Đoàn Tạp chí TAND thăm Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Nhân kỷ niệm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh 26/3, hưởng ứng Tháng Thanh niên, ngày 23/3 Đoàn Thanh niên Tạp chí TAND, phối hợp với Công đoàn đơn vị tổ chức chương trình giao lưu, thăm Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam.

Đoàn gồm có Bà Nguyễn Thị Hải Châu - Phó Tổng Biên tập Tạp chí TAND, bà Nguyễn Thanh Thuỷ- Bí thư Đoàn Thanh niên Tạp chí TAND cùng các Đoàn viên Thanh niên, Công đoàn viên Tạp chí TAND tham dự.

Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam thuộc Đồng Mô, Sơn Tây, Tp Hà Nội, là nơi tái hiện những giá trị văn hoá đặc sắc của 54 dân tộc Việt Nam. Tại đây đoàn đã được nghe giới thiệu về đời sống văn hóa, sinh hoạt của các dân tộc trên khắp đất nước. Mỗi dân tộc mang trong mình một nét đẹp riêng, tạo nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng với nhiều sắc thái, vẻ đẹp riêng.

 

Chụp ảnh lưu niệm với đại diện các dân tộc cư trú ở Trường Sơn- Tây Nguyên

Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả  giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa  Việt Nam cao đẹp, bền vững: Yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan,  hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung…


Đoàn giao lưu với đồng bào Khmer

Tại làng dân tộc Thái, đoàn được tiếp xúc và tìm hiểu những giá trị truyền thống của các dân tộc Thái, Dao, Tày, Hmông, Mường... Trong đó, Thái một trong những dân tộc thiểu số lớn nhất cả nước. Người Thái ở Việt Nam có hai nhóm chính: Thái Trắng và Thái Đen cư trú chủ yếu ở một số tỉnh như Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An. Nhắc đến dân tộc Thái là nhắc đến những điệu xòe, hát thơ, đối đáp giao duyên trong những ngày lễ hội... 

 

Giao lưu với đại diện cộng đồng các dân tộc Tây Bắc

Tiếp nối chương trình giao lưu văn hóa, đoàn đã dừng chân tại làng Gia Rai, tiếp xúc, thăm hỏi với bà con các dân tộc cư trú ở Trường Sơn, Tây Nguyên như Banar, Ê Đê, M'Nông, Cơ Tu, Raglai... Sau đó chủ và khách cùng múa xoang trước nhà rông.

Đại diện của bà con cho hay: Nhà rông trong quan niệm của người đồng bào Tây Nguyên là biểu tượng của tính cộng đồng, có giá trị quan trọng với đời sống tinh thần cũng như đời sống tâm linh. Đối với người dân tộc Gia Rai, nhà rông được xem là cốt cách, là linh hồn của cả buôn làng vì vậy việc xây dựng nhà rông, di dời hay tu sửa là công việc hệ trọng của cả làng, phải cùng ý nguyện và có sự nhất trí cao, có khi kéo dài hàng tháng, chuẩn bị hàng năm mới có thực hiện.

 

Tặng quà động viên bà con dân tộc nơi đây

Không gian của dân tộc Khmer có ngôi chùa Khmer, không khác gì những ngôi chùa ở Trà Vinh, Sóc Trăng. Bên cạnh đó là ngôi nhà sàn, hiện đang có nhóm bà con Khmer trông nom, giới thiệu. Tại đây, đoàn đã được xem những bộ trang phục cầu kỳ của người phụ nữ, màu sắc rực rỡ cùng những hạt cườm, kim sa lấp lánh. 

Đoàn đã được thưởng thức những tiết mục văn nghệ truyền thống của dân tộc Khmer rất sống động, hấp dẫn mang theo những triết lý nhân sinh sâu sắc.

 

Một tiết mục biểu diễn của đồng bào Khmer

Đoàn đến thăm Quần thể Tháp Chăm, khám phá vẻ đẹp hùng vĩ cũng như chiêm ngưỡng nghệ thuật xây tháp tuyệt vời của đồng bào Chăm. Quần thể tháp Chăm tại đây được xây dựng với tỷ lệ 1/1 với tháp Po Klong Garai tại Ninh Thuân. Đây là một trong những cụm tháp Chăm hùng vĩ và đẹp nhất còn lại ở Việt Nam, phụng thờ vua Pô Klong Garai. Tháp Pô Klong Garai là một tổng thể gồm ba tháp: tháp chính, tháp lửa, tháp cổng. Công trình này có trình độ kiến trúc, nghệ thuật, điêu khắc đạt đến đỉnh cao.

Bên cạnh nội dung giao lưu, đoàn Tạp chí TAND cũng đã trao những phần quà ý nghĩa tới 15 đại diện các dân tộc đang hoạt động tại nơi đây.

 

Chụp ảnh lưu niệm với bà con

Chương trình là hoạt động thiết thực, ý nghĩa chào mừng ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hưởng ứng Tháng Thanh niên 2023, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong công cuộc góp phần gìn giữ, xây dựng và phát huy những giá trị đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam. 

TUẤN QUANG