Về các tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015

Các tội sản xuất, buôn bán hàng giả bảo gồm: tội sản xuất, buôn bán hàng giả; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thục phẩm, phụ gia thực phẩm; tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi.

Theo quy định tại các điều từ Điều 192 đến Điều 195 BLHS 2015, thì:

1. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là hành hành vi sản xuất, buôn bán hàng hóa giả nhằm thu lời bất chính, gây thiệt hại cho lợi ích, tính mạng và sức khỏe của người tiêu dùng. Trong đó: Sản xuất hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chế tạo, chế bản, in, gia công, đặt hàng, sơ chế, chế biến, chiết xuất, tái chế, lắp ráp, pha trộn, san chia, sang chiết, nạp, đóng gói và hoạt động khác làm ra hàng hóa giả; Buôn bán hàng giả là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, bày bán, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, bán buôn, bán lẻ, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác đưa hàng hóa giả vào lưu thông[1].

Hàng hóa (là sản phẩm có thể trao đổi, mua, bán trên thị trường[2]) giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký; Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 Luật Dược năm 2016; Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng; Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả (bao gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, dấu chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của tổ chức, cá nhân kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm, mã số mã vạch, mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố của hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác) [3].

2. Căn cứ vào tính năng kỹ thuật, giá trị sử dụng và công dụng của hàng giả, BLHS quy định: Hàng giả là lương thực, thục phẩm, phụ gia thực phẩm là đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thục phẩm, phụ gia thực phẩm; Hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh là đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi là đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi; Hàng giả còn lại (không thuộc các loại hàng hóa giả nêu trên) là đối tượng tác động của tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Trong đó:

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 192 BLHS, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (không phải là lương thực, thục phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú ý, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi) bị coi là phạm tội khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS[4] hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% trở lên; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên.

- Theo quy định tại khoản 1 Điều 195 BLHS, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi bị coi là phạm tội khi thuộc một trong những trường hợp sau đây: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên.

Còn theo quy định tại khoản 1 của các Điều 193 và Điều 194 BLHS, thì: Người sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; và người sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Vậy thì, sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh từ bao nhiêu trở lên hoặc trong điều kiện nào thì bị coi là phạm tội?

Theo chúng tôi, xuất phát từ khái niệm tội phạm và tiêu chí để phân biệt tội phạm với hành vi vi phạm nhưng không phải là tội phạm là “tính chất nguy hiểm cho xã hội”, thì tội phạm là hành vi nguy hiểm “đáng kể” cho xã hội; còn vi phạm nhưng không phải là tội phạm chỉ là hành vi nguy hiểm “không đáng kể” cho xã hội và được xử lý bằng biện pháp khác[5]. Do vậy, sẽ có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị coi là phạm tội và có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng không bị coi là phạm tội (là hành vi vi phạm hành chính) và bị xử lý bằng biện pháp khác (là biện pháp xử lý vi phạm hành chính). Tiêu chí để phân biệt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị coi là tội phạm với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả vi phạm hành chính thể hiện tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội, bao gồm: trị giá hàng giả tương đương với hàng thật; số tiền thu lời bất chính; hậu quả thiệt hại do hành vi sản xuất, bôn bán hàng giả gây ra về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác[6]. Trong đó:

- Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã gián tiếp quy định tiêu chí trị giá hàng giả tương đương với hàng thật và mức tiền thu lời bất chính để phân biệt hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả bị coi là phạm tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thục phẩm, phụ gia thực phẩm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh với hành vi vi phạm hành chính sản xuất, buôn bán các loại hàng giả nêu trên. Bởi lẽ, theo quy định tại Điều 9 và 10 Nghị định nêu trên, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (bao gồm hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) về giá trị sử dụng, công dụng với số lượng của hàng thật có trị giá… đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp… đến dưới 50.000.000 đồng bị xử phạt vi phạm hành chính. Mức trị giá hàng giả tương đương với hàng thật và mức tiền thu lời bất chính quy định tại Điều 9 và 10 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP bảo đảm sự đồng bộ với quy định tại các điểm a (hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên) và c (thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên) của các Điều 192 và 195 BLHS.

- Tại các điểm g và  h khoản 2 của các Điều 193 và 194 BLHS gián tiếp quy định số lượng cao nhất hàng hóa tương đương với hàng thật, mức thu lời bất chính cao nhất mà hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 193 và 194 BLHS. Bởi lẽ, theo quy định tại điểm g và  h khoản 2 của các Điều 193 và 194 BLHS, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm hoặc thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh) với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 150.000.000 đồng hoặc thu lợi bất chính dưới 100.000.000 đồng chỉ bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 193 hoặc 194 BLHS.

Như vậy, mức số lượng hàng hóa tương đương với hàng thật và mức thu lời bất chính mà hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) bị xử phạt theo quy định tại khoản 1 Điều 193 và 194 BLHS là: Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng; và thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Về bản chất, thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) có tính chất nguy hiểm hơn hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (không phải là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh). Theo quy định tại khoản 1 của các Điều 192 và 195 BLHS thì hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (không phải là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm vẫn bị coi là phạm tội. Cho nên, cũng cần quy định là tội phạm đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Mặt khác, hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả (là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh) gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng đã bị coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt quy định tại điểm i và k khoản 2 của các Điều 193 và 194 BLHS cho nên về kỹ thuật lập pháp, thì tại khoản 1 của các Điều luật này chỉ nên quy định các tình tiết là dấu hiệu định tội bao gồm số lượng hàng giả, mức thu lợi bất chính và chỉnh sửa về kỹ thuật lập pháp như sau:

“Điều 193. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”.

“Điều 194. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh

1. Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 30.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng hoặc dưới 30.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 193, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng”.

 

 

 

TS. MAI BỘ (Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân), LÊ TUYẾT (Tạp chí Tòa án nhân dân)

[1] Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[2] Điều 4 Luật Giá năm 2023.

[3] Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[4] Tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 BLHS 2015 quy đinh: Tội buôn lậu; Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm; Tội tàng trữ, vân chuyển hàng cấm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi; Tội đầu cơ; Tội trốn thuế.

[5] Điều 8 BLHS 2015.

[6] Điều 192 và 195 BLHS 2015.

TAND TP. Hải Dương xét xử vụ án hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả - Ảnh: Lưu Mạnh Hùng.