Hoàn thiện thủ tục phân công Thẩm phán

Phân công Thẩm phán giải quyết vụ án hay còn gọi là phân công án là khâu quan trọng trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính tư pháp, ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập trong xét xử, tính hiệu quả trong hoạt động của Tòa án. Đây là một việc tưởng như bình thường không có gì phải bàn những ẩn chứa những vấn đề ảnh hưởng đến sự độc lập của Thẩm phán và kết quả của hoạt động xét xử. Thủ tục phân công giải quyết vụ việc cho Thẩm phán luôn liên quan chặt chẽ với các giá trị quan trọng như tính độc lập và vô tư, minh bạch, hiệu quả, linh hoạt, phân bổ công bằng vụ việc phải thụ lý và chất lượng trong việc ra quyết định xét xử.

Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đề ra yêu cầu“Đổi mới thủ tục hành chính trong cơ quan tư pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận công lý”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án. TANDTC đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc thực hiện đổi mới thủ tục hành chính tư pháp.

Thủ tục hành chính tư pháp được xác định là “các quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của người dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Tòa án các cấp. Hoạt động này bao gồm việc tiếp dân; tiếp nhận và xử lý đơn khởi kiện, hồ sơ kháng cáo, kháng nghị, hồ sơ do Viện Kiểm sát chuyển đến, đơn khiếu nại, công văn; phân công giải quyết vụ án; cấp sao lục bản án, quyết định của Tòa án; quản lý số lượng án đầu vào, đầu ra, án tồn; bố trí hội trường xét xử và thủ tục quản lý, trao đổi thông tin phục vụ cho sự chỉ đạo, quản lý các lĩnh vực công tác của lãnh đạo Tòa án các cấp”[1].

THỰC TRẠNG PHÂN CÔNG ÁN HIỆN NAY

Quy định của các bộ luật tố tụng quy định Thẩm quyền phân công án và quy trình phân án cụ thể  như: Điều 44 và Điều 276 của BLTTHS; Điều 27 và Điều 127 Luật TTHC, Điều 47 và Điều 197 BLTTDS. Quy định Thẩm quyền phân công Thẩm phán giải quyết vụ án của Chánh án được coi là biện pháp làm giảm các yếu tố tác động vào sự độc lập của các Thẩm phán. Theo như ghi nhận tại Tuyên bố Bắc Kinh về các Nguyên tắc độc lập tư pháp: “việc giao vụ án cho Thẩm phán xét xử là vấn đề thuộc quản lý tư pháp, và người chịu trách nhiệm giám sát cuối cùng là Chánh án của Tòa án đó”.

Lần đầu tiên trong BLTTDS và Luật TTHC quy định nguyên tắc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án đảm bảo nguyên tắc “vô tư, khách quan, ngẫu nhiên” được quy định trong luật. Thủ tục phân công giải quyết vụ việc một cách ngẫu nhiên có thể đảm bảo tính minh bạch và tránh nguy cơ “mua Thẩm phán”[1] và do đó làm tăng tính liêm chính của hệ thống.

Quy trình phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc dân sự trước đây được quy định trong Nghị quyết 05/2012/NQ-HĐTP, theo đó, Thẩm phán được phân công xét đơn khởi kiện và thụ lý vụ án sẽ được Chánh án hoặc phó Chánh án được ủy nhiệm tiếp tục phân công Thẩm phán xét xử vụ án. Đối với vụ án hành chính việc phân công án cũng được thực hiện giống như vụ án dân sự. Thẩm phán được phân công xét đơn và thụ lý vụ án sẽ được tiếp tục phân công xét xử vụ án trừ trường hợp phải thay đổi. Quy trình phân công án này được đánh giá là tạo nhiều cơ hội cho tham nhũng trong xét xử bởi tạo thành một vòng khép kín từ xét nhận đơn, thụ lý, phân công Thẩm phán giải quyết vụ án [2].

Tiêu chí để lãnh đạo Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết vụ việc vẫn chưa có văn bản nào quy định về điều này. Qua các báo cáo khảo sát, lãnh đạo Tòa án phân án theo hai tiêu chí chủ yếu “khối lượng công việc” mà Thẩm phán đó đang giải quyết, bao gồm cả công tác xét xử lẫn những việc chuyên môn khác của cơ quan; “chuyên môn hoặc kinh nghiệm” của Thẩm phán trong việc giải quyết vụ việc. Các Chánh án có thể dựa trên một hoặc cả hai tiêu chí. Ngoài hai tiêu chí trên thì một số các yếu tố khác cũng được các lãnh đạo Toà án cân nhắc khi phân công án như: Kinh nghiệm của Thẩm phán, phân công phù hợp với vị trí và thâm niên công tác của Thẩm phán; phân công theo địa bàn để tiện cho việc giải quyết vụ án; Theo tính chất vụ án mà quyết định Thẩm phán giải quyết, án có tính phức tạp, “án điểm” thì sẽ do lãnh đạo trực tiếp giải quyết; phân công theo lĩnh vực mà Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm xét xử; phân công án đồng đều cho các Thẩm phán mà không phụ thuộc vào chuyên môn; dựa theo dân tộc ít người, Thẩm phán là người dân tộc sẽ giải quyết vụ án của người dân tộc, Thẩm phán người Kinh sẽ giải quyết những vụ án của người Kinh; phân công xen kẽ giữa một vụ phức tạp và một vụ không phức tạp.

Các quy định của luật tố tụng chỉ quy định về nguyên tắc khi tiến hành phân công Thẩm phán giải quyết vụ án còn cách thức phân công, các tiêu chí phân công Thẩm phán giải quyết vụ án để đảm bảo thực hiện nguyên tắc phân án thì chưa có quy định cụ thể, do đó không có sự thống nhất trong toàn ngành, chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện việc phân án “vô tư, khách quan, ngẫu nhiên”.

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Để việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án được thực hiện đúng nguyên tắc, hiệu quả, hoạt động của Tòa án được trôi chảy cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Cần quy định nguyên tắc phân công án “vô tư, khách quan, ngẫu nhiên” trong tất cả các bộ luật tố tụng. BLTTDS và Luật TTHC được sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án tuy nhiên trong BLTTHS không quy định nguyên tắc này.

Thứ hai: Quy trình phân công án phải tách bạch giữa phân công Thẩm phán xét đơn khởi kiện, thụ lý vụ án và Thẩm phán được phân công xét xử vụ án. Như đã phân tích ở trên việc Thẩm phán xét đơn, thụ lý vụ án và đồng thời được phân công xét xử vụ án được đánh giá là tạo nhiều cơ hội cho tham nhũng phát triển vì tạo thành một vòng khép kín từ khâu xét đơn đến xét xử. Hiện nay mô hình tổ hành chính tư pháp được nhiều tòa án thực hiện và đem lại hiệu quả cao. Tổ hành chính tư pháp có nhiệm vụ nhận đơn và đề xuất với Thẩm phán phụ trách bộ phận hành chính tư pháp xử lý đơn khởi kiện. Sau khi đã đủ điều kiện thụ lý thì Thẩm phán phụ trách bộ phận hành chính tư pháp ký thông báo nộp tiền tạm ứng án phí và thụ lý vụ án. Sau khi vụ án thụ lý Chánh án sẽ phân công Thẩm phán giải quyết vụ án bằng quyết định phân công.

Thứ ba: Để thực hiện việc phân công Thẩm phán giải quyết vụ án một cách “vô tư, khách quan, ngẫu nhiên” cần áp dụng các hệ thống phân công ngẫu nhiên tự động hoặc thủ công. Ví dụ: TAND TP.  Hồ Chí Minh áp dụng dựa vào các tiêu chí như: Tổng số án tồn chưa giải quyết, tổng số án tạm đình chỉ tại thời điểm thực hiện phân công; tổng số án thụ lý trong một năm; tổng số án giải quyết, tổng số án hủy, sửa trong một năm kể từ ngày thực hiện phân công. Phần mền phân công sẽ ưu tiên thứ tự như sau: Phân công nhiều án đối với Thẩm phán có án tồn ít nhất và giải quyết nhiều nhưng có ít án tạm đình chỉ và án hủy theo thứ tự tổng số án tồn nhiều ít khác nhau; phân công ít án đối với Thẩm phán có án tồn ít nhưng giải quyết tạm đình chỉ nhiều và án hủy nhiều; phân công đối với Thẩm phán có án tồn nhiều và án tạm đình chỉ nhiều. Đối với các vụ án đặc biệt chỉ định phân công thì không nằm trong dữ liệu phân công, những vụ án này bao gồm các trường hợp như: Các vụ án đặc biệt cần phân công cụ thể Thẩm phán chuyên trách, các Thẩm phán mới bổ nhiệm; đối với các vụ án hình sự sơ Thẩm trả VKS điều tra bổ sung, các án phúc thẩm y án tạm đình chỉ của sơ thẩm thì phân công lại Thẩm phán cũ. Tuy nhiên, điều này chỉ thực hiện được khi Tòa án đó có cơ sở vật chất tốt về công nghệ thông tin.

Một số Tòa án phân công Thẩm phán giải quyết vụ án theo thứ tự xoay vòng theo tên của các Thẩm phán được sắp xếp theo vần và các vụ án được phân công cho Thẩm phán lần lượt theo số thụ lý tuần tự sau đó được lặp lại. Điều này đảm bảo việc phân án được thực hiện vô tư, khách quan, ngẫu nhiên.

Mỗi Tòa án cần dựa trên điều kiện cơ sở vật chất và thực tiễn hoạt động ban hành quy chế phân công Thẩm phán giải quyết vụ án. Việc phân công án thông qua quy chế còn nâng cao được tính độc lập của Thẩm phán, bởi lẽ các Thẩm phán thụ lý và giải quyết phải không có liên quan đến các quyền lợi tài chính và cá nhân.

Thứ tư: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào việc phân công án. Phần mềm quả lý vụ việc đã được sử dụng tòan ngành Tòa án, tuy nhiên nhiều Tòa án không biết sử dụng phần mềm cho việc phân công án. Thông qua phần mềm quản lý vụ án, lãnh đạo Tòa án có thể nhanh chóng nắm bắt số lượng án Thẩm phán đang giải quyết và tiến độ giải quyết qua đó việc phân án dựa trên tiêu chí “khối lượng công việc” được thực hiện nhanh chóng.

 

1] Trương Hòa Bình, Một số nội dung về đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án nhân dân. Tạp chí Tòa án nhân dân số 01/2013

[2] Mua Thẩm phán được định nghĩa là việc một luật sư hoặc đương sự cố gắng tác động đến việc một Tòa án phân công giải quyết một vụ án cụ thể để vụ án đó được phân công cho một Thẩm phán cụ thể hoặc không được phân công cho một Thẩm phán cụ thể. Steelman,DC (2003), Mua Thẩm phán và phân công ngẫu nhiên vụ việc cho Thẩm phán giải quyết. williamsburg, Va: Trung tâm quốc gia các Tòa án bang.

[3] Báo cáo khảo sát thực trạng quản lý hành chính Tòa án nhân dân địa phương ở Việt Nam năm 2012, trang 23.

 

 

[

PHẠM HỒNG LĨNH (TAND huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An)