Tòa án Quân sự Thủ đô xét xử nhóm nguyên sĩ quan Học viện Quân y trong vụ Việt Á
Sáng ngày 27/12/2023, Tòa án Quân sự thủ đô Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 7 bị cáo trong vụ án “Việt Á”. Phiên tòa sẽ diễn ra trong 3 ngày từ 27/12 đến 29/12/2023).
Đây cũng là một phần của vụ án Công ty Việt Á, thuộc phần quân đội giải quyết, còn lại sẽ được TAND TP Hà Nội xét xử ngày 3/1/2024 tới. Các bị cáo bị đưa ra xét xử về các tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
HĐXX trong vụ án gồm: Chủ tọa phiên tòa, Trung tá Vũ Đức Việt; Thẩm phán; Thượng tá Đoàn Thị Phương và Thẩm phán dự khuyết: Thượng tá Đỗ Ngọc Bình; 3 Hội thẩm quân nhân và 2 Hội thẩm quân nhân dự khuyết. Về phía đại diện Viện kiểm sát quân sự Thủ đô Hà Nội gồm có 2 Kiểm sát viên: Trung tá Ngô Quang Huy và Đại úy Tạ Thị Thúy Hòa.
Hội đồng xét xử vụ án Việt Á
Tổng số 7 bị cáo trong vụ án gồm:
1. Trịnh Thanh Hùng (SN 1966, phú tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội), chức vụ khi phạm tội: Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN;
2. Hồ Anh Sơn (SN 1976, trú tại phường La Khê, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), cấp bậc và chức vụ khi phạm tội: Thượng tá, Phó Giám đốc, Viện nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y;
3. Phan Quốc Việt (SN 1980, trú tại phường 1, quận 4, TP. Hồ Chí Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Á);
4. Nguyễn Văn Hiệu (SN 1967, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, TP. Hà Nội), cấp bậc, chức vụ khi phạm tội: Đại tá, Trưởng phòng, Phòng trang bị - Vật tư, Học viện Quân y;
5. Ngô Anh Tuấn (SN 1980, trú tại phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội), cấp bậc, chức vụ khi phạm tội: Thiếu tá, Trưởng phòng, Phòng Tài chính, Học Viện quân y;
6. Lê Trường Minh (SN 1982, trú tại phường Phú Lãm, quận Hà Đông, Hà Nội), cấp bậc, chức vụ khi phạm tội: Thiếu tá, Trưởng ban Ban Hóa dược, Phòng Trang bị - Vật tư, Học viện Quân y ;
7. Vũ Đình Hiệp (SN 1986, trú tại phường Bình Thắng, TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương), chức vụ khi phạm tội: Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Việt Á.
7 bị cáo bị đưa ra xét xử tại Tòa quân sự Thủ đô Hà Nội
Có hơn 10 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.
Khoảng hơn 6 giờ sáng 27-12, ba xe chuyên dụng dẫn giải 7 bị cáo trong vụ án đến toà. Đến khoảng 7 giờ 30, các bị cáo được đưa vào phòng xét xử.
Trong phần thủ tục, Hội đồng xét xử thông báo danh sách 16 người được toà triệu tập với tư cách nhân chứng. Trong đó có trung tướng Đỗ Quyết - nguyên Giám đốc Học viện Quân y, đại tá Phạm Nhật Quang - nguyên Chánh thanh tra Học viện Quân y... Tuy nhiên ông Quyết, ông Quang cùng các nhân chứng đều có đơn xin xét xử vắng mặt.
Hội đồng xét xử quyết định tiếp tục xét xử vì những người này đều đã có lời khai trong quá trình điều tra.
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát quân sự Trung ương: Khi dịch COVID -19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Ban Giám đốc Học viện Quân y đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu bộ kit xét nghiệm COVID-19.
Cuối tháng 1/2020, Hồ Anh Sơn (thời điểm đó là Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự) trình ông Hoàng Văn Lương (lúc đó là Phó giám đốc Học viện Quân y) ký công văn gửi Bộ KH-CN về việc đề xuất nhiệm vụ phát triển test kit COVID-19.
Sau khi nhận được văn bản, Trịnh Thanh Hùng (Phó vụ trưởng Vụ KH-CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH-CN) đã trao đổi, thống nhất với Phan Quốc Việt (Tổng giám đốc Việt Á) về việc để Việt Á tham gia đề tài này.
Sau đó, ông Hùng yêu cầu Hồ Anh Sơn bổ sung thêm Việt Á tham gia đề tài. Ông Sơn đồng ý và sửa lại phiếu đề xuất nhiệm vụ khoa học và trình ông Lương ký.
Đầu tháng 2/2020, Bộ KH-CN có quyết định thành lập hội đồng, tổ thẩm định kinh phí và giao Học viện Quân y chủ trì; Hồ Anh Sơn là chủ nhiệm đề tài với kinh phí 18,98 tỉ đồng, thực hiện trong 18 tháng. Sau khi được Bộ KH-CN giao đề tài, nhóm nghiên cứu của Học viện Quân y đã nghiên cứu để tối ưu hóa.
Ngày 10/2/2020, Hồ Anh Sơn ký bàn giao quy trình chế tạo bộ sinh phẩm với Công ty Việt Á để sản xuất thử nghiệm theo yêu cầu của đề tài.
Ông Hoàng Văn Lương đã ký biên bản bàn giao này do Công ty Việt Á soạn thảo và Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự, Học viện Quân y) trình ký.
Bị cáo Hồ Anh Sơn (giữa) là cựu Thượng tá, Phó giám đốc Viện nghiên cứu Y dược học quân sự, Học viện Quân y
Khoảng giữa tháng 2/2020, Việt chỉ đạo Hồ Thị Thanh Thủy (Phó Tổng giám đốc Việt Á, vợ Việt) mang bộ test kit COVID-19 (do Thủy nghiên cứu, tối ưu từ các tài liệu của Tổ chức Y tế thế giới, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ và một số nước khác, xây dựng quy trình sản xuất kit sử dụng gen đích để phát hiện ra vi rút) ra Hà Nội để đánh giá chất lượng.
Sau khi có kết quả đánh giá, biết được bộ kit do Việt Á có chất lượng tốt hơn bộ sinh phẩm của Học viện Quân y, Việt đã báo cáo đến Trịnh Thanh Hùng. Hùng yêu cầu Việt làm công văn gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị phối hợp thử nghiệm bộ kit do Việt Á đưa đến. Sau đó, Việt cho nhân viên mang 3 loại test kit do Việt Á cung cấp đến Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để tiếp tục đánh giá, thử nghiệm. Kết quả bộ kit của Việt Á đạt yêu cầu.
Như vậy, cả ba đã gian dối, đưa bộ kit do Việt Á cung cấp (không được sản xuất theo quy trình nghiên cứu của Học viện Quân y) đi thử nghiệm để nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài và nghiệm thu Đề tài.
Đầu tháng 3/2020, Hùng yêu cầu Sơn làm văn bản đề nghị nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài. Sau đó Sơn đã trình ông Đỗ Quyết (Giám đốc Học viện Quân y) ký văn bản đề nghị Bộ KH-CN nghiệm thu giai đoạn 1 đề tài. Sau đó, Bộ KH-CN kiến nghị Bộ Y tế xem xét cấp phép sử dụng.
Cáo trạng thể hiện khoảng tháng 4/2020, Việt Á làm hồ sơ xin cấp phép lưu hành sản phẩm chính thức, gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế). Bộ Y tế ra văn bản đề nghị Việt Á làm rõ quan hệ giữa Học viện Quân y và Việt Á trong toàn bộ hồ sơ liên quan, đồng thời yêu cầu bổ sung tài liệu chứng minh.
Phan Quốc Việt đã chỉ đạo cấp dưới xây dựng biên bản có nội dung “Học viện Quân y đồng ý để Việt Á toàn quyền sử dụng sản phẩm của đề tài để đăng ký lưu hành và đăng ký cấp chứng nhận lưu hành…”. Biên bản này được Sơn trình ông Hoàng Văn Lương ký.
Bị cáo Phan Quốc Việt, Chủ tịch, tổng giám đốc công ty Việt Á tại Phiên tòa
Do tin tưởng Hồ Anh Sơn, ông Lương không xem nội dung biên bản mà ký và đưa lại cho Sơn. Biên bản này sau đó được chuyển tới Bộ Y tế để đưa vào hồ sơ xin cấp phép. Sai phạm này của các bị can gây thiệt hại gần 18,5 tỷ đồng ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tạo điều kiện cho Việt Á sản xuất, mua bán với các đơn vị y tế tại nhiều địa phương.
Trong vụ án này, ba cựu sĩ quan Hiệu, Tuấn và Minh bị truy tố về sai phạm trong đấu thầu vật tư y tế tại Bắc Ninh, Bắc Giang và TP.HCM, giai đoạn tháng 5 đến tháng 12-2021.
Cáo trạng xác định, giai đoạn này Học viện Quân y tổ chức các trung tâm xét nghiệm dã chiến tham gia hỗ trợ phòng, chống COVID-19 tại ba địa phương trên.
Ba bị cáo này được giao nhiệm vụ đảm bảo dụng cụ lấy mẫu và đã liên hệ ông Sơn nhờ Việt Á ứng kit xét nghiệm để cấp phát cho các tổ xét nghiệm.
Khi thanh toán tiền cho số kit ứng của Công ty Việt Á, cơ quan tố tụng cáo buộc ông Hiệu, Tuấn, Minh làm hồ sơ hợp thức chỉ định thầu, nâng giá để chia chác.
Dù Học viện Quân y báo cáo Bộ Quốc phòng xin ngân sách quốc phòng 24,6 tỉ đồng nhưng trên thực tế học viện đã ký hợp đồng và thanh toán cho Công ty Việt Á 41,7 tỉ, cao hơn báo cáo Bộ Quốc phòng hơn 17 tỉ.
Viện kiểm sát cáo buộc hợp thức việc thanh toán cho Công ty Việt Á số tiền cao hơn này, Học viện Quân y đã tạm ứng kinh phí từ nguồn các hoạt động khác.
Sau khi được Học viện Quân y thanh toán, Việt Á "lại quả" cho ông Sơn 2,5 tỉ đồng, cho ông Hiệu 3,56 tỉ và ông Tuấn 1,37 tỉ.
Theo cáo trạng, tổng số tiền phó tổng giám đốc Việt Á đã chi phần trăm hoa hồng sau khi được thanh toán tiền bán kit xét nghiệm tại một số địa phương trên, cho ba cựu sĩ quan Học viện Quân y là 7,1 tỉ. Đây là số tiền quá lớn, vượt nhiều lần mức thu nhập bình quân của cán bộ, công chức.
Trong vụ án này có duy nhất bị cáo Phan Quốc Việt là cùng bị truy tố và đưa ra xét xử cả 2 tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”. Bị hại được xác định là Học viện Quân y. Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, có Công ty TNHH khoa học Hợp Nhất, Cục Tài chính (Bộ Quốc phòng)… Bị đơn dân sự là Công ty CP công nghệ Việt Á và nhiều người làm chứng đã được phía Tòa án xác định.
Tạp chí Toà án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin diễn biến phiên toà.
Bài liên quan
-
Cựu giám đốc bệnh viện Thủ Đức tiếp tục bị truy tố liên quan đến Việt Á
-
Xét xử 3 cựu Ủy viên Trung ương cùng 35 bị cáo trong đại án Việt Á
-
Tòa tuyên án 7 bị cáo trong vụ Việt Á, Phan Quốc Việt lĩnh án 25 năm tù
-
Xét xử vụ Việt Á: Nhiệm vụ dù cấp bách cũng không thể là lý do để các bị cáo thực hiện hành vi gian dối, vì lợi ích của bản thân mình
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL
Bình luận