Một số góp ý để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS

Dự thảo Nghị quyết của TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 51 và Điều 52 BLHS (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị quyết) đang được lấy kiến đóng góp để hoàn thiện. Trong phạm vi bài viết này, tác giả đóng góp một số ý kiến về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết.

Trên cơ sở Dự thảo Nghị quyết, tác giả có một số đóng góp ý kiến như sau:

Một là, về giải thích tình tiết “người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả” tại khoản 2 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết chưa quy định cụ thể mức độ sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả bao nhiêu thì được áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS nên trong thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội mới chỉ sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả được một phần nhỏ bé so với thiệt hại xảy ra mà vẫn được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS là chưa hợp lý và không phù hợp với nội dung tinh thần của điều luật.

Thiết nghĩ, Dự thảo Nghị quyết cần quy định mức độ sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả để làm căn cứ áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS để phù hợp và bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của người bị thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Vận dụng Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của TANDTC thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì: khi người phạm tội đã sửa chữa, bồi thường hoặc khắc phục hậu quả 3/4 giá trị tài sản đối với các tội phạm về chức vụ và đối với các vụ án khác nếu người phạm tội bằng hết khả năng của mình, bán hết tài sản khắc phục 1/2 giá trị thiệt hại trở lên thì mới áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS.

Hai là, về khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết quy định các tình tiết có thể là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS bằng cách liệt kê các tình tiết cụ thể. Việc liệt kê các tình tiết như vậy là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS, khiến Tòa án bị bó hẹp vào các tình tiết đó chứ không quy định mở như khoản 2 Điều 51 BLHS.

Đề nghị bổ sung “Ngoài ra, khi xét xử, tùy từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án” thì phù hợp hơn với quy định của BLHS và cũng là tạo điều kiện cho Toà án áp dụng pháp luật một cách linh hoạt, không cứng nhắc, một mặt tăng thêm thẩm quyền áp dụng pháp luật cho Tòa án, mặt khác bảo đảm pháp luật được áp dụng một cách chính xác nhất.

Ba là, tại điểm e khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết quy định: “Bị cáo có bà ngoại là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác”.

Thứ nhất, theo nội dung Dự thảo Nghị quyết thì chỉ có cháu ngoại của Người mẹ Việt Nam anh hùng được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS còn cháu nội thì không được hưởng, do vậy việc quy định này chưa bao quát được hết các đối tượng được hưởng.

Thứ hai, về tình tiết “bị cáo có cha, mẹ được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác”. Cũng như tình tiết trên, Dự thảo Nghị quyết cũng chỉ coi bố, mẹ của bị cáo được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác là tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS mà chưa quy định vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của bị cáo được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác là chưa bao quát được hết.

Từ những lý do trên, tác giả đề nghị sửa đổi điểm e khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết thành: “Bị cáo có bà là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng hoặc có cha, mẹ, vợ, chồng, con được tặng thưởng nhiều giấy khen, bằng khen trong quá trình học tập và công tác”.

Bốn là, cần bổ sung thêm tình tiết “người bị hại cũng có lỗi” vào khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết, vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định trong Phần chung của BLHS năm 1999 thì việc quy định tình tiết bị hại cũng có lỗi là phù hợp, ví dụ như trong một số vụ án vi phạm về quy định khi tham gia giao thông đường bộ có trường hợp bị hại cũng có một phần lỗi dẫn đến xảy ra va chạm giao thông nhưng bị hại đã chết nên không xử lý, trong trường hợp này để bảo đảm pháp luật được nghiêm minh, thể hiện chính sách nhân đạo thì có thể coi trường hợp “người bị hại cũng có lỗi” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 51 BLHS là phù hợp.

Bổ sung tình tiết “gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo” vào khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết, cũng như trường hợp trên vận dụng tinh thần Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP, việc bổ sung tình tiết này là phù hợp, trong trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án bị cáo không tự nguyện sửa chữa, bồi thường hay khắc phục hậu quả nhưng gia đình bị cáo nhận thấy cần phải thay bị cáo sửa chữa, bồi thường hay khắc phục hậu quả cho bị cáo thì Tòa án cũng nên cân nhắc áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 Điều 51 BLHS.

Bổ sung tình tiết “bị cáo là ông, bà, cháu của liệt sĩ” vào khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết, việc bổ sung quy định này là nhằm thể hiện sự tri ân của Nhà nước đối với công lao của các liệt sĩ đối với sự nghiệp cách mạng bảo vệ Tổ quốc của nước ta cũng giống như tình tiết bị cáo có bà là người được Nhà nước tặng danh hiệu Người mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm là, về tình tiết quy định tại điểm đ khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết “Bị cáo có nhiều con còn nhỏ, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn”, quy định này còn mang tính chung chung, chưa cụ thể, ví dụ hiểu như thế nào là bị cáo có nhiều con còn nhỏ? Nhiều con ở đây có thể được hiểu là từ hai người con trở lên, còn xác định con còn nhỏ thì xác định như thế nào? Bao nhiêu tuổi thì được coi là con còn nhỏ. Theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em năm 2016 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) thì “trẻ em là người dưới 16 tuổi”, như vậy để bảo đảm việc áp dụng thống nhất pháp luật tác giả đề nghị sửa đổi điểm đ khoản 22 Điều 2 Dự thảo Nghị quyết như sau: “Bị cáo có từ 02 con trở lên dưới 16 tuổi, vợ không có công ăn việc làm, gia đình khó khăn hoặc bị cáo được khen thưởng của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện, Công ty, xí nghiệp tặng giấy khen”.

LÊ VĂN THANH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 1)

Các bị cáo trong vụ các chuyến bay giải cứu đều xin giảm nhẹ hình phạt - Ảnh: Nguyên Bảo