Nguyễn Quốc H phạm tội Trộm cắp tài sản

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Quốc H có phạm tội không, tội gì?” của tác giả Trần Thanh Bài đăng ngày 12/4/2024, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, Nguyễn Quốc H phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS

Xét về đối tượng tác động của tội trộm cắp tài sản, đây phải là tài sản đang có người quản lý. Tài sản được coi là đang có người quản lý là các tài sản sau:

-Tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp.

- Tài sản tuy không còn nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người quản lý hợp pháp nhưng vẫn nằm trong khu vực quản lý, bảo quản của chủ tài sản.

Nguyễn Quốc H khi nhặt được chiếc ví của người khác để quên trong quán cà phê, H buộc phải nhận thức được chiếc ví là tài sản thuộc sở hữu của người khác và địa điểm chủ sở hữu chiếc ví để quên là quán cà phê, có phạm vi không gian nhỏ hẹp, có chủ quán cà phê, nhân viên phục vụ… là có người quản lý tài sản trong quán cà phê chứ không phải là tài sản vô chủ.

Khi con trai H nói: “Bố tìm cách nào trả lại ví cho người để quên đi bố” thì H không nói gì. Lúc chị Th đi vệ sinh, H cầm ví sang bàn khác, dùng mũ và khăn quàng cổ che lên chiếc ví rồi bỏ vào túi xách của chị Th. Khi chị Th gọi điện cho anh Qu là bạn làm việc ở Tổng Công ty Viễn thông Viettel nhờ tra cứu và xác định số điện thoại của anh D chủ của chiếc ví, nhưng H không gọi điện để trả lại ví cho anh D. H đã giữ lại chiếc ví và toàn bộ số tiền trong ví. H chỉ đưa giấy tờ mang tên Ngô Anh D bảo chị Th mang ra quán cà phê để trả. Khi chị Th đến quán cà phê thì thấy có Công an đang tổ chức tìm kiếm chiếc ví bỏ quên nên đã bỏ lại giấy tờ ở cửa quán cà phê rồi ra về.

H đã cố ý dịch chuyển tài sản ra khỏi quán cà phê một cách lén lút và trái pháp luật tài sản của người khác thành tài sản của mình, hành vi phạm tội hoàn thành khi tài sản được đem ra khỏi quán. H đã không giao lại chiếc ví cho chủ quán cà phê hoặc cơ quan có thẩm quyền để trả lại cho chủ sở hữu mà H đã có hành vi lén lút, che giấu nhằm không để người khác phát hiện. Hành vi của H đã lén lút, bí mật chiếm đoạt tài sản một cách trái pháp luật của người khác, lợi dụng hoàn cảnh mà người quản lý tài sản để quên để chiếm đoạt số tiền 41.500.000 đồng. Vì vậy, hành vi của Nguyễn Quốc H đã đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS.

Tôi không đồng tình với quan điểm cho rằng H phạm tội “Chiếm giữ trái phép tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 176 BLHS. Bởi vì đối tượng của tội chiếm giữ trái phép tài sản là những tài sản không có chủ hoặc chưa có chủ, người phạm tội có được tài sản là do ngẫu nhiên, có thể là do bị giao nhầm, nhặt được hoặc tìm được. Sau khi có được tài sản đó, người phạm tội cố tình biến tài sản đó thành tài sản của mình một cách trái phép, thể hiện dưới dạng một trong các hành vi: không trả lại tài sản được giao nhầm cho chủ sở hữu; hoặc không giao nộp cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tài sản mà mình bắt được, tìm được… mà tiếp tục chiếm hữu, sử dụng hoặc định đoạt tài sản đó.

Trong vụ án này, H nhặt được chiếc ví do người khách trước bỏ quên, tức là có được tài sản một cách ngẫu nhiên. Tuy nhiên, thời điểm mà H nhặt được chiếc ví là 21 giờ ngày 02/9/2023 đến khi có công an hỏi là 06 giờ 05 phút ngày 03/9/2023. Đây là khoảng thời gian ban đêm, khó để đến cơ quan có thẩm quyền trình báo. Hơn nữa, khi Công an hỏi về chiếc ví mà H nhặt được thì H khai nhận và nộp lại ví cùng toàn bộ tài sản có trong ví, tức là H không có thái độ cố tình không giao nộp khi có yêu cầu. Do vậy, hành vi của H cũng không thỏa mãn cấu thành tội Chiếm giữ trái phép tài sản theo Điều 176 BLHS.

 

 

NGUYỄN THỊ YẾN HOA (Tòa án quân sự Quân khu 1)

Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, Bình Định xét xử trực tuyến vụ án Trộm cắp tài sản- Ảnh: Văn Phong