Cần bổ sung, hoàn thiện chức năng thanh tra chuyên ngành BHXH

Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BHTN, BHYT mang lại nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong việc giảm nợ đọng và phát huy hiệu quả cán bộ làm công tác thanh tra. Tuy nhiên, cơ quan BHXH còn gặp không ít khó khăn khăn trong việc tổ chức thực hiện các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Thu nhiều kết quả tích cực

Từ năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019, toàn ngành BHXH đã tiến hành thanh tra chuyên ngành (TTCN) về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT tại 20.202 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ). Kết quả đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục tham gia BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho 161.268 lao động chưa tham gia hoặc tham gia thiếu thời gian, số tiền yêu cầu truy thu đóng là hơn 353,9 tỷ đồng. Về mức đóng: Đã phát hiện và yêu cầu người SDLĐ làm thủ tục truy thu đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT cho 155.058 lao động do đóng thiếu mức tiền lương quy định, số tiền yêu cầu truy thu đóng là hơn 157 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành BHXH còn chủ trì, phối hợp kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại 56.449 đơn vị, trong đó, nội bộ ngành kiểm tra 36.456 đơn vị, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành 19.993 đơn vị. Qua kiểm tra đã phát hiện nhiều sai sót, hưởng chế độ BHXH không đúng quy định và yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH số tiền 36.615 triệu đồng; kiến nghị, yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT 679.289 triệu đồng.

Qua quá trình thanh kiểm tra kịp thời đã phát hiện và chấn chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật như đóng BHXH không đầy đủ cho người lao động (đóng thiếu số lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, đóng thiếu thời gian); chậm đóng hoặc nợ đọng BHXH kéo dài; không trả sổ BHXH, không chốt sổ khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; đôn đốc thu nộp, góp phần truy thu số nợ BHXH bình quân ba tỷ đồng/năm.

Còn tồn tại vướng mắc trong thanh tra, kiểm tra

Mặc dù công tác thanh kiểm tra của ngành BHXH được tăng cường, thể hiện hiệu quả tích cực, nhưng trên thực tế việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra còn nhiều vướng mắc khi chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ.

Theo quy định, tại Khoản 3, Điều 13 Luật BHXH năm 2014 “Cơ quan BHXH thực hiện chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp và BHYT theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Khoản 7, Điều 22 quy định về quyền của cơ quan BHXH là: “Kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH; TTCN việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT”. Khoản 1, Điều 1 Nghị định số 01/2016/NĐ-CP ngày 5-1-2016 của Chính phủ có quy định: “BHXH Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; tổ chức thu, chi chế độ BH thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: BHXH, BH thất nghiệp, BHYT; TTCN việc đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT theo quy định của pháp luật”.

Theo đó, tổ chức BHXH có quyền và trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT nhưng lại chỉ có chức năng TTCN về đóng BHXH, BH thất nghiệp, BHYT mà không có chức năng thanh tra, xử lý vi phạm trong việc thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT đối với các tổ chức, cá nhân, đơn vị SDLĐ và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, nên đã gặp khó khăn không nhỏ trong việc tổ chức thực hiện các quy định của chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT; quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bị xâm hại không được ngăn chặn hoặc xử lý kịp thời; hằng năm có hàng trăm nghìn lao động không được hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp kịp thời; mức độ vi phạm không chỉ dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chính mà trong một số trường hợp đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trước thực trạng này, BHXH Việt Nam đã  đề xuất, sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) hiện hành liên quan đến chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, kiến nghị bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ cho ngành BHXH, trong đó có thanh tra việc thực hiện giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHYT để hạn chế tình trạng lạm dụng, trục lợi chế độ BHXH và bội chi quỹ BHYT như hiện nay.  Đồng thời trong Luật BHYT đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong việc thanh tra chuyên ngành về BHYT, thanh tra việc thực hiện chính sách BHYT, thực hiện hợp đồng KCB BHYT.

Bên cạnh đó, BHXH đề nghị bổ sung thẩm quyền của cơ quan BHXH trong việc thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Trong Luật Việc làm, đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ BHTN; Trong Luật An toàn vệ sinh lao động đề nghị bổ sung trách nhiệm của cơ quan BHXH trong thanh tra, kiểm tra việc giải quyết và chi trả chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp….

Sau khi được bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành đầy đủ, ngành BHXH sẽ kiện toàn lại cơ cấu tổ chức bộ máy và chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra. Để nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác Thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH trong thời gian tới cần tiếp tục hoàn thiện, đổi mới theo hướng sắp xếp lại đội ngũ cán bộ làm công tác TTKT tương ứng, phù hợp theo cơ cấu tổ chức bộ máy thực hiện nhiệm vụ thanh tra ngành BHXH sau khi thống nhất phương án kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra ngành BHXH…

Trương Tuấn