Lỗi để xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng

Xoay quanh việc xác định yếu tố lỗi, thời điểm, ý thức khi thực hiện hành vi theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi bổ sung năm 2020, vẫn còn nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật chưa đồng bộ.

Dựa trên thực tiễn xét xử và phân tích bản án đã có hiệu lực pháp luật bài viết phân tích vấn đề lỗi trong xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.

Nội dung Bản án số 135/2022/HC-ST ngày: 27-01-2022 của TAND TP HCM về “Khiếu kiện quyết định hành chính trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng[1]: Chủ tịch Ủy ban nhân dân (gọi tắt là UBND) ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính (gọi tắt là XPVPHC) và buộc khắc phục hậu quả do không thực hiện đúng theo giấy phép xây dựng điều chỉnh. Trước đó, ông Bùi Trung H đã được cấp phép xây dựng và thực hiện đúng giấy phép, khi công trình hoàn thiện thì giấy phép bị thu hồi, hủy bỏ một phần, UBND tiến hành ban hành giấy phép xây dựng mới, ông H không thực hiện tháo dỡ phần thay đổi so với giấy phép ban đầu đây là căn cứ XPVPHC.

Bản án nhận định hành vi của ông H không có lỗi nên chấp nhận yêu cầu, hủy quyết định XPVPHC[2].

Quy định về xác định hành vi vi phạm hành chính được quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, sửa đổi, bổ sung năm 2020 (gọi tắt là LXPVPHC)  

“1. Vi phạm hành chính là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính”.

Tuy nhiên, xoay quanh quy định này vẫn còn một số vấn đề bỏ ngỏ liên quan đến việc xác định lỗi trong vi phạm hành chính.

Cụ thể, tại thời điểm thực hiện và kết thúc hành vi thì cá nhân, tổ chức không có lỗi, tuy nhiên sau khi quyết định hành chính trước đó bị điều chỉnh thì hành vi đã thực hiện và kết thúc trước khi ban hành quyết định hành chính điều chỉnh có coi là lỗi hay không?

Từ việc có cách hiểu khác nhau dẫn đến có các quan điểm khác nhau trong thực tiễn áp dụng. Cụ thể

- Quan điểm thứ nhất: Tại thời điểm ban hành quyết định điều chỉnh, ông H không thi hành quyết định điều chỉnh là hành vi có lỗi, buộc phải XPVPHC và buộc khắc phục hậu quả. Theo nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính “Mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do VPHC gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật[3]. Đây cũng là quan điểm của chủ thể xử phạt vi phạm hành chính trong bản án được phân tích.

- Quan điểm thứ hai: Ông Bùi  Trung H không có lỗi vì đã bắt đầu thực hiện và kết thúc hành vi đúng, việc không thi hành theo quyết định điều chỉnh sau cùng là do ông H không có lỗi. Không thể XPVPHC vì trên thực tế ông H không có vi phạm, cũng không thể ban hành quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả riêng lẻ, bởi đây là biện pháp đi kèm nhằm khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra.

Trên thực tế, quyết định điều chỉnh là quyết định phái sinh, thay thế cho quyết định trước đó, nhằm khắc phục lỗi của quyết định ban đầu. Hay nói khác hơn, phải nhìn nhận rằng hành vi của chủ thể bắt nguồn từ quyết định gốc (tạm gọi là QĐ 1), lúc này về ý thức cũng như hành vi ông H đã thực hiện đúng với quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Khi hành vi của chủ thể đã kết thúc thì bị QĐ1 bị hủy bỏ, thay thế bởi quyết định khác (tạm gọi là QĐ 2).

Đối với QĐ 1, như đã phân tích ở trên ông Bùi Trung H không có lỗi. Về QĐ 2 ông H không tiếp tục thực hiện tháo dỡ dẫn đến việc công trình tồn tại không đúng như nội dung cấp phép của QĐ 2 (có thể viện dẫn đây là hành vi không hành động).

Chủ tịch UBND ban hành quyết định XPVPHC vì cho rằng ông H không thực hiện QĐ 2 còn ông H lại cho rằng mình đã thực hiện QĐ 1 đúng, QĐ 2 ban hành là do lỗi của cơ quan nhà nước, mặt khác hành vi của ông H đã kết thúc trước khi ban hành QĐ 2 nên không thể đem nội dung QĐ 2 để xử lý cho hành vi đã thực hiện tại thời điểm QĐ 1 có hiệu lực được.

Như vậy, việc xác định thời điểm, ý thức khi thực hiện hành vi của chủ thể để từ đó xác định việc thực hiện có phải là hành vi vi phạm hành chính và có lỗi của người thực hiện hay không vẫn còn chưa có sự thống nhất dẫn đến nhiều án bị hủy/sửa.

Quan điểm của tác giả: Cần xác định về hành động lẫn ý thức khi thực hiện hành vi của ông H là đúng, không có lỗi. Từ đó, khi hành vi đã kết thúc và bị điều chỉnh bởi một quyết định hành chính điều chỉnh thì mặc nhiên hành vi của ông H cũng không được xem như là vi phạm hành chính. Đây cũng là quan điểm của Hội đồng xét xử trong bản án được phân tích.

Hướng như vừa nêu sẽ giúp tránh được việc cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính ban hành các quyết định không thống nhất và áp dụng căn cứ vào các quyết định đó để tiếp tục xử lý vi phạm hành chính hành vi không có lỗi. Để đưa việc xử lý vi phạm hành chính thật sự là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý Nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương hành chính trong đời sống kinh tế - xã hội[4], giúp nâng cao uy tín, lòng tin trong việc quản lý hành chính Nhà nước trong nhân dân, góp phần ổn định và phát triển xã hội bền vững.

 

Đường phố mới ở Quy Nhơn, Bình Định - Ảnh: Thái Vũ

 

[1]Bản án được công khai tại địa chỉ https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1047091t1cvn/chi-tiet-ban-an, truy cập ngày 10/12/2022.

[2] Xem thêm trang 8, 9 của Bản án số 135/2022/HC-ST ngày: 27-01-2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

[3] Bùi Thị Đào – Hoàng Thị Lan Phương, Nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính theo pháp luật hiện hành, http://www.lapphap.vn/Pages/TinTuc/210448/Nguyen-tac-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-theo-phap-luat-hien-hanh.html, truy cập ngày 20/12/2022.

[4] Bích Huệ, Nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm hành chính, https://backan.gov.vn/pages/nang-cao-hieu-qua-cong-tac-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-492e.aspx, truy cập ngày 19/12/2022.

Ths NGUYỄN HOÀNG YẾN (Toà Hành chính – Toà án nhân dân TPHCM)