Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng khi văn bản công chứng liên quan đến bất động sản vô hiệu
Trên nguyên tắc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu, bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường, nên khi Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Tuy nhiên hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này.
1. Quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của công chứng viên
Luật Công chứng năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định rõ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công chứng viên gây ra, nhằm mục đích bảo đảm quyền và lợi ích của người yêu cầu công chứng, tổ chức, cá nhân khác bị xâm phạm bởi hành vi công chứng của công chứng viên gây ra nhằm mục đích để công chứng viên ý thức được trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tránh tình trạng lạm quyền để công chứng sai, công chứng không đúng sự thật làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan[1].
Đồng thời, Luật Công chứng cũng quy định về người có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, gồm: Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật[2]. Bên cạnh đó, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về các vụ việc liên quan đến văn bản công chứng vô hiệu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án trong đó có tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu[3]. Như vậy, pháp luật đã quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng nếu do lỗi của công chứng viên gây ra trong quá trình công chứng.
Do đó, nếu trong vụ việc yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà có xác định được lỗi của công chứng viên dẫn đến văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu và gây ra thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác thì tổ chức hành nghề công chứng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
2. Tình huống thực tế
Vấn đề đặt ra là khi nào tổ chức hành nghề công chứng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu Tòa án tuyên văn bản công chứng vô hiệu. Chúng tôi xin nêu ví dụ như sau:
Nhà đất tại Tổ 23, phường N, quận S là tài sản chung của cụ Lê Phước Tr và cụ Trần Thị Th (cha mẹ của bà Lê Thị E), năm 1999 bị Nhà nước thu hồi phục vụ Dự án mở đường B. Ngoài tiền đền bù thì Ủy ban nhân dân thành phố ĐN còn cấp lô đất tái định cư tại thửa đất số J-18 tờ bản đồ KT03/4 (nay là thửa đất số 81, tờ bản đồ số 52) phường N, quận S, thành phố ĐN. Tại thời điểm Nhà nước giao lô đất tái định cư nêu trên thì cụ Tr đã chết nên cụ Th làm các thủ tục nhận lô đất và xin đứng tên đăng ký quyền sử dụng đất. Ngày 30/5/2001, Ủy ban nhân dân thành phố ĐN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R391244 đứng tên “bà Trần Thị Th”. Như vậy, thửa đất số J-18 nêu trên là tài sản chung của vợ chồng cụ Tr và cụ Th nhưng Ủy ban nhân dân thành phố ĐN lại giao đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ Th là chưa đảm bảo quyền lợi của những người hàng thừa kế của cụ Tr.
Những người thừa kế của cụ Th (trừ bà Th1, bà Ph) đều xác định cụ Th không biết chữ, đồng thời tài liệu trong hồ sơ cấp Giấy chứng minh nhân dân của cụ Th do Công an thành phố ĐN cung cấp thể hiện cụ Th không biết chữ. Do đó, Di chúc của cụ Th lập ngày 14/6/2001 tại Phòng Công chứng số 1 thành phố ĐN không có người làm chứng là vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 655 Bộ luật Dân sự năm 1995. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên di chúc của cụ Th lập ngày 14/6/2001 vô hiệu là có căn cứ.
Tại Văn bản khai nhận di sản thừa kế số 4059 lập ngày 21/7/2017 tại Phòng Công chứng số 3 thành phố ĐN, bà Lê Thị Th1 khai nhận di sản thừa kế do cụ Th chết để lại là thửa đất số J-18 nêu trên (theo Di chúc số 90HV3-4 do Công chứng viên Phòng Công chứng số 1 thành phố ĐN chứng nhận ngày 14/6/2001 cho bà Lê Thị Th1). Cùng ngày, tại Phòng Công chứng số 3 thành phố ĐN, bà Th1 lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất số 4061, chuyển nhượng toàn bộ thửa đất số J-18 cho ông Huỳnh Minh A và bà Huỳnh Thị Phương D.
Ngày 31/7/2017, ông Minh A và bà D được Văn phòng Đăng ký đất đai thành phố ĐN – Chi nhánh tại quận S chỉnh lý sang tên quyền sử dụng thửa đất số J-18 tại trang sau Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số R391244 do Ủy ban nhân dân thành phố ĐN cấp ngày 30/5/2001 cho “bà Trần Thị Th”. Ngày 15/8/2017, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố ĐN cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CK117908 tại thửa đất số 81, tờ bản đồ số 52, phường N, quận S, thành phố ĐN cho ông Minh A và bà D.
Do thửa đất J-18 là tài sản chung của cụ Tr và cụ Th, đồng thời Di chúc của cụ Th lập ngày 14/6/2001 không có hiệu lực pháp luật nên Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm tuyên Văn bản khai nhận di sản thừa kế ngày 21/7/2017 của bà Lê Thị Th1 do Công chứng viên Phòng Công chứng số 3 thành phố ĐN chứng nhận số 4059 vô hiệu; tuyên Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Lê Thị Th1 với ông Huỳnh Minh A, bà Huỳnh Thị Phương D được Công chứng viên Phòng Công chứng số 3 thành phố ĐN chứng nhận số 4061 ngày 21/7/2017 vô hiệu là có cơ sở và đúng pháp luật; từ đó, Tòa án cấp phúc thẩm buộc Phòng Công chứng số 3 phải bồi thường thiệt hại.
Ngày 14/8/2018, bà D và ông Minh A lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thửa đất số 81 nêu trên cho bà H. Khi chuyển nhượng nhà đất số 12 đường N2, bà D và ông A đã biết tài sản tranh chấp đang được Tòa án thụ lý giải quyết nhưng vẫn thực hiện việc chuyển nhượng cho bà Thái Thị Ngọc H là có lỗi; ngoài ra Văn phòng công chứng P đã nhận được Đơn đề nghị ngừng việc công chứng chuyển nhượng nhà đất tranh chấp nhưng Văn phòng vẫn tiến hành công chứng là trái với quy định tại điểm b khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 nên thiệt hại xảy ra bà D, ông A và Văn phòng Công chứng P phải cùng có nghĩa vụ bồi thường. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm buộc Phòng Công chứng số 1 thành phố ĐN có nghĩa vụ bồi thường cho bà D, ông A theo tỷ lệ 30%, bà Th1 có nghĩa vụ bồi thường cho bà D, ông A 70% trên số tiền chệnh lệch về giá trị nhà đất tại thời điểm chuyển nhượng cho các đồng thừa kế.
Tuy nhiên, Tòa án cấp giám đốc thẩm nhận định: “Quá trình giải quyết vụ án, không có đương sự nào có yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và yêu cầu Phòng Công chứng phải bồi thường. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Phòng Công chứng số 1 thành phố ĐN, Văn phòng Công chứng P và Tòa án cấp phúc thẩm buộc Phòng Công chứng số 1 thành phố ĐN, Phòng Công chứng số 3 thành phố ĐN phải bồi thường thiệt hại cho những người thừa kế của cụ Tr, cụ Th là vi phạm quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự”[4].
3. Kiến nghị hướng dẫn cụ thể
Hiện nay, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 và văn bản pháp luật có liên quan không có quy định cụ thể về việc trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay tách ra bằng một vụ án dân sự khác. Vì vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay tách ra bằng một vụ án dân sự khác thì phải tùy vào từng trường hợp cụ thể; phụ thuộc vào nội dung, tính chất, kết quả của từng vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại. Nếu trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, người yêu cầu chứng minh được đầy đủ, rõ ràng, chính xác, có định lượng cụ thể các thiệt hại thực tế xảy ra từ hậu quả của việc văn bản công chứng vô hiệu do lỗi của tổ chức hành nghề công chứng thì Tòa án giải quyết ngay trong vụ việc đó; còn nếu họ không chứng minh được thì Tòa án tách yêu cầu này của họ thành một vụ án khác[5].
Trên nguyên tắc xử lý hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cho nên khi Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu thì phải giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu. Nếu các bên chứng minh được lỗi dẫn đến văn bản công chứng vô hiệu là do công chứng viên gây ra thì tổ chức hành nghề công chứng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bị thiệt hại[6]. Do đó, để giải quyết triệt để vụ việc thì Tòa án phải giải quyết trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.
Tuy nhiên, nếu tại thời điểm giải quyết vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu các bên chưa xác định được thiệt hại từ hậu quả của văn bản công chứng vô hiệu chưa xảy ra trên thực tế, mặc dù có căn cứ xác định chắc chắn thiệt hại có thể sẽ xảy ra. Ngoài ra, khi văn bản công chứng bị tuyên bố vô hiệu, có thể lỗi không hoàn toàn thuộc về công chứng viên mà có cả lỗi của người yêu cầu công chứng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan như vụ án nêu trên. Do đó, khi giải quyết trách nhiêm bồi thường của tổ chức hành nghề công chứng cần phải xác định phần lỗi của mỗi bên đương sự mới xác định được phần trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Vì vậy, không thể giải quyết về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu mà phải tách ra bằng một vụ án khác.
Chúng tôi đồng tình với ý kiến cho rằng: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức hành nghề công chứng phải được giải quyết ngay trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu hay tách ra bằng một vụ án dân sự khác thì phải tùy vào từng trường hợp cụ thể; phụ thuộc vào nội dung, tính chất, kết quả của từng vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu; phụ thuộc vào tài liệu, chứng cứ chứng minh cho thiệt hại. Nếu trong vụ việc tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu, người yêu cầu chứng minh được đầy đủ, rõ ràng, chính xác, có định lượng cụ thể các thiệt hại thực tế xảy ra từ hậu quả của việc văn bản công chứng vô hiệu do lỗi của công chứng viên thì Tòa án giải quyết ngay trong vụ việc đó; còn nếu họ không chứng minh được thì Tòa án tách yêu cầu này của họ thành một vụ án khác”[7]. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, Tòa án cần phải giải thích và hướng dẫn cho đương sự có yêu cầu về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tổ chức hành nghề công chứng. Vì Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó[8]. Do đó, trong trường hợp này, Tòa án nhân dân tối cao cần phải có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với tổ chức hành nghề công chứng như phân tích nêu trên.
Nếu chứng minh được lỗi dẫn đến văn bản công chứng vô hiệu là do công chứng viên gây ra thì tổ chức hành nghề công chứng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại - Ảnh: MH
[1] Xem Điều 38 Luật Công chứng năm 2014.
[2] Xem Điều 38 Luật Công chứng năm 2014.
[3] Xem khoản 11 Điều 26 và khoản 6 Điều 27 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
[4] Quyết định giám đốc thẩm số 49/2022/DS-GĐT ngày 14/12/2022 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
[5] http://toaandaklak.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/ban-ve-viec-giai-quyet-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-cua-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-trong-vu-viec-lien-quan-den-tuyen-bo-van-ban-cong-chung-vo-hieu-338.html, truy cập ngày 24/7/2023.
[6] Xem Điều 131 của Bộ luật dân sự năm 2015.
[7] http://toaandaklak.gov.vn/trao-doi-nghiep-vu/ban-ve-viec-giai-quyet-trach-nhiem-boi-thuong-thiet-hai-cua-to-chuc-hanh-nghe-cong-chung-trong-vu-viec-lien-quan-den-tuyen-bo-van-ban-cong-chung-vo-hieu-338.html, truy cập ngày 24/7/2023.
[8] Xem khoản 1 Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận