Hoàn thiện một số quy định của dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018. Thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đặt ra một số vấn đề cần nghiên cứu, bổ sung các chế định mới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tạm giữ, tạm giam, cụ thể là đáp ứng xu hướng của thế giới về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.
Sau hơn 06 năm triển khai thi hành, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 đã bộc lộ một số khó khăn, bất cập trong công tác chỉ đạo, điều hành, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; trong tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm triển khai thi hành Luật.
Đặc biệt là những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ các quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chưa thực sự đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác tạm giữ, tạm giam đã ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác này. Sau khi Bộ Công an có Tờ trình để trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và đông đảo người dân trong và ngoài nước. Ngày 13/9/2024, Bộ Công an tiếp tục xây dựng Dự thảo lần 2 Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú (sau đây gọi là Dự thảo lần 2) và tiến hành lấy ý kiến góp ý. Nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, tác giả đưa ra một số đề xuất hoàn thiện Dự thảo lần 2.
1. Sự cần thiết ban hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú
Ngoài những khó khăn, vướng mắc xuất phát từ quá trình triển khai thi hành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, qua thực tiễn thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam đã đặt ra vấn đề đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội; thể chế hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, gắn với công tác chuyển đổi số, đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiệp vụ của lực lượng Công an nhân dân trong điều kiện Cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong công tác thi hành tạm giữ, tạm giam.
Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam chưa đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan như: Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016; Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021…
Thực tiễn thi hành quy định biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú còn phát sinh một số bất cập như: chưa có trình tự, thủ tục thi hành biện pháp này kể từ khi các cơ quan có thẩm quyền ban hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; do chưa áp dụng các ứng dụng khoa học, công nghệ, nên các cơ quan cũng không biết đối tượng được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đi đâu, làm gì để áp dụng các biện pháp theo dõi, quản lý; thực tiễn đã xảy ra trường hợp các đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn, dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền phải ban hành quyết định truy nã. Chính vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu để bổ sung các quy định về thiết bị giám sát điện tử (vòng đeo tay hoặc đeo chân) để quản lý, theo dõi đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, quản lý chặt chẽ đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, phòng ngừa đối tượng bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội, tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự. Đồng thời, sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, bổ sung quy định về thi hành biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú (trong đó, bổ sung các quy định về cơ quan có trách nhiệm thi hành, cơ chế giám sát, quản lý và các điều kiện bảo đảm để thi hành biện pháp ngăn chặn); theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo đã dự kiến đổi tên Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam thành Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
2. Một số điểm mới của Dự thảo lần 2
Một là, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành các biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.
Dự thảo Luật đã bổ sung thêm nhiều quy định so với Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam như: trình tự, thủ tục, hồ sơ thi hành Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Công an cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý, theo dõi người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; về việc lao động, học tập của người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú của người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú; áp dụng biện pháp giám sát điện tử phòng ngừa trường hợp người bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú bỏ trốn hoặc tiếp tục phạm tội; quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành biện pháp giám sát điện tử.
Hai là, sửa đổi, bổ sung về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam; bổ sung về chế độ quản lý giam giữ và chế độ giam giữ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Dự thảo Luật đã bổ sung thẩm quyền của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng cấp tỉnh trong việc điều chuyển người bị tạm giữ, người bị tạm giam từ các buồng tạm giữ của đồn Biên phòng đến các cơ sở giam giữ trong Công an nhân dân. Sửa đổi quy định về chế độ quản lý giam giữ đối với người bị tạm giữ, tạm giam như: bổ sung quy định về thời hạn lập danh bản, chỉ bản; bổ sung quy định khi tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam cần thực hiện hoạt động thu thập sinh trắc học đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam, gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói; bổ sung quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong trường hợp bị bệnh nặng cần kịp thời điều trị, cứu chữa tại cơ sở y tế. Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung quy định về thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, người bị tạm giam: bỏ quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ hoạt động thi hành án; bổ sung quy định về trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác giam giữ; sửa đổi quy định khi thực hiện trích xuất người bị tạm giữ, tạm giam phục vụ công tác xét xử, thì không giao cho cơ quan, người có thẩm quyền ra lệnh trích xuất, mà người này vẫn thuộc quản lý của cơ quan thực hiện nhiệm vụ áp giải; bổ sung quy định về chuyển giao người bị bắt theo quyết định truy nã cho cơ quan đã ra quyết định truy nã. Dự thảo luật còn sửa đổi quy định về chế độ người bị tạm giữ, người bị tạm giam như: sửa đổi, bổ sung về định lượng quà là đồ ăn, đồ uống của người bị tạm giữ, người bị tạm giam khi nhận quà của thân nhân; bổ sung quy định cụ thể về chế độ sinh hoạt tinh thần của người bị tạm giữ, người bị tạm giam; sửa đổi, bổ sung chế độ thăm gặp, tiếp xúc lãnh sự của người bị tạm giữ, bị tạm giam.
Ba là, sửa đổi, bổ sung quy định về các điều kiện bảo đảm phục vụ quản lý chặt chẽ đối với người bị kết án tử hình đang chờ thi hành án.
3. Một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị góp phần hoàn thiện Dự thảo lần 2
Thứ nhất, phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật.
(i) Khoản 1 Điều 123 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định: “Cấm đi khỏi nơi cư trú là biện pháp ngăn chặn có thể áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng, nhằm bảo đảm sự có mặt của họ theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án”.
(ii) Khoản 1 Điều 121 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bảo lĩnh là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và nhân thân của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ được bảo lĩnh”.
(iii) Khoản 1 Điều 122 BLTTHS năm 2015 quy định: “Đặt tiền để bảo đảm là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị can, bị cáo, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án có thể quyết định cho họ hoặc người thân thích của họ đặt tiền để bảo đảm”.
Các bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm phải đáp ứng các điều kiện cụ thể được quy định trong BLTTHS năm 2015, tuy nhiên, các đối tượng này cũng không bị cách ly với xã hội, mà được ở bên ngoài cơ sở giam giữ, như đối tượng bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Như vậy, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam để bổ sung quy định về thi hành biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú và áp dụng giám sát điện tử cho đối tượng này là chưa đồng bộ. Vì vậy, tác giả đề xuất mở rộng phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật, bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh thi hành biện pháp bảo lĩnh và đặt tiền để bảo đảm.
Thứ hai, quy định về tiếp nhận người bị tạm giữ, người bị tạm giam.
Điểm a khoản 1 Điều 16 Dự thảo lần 2 quy định: Kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo (nếu có), nếu chưa tổ chức khám sức khỏe ngay, thì phải ghi nhận tình trạng sức khỏe có chữ ký của người bị tạm giữ, tạm giam và xác nhận của bên bàn giao, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người tạm giữ, người tạm giam phải tổ chức khám sức khỏe cho họ. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo. Trường hợp chưa xác định được giới tính của người bị tạm giữ, người bị tạm giam, thì việc kiểm tra thân thể giao cho cán bộ y tế.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 119 BLTTHS năm 2015 quy định về biện pháp ngăn chặn tạm giam quy định: “Đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác, trừ các trường hợp: Bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã; Tiếp tục phạm tội; Có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật; tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án, tẩu tán tài sản liên quan đến vụ án; đe dọa, khống chế, trả thù người làm chứng, bị hại, người tố giác tội phạm hoặc người thân thích của những người này; Bị can, bị cáo về tội xâm phạm an ninh quốc gia và có đủ căn cứ xác định nếu không tạm giam đối với họ thì sẽ gây nguy hại đến an ninh quốc gia.”. Tức là, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi vẫn có thể bị tạm giam nếu như họ bỏ trốn và bị bắt theo quyết định truy nã hoặc tiếp tục phạm tội hoặc có hành vi mua chuộc, cưỡng ép, xúi giục người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật hoặc có hành vi tiêu hủy, giả mạo chứng cứ, tài liệu, đồ vật của vụ án... Vì vậy, quy định “tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo” là chưa quy định chi tiết việc phụ nữ bị tạm giam có thể mang theo con dưới 36 tháng tuổi vào cơ sở giam giữ.
Bên cạnh đó, trong thuật ngữ tiếng Anh có từ LGBT dùng để chỉ nhóm người có xu hướng tình dục thiểu số trên thế giới, bao gồm 04 nhóm người: đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), người chuyển giới từ nam sang nữ hoặc từ nữ sang nam (Transsexual/transgender) và người song tính luyến ái (Bisexual). Người bị tạm giữ, người bị tạm giam ngoài đối tượng là nam giới, nữ giới còn có người đồng tính, người chuyển đổi giới tính, người không xác định được giới tính. Tác giả cho rằng, việc Dự thảo lần 2 giao cho cán bộ y tế thực hiện việc kiểm tra thân thể trong trường hợp này là chưa phù hợp.
Vì vậy, tác giả đề xuất sửa điểm a khoản 1 Điều 16 Dự thảo lần 2 thành: “Kiểm tra thông tin để xác định đúng người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo lệnh, quyết định của người có thẩm quyền; tổ chức khám sức khỏe, kiểm tra thân thể của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và trẻ em dưới 36 tháng tuổi đi theo mẹ (nếu có), nếu chưa tổ chức khám sức khỏe ngay, thì phải ghi nhận tình trạng sức khỏe có chữ ký của người bị tạm giữ, tạm giam và xác nhận của bên bàn giao, trong thời hạn 48 giờ kể từ khi tiếp nhận người tạm giữ, người tạm giam phải tổ chức khám sức khỏe cho họ. Việc kiểm tra thân thể người bị tạm giữ, người bị tạm giam là nam giới do cán bộ nam thực hiện, nữ giới do cán bộ nữ thực hiện và được tiến hành ở nơi kín đáo.. Trường hợp người bị tạm giữ, người bị tạm giam chưa xác định được giới tính, thì việc kiểm tra thân thể do cán bộ có cùng giới tính với giới tính được ghi trên những giấy tờ hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam thực hiện”.
Thứ ba, quy định về giam giữ ở buồng riêng.
Hiện nay, cả nước có 78 trại tạm giam, 720 nhà tạm giữ, 247 buồng tạm giữ (Bộ Công an đang quản lý 69 trại tạm giam, 703 nhà tạm giữ, Bộ Quốc phòng quản lý 09 trại tạm giam, 17 nhà tạm giữ và 247 buồng tạm giữ của đồn biên phòng)1
Tại điểm n khoản 1 Điều 18 Dự thảo lần 2 quy định phạm nhân được trích xuất phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử được bố trí giam riêng. Tuy nhiên, BLTTHS năm 2015 quy định giai đoạn khởi tố vụ án hình sự bắt đầu từ khi cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận nguồn tin về tội phạm và kết thúc khi cơ quan có thẩm quyền ra một trong hai quyết định là quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Vì vậy, quy định tại điểm n khoản 1 Điều 18 Dự thảo lần 2 sẽ bỏ lọt việc trích xuất phạm nhân phục vụ công tác khởi tố vụ án hình sự, gây khó khăn cho việc khởi tố vụ án hình sự, cũng như chưa bảo đảm cho việc giữ bí mật thông tin, bảo đảm an toàn cho phạm nhân khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tiếp nhận và giải quyết nguồn tin về tội phạm.
Tại khoản 3 Điều 18 Dự thảo lần 2 quy định: “Trong trường hợp đặc biệt, do điều kiện thực tế mà nhà tạm giữ, trại tạm giam không thể đáp ứng được yêu cầu giam giữ riêng hoặc để bảo đảm yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử, bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam thì Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam, Trưởng buồng tạm giữ đồn biên phòng phối hợp với cơ quan đang thụ lý vụ án quyết định bằng văn bản những người đang bị quản lý, giam giữ tại cơ sở giam giữ được giam giữ chung”. Khoản 3 Điều 18 Dự thảo lần 2 chưa quy định cụ thể trường hợp đặc biệt là trường hợp nào. Thực tiễn trường hợp xảy ra thiên tai, hỏa hoạn… thì có được coi là trường hợp đặc biệt hay không, gây khó khăn trong việc bố trí giam giữ riêng đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam hay không.
Vì vậy, để bảo đảm quyền lợi cũng như bảo đảm an toàn cho người bị tạm giữ, người bị tạm giam, việc xác định các trường hợp cụ thể và diện đối tượng cụ thể được bố trí giam giữ riêng là rất quan trọng. Vì vậy, tác giả đề xuất:
(i) Sửa điểm n khoản 1 Điều 18 Dự thảo lần 2 thành: “Phạm nhân được trích xuất phục vụ công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử”.
(ii) Sửa khoản 3 Điều 18 Dự thảo lần 2 theo hướng nêu rõ ràng, minh thị hơn, hoặc là phải có văn bản hướng dẫn những “trường hợp đặc biệt” ở đây là những trường hợp nào.
Kết luận
Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú đã quy định khá hoàn chỉnh về nguyên tắc, trình tự, thủ tục thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; quyền, nghĩa vụ của người bị tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú. Tuy nhiên, từ những phân tích mà tác giả đã nêu, việc tiếp tục chỉnh lý, sửa đổi, bổ sung Dự thảo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú là yêu cầu mang tính cấp thiết, qua đó, góp phần bảo đảm an toàn trong quá trình quản lý giam giữ, cũng như trong quá trình thi hành cấm đi khỏi nơi cư trú, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, người bị tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú, https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-du-thao/du-thao-luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-va-cam-di-khoi-noi-cu-tru-489.html#parentHorizontalTab4 , truy cập ngày 18/10/2024.
2. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2021.
1 https://bocongan.gov.vn/pbgdpl/van-ban-du-thao/du-thao-luat-thi-hanh-tam-giu-tam-giam-va-cam-di-khoi-noi-cu-tru-489.html#parentHorizontalTab4, truy cập ngày 18/10/2024.
Công an Đà Nẵng khởi tố và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú với bị can - Ảnh: H.B.
Bài liên quan
-
Thanh Hóa: Khởi tố, bắt tạm giam nguyên Chủ tịch UBND huyện Quảng Xương
-
Thời hạn tạm giam khi kết thúc phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự - Bất cập và kiến nghị
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý cho phép khởi tố, bắt tạm giam đối với đại biểu Lê Thanh Vân
-
Khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch HĐQT Công ty Phát triển và kinh doanh nhà về tội tham ô
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận