Thủ tục phản đối của bên thứ ba trong thẩm định xác lập quyền sáng chế theo quy định của pháp luật Nhật Bản và kinh nghiệm cho Việt Nam

Việc giải quyết những phản đối sau khi cấp văn bằng bảo hộ của bên thứ ba sẽ được đặt ra và các tranh chấp liên quan đến sáng chế có thể tăng lên vì bên thứ ba không được thể hiện ý kiến của mình và quá trình cấp VBBH cho sáng chế. Tham khảo các quy định của Nhật Bản, tác giả có đề xuất cụ thể.

1. Quy định của Nhật Bản

Trước đây, ở Nhật Bản, thủ tục phản đối của bên thứ ba được thực hiện trước khi cấp văn bằng bảo hộ (VBBH) cho sáng chế. Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng đây là một quy trình thiếu hiệu quả khi những ý kiến phản đối của bên thứ ba đa phần không ảnh hưởng đến việc VBBH được cấp. Ngoài ra, sự chậm trễ quá mức trong các thủ tục phản đối đã dẫn đến sự chậm trễ trong việc cấp VBBH[1]. Vì vậy, Nhật Bản đã bãi bỏ thủ tục phản đối của bên thứ ba trước khi VBBH được cấp.

Tại Nhật Bản, thủ tục phản đối bằng sáng chế là một thủ tục xét xử hành chính được tiến hành bởi Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO)[2]. Thủ tục này độc lập với việc cấp VBBH sáng chế và bắt đầu bằng việc bất kỳ ai nộp đơn phản đối cho JPO. Thời hạn phản đối được quy định là trong vòng sáu tháng kể từ ngày đăng Công báo về việc cấp VBBH sáng chế[3]. Và nội dung phản đối được giới hạn, phải dựa trên cơ sở các lý do được pháp luật quy định, tức không được phản đối những vấn đề mà pháp luật không đề cập đến. Như vậy, Nhật Bản chỉ đề cập đến việc phản đối của bên thứ ba sau khi VBBH sáng chế đã được cấp. Lúc này, việc xem xét các trường hợp phản đối được tiến hành bởi cơ quan của JPO, đây được xem như một thủ tục giữa bên sở hữu sáng chế với JPO, không có phiên điều trần bằng miệng giữa bên phản đối và bên được cấp VBBH. Điều này phân biệt với thủ tục hủy bỏ VBBH xoay quanh mối quan hệ giữa bên sở hữu sáng chế với bên thứ ba yêu cầu hủy bỏ VBBH. Theo thống kê của JPO, thời gian trung bình từ khi nộp đơn yêu cầu phản đối đến khi ra quyết định phản đối là 7,4 tháng vào năm 2020[4]. Chi phí cho việc phản đối này chỉ bằng 1/3 so với phí xét xử tại Tòa nên có thể nói là một cách hiệu quả để thu hồi bằng sáng chế một cách kịp thời và tiết kiệm chi phí.

Khi nhận được đơn phản đối, JPO sẽ thông tin việc phản đối này đến bên được cấp VBBH và tiến hành kiểm tra xem các lập luận phản đối bên thứ ba đưa ra có hợp lý hay không. Trong quá trình này bên phản đối và bên được cấp VBBH có thể gửi văn bản trình bày các lập luận của mình để chống lại bên kia[5]. Khi đó, JPO sẽ tiến hành xem xét và nếu cuối cùng JPO kết luận không có lý do để thu hồi thì quyết định về duy trì hiệu lực bằng sáng chế sẽ được đưa ra và bản sao của quyết định sẽ được gửi cho các bên. Bên thứ ba phản đối sẽ không có bất kỳ biện pháp nào để chống lại quyết định và vụ việc đã được giải quyết. Ngược lại, nếu JPO kết luận rằng việc phản đối là hợp lý một quyết định thu hồi VBBH sẽ được đưa ra và VBBH sẽ được coi là không tồn tại từ đầu. Sau khi nhận được quyết định thu hồi, người được cấp VBBH có thể đệ đơn kiện JPO như một bị đơn ra Tòa cấp cao về sở hữu trí tuệ[6]. Theo một kết quả thống kê về các trường hợp phản đối tại Nhật Bản cho thấy chỉ một số lượng rất nhỏ bằng sáng chế bị thu hồi thông qua thủ tục phản đối[7].

Quy định của một số quốc gia khác: Tại Ấn Độ, theo Mục 25(1) của Đạo luật Bằng sáng và Quy tắc 55 của Quy tắc Bằng sáng chế của Ấn Độ, sau khi bằng sáng chế được công bố, nhưng trước khi được cấp, bất kỳ người nào cũng có thể nộp đơn phản đối. Ngoài ra, một bên có thể nộp nhiều đơn phản đối và nhiều bên có thể nộp đơn phản đối. Quy định này được cho là một trong những nguyên nhân gây nên sự chậm trễ trong việc cấp VBBH và việc quá tải các đơn đăng ký chưa được giải quyết tồn đọng tại Ấn Độ[8]. Với Liên minh Châu Âu (EU), thời hạn phản đối của bên thứ ba được tính từ ngày đề cập đến việc cấp VBBH. Tức là thủ tục thẩm định nội dung đã hoàn thành và xét thấy đơn đã đạt yêu cầu nên cơ quan có thẩm quyền sẽ ra thông báo về việc dự định cấp VBBH (VBBH chưa được cấp cho chủ sở hữu). Và kể từ lúc này bên thứ ba sẽ có thời hạn 9 tháng để phản đối việc cấp VBBH9]

2. Theo quy định của Việt Nam

Trước đây tại Việt Nam, theo quy định tại Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 (sau đây gọi là Luật SHTT) thì bên thứ ba có quyền ý kiến về việc cấp hay không cấp VBBH đối với đơn đăng ký sáng chế. Như vậy, quy định này không đề cập một cách cụ thể đến việc phản đối của bên thứ ba mà gộp lại như một thủ tục lấy ý kiến chung. Tức không có sự tách bạch giữa các thông tin từ bên thứ ba mang tính bổ sung, tham khảo cho việc cấp VBBH với ý kiến phản đối của bên thứ ba. Trong khi hai quy định có những điểm khác biệt và việc gộp chung lại như vậy sẽ dẫn đến những khó khăn trong áp dụng quy trình để xử lý hai loại ý kiến này.

Luật SHTT mới được sửa đổi đã có một chỉnh sửa đáng chú ý khi tách bạch hai quá trình trên. Việc ý kiến của bên thứ ba lập thành văn bản kèm theo tài liệu chứng minh và được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế. Trong khi việc phản đối cũng phải bản kèm theo thông tin để chứng minh và nhưng bên thứ ba phản đối phải nộp phí, lệ phí. Và việc phản đối này không đơn thuần chỉ là một ý kiến để bên thẩm định đơn xem xét mà cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định[10]. Việc phân định ý kiến của người thứ ba về việc cấp VBBH với phản đối đơn đăng ký là hợp lý vì ý kiến của người thứ ba không mang bản chất của thủ tục phản đối mà chỉ là ý kiến mang tính chất nguồn thông tin tham khảo.

Đồng thời, có một vài sửa đổi liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba trong việc cấp văn bằng bảo hộ sáng chế. Nếu như trước đây, pháp luật không đề cập đến một con số cụ thể về thời hạn này mà chỉ có quy định tại Điều 112 Luật SHTT rằng kể từ ngày đơn đăng ký được công bố trên Công báo sở đến trước ngày ra quyết định cấp VBBH, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến. Như vậy, thời hạn phản đối của bên thứ ba có thể dài hay ngắn tùy thuộc vào việc xử lý đơn của cơ quan có thẩm quyền mà không có một con số hay giới hạn cụ thể nào.

Thực tiễn cho thấy quy trình thẩm định nội dung đơn tại Việt Nam hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn và tiêu tốn rất nhiều thời gian. Có rất nhiều nguyên nhân lý giải cho điều nay như trình độ của các thẩm định viên còn chưa cao, thiếu thông tin cần thiết dùng cho việc thẩm định vì Việt Nam chưa ứng dụng được các sản phẩm của cuộc cách mạng công nghiệp như AI (trí tuệ nhân tạo) hay Blockchain,... Cộng thêm việc các sáng chế ngày càng phức tạp và đòi hỏi thời gian thẩm định dài hơn, một người thẩm định phải có một chuyên môn thực sự cao. Chính vì việc thẩm định nội dung đơn kéo dài, thời hạn phản đối của bên thứ ba cũng tăng lên. Trong quá trình thẩm định đơn, nếu bên thứ ba phản đối thì các thẩm định viên sẽ dừng lại để xem xét yêu cầu đó và có thể ảnh hưởng đến thời gian thẩm định. Thậm chí, khi đã thẩm định xong nội dung đơn, bên thứ ba vẫn có quyền được phản đối, điều này góp phần làm tăng thêm thời gian cấp bằng sáng chế. Và nếu những căn cứ phản đối của bên thứ ba không được chấp nhận hay họ chỉ đơn giản là muốn kéo dài thời gian cấp bằng sáng chế, điều này sẽ gây ra thiệt thòi cho chủ sở hữu sáng chế nếu cuối cùng họ được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế.

Nhận được nhiều ý kiến đóng góp, Luật SHTT hiện hành đã có đôi chút chỉnh sửa liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba. Cụ thể, tại Điều 112a bổ sung thêm thời hạn phản đối việc cấp VBBH là 9 tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố. Điểm tiến bộ hơn là so với quy định cũ là thời hạn phản đối của bên thứ ba đã rõ ràng hơn, tức đưa ra một con số cụ thể và không còn phụ thuộc vào thời gian thẩm định nội dung đơn. Điều này đã góp phần bảo đảm cho các quyền lợi chính đáng của bên yêu cầu cấp VBBH. Tránh việc các bên thứ ba lợi dụng để phản đối việc cấp VBBH, kể cả khi đã thẩm định nội dung đơn xong làm kéo dài thêm thời gian.

3. Đánh giá và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị

Thủ tục phản đối của bên thứ ba đóng vai trò quan trọng trong quá trình xử lý đơn đăng ký sáng chế và việc quy định nó là phù hợp: công chúng phải được nêu ý kiến về việc cấp VBBH cho sáng chế và khi một VBBH được cấp cho sáng chế họ phải tôn trọng các quyền của chủ sở hữu sáng chế. Tuy nhiên, quy định mới vẫn chưa thể giải quyết được một số bất cập liên quan đến thời hạn phản đối của bên thứ ba.

Đầu tiên, vẫn chưa có sự tách bạch giữa việc phản đối của bên thứ ba với quy trình thẩm định nội dung đơn. Tức trong thời hạn 9 tháng kể từ ngày công bố đơn, nếu người nộp đơn có yêu cầu thẩm định nội dung đơn thì quy trình phản đối của bên thứ ba có thể trùng với việc thẩm định này. Từ đây, bên thứ ba vẫn có thể tác động để kéo dài quá trình thẩm định nội dung. Tác giả cho rằng, sở dĩ các nhà lập pháp gộp hai quy trình này lại họ nghĩ nó có thể sẽ rút ngắn được thời gian cấp VBBH. Nếu như quy định theo cách giống Châu Âu, sau khi thẩm định nội dung đơn xong, thay vì tiến hành việc cấp VBBH thì sẽ mất thêm một khoảng thời gian để bên thứ ba phản đối.

Thực tế cho thấy tuy đã quy định thời hạn thẩm định đơn nhưng việc thẩm định nội dung đơn thường kéo dài hơn, và đây là lý do khiến cho việc cấp VBBH thường kéo dài. Việc bên thứ ba vẫn có thể tác động đến thời gian thẩm định đơn vẫn chưa giải quyết được triệt để tình trạng bên thứ ba có thể phản đối vô tội và làm cho thời gian thẩm định bị kéo dài đã đề cập ở phần 2 của bài viết. Nếu như quy định giống theo Nhật Bản, việc cấp VBBH có thể diễn ra nhanh hơn vì thời gian thẩm định nội dung đơn có thể được rút ngắn khi không có sự tác động của bên thứ ba. Tuy nhiên, việc giải quyết những phản đối sau khi cấp VBBH của bên thứ ba sẽ được đặt ra và các tranh chấp liên quan đến sáng chế có thể tăng lên vì bên thứ ba không được thể hiện ý kiến của mình và quá trình cấp VBBH cho sáng chế. Ngoài ra, Luật SHTT đã có quy định rõ hơn về việc phản đối của bên thứ ba nhưng nội dung giới hạn mà bên thứ ba có thể phản đối vẫn còn rất rộng và chưa được cụ thể.

So sánh và tham khảo quy định cũng như việc thực thi tại Nhật Bản, tác giả đưa ra một số đề xuất sau:

Thứ nhất, Việt Nam nên xem xét quy định về thủ tục phản đối sẽ bắt đầu từ ngày đăng Công báo cấp VBBH.

Điều này giúp tách bạch được hai thủ tục và theo quan điểm của tác giả sẽ giúp rút ngắn được thời gian cấp VBBH hơn so với quy định hiện hành. Về những tranh chấp có thể xảy ra, theo quy định hiện hành bên thứ ba vẫn được phép đưa ra ý kiến và người thẩm định đơn sẽ tham khảo những ý kiến này rồi đưa ra quyết định việc cấp VBBH. Vì vậy, nếu có vấn đề gì liên quan đến sáng chế, tham khảo những ý kiến của bên thứ ba đưa ra, người thẩm định sẽ từ chối cấp VBBH. Quy định như vậy giúp chủ sở hữu sáng chế nhanh chóng nhận được VBBH và có các quyền với sáng chế của mình, khai thác hiệu quả hơn sáng chế.

Việc đưa ra một khung thời gian để bên thứ ba phản đối cũng cần phải được cân nhắc và tìm hiểu thêm để đưa ra được một con số cụ thể hợp lý. Đảm bảo quyền lợi của cả bên thứ ba phản đối và của bên đăng ký cấp VBBH: bên thứ ba có đủ thời gian để tiếp cận, nắm bắt thông tin và chuẩn bị những thứ cần thiết để phản đối; bên được cấp VBBH sẽ tránh được những việc kiện tụng sau này, những thủ tục liên quan đến yêu cầu sửa đổi, hủy bỏ VBBH đến từ bên thứ ba. Các thủ tục phản đối cũng cần được rà soát để việc phản đối diễn ra nhanh chóng, hay việc cân nhắc có một đội ngũ riêng thực hiện giải quyết thủ tục phản đối này của bên thứ ba.

Thứ hai, cần quy định rõ ràng hơn về các nội dung mà bên thứ ba được phép đưa ra phản đối, có thể tham khảo quy định của Nhật Bản. Việc này giúp cho các thẩm định viên khi cân nhắc, xem xét việc phản đối của bên thứ ba nếu thấy không thuộc một trong các nội dung được quyền phản đối thì sẽ bỏ qua luôn. Điều này giúp tránh lãng phí thời gian và có thể rút ngắn được quá trình giải quyết phản đối của bên thứ ba.

 

Phòng thí nghiệm của Trường ĐH Y Dược, ĐHQGHN. Ảnh: vnu.edu.vn

[1] KL Vadehra and Sharad Vadehra, Overcoming Delays and Inconsistency at the Indian Patent Office, Managing IP,http://www.managingip.com/Article/3485795/Overcoming-delays-and-inconsistency-at-theIndian-Patent-Office.html, truy cập ngày 22/02/2023.

[2] Japan Patent Office, hay gọi tắt là JPO, được thành lập ngày 18 tháng 4 năm 1885 là cơ quan phụ trách việc đăng ký sáng chế tại Nhật Bản.

[3] Japan Patent Law, Art. 113.

[4] Kentaro Horie, Japan: Ways For Challenging Patent Rights In Japan: Comparisons Between Invalidation Trial And Post-Grant Opposition System , https://www.mondaq.com/patent/1208488/ways-for-challenging-patent-rights-in-japan-comparisons-between-invalidation-trial-and-post-grant-opposition-system, truy cập ngày 05/03/2023.

[5] Xem thêm tại Post-Grant Opposition System (Revision of the Patent Act in 2014), tr.2, truy cập ngày 05/03/2023.

[6] Sđd, tr.3.

[7] Theo thống kê của Văn phòng Bằng sáng chế Quốc tế Shiga, từ tháng 4 năm 2015 đến tháng 12 năm 2020 tại Nhật Bản cho thấy quyết định thu hồi VBBH sau thủ tục phản đối chiếm 12%, trong khi 51% và 36% lần lượt là cho việc giữa lại VBBH với sự chỉnh sửa VBBH và không có chỉnh sửa VBBH.

[8] Mark Schultz & Kevin Madigan, The long wait for innovation: The global patent pendency problem, https://sls.gmu.edu/cpip/wp-content/uploads/sites/31/2016/10/Schultz-Madigan-The-Long-Wait-for-Innovation-The-Global-Patent-Pendency-Problem.pdf, tr.28, truy cập ngày 27/02/2023.

[9] The European Patent Convention (EPC), Art. 99.1.

[10] Điều 39 Luật số 07/2022/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019 (Luật số 07/2022/QH15) và Khoản 2 Điều 112a Luật SHTT.

NGÔ MINH TÍN- LÊ NGỌC QUẾ ANH (Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. HCM)