Thủ tục hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án - Bất cập và một số kiến nghị
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã tạo ra một cơ chế hòa giải, đối thoại mới để người dân lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (HGĐTTTA) đã có tác động tích cực đến Tòa án thể hiện ở việc hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử. Kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Với Tòa án, đổi mới, tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, đối thoại là giải pháp căn cơ, giúp giải quyết khối lượng công việc ngày càng nặng nề, trong bối cảnh hàng năm các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên cả về số lượng và tính chất phức tạp trong khi biên chế không tăng[1].
Ngoài ra, TANDTC đã ban hành Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC ngày 16/11/2020 quy định chi tiết về trình tự nhận, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án và chỉ định Hòa giải viên (Thông tư số 03) nhằm hướng dẫn việc xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu được tương thích giữa BLTTDS năm 2015, Luật Tố tụng hành chính (TTHC) năm 2015 và Luật HGĐTTTA năm 2020 và thống nhất trong hoạt động này của hệ thống Tòa án[2].
Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực thi Luật HGĐTTTA và Thông tư số 03 vẫn phát sinh một số vướng mắc trong việc xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án như sau:
1. Vướng mắc về người có thẩm quyền xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 191 BLTTDS năm 2015 quy định trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công cho một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện “Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện”.
Quy định này phù hợp với quy định tại Điều 48 BLTTDS năm 2015 khi việc xử lý đơn khởi kiện là một trong các nhiệm vụ, quyền hạn của riêng Thẩm phán mà không phải nhiệm vụ quyền hạn của các chức danh khác như Thư ký hay công chức khác trong hệ thống Tòa án. Điều này thể hiện ý chí của các nhà lập pháp khi dựa trên cơ sở Thẩm phán là những người có đủ chuyên môn để xem xét đơn, đưa ra các quyết định giải quyết đơn và chịu trách nhiệm đối với các quyết định này.
Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư số 03, việc xem xét đơn vẫn do Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tuy nhiên việc xem xét này lại diễn ra sau khi bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn.
“Điều 2. Thủ tục nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án
…2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn như sau:
a) Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính…”.
Hiện nay, chưa có quy định chính thức nào về bộ phận tiếp nhận đơn khi tại mỗi Tòa án tùy theo điều kiện về số lượng biên chế và quản lý nội bộ mà việc tiếp nhận đơn có thể được phân công cho công chức văn phòng làm nhiệm vụ tiếp nhận đơn hoặc phân công cho công chức là Thư ký viên thực hiện nhiệm vụ này, một số Tòa án có bộ phận thụ lý riêng để thực hiện công việc này. Nhìn chung, việc tiếp nhận đơn mang tính chất thủ tục hành chính trong hoạt động của hệ thống Tòa án và tách biệt với việc xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Việc quy định thêm về nhiệm vụ của bộ phận xử lý đơn dẫn đến vướng mắc về việc bộ phận tiếp nhận đơn có đủ chuyên môn và thẩm quyền để nhận định đơn khởi kiện, đơn yêu cầu có thuộc những trường hợp không tiến hành HGĐTTTA hay không?.
2. Vướng mắc về thủ tục việc chuyển đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và thủ tục sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện
Một vấn đề khác, trong trường hợp bộ phận tiếp nhận đơn xem xét và nhận thấy đơn không thuộc các trường hợp không tiến hành hòa giải, đối thoại hoặc các trường hợp khác tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03[3] nhưng đơn thuộc trường hợp chuyển đơn khởi kiện do thuộc thẩm quyền của Tòa án khác hoặc cần phải sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện mà Tòa án thì theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03 Tòa án vẫn phải thông báo về quyền lựa chọn Hòa giải viên cho người khởi kiện, người yêu cầu. Lúc này, việc xử lý đơn càng gặp vướng mắc khi Chánh án Tòa án sau khi nhận được báo cáo của bộ phận tiếp nhận đơn không thể phân công cho Thẩm phán xem xét đơn để Thẩm phán xem xét đơn có thể quyết định ra thông báo chuyển đơn theo điểm c khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015 hoặc thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo điểm a khoản 3 Điều 191 BLTTDS năm 2015 mà phải đợi người khởi kiện trình bày ý kiến hoặc có văn bản về việc lựa chọn hay không lựa chọn thủ tục hòa giải.
3. Vướng mắc về thủ tục ra quyết định công nhận đối với kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án
Trong trường hợp đơn được xử lý theo thủ tục HGĐTTTA và hồ sơ được chuyển cho hòa giải viên để tiến hành hòa giải nhưng hòa giải viên sau khi làm việc với đương sự, được đương sự cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ và nhận thấy vụ việc này không thuộc thẩm quyền ra quyết định của Tòa án mà cần phải chuyển cho Tòa án khác có thẩm quyền thì hiện nay Luật HGĐTTTA và Thông tư số 03 vẫn chưa đề cập đến việc Hòa giải viên có thể tự mình chuyển đơn cho Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả HGĐTTTA hay không.
Mặt khác, căn cứ dựa trên quy định hiện có thì nếu trong quá trình HGĐTTTA các đương sự hòa giải được với nhau thì Tòa án có quyền ra quyết định công nhận đối với kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án nếu không thuộc thẩm quyền như tại Điều 37, 38 và 39 BLTTDS năm 2015 hay không vẫn chưa có quy định nào đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Dựa trên một số các quan điểm về mặt lý luận[4] và về mặt thực tiễn các Tòa án sẽ ban hành quyết định không công nhận và chuyển cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên, trong trường hợp chuyển đơn thì vẫn chưa có quy định nào về việc lúc này Tòa án sẽ chuyển cả kết quả hòa giải cho Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận hay chỉ chuyển đơn và bắt đầu lại thủ tục hòa giải tại Tòa án có thẩm quyền.
Như vậy, tuy Thông tư số 03 đã giải quyết được vấn đề từ Luật HGĐTTTA đối với trường hợp trả lại đơn khởi kiện theo BLTTDS và Luật TTHC nhưng đối với trường hợp vụ việc thuộc thẩm quyền của Tòa án khác thì chưa giải quyết được vướng mắc này.
4. Một số kiến nghị sửa đổi và hoàn thiện đối với các vướng mắc liên quan đến thủ tục xử lý đơn
Việc xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu trước khi có Luật HGĐTTTA vốn là thẩm quyền đặc thù của Thẩm phán theo BLTTDS và Luật TTHC xuất phát từ việc Thẩm phán là chủ thể có thẩm quyền theo quy định và chuyên môn thực tế để thực hiện công việc này và chịu trách nhiệm đối với việc thực hiện công việc này. Việc Luật HGĐTTTA và Thông tư số 03 trao quyền này cho bộ phận tiếp nhận đơn đã xảy ra mâu thuẫn với BLTTDS và Luật TTHC. Như vậy, cần thay đổi quy định của Luật HGĐTTTA và Thông tư số 03 theo hướng Chánh án vẫn tiến hành phân công Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện, đơn yêu cầu như quy định của BLTTDS và Luật TTHC, sau khi Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện sẽ triệu tập người khởi kiện, người yêu cầu để giải thích cho họ về quyền lựa chọn HGĐTTTA. Nếu người khởi kiện, người yêu cầu lựa chọn HGĐTTTA thì lúc này đơn sẽ được chuyển sang thủ tục hòa giải, đối thoại còn ngược lại sẽ vẫn tiếp tục giải quyết theo BLTTDS và Luật TTHC. Việc quy định như vậy sẽ khắc phục được các vướng mắc nêu trên.
[1] Báo Tuyên Quang, Hiệu quả sau 1 năm thực hiện: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, https://bdv.tuyenquang.dcs.vn/DetailView/19633/4/Hieu-qua-sau-1-nam-thuc-hien-Luat-Hoa-giai-doi-thoai-tai-Toa-an.html.
[2] Trong phạm vi bài viết này tác giả tập trung phân tích, đối chiếu giữa quy định của BLTTDS và Luật HGĐTTTA.
[3] Điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03 quy định: “2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều này, bộ phận tiếp nhận đơn xem xét đơn và báo cáo để Chánh án xử lý đơn như sau:
a) Phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính nếu vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 4, 5, 6 và 7 Điều 19 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; các điểm a, b, c, đ và g khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 1 Điều 123, điểm g khoản 1 Điều 143 của Luật Tố tụng hành chính”.
[4] “Quan điểm này dựa vào các cơ sở cho rằng, theo quy định của Luật HGĐTTTA thì việc xác định thẩm quyền của Tòa án trong việc hòa giải vụ án dân sự được thực hiện theo quy định của BLTTDS (khoản 2 Điều 1 và khoản 2 Điều 16 Luật HGĐTTTA). Đồng thời, tại điểm a khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2020/TT-TANDTC hướng dẫn cụ thể nếu đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án không đúng thẩm quyền thì quá trình hòa giải chấm dứt và Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét giải quyết đơn khởi kiện theo quy định của BLTTDS năm 2015.
Điều này có nghĩa rằng quy định của LHGĐT đã xác định rõ việc xác định thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp vẫn phải tuân thủ quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành. Việc người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa, Tòa án nhận đơn, vào sổ nhận đơn và xác nhận việc nhận đơn đã làm phát sinh đồng thời hai quan hệ pháp luật là (1) quan hệ hòa giải, đối thoại do LHGĐT điều chỉnh và (2) quan hệ tố tụng dân sự do BTTDS điều chỉnh.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, bởi lẽ, xuất phát điểm người khởi kiện khi nộp đơn khởi kiện tại Tòa án là họ mong muốn giải quyết tranh chấp của mình bằng con đường Tòa án. Ngoài ra, hoạt động hòa giải theo LHGĐT cũng là hòa giải tại Tòa án nên việc xem xét thẩm quyền giải quyết có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là cần thiết và quan trọng.
Việc phát sinh đồng thời hai quan hệ này mặc dù không xung đột nhưng lại dễ gây nhầm lẫn giữa quy trình hòa giải theo Luật HGĐTTTA với hòa giải theo BLTTDS khi mà người khởi kiện đều thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án”, Xem: TS. Đặng Thanh Hoa - Nguyễn Đức Nam, Một số vấn đề về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-luat-hoa-giai-doi-thoai-tai-toa-an.
Một buổi hòa giải về tranh chấp dân sự tại Trung tâm hòa giải, đối thoại (TAND TP. Hạ Long) - Ảnh: Thanh Hoa.
Bài liên quan
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
-
Giải pháp hạn chế trả lại đơn khởi kiện về tranh chấp đất đai do hòa giải tại cơ sở chưa đúng
-
Hoàn thiện khung pháp luật về hòa giải thương mại của Việt Nam đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế
-
Án lệ về hòa giải tranh chấp sở hữu trí tuệ tại Vương quốc Anh và hàm ý cho Việt Nam
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận