Thực trạng vi phạm pháp luật về môi trường ở Tây Nguyên và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022, thay thế Luật BVMT năm 2014, đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT. Tuy nhiên, một số nội dung trong Luật còn bất cập, có nhiều vấn đề cần phải làm rõ.
Công tác bảo vệ môi trường được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm, trong thời gian qua các chính sách, pháp luật về môi trường đang ngày càng hoàn thiện hơn. Việc sửa đổi một số quy định trong Luật BVMT là cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong công tác BVMT và đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững cho đất nước trong thời kỳ mới.
1. Thực trạng tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường tại Tây Nguyên
Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xử lý chất thải, khí thải công nghiệp tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trên phạm vi cả nước nói chung và trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên nói riêng. Các vi phạm tập trung chủ yếu tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nơi tập trung các công ty, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất…
Nhiều khu công nghiệp, nhà máy không xây dựng hệ thống xử lý nước thải, hoặc có xây dựng nhưng không vận hành hoặc chỉ vận hành để đối phó với cơ quan chức năng khi có kiểm tra, thường xuyên xả nước thải chưa qua xử lý hoặc đã xử lý nhưng chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Một số doanh nghiệp sử dụng các thủ đoạn như xây dựng hệ thống xả thải ngầm, xả thải vào ban đêm, trời mưa, lén lút xả nước thải sản xuất vào đường thoát nước mưa…
Lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện, xử lý nhiều doanh nghiệp lớn sử dụng thủ đoạn này, như: Công ty TNHH MTV Thành Vũ (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) chuyên sản xuất tinh bột sắn, xả nước thải trực tiếp chưa qua xử lý ra môi trường khiến suối Ea H'Leo bị ô nhiễm nghiêm trọng, dù trước đó công ty này đã từng bị UBND tỉnh Đắk Lắk xử phạt 257.500.000 đồng về hành vi xả thải vượt quy chuẩn, điều khiển công trình xử lý nước thải không đúng quy trình; Công ty Cổ phần Môi Trường Xanh Friendly - đơn vị đầu tư, vận hành Nhà máy xử lý rác Bảo Lộc (thôn 2, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc, Lâm Đồng) bị UBND tỉnh Lâm Đồng xử phạt vi phạm hành chính số tiền 714 triệu đồng trong lĩnh vực môi trường về hành vi không thu gom, lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định; đổ, thải chất thải rắn thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường; Công ty TNHH MTV Khuê Đại Phát chuyên sản xuất bột giấy, giấy và bìa (xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, Đắk Nông) bị UBND tỉnh Đắk Nông ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 418 triệu vì đã có hành vi xả thải ra môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật gấp nhiều lần so với quy định…
Vi phạm pháp luật về môi trường trong việc xả thải là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm nguồn nước các dòng sông, kênh rạch, ao hồ, phát sinh dịch bệnh cho người và các loài vật nuôi, cây trồng.
Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản vẫn diễn ra phức tạp trên nhiều địa bàn, tính chất, qui mô vi phạm đa dạng, khai thác nhỏ lẻ không có giấy phép, khai thác vượt ngoài diện tích cấp phép, không có phương án thiết kế khai thác, không có biện pháp hoàn nguyên, phục hồi môi trường. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát sỏi xảy ra trên hầu hết các tuyến sông như sông Đak Bla (Kon Tum), sông Ba (Gia Lai), sông Krông Pắk (Đắk Lắk)… Tình trạng khai thác đá trái phép làm vật liệu xây dựng tại các tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên hết sức phức tạp…
Việc không chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong đầu tư, khai thác khoáng sản cùng với sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chức năng dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản bừa bãi, thiếu kiểm soát làm thất thoát nguồn tài nguyên quốc gia, gây ô nhiễm nguồn nước, gây sạt lở đất, biến đổi dòng chảy.
Trong giai đoạn từ ngày 15/12/2018 đến ngày 14/12/2020 Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Gia Lai đã phát hiện 119 vụ/ 104 cá nhân, 18 tổ chức vi phạm về các tội phạm liên quan đến môi trường. Kết quả đã xử lý: Xử phạt hành chính 61 vụ/ 54 cá nhân, 11 tổ chức với số tiền: 496.500.000 đồng; Nhắc nhở 11 vụ/8 cá nhân, 03 tổ chức; Chuyển cơ quan chức năng xử lý 43 vụ/42 cá nhân, 04 tổ chức xử phạt với số tiền: 115.750.000 đồng; Chuyển 5 vụ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các huyện Chư Păh, Ia Pa, Krông Pa, Mang Yang, Chư Prông thuộc tỉnh Gia Lai điều tra khởi tố 09 vụ/ 18 đối tượng; Tịch thu 523,11 m3 đá; 9900 viên đá chẻ; 27m3 cát; 38,18 m3 gỗ các loại và tiêu hủy 1384,5 kg thực phẩm. Đối với Cảnh sát môi trường cấp huyện đã khởi tố 66 vụ/139 đối tượng. Xử phạt và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính 338 vụ/ 360 đối tượng, 06 tổ chức với số tiền 1.301.965.000 đồng.
2. Một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường và kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022, thay thế Luật BVMT năm 2014. Luật đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về BVMT.
Tuy nhiên, thông qua quá trình nghiên cứu, một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Bảo vệ môi trường còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ. Tác giả mạnh dạn xin nêu một số vấn đề như sau:
Một là, tại điểm b khoản 3 Điều 8 Luật BVMT năm 2020 quy định về hoạt động bảo vệ môi trường nước mặt:
“ 3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm sau đây:
b) Công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn; thu thập thông tin, dữ liệu về hiện trạng môi trường nước mặt, nguồn thải và tổng lượng thải vào môi trường nước mặt thuộc sông, hồ liên tỉnh trên địa bàn quản lý theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường; chỉ đạo tổ chức đánh giá thiệt hại do ô nhiễm và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt trên địa bàn theo quy định...”
Theo đó UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt trên địa bàn…. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng phớt lờ những nội dung mà Luật nêu rõ, thực tế cho thấy, có rất ít thông tin công khai trên các trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý khiến tại địa phương, nên người dân khó tiếp cận được với các nguồn thông tin này.
Hai là, tại Điều 28 Luật BVTM năm 2020, quy định về tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư.
“1. Tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư bao gồm:
a) Quy mô, công suất, loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ;
b) Diện tích sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển; quy mô khai thác tài nguyên thiên nhiên;
c) Yếu tố nhạy cảm về môi trường gồm khu dân cư tập trung; nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt; khu bảo tồn thiên nhiên theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học, thủy sản; các loại rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp; di sản văn hóa vật thể, di sản thiên nhiên khác; đất trồng lúa nước từ 02 vụ trở lên; vùng đất ngập nước quan trọng; yêu cầu di dân, tái định cư và yếu tố nhạy cảm khác về môi trường.
2. Căn cứ tiêu chí về môi trường quy định tại khoản 1 Điều này, dự án đầu tư được phân thành nhóm I, II, III và IV…”
Như vậy, tiêu chí về môi trường để phân loại dự án đầu tư thì Dự án có phát sinh chất thải là dự án gì? Và được nằm trong nhóm nào? Vậy khí thải có coi là chất thải trong phân loại dự án đầu từ hay không? Ngoài ra, các vấn đề về tiếng ồn không thấy được đề cập trong Luật BVMT.
Ba là, tại khoản 4 Điều 111 Luật BVMT, quy định về quan trắc nước thải:
“1. Đối tượng phải quan trắc nước thải tự động, liên tục bao gồm:
a) Khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xả nước thải ra môi trường;
b) Dự án đầu tư, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải trung bình trở lên ra môi trường;
c) Dự án đầu tư, cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng xả nước thải lớn ra môi trường…
4. Việc quan trắc nước thải định kỳ phải bảo đảm thời gian, tần suất, thông số theo quy định của pháp luật. Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ”.
Theo đó, “.... Đối với các thông số đã được quan trắc tự động, liên tục thì không phải quan trắc định kỳ”. Điều này là trái ngược với các Luật BVMT năm 2014. Bởi lẽ, hệ thống quan trắc tự động, liên tục từ xưa đến nay chưa bao giờ thay thế được quan trắc định kỳ đối với các thông số được quy định trong các quy chuẩn, tiêu chuẩn đã ban hành. Đơn giản là vì cho đến nay, trên thế giới quan trắc tự động chưa được công nhận là phương pháp tiêu chuẩn giống như phương pháp định kỳ. Quan trắc tự động rất cần để theo dõi cảnh báo đối với nguồn thải lớn, nhưng không dùng để thanh tra xử phạt.
Bốn là, theo khoản 2 Điều 38 Luật BVMT năm 2020, quy định về trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.
“…2. Công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Theo đó, trách nhiệm của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường là công khai trên cổng thông tin điện tử quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Như vậy, cơ quan thẩm định báo cáo tác động môi trường chỉ công khai quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Còn việc công khai báo cáo tác động môi trường thì được đẩy sang vai của “chủ đầu tư dự án” theo khoản 5 Điều 37 của Luật BVMT.
Tại khoản 5 Điều 37. “Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường
5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định tại Điều 114 của Luật này, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật”.
Vì vậy, doanh nghiệp sẽ phải làm từ A đến Z việc thẩm định đánh giá môi trường và việc của Nhà nước chỉ phải là kiểm định lại đánh giá đó có đúng hay không? Chính điều này sẽ làm khó khăn cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế xã hội của nước ta nói chung và các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường nói riêng.
Năm là, một số điều, khoản của Luật chỉ quy định về nguyên tắc nhưng không giao rõ cơ quan nào quy định chi tiết thi hành dẫn đến thiếu tính khả thi, dẫn đến công tác tổ chức triển khai vẫn chưa mang lại hiệu mà các cơ quan chức năng mong muốn. Đồng thời, khung xử phạt còn thấp, nghiêng về biện pháp răn đe, chưa kịp thời và mạnh mẽ để răng đe phòng ngừa vi phạm.
Sáu là, theo Luật BVMT 2020 quy định có 07 loại giấy phép môi trường trước kia (gồm: Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường; Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Giấy phép xả khí thải công nghiệp; Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi; Sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại) được tích hợp lại thành một giấy phép duy nhất được gọi là giấy phép môi trường. Việc tích hợp 7 giấy phép thành một giấy phép nhìn qua tưởng là cải cách, thực ra chỉ là 7 nội dung gộp vào một tờ giấy phép. Điều này dẫn tới việc, khi chỉ một nội dung trong 7 nội dung thay đổi, thì doanh nghiệp gặp khó khăn ngay lập tức vì phải đi xin cấp lại giấy phép môi trường với các thủ tục nhiêu khê, điều này còn có nguy cơ gia tăng thủ tục hành chính.
Bảy là, đề nghị Luật cần làm rõ nội hàm khái niệm “tài nguyên chất thải”; không nên tách riêng chất thải rắn sinh hoạt. Về các hành vi bị cấm của Luật, cần bổ sung các hành vi “đánh bắt, săn bắn động vật, chặt hạ, đốt phá rừng... Ngoài ra, Luật cần quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường nông thôn, nhất là quy hoạch phát triển nông thôn gắn với bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó chúng ta cần tập trung đặc biệt vào các chính sách quản lý cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên. Đây là vấn đề rất cần gìn giữ và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Cần bổ sung nội dung “Thực hiện công khai, minh bạch đánh giá tác động môi trường, báo cáo kết quả bảo vệ môi trường và kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo vệ môi trường để nhân dân biết và giám sát thực hiện”. Thống nhất bảo vệ môi trường quy về một đầu mối duy nhất là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các tỉnh, thành phố có Sở Tài nguyên và Môi trường; Các bộ, ngành đều có bộ phận chuyên trách bảo vệ môi trường (Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải…) chịu sự chỉ đạo chuyên môn (ngành dọc) của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Với mong muốn để thực tiễn Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân thực hiện đúng quy định về Luật BVMT, rất mong các cơ quan bảo vệ môi trường ở Trung ương và địa phương sớm kiến nghị để sửa đổi, hướng dẫn đổi thống nhất trong việc thực hiện và áp dụng pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đoàn kiểm tra của huyện Kbang, Gia Lai điều tra, xác minh vụ phá rừng nguyên sinh- Ảnh: Gia Huy
Bài liên quan
-
Mức xử phạt hành vi sử dụng môi trường Internet để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
-
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững cho môi trường rừng Việt Nam
-
Quảng Nam: Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa giáo dục môi trường tại huyện biên giới Tây Giang
-
Quảng Nam: Đẩy mạnh hoạt động ngoại khóa bảo vệ rừng cho học sinh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận