Một số vướng mắc trong quy định của pháp luật về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ
Bộ luật Hình sự năm 2015, quy định 02 tội danh mà pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đó là: Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225) và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226). Trong bài viết, tác giả phân tích quy định của Bộ luật Hình sự về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại đối với 02 tội này, chỉ ra một số bất cập, từ đó đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
1. Vướng mắc trong quy định về dấu hiệu định tội đối với pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (Điều 225 Bộ luật Hình sự)
Khoản 4 Điều 225 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) quy định: “Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau: a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này…”.
Để xác định pháp nhân thương mại (PNTM) chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, trước hết, cần xác định PNTM thỏa mãn 04 điều kiện phải chịu TNHS về tội phạm nói chung (khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015) và thỏa mãn dấu hiệu định tội của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 1 Điều 225), cụ thể:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình. Đây là hành vi tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kì phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc tạo bản sao dưới hình thức điện tử.
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Người phạm tội có thể thực hiện một trong hai hành vi hoặc cả hai hành vi nói trên. Khi thực hiện hành vi khách quan của tội phạm, chủ thể không được phép (không có sự đồng ý) của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan. Hay nói cách khác, khi PNTM thực hiện hành vi sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình hoặc phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao ghi âm, bản sao ghi hình thì chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.
Hành vi trên đây chỉ bị coi là tội phạm nếu thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều 225 với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 225 hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Cần lưu ý, quyền tác giả, quyền liên quan bị hành vi phạm tội xâm phạm phải đang được bảo hộ tại Việt Nam. Đối với quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được bảo hộ quyền tác giả tại Việt Nam bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; ngoài ra, tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đối với quyền liên quan, bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ tại Việt Nam là bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam; hoặc bản ghi âm, ghi hình của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Điểm khác biệt giữa hành vi khách quan của cá nhân phạm tội và PNTM phạm tội là đối với PNTM, hành vi khách quan là hành vi được thực hiện với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300 triệu đồng trở lên hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng trở lên. Giá trị định lượng này đối với PNTM cao gấp 3 - 4 lần giá trị định lượng đối với cá nhân (tùy từng trường hợp) để phân định giữa hành vi vi phạm hành chính và hành vi vi phạm hình sự. Cụ thể, đối với cá nhân, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi thực hiện với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng trở lên hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng trở lên hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, nhà làm luật còn bổ sung trường hợp định tội danh dựa vào dấu hiệu nhân thân của PNTM. Còn đối với cá nhân thì không có quy định về trường hợp định tội danh dựa trên dấu hiệu xấu về nhân thân. Đó là trong trường hợp PNTM thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 225 BLHS hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì phải chịu TNHS.
Nghiên cứu dấu hiệu định tội của Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan cho thấy khoản 1 Điều 225 vẫn còn một số bất cập. Cụ thể:
Thứ nhất, theo quy định của Điều 225 BLHS năm 2015, khi xác định các dấu hiệu định tội để định tội danh đối với hành vi của PNTM, xét về dấu hiệu định lượng - ngưỡng để xử lý hình sự đối với chủ thể này thì phải căn cứ vào khoản 4 Điều này. Quy định trên mâu thuẫn với khoa học luật hình sự về cấu thành tội phạm. Theo đó, cấu thành tội phạm cơ bản được mô tả dấu hiệu đặc trưng của tội phạm cụ thể để làm cơ sở pháp lý cho việc xác định tội danh và phân biệt giữa tội phạm này với tội phạm khác cũng như phân biệt được với vi phạm. “Mỗi tội danh đều phải có một cấu thành tội phạm cơ bản”. Tội phạm có thể do các chủ thể khác nhau thực hiện, nhưng khi xác định tội danh mà hành vi của chủ thể thỏa mãn thì phải căn cứ vào cấu thành tội phạm cơ bản.
Đối với Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cấu thành tội phạm cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 225 BLHS năm 2015. Xét về kỹ thuật lập pháp, khoản 4 Điều 225 quy định với dấu hiệu định lượng riêng áp dụng cho chủ thể là PNTM, nghĩa là trường hợp này, nhà làm luật đã quy định hai cấu thành tội phạm cơ bản cho cùng một tội danh (khoản 1 áp dụng với cá nhân và khoản 4 áp dụng với PNTM). Mỗi tội danh chỉ có một cấu thành tội phạm cơ bản để quy định dấu hiệu định tội đặc trưng của tội phạm này, không thể quy định hai loại cấu thành tội phạm cơ bản đối với cùng một tội danh. Việc quy định PNTM phải chịu TNHS về tội danh cụ thể không làm thay đổi bản chất của dấu hiệu định tội của tội phạm cụ thể. “Không thể vì lý do nào đó có thể thêm dấu hiệu cho hành vi phạm tội khi quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Việc bổ sung dấu hiệu định tội như vậy không chỉ trái với bản chất của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân mà đã giới hạn không có cơ sở phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân, làm giảm ý nghĩa của việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân”. “Pháp nhân bao giờ cũng phải chịu trách nhiệm hình sự thông qua hành vi phạm tội của thể nhân, không có hành vi phạm tội của thể nhân thì không có trách nhiệm hình sự của pháp nhân”. Do vậy, việc xác định tội danh đối với PNTM vẫn phải dựa vào cấu thành tội phạm cơ bản đã quy định cho cá nhân, không thể quy định thêm một cấu thành tội phạm cơ bản thứ hai áp dụng cho PNTM.
Mặt khác, mức định lượng để hành vi vi phạm của PNTM bị coi là tội phạm cao hơn gấp 3 - 4 lần mức định lượng để hành vi của cá nhân bị coi là tội phạm. Quy định như vậy chưa đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể phải chịu TNHS. Do đó, tác giả cho rằng, cần sửa đổi Điều 225 BLHS năm 2015 theo hướng chỉ quy định “một mức định lượng” để xác định hành vi vi phạm có bị coi là tội phạm hay không, bất kể chủ thể của tội phạm là cá nhân hay PNTM phạm tội (nghĩa là chỉ quy định một cấu thành tội phạm cơ bản là khoản 1 Điều 225 áp dụng cho cả cá nhân, PNTM phạm tội).
Thứ hai, đối với dấu hiệu “quy mô thương mại”.
Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO). Kể từ thời điểm này, Việt Nam phải thực thi các cam kết của mình trong các văn kiện của WTO, trong đó có Hiệp định về các khía cạnh liên quan tới thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPS). Cụ thể, Điều 61 Hiệp định TRIPS quy định nghĩa vụ nội luật hóa của các quốc gia thành viên như sau: “Các thành viên phải quy định việc áp dụng các thủ tục hình sự và các hình phạt để áp dụng ít nhất đối với các trường hợp cố tình giả mạo nhãn hiệu hàng hoá hoặc xâm phạm bản quyền với quy mô thương mại. Các biện pháp chế tài theo quy định phải bao gồm cả phạt tù và/hoặc phạt tiền đủ để ngăn ngừa xâm phạm, tương ứng với mức phạt được áp dụng cho các tội phạm có mức độ nghiêm trọng tương đương trong những trường hợp thích hợp, các biện pháp chế tài cũng phải bao gồm cả việc bắt giữ, tịch thu và tiêu huỷ hàng hoá xâm phạm và bất cứ vật liệu và các phương tiện nào khác được sử dụng chủ yếu để thực hiện tội phạm. Các thành viên có thể quy định các thủ tục hình sự và các hình phạt áp dụng cho các trường hợp khác xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trường hợp cố ý xâm phạm và xâm phạm với quy mô thương mại”.
So với BLHS năm 1999, dấu hiệu “quy mô thương mại” trong BLHS năm 2015 vẫn tiếp tục được quy định tại cấu thành tội phạm cơ bản của các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ, nhưng đã có sự thay đổi trong cách thức quy định. Dấu hiệu này chỉ là một trong các dấu hiệu định tội đối với các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã cụ thể hoá dấu hiệu “quy mô thương mại” bằng cách mô tả cụ thể mức định lượng về “số tiền thu lợi bất chính” hoặc “giá trị thiệt hại cho chủ thể quyền” hoặc “giá trị hàng hoá vi phạm”. Do đó, việc vẫn còn giữ lại dấu hiệu “quy mô thương mại” là dấu hiệu định tội của tội phạm này là không cần thiết. Hiện nay, chưa có văn bản nào giải thích, hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại”. Do vậy, theo tác giả BLHS nên bỏ dấu hiệu “quy mô thương mại” ở Điều 225 và Điều 226.
2. Vướng mắc trong quy định về dấu hiệu định tội đối với pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015)
Tương tự với trường hợp xác định PNTM chịu TNHS về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, đối với trường hợp PNTM chịu TNHS về Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, chủ thể này ngoài việc thỏa mãn 04 điều kiện chịu TNHS về tội phạm nói chung (khoản 1 Điều 75 BLHS năm 2015) thì còn phải thỏa mãn dấu hiệu định tội của Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (khoản 1 Điều 226 BLHS năm 2015).
Điều 226 BLHS năm 2015 quy định một khoản riêng về dấu hiệu định lượng - dấu hiệu định tội để áp dụng đối với PNTM (khoản 4 Điều 226 BLHS).
Hành vi khách quan của tội phạm là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lí đang được bảo hộ tại Việt Nam, đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý được coi là đang được bảo hộ tại Việt Nam nếu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý đó được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký đúng quy định của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Riêng đối với nhãn hiệu nổi tiếng thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập dựa trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký. Phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lí được quy định cụ thể tại Điều 129 Luật sở hữu trí tuệ. Ví dụ, sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ; hoặc sử dụng chỉ dẫn địa lí được bảo hộ cho sản phẩm mặc dù có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lí mang chỉ dẫn địa lí, nhưng sản phẩm đó không đáp ứng các tiêu chuẩn về tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý.
Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam chỉ bị coi là tội phạm nếu được thực hiện với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc hàng hoá vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Nghiên cứu về dấu hiệu định tội áp dụng đối với Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp cho thấy, khoản 1 Điều 226 tồn tại 02 bất cập tương tự như Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (khoản 1 Điều 225). Vì vậy, đối với tội danh này, tác giả kiến nghị BLHS năm 2015 cần quy định thống nhất mức định lượng để xử lý hình sự đối với cá nhân và PNTM phạm tội, không để 02 mức định lượng khác nhau về cùng hành vi trong dấu hiệu định tội của một tội phạm cụ thể; đồng thời nên bỏ cụm từ “quy mô thương mại” khỏi dấu hiệu định tội của tội danh này, vì thực chất, nội hàm của nó đã được cụ thể hóa tại khoản 1 Điều 226 BLHS năm 2015.
3. Một số vướng mắc khác
Như đã trình bày ở trên, nhà làm luật đã cụ thể hoá dấu hiệu định lượng trong cấu thành tội phạm cơ bản của các tội xâm phạm sở hữu trí tuệ trong 03 trường hợp: 1) Thu lợi bất chính; 2) Giá trị hàng hoá vi phạm; 3) Thiệt hại cho chủ thể quyền. Tuy nhiên, ngay cả đối với dấu hiệu định tội đã được cụ thể hoá thuộc một trong ba trường hợp nói trên thì trong một số trường hợp xâm phạm nghiêm trọng sở hữu trí tuệ, cơ quan chức năng vẫn gặp khó khăn trong việc xác định dấu hiệu định lượng để xử lý hình sự, cụ thể:
Thứ nhất, về dấu hiệu thu lợi bất chính. Lợi nhuận bất chính được thu về từ doanh thu quảng cáo mà người kinh doanh khác trả phí cho việc đăng quảng cáo của họ lên website. Đa số, việc trả phí quảng cáo cho website được thực hiện thông qua dịch vụ thanh toán trung gian quốc tế như Paypal, Skrill… Nhiều dịch vụ thanh toán quốc tế có trụ sở tại nước ngoài như Paypal hiện có trụ sở chính đặt tại thung lũng Silicon, San Jose, Califorinia Hoa Kỳ. Việc trích xuất được tài liệu để chứng minh thu lợi bất chính trong những trường hợp này gặp nhiều khó khăn.
Thứ hai, về thiệt hại cho chủ thể quyền. Thiệt hại về vật chất theo Điều 204 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định bao gồm các tổn thất về tài sản, mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, tổn thất về cơ hội kinh doanh, chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại. Theo quy định của pháp luật hiện hành, muốn xử lý hình sự thì phải chứng minh thiệt hại của chủ tài sản. Nhưng hiện tại, chưa có hướng dẫn về cách tính thiệt hại thế nào với phim chiếu mạng mà không được phép của chủ thể quyền. Từ phân tích trên, tác giả kiến nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn về phương thức xác định, đánh giá các dấu hiệu “số tiền thu lợi bất chính” hoặc “giá trị thiệt hại cho chủ thể quyền” hoặc “giá trị hàng hoá vi phạm” đối với một số trường hợp có vướng mắc như đã phân tích ở trên. Trên cơ sở các hướng dẫn này, cơ quan tiến hành tố tụng mới có đủ cơ sở pháp lý để định tội danh và quyết định hình phạt đúng đối với các tội xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Về điều kiện chịu TNHS của pháp nhân - điều kiện thứ tư (chưa hết thời hiệu truy cứu TNHS). Việc quy định về thời hiệu truy cứu TNHS đối với hành vi phạm tội nhân danh PNTM vẫn còn gặp phải vướng mắc dẫn đến khó xử lý hình sự PNTM trên thực tế, vì quy định của pháp luật về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự có liên quan đến điều luật về phân loại tội phạm (khoản 2 Điều 27 BLHS năm 2015). Theo Điều 9 BLHS, phân loại tội phạm do PNTM thực hiện áp dụng theo quy định phân loại tội phạm do cá nhân thực hiện tại khoản 1 Điều 9 BLHS. Có thể thấy, căn cứ để phân loại tội phạm là dựa vào mức cao nhất của khung hình phạt. Vấn đề đặt ra là đối với PNTM phạm tội, việc phân loại tội phạm sẽ gặp vướng mắc nếu pháp nhân bị áp dụng khung hình phạt có quy định hình phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn vì loại hình phạt này không được quy định tại khoản 1 Điều 9 để làm cơ sở phân loại tội phạm. Từ đó, dẫn đến vướng mắc trong áp dụng pháp luật để tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với PNTM phạm tội. Nếu vi phạm của PNTM được phát hiện kịp thời, không để quá lâu tính từ thời điểm vi phạm thì bất cập trên không đặt ra, vì khi đó không cần xác định vi phạm của pháp nhân có còn thời hiệu truy cứu TNHS không. Như vậy, có thể nói, đây là một bất cập của BLHS khi quy định về điều kiện chịu TNHS của PNTM. Do vậy, tác giả thấy rằng, cơ quan có thẩm quyền cần sớm có hướng dẫn về vấn đề này.
Nguồn: kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận