Tính bảo mật trong hòa giải thương mại
Hòa giải thương mại và Trọng tài thương mại là hai trong các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn (ngoài tòa án) theo pháp luật Việt Nam. Theo đó, các phương thức này được hình thành dựa trên sự thỏa thuận, tự nguyện và có thủ tục giải quyết tuân thủ quy định pháp luật, cụ thể là Nghị định 22/2017/NĐ-CP (NĐ22) về hòa giải thương mại và Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (LTTTM). Bên cạnh những điểm khác biệt, một trong những đặc trưng cơ bản giống nhau của hai phương thức giải này là nguyên tắc bảo mật thông tin.
Đối với trọng tài, việc bảo mật thông tin được đặt ra giữa thành phần tham gia tố tụng với các thành phần bên ngoài tố tụng, theo đó, các bên tham gia giải quyết tranh chấp và Hội đồng trọng tài không được cung cấp thông tin cho bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào khác, ngoài trừ trường hợp các bên thỏa thuận đồng ý tiết lộ thông tin hoặc phải cung cấp theo qui định pháp luật.[1]
Tuy nhiên xét trong quan hệ giữa các bên tranh chấp, Hội đồng trọng tài và Trung tâm trọng tài (trong trường hợp giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài quy chế) thì tài liệu, thông tin trong vụ tranh chấp phải được công khai, minh bạch. Điều này có thể thấy rõ qua qui định tại khoản 1, Điều 12 LTTTM: “Các bản giải trình, văn thư giao dịch và tài liệu khác của mỗi bên phải được gửi đến Trung tâm Trọng tài hoặc Hội đồng trọng tài với số bản đủ để mỗi thành viên trong Hội đồng trọng tài có một bản, bên kia có một bản và một bản lưu tại Trung tâm”.
Tính bảo mật trong hòa giải
Khác với trọng tài, mặc dù NĐ 22 qui định khá tương đồng với LTTTM về tính bảo mật nhưng trong thực tiễn, tính bảo mật trong hòa giải đòi hỏi cao hơn và ở nhiều cấp độ khác nhau:
- Bảo mật giữa các bên tham gia hòa giải và bên ngoài thủ tục hòa giải
Toàn bộ thông tin liên quan đến vụ việc hòa giải đều phải được giữa bí mật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định khác.[2] Như vậy, chúng ta có thể thấy cấp độ bảo mật này thể hiện đặc trưng của hòa giải là giúp các bên bảo vệ uy tín của nhau khi không muốn bất kỳ ai không tham gia thủ tục hòa giải biết được những gì họ đang tranh chấp, nếu đạt thỏa thuận thì là tốt nhưng nếu không thành công thì các bên vẫn có thể tiếp tục tiến hành bước tiếp theo theo qui trình tố tụng trọng tài hoặc tòa án.
- Bảo mật thông tin tài liệu trong hòa giải đối với các tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài sau đó
Theo Luật mẫu của Uncitral về hòa giải thương mại[3] và quy tắc hoà giải của một số trung tâm hoà giải[4], các bên tham gia hoà giải không được cung cấp thông tin trong quá trình hoà giải cho quá trình tố tụng sau đó nhằm thúc đẩy các bên cởi mở, chia sẻ thẳn thắng và xây dựng giải pháp để thúc đẩy hòa giải. Việc cho phép khả năng “tràn” thông tin này có thể làm nản long các bên không tích cực nỗ lực để đạt được thỏa thuận hòa giải thành và điều này sẽ làm giảm đi tính hữu hiệu của hòa giải.[5]
- Bảo mật giữa các bên tham gia hòa giải
Thủ tục hòa giải không thể thiếu là các phiên họp riêng với từng bên, cho phép mỗi bên xử lý các vấn đề khó khăn, nhạy cảm cùng hòa giải viên mà họ tin tưởng. Tại mỗi phiên họp riêng, hòa giải viên sẽ hiểu sâu nhu cầu và lợi ích của mỗi bên và nhận định các tín hiệu có thể giúp tiến triển trong hòa giải. Với các thông tin riêng của bên nào chia sẻ với các hòa giải viên trong các cuộc gặp riêng thì không thể được chuyển cho bên khác nếu không được sự đồng ý của bên đã chia sẻ thông tin đó.
Điều này đặt trách nhiệm lên hòa giải viên phải bảo đảm tính bảo mật và phải xử lý mọi thông tin một cách rất cẩn trọng. Tiết lộ bí mật mà không được phép sẽ hủy hoại uy tín của hòa giải viên. Phá vỡ niềm tin đối với các bên và thậm chí có thể chấm dứt việc hòa giải. Kỹ năng quan trọng của hòa giải viên để tránh vi phạm nghĩa vụ bảo mật khi cung cấp thông tin có được từ phiên họp riêng thường bằng cách đặt câu hỏi đối với mỗi bên đã tiết lộ thông tin như:
- Hỏi bên đã tiết lộ thông tin về những gì trong phiên họp riêng có thể được tiết lộ cho bên còn lại;
- Chủ động xác định những thông tin cụ thể có thể giúp ích cho tiến trình hòa giải khi chuyển cho bên kia và đề nghị cho phép tiết lộ thông tin đó vào thời điểm thích hợp.
Trên thực tiễn, một số bên tham gia hòa giải dựa nhiều vào vai trò của hòa giải viên và đặt niềm tin vào việc hòa giải viên trong việc họ tích cực thu thập thông tin từ các các bên và giữ lại cho riêng mình nhằm sau đó trách nhiệm hòa giải viên là suy nghĩ ra được một hoặc một số giải pháp đề xuất để mọi người đều chấp nhận. Đây là cách thức hòa giải pháp luật cho phép[6], nhưng trong thực tiễn hòa giải thì không khuyến khích vì sự thỏa thuận đạt được (nếu có) không có sự trao đổi thông tin giữa các bên, các ý tưởng, môi trường hòa giải chưa thật sự tạo điều kiện để chính các bên tạo lập lại mối quan hệ, niềm tin lẫn nhau và hướng tới quan hệ tương lai. Đây cũng là yếu tố để phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải được xem là phương thức giải quyết cả hai bên cùng thắng.
Những vấn đề cần lưu ý
Hòa giải thương mại tại Việt Nam đã có một bước tiến phát triển mới về khung pháp lý và vấn đề thực thi[7]. Tuy nhiên, khi xem xét trong khía cạnh tính bảo mật trong hòa giải liên quan đến thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án sau đó, chúng ta thấy một số vấn đề cần lưu ý như sau:
* Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong hòa giải để giải quyết tranh chấp tại tòa án sau đó
Khi thủ tục hòa giải chấm dứt mà các bên không đạt được kết quả hòa giải thành[8], để tiếp tục giải quyết tranh chấp, một bên có quyền khởi kiện ra Tòa án có thẩm quyền, trừ khi có tồn tại thỏa thuận trọng tài có hiệu lực và thực hiện được theo qui định tại Điều 18 LTTTM và Điều 4 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành LTTTM[9]. Như vậy, việc một bên tranh chấp cung cấp thông tin, đặc biệt là thông tin của một bên khác mà mình có được trong thủ tục hòa giải nhằm làm phương hại đến bên đó trong vụ án tại tòa là hoàn toàn có thể xảy ra. Do vậy nghĩa vụ bảo mật toàn bộ thông tin trong thủ tục hòa giải được đặt ra đối với cấp độ hai nêu trên sẽ làm động lực các bên tích cực nỗ lực trong tiến trình hòa giải. Tuy nhiên, nghĩa vụ bảo mật thông tin này có hai trường hợp ngoài lệ:
- Các bên tham gia hòa giải có thỏa thuận cho phép tiết lộ thông tin trong hòa giải thì mỗi bên đều có thể cung cấp trong tố tụng tại tòa án sau đó, đây là nguyên tắc tự quyết định của các bên qui định tại Điều 13 NĐ 22; hoặc
- Theo qui định pháp luật phải buộc các bên và hòa giải viên phải cung cấp thông tin trong tố tụng dân sự sau đó. Căn cứ Điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) liên quan đến việc cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự thì có các trường hợp xảy ra:
- Đương sự là các bên đã tham gia hòa giải chủ động giao nộp chứng cứ cho tòa án để chứng minh yêu cầu của mình trước tòa án là có căn cứ hợp pháp; và
- Toà án thu thập chứng cứ của một bên và hoà giải viên đã tham gia hòa giải.
Là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực cao hơn NĐ 22, BLTTDS qui định việc cung cấp chứng cứ và thu thập chứng cứ không những là quyền mà còn là nghĩa vụ của đương sự và Toà án. Do đó, theo quan điểm của tác giả, nguyên tắc này phải được tuân thủ khi một bên đã tham gia hoà giải nhưng tiếp tục đưa tranh chấp ra giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự sau khi hòa giải không thành.
Trong thực tiễn, các nội dung trong hoà giải mà các bên muốn giao nộp hoặc yêu cầu toà án thu thập làm phương hại đến bên tham gia hòa giải khác có thể là:[10]:
- Quan điểm hoặc kiến nghị mà một bên đưa ra về khả năng giải quyết tranh chấp;
- Những thừa nhận của bên kia trong quá trình tiến hành thủ tục hoà giải;
- Các đề xuất mà hoà giải viên đưa ra;
- Tình tiết thể hiện rằng bên kia sẵn sàng chấp nhận đề xuất giải quyết tranh chấp.
Đối với các bên, khi tham gia hòa giải, các vấn đề lợi ích, cá nhân được các bên luôn đặt ở vị trí quan trọng hơn những vấn đề pháp lý như các yêu cầu mỗi bên là có căn cứ hợp pháp hay không. Do vậy, để thúc đẩy việc trao đổi thông tin một cách cởi mở và thẳng thắn giữa các bên với hoà giải viên, tránh lo ngại về việc tiết lộ các thông tin bất lợi sau quá trình hoà giải, các bên tham gia hoà giải nên minh thị trong thoả thuận hoà giải về việc không công nhận giá trị pháp lý thông tin, tài liệu thể hiện những quan điểm, kiến nghị, đề xuất được nêu trong hòa giải nếu một trong các bên giao nộp làm chứng cứ trong tố tụng tòa án hoặc trọng tài. Điều này có ý nghĩa đảm bảo các thông tin trong hòa giải như nêu trên được các bên cung cấp hoặc Tòa án thu thập cũng không có ý nghĩa về mặt pháp lý để ràng buộc trách nhiệm một bên đã tham gia hòa giải trước đó.
Bên cạnh đó, các bên tham gia hòa giải cũng cần phân biệt, các tài liệu xác lập trong quá trình hoà giải với các tài liệu lập trước và sau quá trình hòa giải như các hợp đồng, các tài liệu thực hiện hợp đồng, các trao đổi giữa các bên thì việc cung cấp chứng cứ này hoặc được tòa án thu thập, xem xét, đánh giá hoàn toàn có thể gây bất lợi cho bên vi phạm nghĩa vụ theo qui định pháp luật.
* Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án
Dù các bên đã đạt được kết quả hoà giải thành hay không thì tính bảo mật vẫn luôn là nghĩa vụ của các bên và hoà giải viên trong thủ tục hòa giải theo NĐ 22. Trong thực tiễn, một bên, đặc biệt là bên có nghĩa vụ, có thể không thực hiện theo kết quả hoà giải thành và sẽ tận dụng cơ hội để phản đối sự công nhận của toà án bằng lập luận điều kiện để được công nhận không đáp ứng theo Điều 417 BLTTDS[11]. Vậy, vi phạm tính bảo mật trong thủ tục hòa giải có phải dẫn đến hậu quả pháp lý là Tòa án bác yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành của một bên đã tham gia hòa giải trước đó hay không?
Phần mở đầu bài viết này đã nêu rõ, tính bảo mật là đặc trưng quan trọng của hoà giải và trọng tài và đây cũng là yếu tố quan trọng để các bên quyết định chọn các phương thức này giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, xét trong trường hợp có sự vi phạm tính bảo mật trong thủ tục hòa giải hoặc tố tụng trọng tài, khi một bên có đầy đủ bằng chứng chứng minh sự vi phạm trước tòa án nhằm bác yêu cầu công nhận kết quả hòa giải thành hoặc yêu cầu hủy phán quyết trọng tài theo qui định BLTTDS thì hậu quả pháp lý theo quan điểm của tác giả cũng sẽ rất khác nhau như sau:
- Đối với trọng tài, vi phạm nguyên tắc bảo mật là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trọng tài là một căn cứ để huỷ phán quyết trọng tài theo qui định tại Điểm b, khoản 2, Điều 68 LTTTM;[12]
- Đối với hoà giải, trong bốn điều kiện qui định tại Điều 417 BLTTDS thì không có bất kỳ qui định nào về liên quan đến vi phạm tính bảo mật. Do vậy, vi phạm nguyên tắc bảo mật không là căn cứ để toà án từ chối công nhận kết quả hoà giải thành, dù bên phản đối công nhận có đầy đủ chứng cứ chứng minh vi phạm tính bảo mật này.
Ngoài ra, tham khảo trong lĩnh vực trọng tài quốc tế có Công ước New York 1958 với hơn 153 quốc gia thành viên tham gia nhằm mục đích công nhận phán quyết trọng tài giữa các quốc gia thành viên với nhau[13], trong lĩnh vực hoà giải thương mại, UNCITRAL đang soạn thảo một công ước đa phương về thi hành thoả thuận hoà giải quốc tế, theo đó, một trong các điều kiện được dự thảo các quốc gia thành viên có thể từ chối cho thi hành kết quả hòa giải thành khi hoà giải viên vi phạm nghiêm trọng các tiêu chuẩn áp dụng đối với hoà giải viên hoặc trình tự thủ tục hoà giải[14]. Do vậy, nếu qui định này được thông qua và Việt Nam tham gia công ước này thì vi phạm tính bảo mật đối với kết quả hoà giải thành theo công ước sẽ là căn cứ để Tòa án Việt Nam không cho thi hành kết quả hòa giải thành được lập tại quốc gia thành viên khác. Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt với việc vi phạm tính bảo mật đối với vụ việc hòa giải trong nước vẫn được Tòa án công nhận như đã nêu trên, dù vi phạm tính bảo mật từ hòa giải viên hầu như không xảy ra trên thực tiễn.
Tóm lại, tính bảo mật trong hòa giải thương mại là đặc điểm vô cùng quan trọng để các bên lựa chọn giải pháp này để giải quyết tranh chấp. Các bên tham gia hòa giải bao gồm các bên tranh chấp, hòa giải viên cần nhận thức hiểu rõ các qui định pháp lý và thực tiễn hòa giải để giúp thúc đẩy tiến trình hòa giải đạt được kết quả tốt thông qua việc tuân thủ nguyên tắc bảo mật và hiểu biết những giới hạn của nó trong các giai đoạn từ khi soạn thảo thỏa thuận hòa giải, tham gia thủ tục hòa giải và đặc biệt sau khi kết thúc hòa giải mà các bên tiếp tục giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự tại tòa thông qua việc khởi kiện thành một vụ án hay một việc dân sự – công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án.
[1] Khoản 4, Điều 4 LTTTM
[2] Khoản 2, Điều 4 NĐ 22
[3] Điều 10 của Luật mẫu Uncitral về Hòa giải thương mại (bảng tiếng Anh) tại: https://www.uncitral.org/pdf/english/texts/arbitration/ml-conc/03-90953_Ebook.pdf
[4] Điều 10 của Quy tắc hòa giải của Trung tâm quốc tế giải quyết tranh chấp (ICDR), Điều 9 của Quy tắc hòa giải của Trung tâm hòa giải quốc tế Singapore, Điều 20 của Quy tắc hòa giải của VIAC năm 2007.
[5] Xem thêm: Toà án Nhân dân Tối cao và World Bank Group, Sổ tay pháp luật về trọng tài và hoà giải, NXB Thanh niên, trang 778.
[6] Khoản 3, Điều 14 NĐ 22 về quyền đưa ra đề xuất nhằm giải quyết tranh chấp của hòa giải viên.
[7] Xem thêm: Châu Việt Bắc, Bước tiến hòa giải thương mại tại: http://www.thesaigontimes.vn/160435/Buoc-tien-hoa-giai-thuong-mai.html
[8] Điều 17 NĐ 22 qui định về các trường hợp chấm dứt thủ tục hòa giải.
[9] Điều 6 LTTTM qui định: “Trong trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận Trọng tài mà một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được.”
[10] Xem thêm: Toà án Nhân dân Tối cao và World Bank Group, Sổ tay pháp luật về trọng tài và hoà giải, NXB Thanh Niên, trang 777
[11] Điều 417 BLTTDS qui định điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án:
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự.
- Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý.
- Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận.
- Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.
[12] Xem thêm: Tưởng Duy Lượng, Bình luận BLTTDS, LTTTM và Thực tiễn xét xử, Nxb. Tư pháp, trang 425-426
[13] Xem thêm: Châu Việt Bắc, công nhận phán quyết trọng tài của VIAC tại Thái Lan tại: http://www.sggp.org.vn/phan-quyet-trong-tai-viet-nam-duoc-quoc-te-cong-nhan-478334.html
[14] Xem thêm: Báo cáo của Working Group II, bản tiếng Anh tại https://documents-dds-ny.un.org/doc/UNDOC/LTD/V17/083/22/PDF/V1708322.pdf?OpenElement, trang 5.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận