BHXH rất cần những gói bảo hiểm tự nguyện ngắn hạn, linh hoạt

Bảo hiểm xã hội hiện tại được đánh giá còn thiếu sự hấp dẫn và để thu hút người lao động trong khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, cần thiết kế các gói bảo hiểm ngắn hạn, linh hoạt.

Theo đánh giá của Bộ Lao động thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), sau 11 năm thực hiện BHXH tự nguyện, đến tháng 12/2018, cả nước mới có 14,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, chiếm 30% lực lượng lao động, 12,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp, chiếm 26% lực lượng lao động, chỉ 300 nghìn người tham gia BH tự nguyện, chiếm chưa đầy 0,56% lực lượng lao động.

Tổng số người tham gia BH cả bắt buộc và tự nguyện chỉ chiếm trên 30%. Từ năm 2008-2018, trung bình tốc độ bảo phủ chỉ tăng từ 5-6%. Nếu cứ đà tăng này thì rất khó đạt được mục tiêu BHXH toàn dân như trong Nghị quyết 28-NQ/TW đã đưa ra.

Một số ý kiến cho rằng, chế độ BHXH tự nguyện hiện nay thiếu hấp dẫn vì chỉ có chế độ hưu trí và tử tuất, nên đề nghị Nhà nước xem xét bổ sung các chế độ ngắn hạn để tăng tính hấp dẫn của chính sách.

Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 5% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện (khoảng 2,69 triệu người). Điều này đồng nghĩa với việc bình quân mỗi năm cần phát triển thêm trên 200.000 người tham gia mới.

Như vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cũng cần phải có những chính sách đột phá mới có thể hoàn thành mục tiêu Trung ương đặt ra.

Bên cạnh đó, người lao động thuộc diện tham gia BHXH tự nguyện thường có thu nhập thấp và bấp bênh, nên khi gặp các rủi ro (ốm đau, bệnh tật, thai sản, nuôi con nhỏ, tai nạn…) sẽ ảnh hưởng rất lớn tới đời sống của họ.

PGS. Giang Thanh Long- Khoa Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu có 4 câu hỏi liên quan đến chính sách công. Thứ nhất là khả năng tiếp cận, liệu các chính sách đã giúp người lao động thực sự tiếp cận hay chưa? Thứ hai là tính phù hợp, chính sách tạo ra có phù hợp với mong muốn của người lao động? Thứ ba là khả năng chi trả? thứ tư là sự hài lòng đối với người tham gia?

Ông Long cho biết, theo khảo sát trong nghiên cứu của ông và cộng sự, người lao động đang có nhu cầu BH về ốm đau và thai sản hơn là BH hưu trí. Nhiều người cho rằng, đầu tư cho con cái là cần thiết hơn đóng BH. Ông Long cho rằng, khi xây dựng chính sách BH, cơ quan soạn thảo cần phân tích chi tiết để đảm bảo được mục tiêu của Nghị quyết 28.

Trước thực tế đó, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ về việc thực hiện thí điểm 3 gói BHXH tự nguyện ngắn hạn và linh hoạt.

Cụ thể: Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ thai sản (gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi về thai sản khi người lao động sinh con. Người lao động khi tham gia sẽ được hưởng chế độ nếu đủ điều kiện đóng BHXH tự nguyện từ đủ 12 tháng trở lên và không được nhận BHXH 1 lần);

Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ ốm đau (gói BHXH tự nguyện này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi người lao động gặp rủi ro ốm đau (tối đa 30 ngày trong 1 năm) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH 1 lần);

Gói BHXH tự nguyện hiện hành bổ sung chế độ trợ cấp gia đình, trẻ em (gói này được thiết kế trên cơ sở của chính sách BHXH tự nguyện hiện hành (chế độ hưu trí và tử tuất) bổ sung quyền lợi được hưởng khi người lao động tham gia BHXH tự nguyện có con dưới 6 tuổi (được hưởng trợ cấp hằng tháng bằng 350.000 đồng/con cho đến khi con đủ 6 tuổi) với điều kiện người lao động đang đóng BHXH tự nguyện và không được nhận BHXH 1 lần).

Trương Tuấn