Lừa đảo chiếm tài sản hay gian lận trong kinh doanh bảo hiểm?

Trần Thị Thu T làm đại lý bảo hiểm . T lấy danh nghĩa A ký hợp đồng bảo hiểm với Công ty rồi làm giả hồ sơ, yêu cầu Công ty bồi thường số tiền 20 triệu đồng. T phạm tội gì?

Trần Thị Thu T vì muốn kiếm thêm thu nhập đã ký hợp đồng làm đại lý bảo hiểm với Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ M. Trong khoảng thời gian năm 2022, T thường xuyên nhắn tin chào báo bảo hiểm cho A và hứa hẹn sẽ làm giả hồ sơ nằm viện để A có tiền hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật từ Công ty bảo hiểm M, tuy nhiên A luôn từ chối.

Khoảng tháng 5 năm 2022, Trần Thị Thu T đã gọi điện cho A để mượn hình ảnh căn cước công dân của A và số tài khoản nhân hàng của A. Sau đó, Trần Thị Thu T đã mua cho A một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Trong hợp đồng đó T đã giả mạo chữ ký của A ký  kết hợp đồng với chuyên viên tư vấn bán bảo hiểm là B. Việc T mua hợp đồng bảo hiểm cho A, A hoàn toàn không biết.

Đến tháng 10 năm 2022, Trần Thị Thu T đã làm hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật với nội dung là A bị gãy chân và phải phẫu thuật ở bệnh viện. Hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi mà T giả mạo A làm đã được Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ M thông qua và chuyển số tiền 20 triệu đồng vào tài khoản của A. Sau khi, nhận được số tiền từ Công ty bảo hiểm nhân thọ M, Trần Thị Thu T đã yêu cầu A chuyển toàn bộ số tiền đó sang tài khoản của T.

Việc Trần Thị Thu T làm hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm A hoàn toàn không biết. Quá trình điều tra xác minh xác định A không hề gãy chân và phải phải phẫu thuật, nằm viện như trong hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm.

Ở đây phát sinh hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trần Thị Thu T là đại lý bảo hiểm của Công ty bảo hiểm nhân thọ M. Việc T tự ý làm giả hồ sơ yêu cầu bảo hiểm để chiếm đoạt số tiền 20 triệu đồng đã đủ yếu tố cấu thành tội “Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” cụ thể là “giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm” quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 213 BLHS.

Quan điểm thứ hai cho rằng:  Theo Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểmchi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”. Trong vụ án này, Trần Thị Thu T đã giả mạo A mua hợp đồng bảo hiểm cho A và kí với chuyên viên tư vấn bảo hiểm B. Ở đây Trần Thị Thu T là tư cách là khách hàng mua bảo hiểm chứ không phải là đại lý bảo hiểm của Công ty bảo hiểm nhân thọ M. Ngoài ra, T cũng không có hành vi thông đồng với A là người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm. Do đó, hành vi của T không thể cấu thành tội “Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” quy định tại khoản 1 Điều 213 BLHS.

Ngoài ra, sau khi kí hợp đồng bảo hiểm xong, T đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của công ty M, bằng cách Trần Thị Thu T đã có hành vi gian dối giả mạo A làm giả hồ sơ bệnh án nằm viện. Và sau đó yêu cầu Công ty bảo hiểm nhận thọ M phải hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật. Việc A bị gãy chân phải phẫu thật và nằm viện là hoàn toàn không có thật. Do đó, hành vi của Trần Thị Thu T đã cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy đinh tại khoản 1 Điều 174 BLHS.

 Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 

TAND tỉnh Phú Yên xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Ngọc Ẩn

LÊ ĐỨC ANH  (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân khu 4)