Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Để xác định thẩm quyền điều tra của các Cơ quan điều tra trong Quân đội và thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát quân sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Để xác định thẩm quyền điều tra của các Cơ quan điều tra trong Quân đội (bao gồm Cơ quan điều tra hình sự, Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan điều tra án xâm phạm hoạt động tư pháp trong Quân đội) và thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát quân sự, các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác định vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự. Tuy nhiên, việc áp dụng pháp luật và phân định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự hay Tòa án nhân dân có trường hợp gặp khó khăn nên chưa thống nhất nhận thức.
1. Về căn cứ pháp luật
Theo Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021 (sau đây gọi tắt là BLTTHS năm 2015) thì Tòa án quân sự (TAQS) có thẩm quyền xét xử đối với các vụ án hình sự thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Một là, các vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân.
Hai là, vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng nói trên nhưng liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
Ba là, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật.
- Về thẩm quyền xét xử của TAQS theo lãnh thổ:
Quy định về thẩm quyền xét xử của TAQS theo lãnh thổ là căn cứ cho phép xác định, phân biệt thẩm quyền xét xử vụ án giữa các TAQS với nhau. Ngày 07/6/2004, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ban hành Quyết định số 79/2004/QĐ-BQP về phân định địa bàn xét xử của các TAQS; ngày 18/4/2005, liên ngành tư pháp trung ương đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA hướng dẫn về thẩm quyền xét xử của TAQS (Thông tư liên tịch số 01/2005). Theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khi BLTTHS năm 2015 có hiệu lực thi hành thì Thông tư liên tịch số 01/2005 cũng hết hiệu lực.
Tuy nhiên, một số nội dung được Thông tư liên tịch số 01/2005 đề cập thì BLTTHS năm 2015 lại quy định như: Đối tượng quân nhân tại ngũ, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng gồm những ai? Đối với trường hợp những người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ Quân đội, hoặc những người đang phục vụ Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào Quân đội thì xử lý thế nào? Ngoài ra, từ quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại, quy định của BLTTHS năm 2015 về thẩm quyền xét xử của TAQS cũng đặt ra vấn đề về thẩm quyền xét xử của TAQS đối với pháp nhân thương mại phạm tội, cũng như một số vướng mắc khác cần được hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.
Do đó, TAQS các cấp hiện nay vẫn vận dụng nội dung các văn bản hướng dẫn nêu trên và Điều 269 BLTTHS năm 2015 để tiến hành phân định thẩm quyền xét xử của TAQS, cụ thể như sau:
- Vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS cấp nào xảy ra trên địa bàn có TAQS cấp đó thì do TAQS cấp đó xét xử.
- Trường hợp người phạm tội thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân (QCHQ), thì vụ án do các TAQS thuộc QCHQ xét xử, không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm; trường hợp người không thuộc biên chế Quân đội hoặc không thuộc sự quản lý của Quân đội mà tội phạm của họ thực hiện liên quan đến bí mật quân sự thuộc quản lý của QCHQ hoặc gây thiệt hại trực tiếp cho QCHQ, thì vụ án cũng do TAQS của QCHQ xét xử.
- Trong trường hợp không xác định được nơi thực hiện tội phạm hoặc có nhiều TAQS khác nhau có thẩm quyền xét xử do vụ án có nhiều người phạm tội thuộc nhiều đơn vị khác nhau, hoặc do người phạm tội thực hiện tội phạm ở nhiều nơi, nếu Viện kiểm sát quân sự truy tố bị can trước TAQS nào, thì Tòa án đó xét xử vụ án.
- Trường hợp bị cáo là quân nhân phạm tội ở nước ngoài nếu xét xử ở Việt Nam thì do TAQS cấp quân khu xét xử theo quyết định của Chánh án TAQS Trung ương.
- Về thẩm quyền xét xử theo đối tượng:
Thẩm quyền xét xử theo đối tượng là thẩm quyền riêng biệt của TAQS. Đối với một số đối tượng phạm tội có thể xác định được thẩm quyền xét xử vụ án thuộc TAQS, không phụ thuộc người đó phạm tội gì và phạm tội ở đâu, những đối tượng này được quy định cụ thể tại Phần I Thông tư liên tịch số 01/2005. Đó là những đối tượng thuộc biên chế Quân đội hoặc do Quân đội quản lý; hoặc không thuộc đối tượng này nhưng tội phạm thực hiện có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội. Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ đã thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội hoặc những người đang phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào Quân đội thì TAQS xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân (TAND) xét xử...
Khi vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền của TAND thì thẩm quyền được thực hiện như sau: Trường hợp có thể tách được vụ án thì TAQS xét xử những bị cáo và tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS; TAND xét xử những bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND; trường hợp không thể tách vụ án thì TAQS xét xử toàn bộ vụ án.
Những người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội hoặc những người đang phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ được thực hiện trước khi vào Quân đội thì TAQS xét xử những tội phạm có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội; những tội phạm khác do TAND xét xử.
2. Một số khó khăn, vướng mắc khi áp dụng các quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
- Theo Điều 272 BLTTHS năm 2015, TAQS xét xử đối với trường hợp dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS chỉ khi những đối tượng này là bị cáo trong vụ án; còn trường hợp họ là người bị hại trong thời gian thực hiện nhiệm vụ cho Quân đội thì không thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng tại thời điểm tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu của dân quân, tự vệ và công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân, họ đều thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quân sự do Quân đội giao. Nếu vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAND thì chưa phù hợp, toàn diện, do có liên quan đến các nhiệm vụ quân sự, khó khăn trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng ngoài Quân đội.
- Về thẩm quyền xét xử của TAQS đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại là quy định mới trong Bộ luật Hình sự năm 2015; tại Chương XXIX BLTTHS năm 2015 quy định thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với pháp nhân thương mại phạm tội là quy định thẩm xét xử theo lãnh thổ, mà không quy định thẩm quyền xét xử theo loại tội và theo đối tượng. Điều 272 BLTTHS năm 2015 không quy định thẩm quyền xét xử của TAQS đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Trong khi đó, một số đơn vị kinh tế, doanh nghiệp thuộc sự quản lý của Quân đội cũng được xác định là pháp nhân thương mại, không loại trừ khả năng hành vi của những pháp nhân này có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Mặt khác, trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội là doanh nghiệp ngoài Quân đội nhưng gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội liên quan đến bí mật quân sự hiện nay chưa có hướng dẫn TAQS hay TAND xét xử vụ án này.
Vì vậy, có ý kiến cho rằng, về mặt nguyên tắc xác định thẩm quyền chung thì TAQS có thẩm quyền xét xử vụ án mà pháp nhân thương mại phạm tội, nhưng để có thể áp dụng trên thực tế thì các cơ quan có thẩm quyền cần phải có hướng dẫn cụ thể. Tuy vậy, nhiều ý kiến khác cho rằng, BLTTHS hiện hành không quy định TAQS có thẩm quyền xét xử vụ án do pháp nhân thương mại phạm tội. Nên mọi trường hợp, việc hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền cũng không được vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của BLTTHS. Đây là bất cập của BLTTHS, chỉ khi sửa đổi, bổ sung thì mới có đủ căn cứ pháp lý để xác định TAQS có thẩm quyền xét xử vụ án do pháp nhân thương mại phạm tội.
- Về thẩm quyền xét xử của TAQS trong địa bàn thiết quân luật: Đây là quy định mới của BLTTHS năm 2015 nhằm đồng bộ, phù hợp với quy định của Luật Quốc phòng. Có ý kiến cho rằng cần hướng dẫn một số tình huống như: Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi (địa bàn), trong đó có nơi bị áp dụng lệnh thiết quân luật, có nơi không bị áp dụng lệnh thiết quân luật thì Tòa án nào có thẩm quyền xét xử vụ án; hoặc sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì địa phương (địa bàn) đó không còn áp dụng lệnh thiết quân luật thì Tòa án có tiếp tục xét xử vụ án hay chuyển vụ án? Do chưa có hướng dẫn những vấn đề nêu trên nên khó khăn trong thực tiễn áp dụng.
- Một số đối tượng khác thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS như “Công chức, công nhân, viên chức quốc phòng”:
Về đối tượng “công chức”, các quy định của Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ, không quy định Bộ Quốc phòng quản lý đối tượng “công chức” hay “công chức quốc phòng”; ngoài ra theo Điều 392 Bộ luật Hình sự thì công chức không phải là đối tượng chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân. Do đó, hiện nay còn có nhiều cách hiểu và giải thích khác nhau về khái niệm “công chức” được quy định tại khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015.
Về đối tượng công nhân, viên chức quốc phòng: Thông tư liên tịch số 01/2005 chưa giải thích khái niệm “viên chức quốc phòng”, đối với khái niệm “công nhân quốc phòng” thì cách giải thích của Thông tư liên tịch này đã không còn phù hợp. Do đó, đề nghị cấp có thẩm quyền giải thích các khái niệm công nhân, viên chức quốc phòng, đảm bảo đồng bộ với pháp luật hiện hành, dễ áp dụng trong thực tiễn tố tụng.
- Việc xác định thẩm quyền xét xử của TAQS khi tội phạm xảy ra trong “doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến tranh chấp về thẩm quyền. Bởi lẽ, khu vực quân sự do Quân đội quản lý hoặc bảo vệ trong một số trường hợp có phạm vi rộng lớn nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. Ví dụ, những khu đất được giao cho các đơn vị kinh tế trong Quân đội thực hiện nhiệm vụ kinh tế - quốc phòng. Trong thời bình, các đơn vị này hợp tác, liên doanh liên kết với doanh nghiệp ngoài Quân đội để trồng rừng hoặc sản xuất, kinh doanh các dịch vụ không liên quan đến bí mật Quân đội thì những khu vực này có được coi là khu vực quân sự, khu vực do Quân đội quản lý hay không. Khi có hành vi phạm tội xảy ra tại các khu vực này mà người thực hiện hành vi và bị hại không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 thì thẩm quyền xét xử thuộc TAND hay TAQS.
- Về trường hợp người đang phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm của họ thực hiện trước khi vào Quân đội: Theo Thông tư liên tịch số 01/2005 thì chỉ thuộc thẩm quyền của TAQS nếu tội phạm thực hiện có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội. Trong khi đó, theo Điều 272 BLTTHS năm 2015 thì “vụ án hình sự mà bị cáo là quân nhân tại ngũ” không phân biệt hành vi phạm tội thực hiện ở thời điểm nào thuộc thẩm xét xử của TAQS. Vậy có áp dụng Thông tư liên tịch số 01/2005 để xác định thẩm quyền xét xử hay không?
- Trường hợp người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện hành vi phạm tội của họ đã thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội. Trước đây, theo Thông tư liên tịch số 01/2005 thì vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS nếu tội phạm đó liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội, những tội phạm khác do TAND xét xử; hiện nay BLTTHS năm 2015 không quy định, vậy hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2005 còn giá trị áp dụng hay không?
- Trường hợp “gây thiệt hại tài sản của Quân đội nhân dân” quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015. Hiện nay, nếu căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 01/2005 thì nảy sinh bất cập đó là trường hợp gây thiệt hại đến tài sản của Quân đội, nhưng không thuộc trường hợp Thông tư liên tịch số 01/2005 hướng dẫn: Tài sản Quân đội giao cho người khác để quản lý, sử dụng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu hoặc thực hiện nhiệm vụ quân sự nhưng thực tế họ không sử dụng vào các mục đích trên thì có thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS không? hoặc trường hợp tài sản của Quân đội (bao gồm cả doanh nghiệp thuộc Quân đội) giao cho tổ chức, cá nhân quản lý thông qua hợp đồng đền bù (nếu mất mát, hư hỏng thì cá nhân, tổ chức phải đền bù), sau đó bị tội phạm chiếm đoạt, làm hư hỏng, hủy hoại thì có coi là gây thiệt hại đối với tài sản của Quân đội không?
- Vấn đề xác định thiệt hại về uy tín, danh dự của Quân đội: Hiện nay nội dung này chưa được hướng dẫn, vì vậy cần xác định cụ thể những tội danh nào gây thiệt hại về uy tín, danh dự của Quân đội để thống nhất khi khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án gây thiệt hại về uy tín, danh dự của Quân đội.
3. Một số kiến nghị, đề xuất
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xác định thẩm quyền xét xử của TAQS theo quy định của BLTTHS năm 2015, tác giả đề xuất một số nội dung sau:
3.1. Hoàn thiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015
Thứ nhất, cần sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 272 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Vụ án hình sự mà bị cáo hoặc bị hại là quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu; dân quân, tự vệ trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu; công dân được điều động, trưng tập hoặc hợp đồng vào phục vụ trong Quân đội nhân dân. Như vậy sẽ bổ sung trường hợp tại thời điểm tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, công dân, dân quân, tự vệ là bị hại trong vụ án hình sự; họ đang thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hoạt động quân sự do Quân đội giao. Do đó, các cơ quan tiến hành tố tụng trong Quân đội giải quyết vụ án sẽ thuận lợi, kịp thời và phù hợp các quy định của pháp luật.
Thứ hai, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 273 BLTTHS năm 2015 theo hướng: Chỉ tách vụ án để TAQS xét xử riêng các bị cáo thuộc thẩm quyền của mình khi không ảnh hưởng đến việc giải quyết toàn diện vụ án và hành vi phạm tội của các bị cáo là độc lập, không có đồng phạm. Như vậy sẽ khắc phục tình trạng tùy tiện tách bị can là quân nhân để xét xử riêng trong những vụ án có đồng phạm, gây khó khăn cho việc giải quyết toàn diện vụ án.
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2015 theo hướng quy định thẩm quyền xét xử của TAQS đối với pháp nhân thương mại phạm tội, nếu pháp nhân thương mại thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, hoặc tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội. Đồng thời, quy định cụ thể căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAND cấp huyện, TAQS khu vực, TAND cấp tỉnh, TAQS cấp quân khu.
3.2. Cần ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Liên ngành tư pháp trung ương cần sớm xây dựng Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2005, trong đó cần hướng dẫn cụ thể thẩm quyền xét xử của TAQS trong một số trường hợp sau:
Công dân có hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội, nếu họ phạm tội hoặc là bị hại khi đang thực hiện nhiệm vụ quốc phòng theo hợp đồng.
Tội phạm xảy ra “trong doanh trại hoặc khu vực do Quân đội quản lý sử dụng” đối với những khu đất được các doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng liên doanh, liên kết với các tổ chức cá nhân ngoài Quân đội để sản xuất, kinh doanh… Tòa án quân sự chỉ xét xử những vụ án xảy ra trong khu vực này khi có ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các doanh nghiệp Quân đội.
Được coi là gây thiệt hại đến tài sản của Quân đội bao gồm hành vi lấn chiếm quyền sử dụng đất của Quân đội, đối với cả những khu đất đã được các đơn vị kinh tế - quốc phòng cho thuê, liên danh, liên kết.
Cần hướng dẫn việc xác định ranh giới khu vực do Quân đội bảo vệ, khu vực cấm, khu vực bảo vệ của các công trình quan trọng về an ninh quốc phòng do Quân đội quản lý. Theo đó, hướng dẫn cụ thể về đơn vị, công trình về an ninh quốc phòng có tường xây hoặc hàng rào để quản lý, bảo vệ; các đơn vị, công trình không có tường xây hoặc hàng rào để quản lý, bảo vệ;
Trường hợp hành vi phạm tội của người ngoài Quân đội xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có hành vi xảy ra trong khu vực Quân đội quản lý, bảo vệ thì thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS.
Về thẩm quyền xét xử đối với người phạm tội là quân nhân tại ngũ, dân quân, tự vệ: Đề nghị không mở rộng hơn so với quy định của BLTTHS hiện hành, nhưng khái niệm huấn luyện cần được hiểu bao gồm cả huấn luyện quân sự và giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập.
Quy định TAQS có thẩm quyền xét xử tất cả tội phạm xảy ra trong địa bàn thiết quân luật cho phù hợp với BLTTHS năm 2015. Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật thì TAQS có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án; hoặc trường hợp sau khi TAQS thụ lý vụ án thì địa bàn nơi tội phạm diễn ra không còn trong tình trạng thi hành lệnh thiết quân luật, thì TAQS tiếp tục xét xử vụ án.
Cần quy định chi tiết về một số đối tượng khác thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS như công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, công dân được hợp đồng vào phục vụ Quân đội quy định tại Điều 272 BLTTHS năm 2015.
Quy định thẩm quyền xét xử sơ thẩm của TAQS khu vực, TAQS cấp quân khu: Ngoài căn cứ theo quy định tại Điều 268 BLTTHS năm 2015 thì: Tòa án quân sự khu vực xét xử vụ án có bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố giữ chức Trung đoàn trưởng hoặc cấp bậc Thượng tá trở xuống; TAQS cấp quân khu xét xử vụ án mà bị cáo khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có quân hàm từ Đại tá trở lên hoặc có chức vụ từ Phó Sư đoàn trưởng, Phó Cục trưởng và tương đương trở lên. Trong trường hợp nếu theo căn cứ này, vụ án vừa thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS cấp quân khu, vừa thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS khu vực thì Tòa án có thẩm quyền xét xử vụ án là TAQS cấp quân khu.
Quy định chi tiết và hướng dẫn xác định thẩm quyền xét xử của TAQS trong trường hợp vụ án có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài.
Về điều kiện, tiêu chí để tách vụ án trong trường hợp vụ án vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAND, vừa có bị cáo hoặc tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của TAQS, cần tiếp tục quy định tương tự như hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 01/2005: Chỉ được tách vụ án để điều tra, truy tố xét xử riêng, nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án; khi xét thấy cần tách vụ án để xét xử riêng, thì TAQS đã thụ lý vụ án trao đổi với Viện kiểm sát quân sự thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa sơ thẩm. Nếu Viện kiểm sát nhất trí thì có văn bản đề nghị Tòa án trả hồ sơ cho Viện kiểm sát để giải quyết theo thẩm quyền. Trường hợp Viện kiểm sát không nhất trí thì TAQS đã thụ lý vụ án phải xét xử toàn bộ vụ án.
Theo kiemsat.vn
Hội đồng xét xử Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ án liên quan tới các vi phạm tại Học viện Quân y, Công ty Việt Á- Ảnh: Huệ Nguyên
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận