Đà Nẵng – Bài toán phát triển du lịch văn minh, cạnh tranh lành mạnh

Đại dịch Covid-19 để lại những hậu quả nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu nói chung và đặc biệt là ngành du lịch nói riêng. Mặc dù chính quyền thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực tạo sức bật mới, phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn, nhưng thực tế một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vẫn tồn tại tình trạng không chấp hành quy định pháp luật, vấn nạn “chặt chém” du khách và cung cấp sản phẩm dịch vụ kém chất lượng...

Ngành du lịch Đà Nẵng đang dần hồi phục

Ngành du lịch Đà Nẵng cũng như nền kinh tế cả nước đang từng bước vượt qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, sự phục hồi du lịch, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch vẫn còn nhiều thách thức. Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh COVID - 19, toàn bộ 31 đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng và 9 đường bay nội địa phải tạm dừng (trung bình dừng 1.070 chuyến bay/tuần).

Tổng thiệt hại (trực tiếp) của ngành du lịch thành phố khoảng hơn 1.859 tỷ đồng. Ước lũy kế 4 tháng đầu năm 2020, tổng khách tham quan du lịch Đà Nẵng đạt xấp xỉ 1 triệu lượt, giảm 58% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 575.000 lượt, giảm 50% so với cùng kỳ 2019, khách nội địa ước đạt 493.000 lượt, giảm 64% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng thu du lịch giảm 51% so với cùng kỳ lũy kế 4 tháng 2019.

Năm 2021, số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt gần 1,17 triệu lượt, giảm 55,8% so với năm 2020. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 110.000 lượt, giảm 84,2% so với cùng kỳ; khách nội địa ước đạt gần 1,06 triệu lượt, giảm 45,5% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành ước đạt 2.554 tỷ đồng, giảm 36,6% so với năm 2020. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, năm 2021 không có khách đường biển và khách du lịch quốc tế đường hàng không đến Đà Nẵng.

Quý I năm 2022, Đà Nẵng đang từng bước khôi phục lại hoạt động du lịch trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn có nhiều diễn biến phức tạp. Hoạt động du lịch đã trở lại trên địa bàn Đà Nẵng từ ngày 15/3/2022 với thông điệp “Đà Nẵng sẵn sàng mở cửa, chào đón khách du lịch”, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển đảm bảo an toàn, phù hợp với các quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Trong năm 2023, thông tin từ Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến nay Đà Nẵng đã khôi phục 33 đường bay, trong đó có 25 đường bay quốc tế (16 đường bay thường kỳ, 9 đường bay charter - có lịch trình khởi hành riêng; Không tùy thuộc vào lịch bay cố định của hãng); 8 đường bay nội địa. Công tác xúc tiến thị trường được chú trọng bằng việc thực hiện triển khai chương trình hỗ trợ MICE (khách công vụ)  nội địa và quốc tế năm 2023 (đã đón được 20 đoàn MICE đến Đà Nẵng với gần 5.000 khách). Đặc biệt, Lễ hội “Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng 2023” là chuỗi hoạt động của 28 sự kiện đồng hành trong hơn một tháng diễn ra Lễ hội pháo hoa quốc tế 2023. Tính chung 7 tháng năm 2023, tổng số lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 4.326,5 nghìn lượt, tăng 110,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế 1.144 nghìn lượt, cao gấp 7,7 lần cùng kỳ; Khách trong nước 3.182,8 nghìn lượt, tăng 66,7% so với cùng kỳ.

Ngành du lịch Đà Nẵng kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ khi thành phố đã đồng ý chủ trương thí điểm một số dự án nhằm tạo sản phẩm du lịch mới, góp phần nâng cao sức cạnh tranh thu hút khách như: Thí điểm khai thác dịch vụ du lịch gắn với phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại huyện Hòa Vang, tổ chức thí điểm bãi biển đêm Mỹ An... cho phép tiếp tục triển khai chính sách thu hút khách MICE… Ngoài việc tạo ra những sản phẩm du lịch mới, TP Đà Nẵng đang tích cực tổ chức nhiều sự kiện xúc tiến du lịch tạo dấu ấn thương hiệu và các hoạt động thưởng thức ẩm thực, tham quan, mua sắm thu hút du khách, tạo động lực sớm khôi phục ngành du lịch.

Những tồn đọng trong hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch

Ngành du lịch rất nhạy cảm với biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Ngành du lịch Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, cạnh tranh điểm đến, chính sách thị thực của Việt Nam chưa thông thoáng; xu hướng, tâm lý khách thay đổi và cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 là những thách thức cần có các giải pháp khắc phục và thích ứng.

Du khách xuống Ga đường sắt Đà Nẵng

Trong hội nghị tổng kết ngành du lịch năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng Cao Trí Dũng nhận định trong năm 2023, ngành du lịch sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: “Kinh tế toàn cầu đang suy thoái, lạm phát tăng cao, người dân các nước trên thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu; diễn biến dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường, xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới; chính sách Visa của Việt Nam còn hạn chế hơn so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, hạ tầng và nhân lực hàng không, sân bay vẫn chưa tạo hình ảnh ấn tượng. Hàng loạt cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm mua sắm chưa thực sự phục hồi ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ khách, các công ty lữ hành phục hồi chậm do thiếu vốn, thiếu nhân sự.”

Trong hành trình du lịch, ngoài thưởng thức ẩm thực, đi trải nghiệm, ngắm cảnh thì  mua sắm luôn là nhu cầu của du khách. Tình trạng “chặt chém” các dịch vụ như đi taxi, đồ ăn, mua sắm… cũng đã tái diễn khi du lịch hồi phục. Vào tháng 2/2023, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng có phản ánh thông tin trên mạng xã hội về việc nữ du khách nước ngoài bị một xe taxi chặt chém giá cước hơn 2 triệu đồng từ sân bay Đà Nẵng về khách sạn với giá cước cao gấp 10 lần bình thường, ảnh hưởng đến môi trường du lịch thành phố. Trước bức xúc này, Hiệp hội Taxi Đà Nẵng, cơ quan chức năng rà soát phát hiện một xe cá nhân không phải là taxi hoạt động dưới dạng “xe dù”. Công an thành phố Đà Nẵng xác định đây là hành vi “chặt chém” và lái xe này đã phải trả lại toàn bộ số tiền cho người bị hại.

Thế nhưng, tình trạng một số cơ sở kinh doanh bán thực phẩm “gắn mác đặc sản” phục vụ du khách làm quà; các cửa hàng kinh doanh thời trang bán “hàng nhái” các thương hiệu nổi tiếng với giá không hề rẻ được công khai bày bán. Không quá bất ngờ vì lợi nhuận thu được từ việc bán hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng quá lớn, nên các chủ kinh doanh vẫn bất chấp vi phạm. Thực trạng này để lại những hệ lụy tiêu cực không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và xói mòn niềm tin của người tiêu dùng. Tại những điểm bán hàng này, không ít người bán vẫn mặc nhiên coi đó là hàng giả nhưng giá bán cũng không hề rẻ, các sản phẩm “hàng hiệu” được làm nhái, sao chép từ túi xách, giày, dép, nước hoa, mỹ phẩm đang được bày bán nhan nhản tại các cửa hàng trung tâm thành phố Đà Nẵng, đánh lừa khách du lịch.

Vấn đề được đặt ra là nếu mô hình kinh doanh hàng giả, hàng nhái này cứ tiếp tục tồn tại, công khai thì hình ảnh của thành phố du lịch sẽ như thế nào trong mắt du khách, đặc biệt là khách quốc tế?

Xác minh thông tin phản ánh của du khách

Vừa qua, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử nhận được đơn phản ánh của nhiều du khách quốc tế phản ánh về nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh bán sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, giá thành cao… Bán “hàng giả, hàng nhái”  giả mạo các thương hiệu thời trang lớn rồi hét giá “trên trời”mà dường như cơ quan chức năng vẫn không hề hay biết, trong khi đó, du khách và người tiêu dùng hoang mang do không biết hàng giả, hàng thật lẫn lộn.

Khai trương mùa du lịch biển Đà Nẵng 2023

Để xác minh thông tin phản ánh của du khách, phóng viên phối hợp cùng các cơ quan chức năng tại các Thành phố du lịch có đông lượng khách du lịch quốc tế để thực hiện chuyên đề về việc “Chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ, hàng hóa đối với khách du lịch trong nước và quốc tế”.

Bên cạnh đó, tiếp nhận, làm rõ thông tin và hỗ trợ khách du lịch trong nước và quốc tế về việc phản ánh, tố giác, khiếu nại đối với các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ, hàng hóa phục vụ khách du lịch có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh. Với mục đích, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ, hàng hóa đối với các cơ sở kinh doanh phục vụ khách du lịch trong nước và quốc tế. Ngoài ra, chuyên đề sẽ hỗ trợ quảng bá và nâng cao hình ảnh du lịch của Việt Nam đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, giới thiệu đến khách du lịch trong nước và quốc tế các cơ sở kinh doanh cung cấp dịch vụ, hàng hóa có uy tín, có thương hiệu, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật để khách du lịch yên tâm khi mua sắm và sử dụng dịch vụ.

Được biết, một số cơ sở kinh doanh hoạt động khép kín và phần lớn chỉ phục vụ du khách quốc tế, đây chính là vấn đề gây trở ngại cho khách du lịch khi muốn mua sắm tại địa phương, vì nằm trong lịch trình của chuyến du lịch, khách quốc tế phải miễn cưỡng được dẫn dắt và áp đặt vào các cơ sở này và thật khó để phân biệt được bằng mắt thường các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ, cũng như giá cả.

 Để hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của các cơ sở kinh doanh không chấp hành quy định pháp luật vẫn phục vụ cho khách du lịch quốc tế, bất chấp thu lợi từ niềm tin của khách hàng; giới buôn hàng hiệu “nhái” áp dụng những chiêu thức gì; làm sao cho khách mua hàng tin là thật, càng giống thật càng tốt hay sản phẩm giống hàng thật đến 99%; Nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm; Cơ quan chức năng nói gì…  

Mời độc giả đón đọc Bài 2: Du lịch Đà Nẵng: Vấn đề nóng về giá cả và chất lượng hàng hóa

Du khách tham quan chùa Linh Ứng - Ảnh: Trần Việt Vân

TRẦN VIỆT VÂN