Người chưa thành niên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” không?
Ngày 24.8, gia đình bé gái L.T.A.T. (12 tuổi, ngụ xã An Thạnh, H.Bến Lức, Long An) phát hiện cháu T có thai 8 tháng, gia đình đã làm đơn tố giác N.T.K (15 tuổi) gửi Công an H.Bến Lức. Theo đó, N.T.K là bạn trai của T. Cả hai đã lén lút quan hệ tình dục dẫn đến bé gái mang thai và khi thai đã 8 tháng gia đình mới biết. Câu chuyện khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình. Vậy, theo quy định của pháp luật, bé trai 15 tuổi trên liệu có thể bị xử lý hình sự không? chúng tôi xin giới thiệu quy định pháp luật về vấn đề dư luận quan tâm.
Theo Bộ luật hình sự năm 2015 quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các Điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Điều 142 Bộ luật Hình sự quy định về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Theo đó, người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
– Dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ;
– Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi.
Với khung hình phạt đến 15 năm tù, tội phạm này được xác định là tội phạm rất nghiêm trọng trong quy định tại Điều 142, do đó người phạm tội chỉ cần từ đủ 14 tuổi trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với hành vi của mình.
Như vậy, trong trường hợp bé trai 15 tuổi có đầy đủ các dấu hiệu phạm tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội danh này.
Đối với nạn nhân từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì phải xác định việc giao cấu trái với ý muốn của nạn nhân, còn đối với nạn nhân dưới 13 tuổi thì dù nạn nhân có đồng ý hay không đồng ý giao cấu thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi”. Việc luật quy định nạn nhân dưới 13 tuổi dù có đồng ý để người phạm tội giao cấu thì hành vi giao cấu này vẫn bị coi là phạm tội hiếp dâm trẻ em xuất phát từ luận điểm: ở độ tuổi dưới 13 trẻ em còn hết sức non nớt, yếu ớt, chưa có khả năng biểu lộ ý chí đúng đắn, dễ bị người khác lôi kéo, rủ rê, mua chuộc, khó có thể tự vệ được, nên cần được bảo vệ một cách đặc biệt nhằm bảo đảm sự phát triển bình thường, lành mạnh của các em mà cần phải trừng trị thật nghiêm khắc đối với hành vi xâm phạm tình dục đối với các em.
Mở rộng thêm về hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được quy định tại Điều 98 Bộ luật Hình sự 2015, cụ thể, người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ bị áp dụng một trong các hình phạt sau đây đối với mỗi tội phạm:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền;
– Cải tạo không giam giữ;
– Tù có thời hạn.
Với những hình phạt trên, mức cao nhất người chưa thành niên phạm tội phải chịu là án hình phạt tù có thời hạn. Tuy nhiên, cần xem xét nhiều tình tiết của vụ việc cùng với yếu tố về độ tuổi và nhận thức của người phạm tội mà áp dụng hình phạt phù hợp.
TAND tỉnh Hòa Bình xét xử thẩm vụ án cố ý gây thương tích – Ảnh: Báo HB
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận