tòa án vừa giảm chi phí cho việc sử dụng phương tiện, dành thời gian cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện các nhiệm vụ khác; tương tự trong các vụ án hành chính, thì người có liên quan có thể tham gia phiên tòa tại phòng họp trực tuyến của mình, mà không nhất thiết phải di chuyển đến Tòa án để tham gia xét xử trực tiếp, góp phần giảm, tiết kiệm chi phí liên quan đến hoạt động xét xử cho xã hội.
Những yếu tố dẫn đến hoãn phiên tòa vì lý do người tham gia tố tụng ở xa, đi lại khó khăn, không đến đúng thời gian triệu tập được khắc phục.
2.4. Tổ chức phiên tòa trực tuyến góp phần giải quyết kịp thời khó khăn về phòng xét xử
Phiên tòa là nơi tập trung đông người, đặc biệt là người tham gia tố tụng như bị cáo, bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án; người làm chứng; người chứng kiến; người giám định; người định giá tài sản; người phiên dịch và những người tham gia tố tụng khác; phóng viên, nhà báo, người đến theo dõi việc xét xử, khi xét xử trực tiếp sẽ khó khăn về phòng xét xử nếu có đông người tham gia tập trung cùng một thời điểm, đặc biệt là số lượng các vụ án ngày càng tăng cả về số lượng vụ án và số lượng người liên quan tham gia mà Tòa án các cấp đang phải tập trung giải quyết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa dứt điểm; an ninh trật tự phiên tòa… Vì vậy, việc tổ chức xét xử trực tuyến sẽ là biện pháp rất hữu hiệu để “giãn cách sự ngột ngạt” số lượng người cùng tham gia tại một phiên tòa, “giảm tải” cho phòng xét xử, giảm “gánh nặng” cho người có trách nhiệm giữ gìn trật tự tại phiên tòa.
2.5. Xét xử trực tuyến góp phần hội nhập kinh tế, quốc tế để xây dựng, phát triển toàn diện đất nước
Trong xu thế hiện nay, nước ta đã có mối quan hệ ngoại giao với 192 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, có quan hệ kinh tế với hơn 221 thị trường nước ngoài và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế theo chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, trong đó có hoạt động quan hệ, tương trợ về tư pháp từ việc xây dựng và thi hành pháp luật có yếu tố thời đại. Vì vậy, việc nghiên cứu để xây dựng TAĐT, Tòa án thông minh mà việc xét xử trực tuyến là một điều tất yếu theo chỉ đạo của đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về áp dụng công nghệ trong việc hiện đại hóa hệ thống Tòa án và nâng cao khả năng tiếp cận công lý trong việc hiện đại hóa hệ thống Tòa án, nâng cao khả năng tiếp cận công lý trong xét xử trực tuyến “… một xu hướng phát triển không thể đảo ngược trong thời đại cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Những việc làm trên góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh trên trường quốc tế, hướng tới xây dựng đất nước, con người Việt Nam ngày càng phát triển, tiến bộ, văn minh về mọi mặt.
2.6. Phổ biến, giáo dục pháp luật và hạn chế vi phạm pháp luật đối với xã hội
Thông qua hoạt động xét xử trực tuyến, việc những người THTT phân tích, đánh giá các hành vi ứng xử của từng người tham gia tố tụng và đối chiếu với các quy định của pháp luật liên quan đã góp phần thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử, thông tin, tuyên truyền chính xác về những việc hay, việc tốt và phê phán, lên án những thói hư, tật xấu, vi phạm các chuẩn mực xã hội, trong đó có chuẩn mức pháp luật, chuẩn mực đạo đức để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, ý thức trách nhiệm trong chấp hành, tuân thủ, áp dụng pháp luật, góp phần hạn chế vi phạm pháp luật giữa con người với con người.
2.7. Xét xử trực tuyến góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân
Trong chiến lược cải cách tư pháp dưới sự lãnh đạo của Đảng và tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xây dựng TAĐT, trong đó có việc xét xử trực tuyến góp phần nâng cao năng lực kịp thời, hiệu quả hoạt động của cả Tòa án và người tham gia tố tụng; các cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm cả cán bộ, công chức Tòa án và người dân dễ dàng tiếp cận thông tin, dịch vụ tư pháp công được tốt hơn; góp phần công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án mọi lúc, mọi nơi; qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản trị quốc gia, xây dựng Tòa án số, Tòa án điện tử ở Việt Nam; thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng tích cực về kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, đặc biệt là, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc củng cố niềm tin giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, đóng góp vào quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân.
3. Những thuận lợi và khó khăn khi tổ chức phiên tòa trực tuyến hiện nay
3.1. Thuận lợi
Thứ nhất, công tác xét xử trực tuyến được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, được lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, kịp thời.
Thứ hai, nhiều Tòa án đã trang bị phòng xét xử, đầu tư, bố trí đầy đủ các trang thiết bị và nền tảng trực tuyến hiện đại để phục vụ việc xét xử trực tuyến.
Thứ ba, chủ trương và triển khai xét xử trực tuyến được đông đảo các cấp, các ngành và người dân đồng tình ủng hộ và sự quyết tâm triển khai thực hiện tốt của cơ quan, cán bộ, công chức Tòa án các cấp thuộc diện được xét xử trực tuyến.
Thứ tư, các vụ án được xét xử trực tuyến đều diễn ra kịp thời, thuận lợi, xuyên suốt cho cả cơ quan, người THTT, người có liên quan đến vụ án và người theo dõi, quan tâm vụ án, mà tính tôn nghiêm của pháp luật trong hoạt động xét xử vẫn được bảo đảm.
3.2. Khó khăn
Một là, nhận thức và thực hiện xét xử trực tuyến của một số cán bộ, công chức Tòa án còn hạn chế, đặc biệt là am hiểu để lựa chọn đưa vụ việc có tình tiết, tính chất đơn giản, kể cả vụ án đơn giản nhưng không phải thông tin, tài liệu trong hồ sơ vụ án nào cũng đã bảo đảm tính đầy đủ, rõ ràng là “rào cản”, “nhạy cảm” để quyết định xét xử trực tiếp hoặc trực tuyến. Những tình huống thực tế dễ gặp phải, như một số chuyên gia đã chia sẻ: Tài liệu trực tuyến; yêu cầu của một bên khi kiên quyết đòi bên đối lập phải tham dự trực tiếp; hiệu lực về kiểm định dữ liệu lưu trữ bằng công nghệ chuỗi khối; tính chính xác về nhân thân của đương sự trong các vụ án dân sự, hành chính qua trực tuyến,… cần phải có quy định chặt chẽ để xử lý kịp thời.
Hai là, theo báo cáo của cơ quan chức năng, đến nay còn nhiều Tòa án chưa trang bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết, tương xứng và cơ sở giam giữ chưa được đầu tư đồng bộ mà phần lớn thiết bị là đi mượn, cho thuê và tận dụng các thiết bị từ phòng họp trực tuyến hiện có để phục vụ xét xử trực tuyến. Vì vậy, số vụ án mà hệ thống Tòa án nói chung, Tòa án nhân dân hai cấp tại Hà Nội nói riêng đưa ra xét xử trực tuyến còn hạn chế (Tòa án nhân dân hai cấp tại Hà Nội đã xét xử trực tuyến hơn 120 vụ).
Ba là, trình độ, kiến thức, am hiểu về công nghệ thông tin để vận hành các trang thiết bị trực tuyến tại Tòa án, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan còn nhiều hạn chế, lúng túng sẽ là “rào cản” để xét xử trực tuyến.
Bốn là, nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành về đầu tư kính phí cho việc mua sắm, đầu tư trang thiết bị công nghệ, nền tảng số để phục vụ cho xét xử trực tuyến chưa phải ai cũng có ý chí quyết tâm thực hiện.
4. Nguyên nhân
4.1. Khách quan
Nền tảng công nghệ thông tin được sản xuất, cung ứng bởi các pháp nhân, cá nhân thuộc lĩnh vực chuyên ngành, bao gồm cả công nghệ của nước ngoài, nên cần phải trang bị các trang thiết bị, nền tảng số chuẩn mực về phát, thu tín hiệu hình ảnh và âm thanh, đặc biệt là tính bảo mật thông tin, tài liệu theo quy định, trong khi nhân lực để vận hành cho hoạt động này của Tòa án còn nhiều khó khăn, hạn chế.
Những vấn đề trực quan khi quan sát, phán đoán, tranh tụng đi đến nhận định, kết luận hành vi (đúng hoặc sai) của những người THTT đối với diễn biến về tâm lý, tâm trạng, biểu hiện, thái độ,… của người tham gia tố tụng, đặc biệt là bị cáo, bị hại, người làm chứng, … qua trực tuyến không thể chính xác như xét xử trực tiếp, cũng là băn khoăn của những người THTT.
4.2. Chủ quan
Việc đầu tư, mua sắm sâu, rộng đến các cơ quan, tổ chức, nhất là Tòa án, Viện kiểm sát, Ủy ban nhân dân các cấp; cơ sở giam giữ và dần dần đến các cơ sở, như trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư, bệnh viện, trường học, … trong toàn quốc để phục vụ việc chung, trong đó có việc phục vụ xét xử trực tuyến, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong xét xử trực tuyến là đòi hỏi không phải ở đâu cũng đáp ứng ngay được khi mà điều kiện về kinh phí còn khó khăn.
Khi phải thực hiện các bước để xét xử trực tuyến khác với xét xử truyền thống, còn tâm lý e dè của cán bộ, công chức các cấp, các ngành, trong đó có công chức Tòa án, Viện kiểm sát, Cảnh sát, Trung tâm trợ giúp pháp lý, … Bởi vì hầu hết cán bộ, công chức có liên quan đến hoạt động xét xử chủ yếu là chuyên ngành điều tra, kiểm sát, xét xử và việc điều khiển các trang thiết bị công nghệ lại thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin (không phải chuyên ngành học của hầu hết người THTT).
5. Giải pháp và kiến nghị
Cốt lõi của chìa khóa của xét xử trực tuyến là nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
5.1. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền về xét xử trực tuyến
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất quan trọng nhằm đề cao ý thức trách nhiệm của lãnh đạo Tòa án các cấp trong việc đẩy mạnh việc xây dựng và thực hiện TAĐT, Tòa án số, trong đó có việc thúc đẩy xét xử trực tuyến tại tất cả các cấp Tòa án thuộc diện được xét xử trực tuyến theo quy định gắn liền với việc giám sát, kiểm tra, khen thưởng, đãi ngộ xứng đáng,... nhân rộng các tập thể, cá nhân có mô hình điển hình tiên tiến, cách làm hay để phát huy nhân rộng ra toàn hệ thống Tòa án và các đơn vị hữu quan. Đồng thời, chỉ ra những tập thể, cá nhân làm chưa tốt để yêu cầu khắc phục, xử lý, làm kinh nghiệm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện trong thời gian tiếp theo.
5.2. Ban hành quy chế phối hợp tổ chức phiên tòa trực tuyến
Cần xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa Tòa án và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về tổ chức phiên tòa trực tuyến cụ thể, rõ ràng, trong đó xây dựng theo hình thức “mô hình” từ việc đưa ra khái niệm với các tiêu chí thể hiện như thế nào là vụ án “có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng” nhằm hướng dẫn người tiến hành tố tụng phân định vụ án đủ điều kiện để xét xử trực tuyến hoặc xét xử trực tiếp. Nghị quyết số 05/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về vụ án có tính chất phức tạp tại điểm a khoản 3 Điều 14, nhưng chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào đưa ra khái niệm về vụ án “đơn giản, không phức tạp”. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đã dự thảo và đang lấy ý kiến góp ý đối với Thông tư về việc ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa trực tuyến, trong đó có quy định: sửa đổi, bổ sung Điều 2 của Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC ngày 28/7/2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định về phòng xử án; phạm vi mở phiên tòa trực tuyến; những vụ việc không được mở phiên tòa trực tuyến; điều kiện tổ chức phiên tòa trực tuyến; yêu cầu đối với các điểm cầu; yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ; thông báo về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến; triệu tập tham gia phiên tòa trực tuyến; thành phần tham gia; yêu cầu khi tham gia phiên tòa trực tuyến; trình tự, thủ tục tố tụng tại phiên tòa trực tuyến và xử lý một số tình huống có thể xảy ra tại phiên tòa, đặc biệt là quy định về phối hợp chuẩn bị phiên tòa trực tuyến.
Tuy nhiên, việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn được tổ chức ở một số điểm cầu thành phần, như: Cơ sở giam giữ, Trung tâm trợ giúp pháp lý hoặc tại nơi đương sự lựa chọn được Tòa án chấp nhận, nên cần xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch giữa: Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao để quy định được toàn diện về phối hợp khi xét xử trực tuyến đến các cấp, các ngành; bảo đảm việc xét xử trực tuyến được phủ sâu, rộng, tạo điều kiện cho người tham gia tố tụng được tham gia phiên tòa ở gần nơi họ nhất (có thể là nơi giam giữ hoặc nơi sinh sống, học tập, làm việc) mà không nhất thiết phải đến phòng xét xử của Tòa án, trong đó có quy định về việc lựa chọn vụ án, phạm vi, nội dung, đối tượng, thời gian, địa điểm, trình tự, thủ tục, cách làm, phân công nhiệm vụ… để xét xử trực tuyến đến việc kiểm tra, giám sát tổ chức rút kinh nghiệm sau phiên tòa, đặc biệt là có phương tiện để trao đổi thông tin, thống nhất về sự phối hợp giữa Tòa án với các cơ quan, tổ chức liên quan được thực hiện thông qua phần mềm tác nghiệp điện tử để bảo đảm tính kịp thời, góp phần xây dựng TAĐT, Tòa án thông minh. Giải quyết, xử lý những tình huống phát sinh về: cung cấp, trình chiếu tài liệu trực tuyến; yêu cầu đối lập nhau tại phiên tòa trực tuyến; tính chính xác về nhân thân của người tham gia tố tụng,…
Tổ chức phiên tòa trực tuyến là nội dung quan trọng sẽ giúp cho việc xét xử trực tuyến diễn ra thông suốt hơn, bao gồm cả phiên tòa tại thời điểm diễn ra và các phiên tòa lần tiếp theo.
Kết luận
Xét xử vụ án bằng hình thức trực tuyến là sự kết hợp giữa giải quyết vụ án theo hình thức truyền thống với sử dụng sản phẩm công nghệ thông tin mang tính thời đại của hệ thống Tòa án Việt Nam, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan được diễn ra trên môi trường công nghệ số, nhằm giúp cho người tham gia tố tụng được tham gia phiên tòa thuận lợi mọi lúc, mọi nơi, bảo đảm việc giải quyết vụ án kịp thời, hiệu quả nhất và tiết kiệm, giảm thiểu những chi phí không cần thiết cho Nhà nước, người liên quan đến vụ án và xã hội. Đồng thời, xét xử trực tuyến góp phần tích cực vào chiến lược cải cách tư pháp theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, văn minh hơn, phụng sự Tổ quốc và phục vụ Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân./.
TAND Tp Hà Nội xét xử trực tuyến vụ án hình sự - Ảnh: Hải Nam
[1] Thanh Tùng, Kinh nghiệm của một số quốc gia về tổ chức phiên tòa trực tuyến, https://tapchitoaan.vn/kinh-nghiem-cua-mot-so-quoc-gia-ve-to-chuc-phien-toa-truc-tuyen5495.html, truy cập ngày 01/6/2023.
[2] Bùi Tiến Đạt, Nguyễn Bích Thảo, Trần Thị Trinh, Tòa án trực tuyến và quyền xét xử công bằng: kinh nghiệm quốc tế và triển vọng ở Việt Nam, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210898/Toa-an-truc-tuyen-va-quyen-xet-xu-cong-bang--kinh-nghiem-quoc-te-va-trien-vong-o-Viet-Nam.html, truy cập ngày 01/6/2023.
[3] Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 20/3/2023.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận