Tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất
Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử có đăng bài “Vướng mắc về cách tính lãi quá hạn trong hợp đồng vay không ghi lãi suất” của tác giả Lê Văn Quang (Trưởng phòng 9, VKSND tỉnh Bình Phước). Tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất về nội dung vụ việc được nêu trong bài viết.
Để bạn đọc tiện theo dõi, tôi xin nêu lại nội dung vụ việc như sau:
Theo đơn khởi kiện, bà Nguyễn Thị T cho rằng, ngày 11/3/2018, bà Bùi Thị H có vay tiền của bà Nguyễn Thị T số tiền 200.000.000 đồng; giấy vay tiền hai bên không ghi lãi suất mà hai bên cho rằng lãi suất thỏa thuận miệng là 6%/tháng, với thời hạn ba tháng từ ngày 11/3/2018 đến ngày 11/6/2018 thì bà Bùi Thị H phải trả cả gốc và lãi. Tuy nhiên, từ khi vay tiền cho đến nay bà Bùi Thị H không trả gốc và tiền lãi mặc dù bà Nguyễn Thị T đã đòi nhiều lần.
Bà Bùi Thị H cho rằng, bà H có vay của bà Nguyễn Thị T số tiền 200.000.000 đồng, như bà Nguyễn Thị T trình bày, khi vay không ghi lãi suất trong giấy vay mà chỉ thỏa thuận miệng lãi suất 6%/tháng, bà Bùi Thị H đã trả lãi hàng tháng cho bà Nguyễn Thị T, đến tháng 3/2023 thì bà Bùi Thị H không trả lãi.
Nay bà Nguyễn Thị T khởi kiện yêu cầu bà Bùi Thị H trả số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi suất 20%/năm tương đương với 1,66%/tháng từ ngày vay đến ngày 11/3/2024 là: 3.320.000 đồng/tháng x 72 tháng = 239.040.000 đồng.
Bà Bùi Thị H không đồng ý, mà chỉ đồng ý trả lãi suất 10%/năm tương đương với 0,83%/tháng từ ngày 11/3/2023 đến ngày 11/3/2024 là 1.660.000 đồng/tháng x 12 tháng = 19.920.000 đồng.
Hiện nay đang có hai quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ việc trên, đó là:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, cần phải chấp nhận đơn khởi kiện của bà Nguyễn Thị T. Buộc bà Bùi Thị H phải trả cho bà Nguyễn Thị T số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi suất 20%/năm từ ngày vay đến ngày 11/3/2024, lãi suất 20%/năm tương đương 1,66%/tháng = 3.320.000 đồng/tháng x 72 tháng = 239.040.000 đồng.
Quan điểm thứ hai cho rằng (cũng là quan điểm của tác giả Lê Văn Quang), chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị T. Buộc bà Bùi Thị H phải trả nợ gốc 200.000.000 đồng và tiền lãi suất chậm trả từ ngày 11/6/2018, đến ngày 11/3/2024 là 69 tháng x 10%/năm (tương đương với 0,83%/tháng) là 114.540.000 đồng.
Sau khi nghiên cứu nội dung vụ việc và các quy định pháp luật, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất bởi các lý do sau:
Trước hết, tôi cho rằng hợp đồng vay tiền giữa bà Nguyễn Thị T và bà Bùi Thị H là hợp đồng vay có kỳ hạn và có lãi suất. Bởi vì: Một là, đối với hợp đồng vay tài sản, pháp luật không quy định bắt buộc phải bằng văn bản; Hai là, khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 đã quy định: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác… Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực”. Trong nội dung vụ việc cho thấy, bà Nguyễn Thị T và bà Bùi Thị H chỉ thỏa thuận số tiền vay, thời hạn trả bằng văn bản, còn việc trả lãi các bên thỏa thuận miệng, với mức lãi suất là 6%/tháng (cả hai bên đều thừa nhận). Đối chiếu nội dung vụ việc với các quy định trên cho thấy, thỏa thuận bằng văn bản về số tiền vay, thời hạn vay và thỏa thuận miệng về việc trả lãi giữa bà T và bà H vẫn có hiệu lực đối với mức lãi suất luật cho phép (20%/năm), mức lãi suất vượt quá 20%/năm các bên đã thỏa thuận thì vô hiệu. Vì vậy, với các nội dung bà T và bà H đã thỏa thuận bằng văn bản và thỏa thuận miệng cho việc thực hiện hợp đồng vay nêu trên thì hợp đồng này được xác định là hợp đồng vay có kỳ hạn 03 tháng và có lãi suất 20%/năm (phần lãi suất thỏa thuận vượt quá quy định bị vô hiệu).
Thứ hai, nội dung vụ việc thể hiện: Bà T cho rằng, từ khi vay tiền cho đến nay 11/3/2018 - 11/3/2024) bà H không trả gốc và tiền lãi mặc dù bà đã đòi nhiều lần. Bà T yêu cầu bà H trả số tiền gốc là 200.000.000 đồng và tiền lãi suất 20%/năm tương đương với 1,66%/tháng từ ngày vay (11/3/2018) đến ngày 11/3/2024 là 3.320.000 đồng/tháng x 72 tháng = 239.040.000 đồng. Còn bà H thì cho rằng, bà đã trả lãi hàng tháng cho bà T, đến tháng 3/2023 thì bà không trả lãi cho bà T nữa; bà H chỉ đồng ý trả lãi suất 10%/năm tương đương với 0,83%/tháng từ ngày 11/3/2023 đến ngày 11/3/2024 là 1.660.000 đồng/tháng x 12 tháng = 19.920.000 đồng. Từ đây cho thấy, bà T và bà H chỉ tranh chấp nhau về thời gian đã trả lại, thời gian chưa trả lãi và số tiền lãi bà H còn phải trả bà T.
Tuy nhiên, theo nội dung vụ việc chưa thể hiện bà H có chứng cứ để chứng minh cho việc mình đã trả lại cho bà T đến tháng 3/2023 hay không nên tôi giả thiết rằng bà H không đưa ra được chứng cứ để chứng minh rằng mình đã trả lại cho bà T đến tháng 3/2023.
Từ hai lý do phân tích ở trên cho thấy, hợp đồng vay tiền giữa bà T và bà H là hợp đồng vay có kỳ hạn 03 tháng, có xác định rõ mức lãi suất và bà H chưa trả tiền lãi cho bà T từ ngày vay (11/3/2018) đến ngày 11/3/2024. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS năm 2015 và khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm: “Hợp đồng vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì lãi, lãi suất được xác định như sau:
a) Lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả theo lãi suất thỏa thuận nhưng không vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời hạn vay chưa trả lãi trên nợ gốc tại thời điểm xác lập hợp đồng. Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ.
Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả = (nợ gốc chưa trả) x (lãi suất theo thỏa thuận hoặc 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian vay chưa trả lãi trên nợ gốc).
b) Trường hợp chậm trả lãi trên nợ gốc trong hạn thì còn phải trả lãi trên nợ lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ tương ứng với thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả = (nợ lãi chưa trả) x (lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tại thời điểm trả nợ) x (thời gian chậm trả tiền lãi trên nợ gốc);
c) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% mức lãi suất vay do các bên thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Mức lãi suất trên nợ gốc quá hạn do các bên thỏa thuận không được vượt quá 150% mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả = (nợ gốc quá hạn chưa trả) x (lãi suất do các bên thỏa thuận hoặc 150% lãi suất vay do các bên thỏa thuận) x (thời gian chậm trả nợ gốc)”; thì bà H phải trả cho bà T các khoản tiền sau:
(1) Tiền nợ gốc: 200.000.000 đồng;
(2) Tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả: 200.000.000 đồng x 20%/năm (do các bên thỏa thuận mức lãi suất 6%/tháng là vượt mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS) x 03 tháng = 10.000.000 đồng.
(3) Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: 200.000.000 đồng x 150% x 20%/năm (do các bên thỏa thuận mức lãi suất 6%/tháng là vượt mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS) x 69 tháng = 345.000.000 đồng;
Tuy nhiên, do bà T chỉ yêu cầu bà H trả lãi trên nợ gốc quá hạn với mức lãi suất là 20%/năm, nên khi xét xử, Hội đồng xét xử sẽ tính tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả theo yêu cầu của bà T (thấp hơn mức pháp luật quy định) để có lợi cho bà H. Cụ thể là: Tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả: 200.000.000 đồng x 20%/năm (do các bên thỏa thuận mức lãi suất 6%/tháng là vượt mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 BLDS) x 69 tháng = 230.000.000 đồng;
(4) Tiền lãi trên nợ lãi chưa trả: 10.000.000 đồng x 50% x 20%/năm x 69 tháng = 5.750.000 đồng.
Tuy nhiên, do bà T không yêu cầu bà H trả số tiền lãi trên nợ lãi chưa trả, theo nguyên tắc tôn trọng thỏa thuận của đương sự, nên khi xét xử, Hội đồng xét xử sẽ không tính khoản lãi trên nợ lãi chưa trả này.
Tóm lại, căn cứ quy định của BLDS năm 2015, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và yêu cầu của bà T (người khởi kiện), tôi cho rằng, Hội đồng xét xử cần chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà T và quyết định số tiền bà H phải trả cho bà T trên cơ sở quy định của pháp luật và yêu cầu của bà T, đó là (1) 200.000.000 đồng tiền nợ gốc chưa trả, (2) 10.000.000 đồng tiền lãi trên nợ gốc trong hạn chưa trả và (3) 230.000.000 đồng tiền lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả, tổng cộng là 440.000.000 đồng.
Trên đây là ý kiến của tôi về việc giải quyết vụ án, mong nhận được ý kiến trao đổi của bạn đọc.
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận