Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và thực trạng giải quyết của Toà án
Dựa trên thực tiễn áp dụng, xét xử nhận thấy một số quy định pháp luật chưa thực sự phù hợp, bài viết nêu vấn đề tồn đọng và góp ý sửa đổi một số điều cụ thể về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
1. Thực trạng pháp luật trong giải quyết vụ án hành chính
1.1. Quy định về mục đích thu hồi đất còn chưa rõ ràng
Thực tế các tranh chấp trong các hành chính tại Tòa án nhân dân TPHCM liên quan đến thu hồi đất, việc đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư rất phức tạp, chủ yếu là xuất phát từ việc bất cập về mục đích thu hồi đất quy định tại Điều 87 Dự thảo (Điều 62 LĐĐ 2013) "Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Tuy nhiên, khái niệm này chưa rõ ràng để tách bạch được đâu là "phục vụ lợi ích quốc gia và công cộng", đâu là "phát triển kinh tế xã hội". Nói cách khác, cần phải làm rõ khái niệm "phát triển kinh tế- xã hội" vì đây còn là một khái niệm chung chung, khó hiểu, dễ bị áp dụng chủ quan và trên thực tế đã dẫn đến nhiều dự án thu hồi đất thiếu minh bạch, không đúng mục đích.
Từ việc định nghĩa rõ ràng mục đích thu hồi đất, người dân sẽ dễ dàng phân biệt được đâu là thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và đâu là thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư để có cách áp dụng pháp luật chính xác, hiệu quả đồng thời khắc phục được những bất cập, gây khó khăn, vướng mắc và hạn chế trong công tác thu hồi đất, đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư trong thời gian vừa qua[1]. Theo Điều 138 Dự thảo thì trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình sản xuất kinh doanh của chủ đầu tư thì người bị thu hồi đất có thể thoả thuận giá với chủ đầu tư.
Tác giả góp ý bổ sung thêm nội dung tại Điều 87 Dự thảo như sau:
"Thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng sẽ được tuân thủ chặt chẽ theo quy trình về trình tự, thủ tục thu hồi đất, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân được thực hiện theo quy định của Luật này trên cơ sở khung giá đất do Nhà nước ban hành.
Đối với các dự án để phát triển kinh tế xã hội thuần túy của chủ đầu tư thì sẽ do chủ đầu tư cùng người sử dụng đất thỏa thuận mức đền bù thường sát với giá thị trường, đảm bảo được lợi ích của Nhà nước, chủ đầu tư, người bị thu hồi đất và được thực hiện theo quy định về sử dụng đất thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư và Luật đầu tư 2014”.
1.2. Về chủ thể bị thu hồi, bồi thường đất
Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện theo Điều 97 Dự thảo (Điều 74 LĐĐ 2013). Theo đó, người sử dụng đất có đủ điều kiện bồi thường về đất theo Điều 98 Dự thảo (Điều 75 LĐĐ 2013) thì đủ điều kiện bồi thường.
Các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, không đủ điều kiện bồi thường về đất được quy định tại Điều 105 Dự thảo (Điều 82 LĐĐ 2013):
“1. Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 99 của Luật này;
2. Đất được Nhà nước giao để quản lý;
3. Đất thu hồi trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và các điểm a, b, c, d và g khoản 1 Điều 89 của Luật này;
4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 100 của Luật này”
Như vậy, chủ thể đủ điều kiện bồi thường là người đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tuy nhiên, hiện nay tình trạng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không hợp pháp diễn ra phức tạp, các trường hợp chuyển nhượng bằng giấy tay, không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 20, 22, Điều 82, Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ. Do đó, công tác xác định chủ thể sử dụng đất gặp nhiều khó khăn bất cập khi triển khai công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Người trực tiếp sử dụng trên phần đất thu hồi không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, nên không đủ điều kiện để được bồi thường. Việc này không chỉ gây khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nói chung mà còn gây bất cập, lúng túng trong việc giải quyết các vụ án hành chính. Bởi thực tế người đang sử dụng đất bị thu hồi đã bị phát sinh, thay đổi, hạn chế, chấm dứt quyền, lợi ích hợp pháp của họ, nhưng quyết định thu hồi, bồi thường lại là một chủ thể khác.
Tác giả góp ý sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 105 Dự thảo “4. Trường hợp không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này hoặc trong trường hợp chủ thể là người đang trực tiếp sử dụng đất nhưng không đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng đã nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trước khi dự án được đăng ký vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, hiện không có tranh chấp”.
1.3. Về đơn giá bồi thường
- Giá đất
Về thực tiễn, công tác xác định đơn giá đất tính bồi thường gặp nhiều khó khăn, chưa phù hợp thực tế do đơn giá chuyển nhượng trên hợp đồng giao dịch thành thường thấp hơn so với đơn giá chuyển nhượng thực tế. Việc giá trị khi công chứng hợp đồng chuyển nhượng thường thấp hơn giá thực tế giúp cho các bên tiết kiệm được lệ phí trước bạ, phí công chứng hợp đồng, thuế thu nhập cá nhân, đây là những loại thuế và phí khi thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì các bên có nghĩa vụ phải thực hiện.
Từ đó, khi tiến hành phương pháp định giá đất thông qua việc thu thập các giá trị hợp đồng để làm cơ sở thẩm định giá, xây dựng bảng giá đất từng tỉnh thành, địa phương thì không phản ánh thực tế được giá trị thực tế quyền sử dụng đất.
Đặc biệt đối với đơn giá đất nông nghiệp, do hiện nay trên địa bàn một số quận, huyện còn rất ít đất nông nghiệp nên việc tìm các tài sản giao dịch thành công đối với đất nông nghiệp lại càng khó khăn, nếu có thì đơn giá trong các hợp đồng giao dịch thành không đúng với thực tế[2]. Do đó, đơn giá đất được thẩm định để bồi thường trong các dự án chưa phù hợp, sát với giá thị trường, dẫn đến khiếu kiện kéo dài, nhiều dự án vẫn chưa thực hiện theo tiến độ đề ra.
Điểm c khoản 1 Điều 163 Dự thảo quy định “1. Việc định giá đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:… c) Phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường”.
Nhìn chung, quy định trên đã tương đối chi tiết và đầy đủ về phương thức định giá đất với nguyên tắc là phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Trước đây, điểm c khoản 1 Điều 112 LĐĐ 2013 cũng có quy định phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường của loại đất có cùng mục đích sử dụng đã được chuyển nhượng, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với những nơi có đấu giá quyền sử dụng đất hoặc thu nhập từ quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, nhiều tiêu chí liên quan đến việc xác định giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất như đã phân tích ở trên, cũng như phương án bồi thường còn mang tính định tính, chưa rõ ràng và mức giá bồi thường trên thực tế thường thấp hơn rất nhiều so với giá thị trường. Mặt khác, tiền đền bù cho người dân rất thấp nhưng giá bán kinh doanh của doanh nghiệp được giao thực hiện dự án lại quá cao; cùng vị trí đất giống nhau nhưng được chia thành nhiều dự án, giá đền bù của mỗi dự án cũng khác nhau; sự thay đổi mục đích sử dụng đất quá nhanh.
Trường hợp khi thu hồi đất ở của hộ gia đình để giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án khu đô thị mới, dự án bất động sản giá trị bồi thường về đất mà hộ gia đình nhận được xác định theo giá trị đất tại thời điểm đó là thấp hơn do chưa có cơ sở hạ tầng đồng bộ. Nhưng sau khi Nhà nước có chủ trương giao đất cho chủ đầu tư hoặc tiến hành bán đấu giá quyền sử dụng đất trên kèm điều kiện phù hợp với quy hoạch như xây dựng khu đô thị hoặc khu phức hợp thương mại thì giá trị đất lúc này sẽ tăng nhanh[3].
Đây là một trong những nguyên nhân gây bức xúc cho người dân, dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện hành chính, khi người dân cho rằng họ quyền và lợi ích hợp pháp của họ liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng chưa được đảm bảo.
Tác giả góp ý nội dung dự thảo, cần xây dựng quy trình thẩm định, trình phê duyệt đơn giá và hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường bổ sung trong LĐĐ, điều chỉnh những tồn tại, bất cập của quy trình thẩm định giá theo Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên Môi trường. Bảo đảm giá bồi thường cho từng dự án phù hợp với giá trị chuyển nhượng trên thực tế thị trường; riêng đối với đất nông nghiệp, được tính hỗ trợ bằng tỷ lệ % đất ở liền kề.
Đồng thời bổ sung quy định phê duyệt giá đất cụ thể để tính bồi thường phải cùng một ngày hoặc cùng thời điểm với quyết định thu hồi đất tại Điều 93, Điều 97 Dự thảo: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải ban hành quyết định thu hồi, quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của từng người bị ảnh hưởng thu hồi đất chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định phê duyệt hệ số điều chỉnh giá đất cụ thể tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án.
- Giá tài sản
Theo quy định tại khoản 1 Điều 106 Dự thảo: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”. Như vậy về mặt nguyên tắc khi Nhà nước thu hồi đất thì công trình xây dựng trên đất thuộc sở hữu hợp pháp gắn liền với đất thì sẽ được bồi thường. Việc xác định mức bồi thường được quy định tại Điều 107 Dự thảo (Điều 89 LĐĐ 2013). Tuy nhiên qua thực tế đơn giá nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ thường thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế mà người bị thu hồi đất bỏ ra để xây dựng nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc mới có diện tích, mục đích, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự, nhất là trong điều kiện nền kinh tế bị lạm phát. Trong khi quyết định về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn các tỉnh thì có nơi vẫn chưa hoặc chậm điều chỉnh đơn giá xây dựng theo thời điểm bồi thường. Mặt khác, từ việc định giá tài sản không phù hợp, kéo theo việc bồi thường hỗ trợ di chuyển cũng không hợp lý.
Hiện tại, UBND TP HCM đã ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TPHCM ban hành theo Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018, theo đó nhà ở được cấp phép tạm có thể được hỗ trợ từ 60-80% giá trị nếu đáp ứng đúng quy định[4]. Tuy nhiên, ở các địa phương khác cũng như luật áp dụng chung thì chưa có quy định bồi thường, hỗ trợ đối với những công trình cấp phép tạm, công trình không hợp pháp nhưng được hình thành trước thời điểm ban hành phương án bồi thường, công trình xây dựng trên đất cấp không đúng thẩm quyền cũng chưa có hướng dẫn.
Tác giả góp ý bổ sung thêm nội dung tại Điều 107 Dự thảo nội dung “Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xây dựng quy trình thẩm định, trình phê duyệt biểu giá chuẩn về suất vốn đầu tư xây dựng công trình cụ thể để phù hợp với giá thực tế của tài sản bị ảnh hưởng trong từng dự án”[5].
2 . Các góp ý khác
2.1. Về trình tự, thủ tục ban hành quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án
- Khoản 4 Điều 93 Dự thảo “a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này quyết định thu hồi đất sau khi có quyết định quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
Trước đây tại khoản 3 Điều 69 LĐĐ 2013 quy định cả hai quyết định này phải được ban hành trong cùng một ngày. Tuy nhiên, do quy định phê duyệt đơn giá bồi thường, hỗ trợ trong phương án do Sở Tài nguyên và Môi trường trình UBND TP HCM phê duyệt giá, tuy nhiên Quyết định bồi thường, Quyết định thu hồi đất, Quyết định phê duyệt chính sách và Quyết định phê duyệt Phương án chuyển đổi nghề do UBND huyện phê duyệt. Như vậy, việc quy định chung chung là “sau khi” mà không có thời gian cụ thể là chưa thật sự phù hợp, chưa đồng bộ trong việc áp dụng giữa các cơ quan áp dụng.
Tác giả góp ý sửa đổi quy định điểm a khoản 4 Điều 93 Dự thảo: “a) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 71 của Luật này quyết định thu hồi đất chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”.
2.3. Trường hợp thu hồi đất đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn
- Điểm a khoản 1 Điều 89 Dự thảo quy định một trong những trường hợp thu hồi đất cho trường hợp này là “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất, người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản, chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất”.
Căn cứ để thu hồi trường hợp trên là “Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật” (điểm a khoản 2 Điều 89). Tuy nhiên, nội dung Dự thảo lại không quy định cụ thể là loại văn bản gì, của của cơ quan có thẩm quyền nào ban hành và giải quyết cụ thể vấn đề gì, trình tự, thủ tục để các tổ chức để có được văn bản này như thế nào?
Tác giả góp ý sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 89 Dự thảo cụ thể: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết đã có hiệu lực pháp luật bao gồm: Văn bản của cơ quan có thẩm quyền bao gồm bản án, quyết định của Toà án, quyết định của Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền hoặc các văn bản xác minh, văn bản có liên quan xác nhận các trường hợp trên của cơ quan có thẩm quyền.
2.4. Trường hợp không được gia hạn phải thu hồi đất đối với đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn
Điểm d khoản 1 Điều 89 Dự thảo quy định các trường hợp đất được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn phải thu hồi đất (trước đây có quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 65 LĐĐ 2013). Tuy nhiên, một số trường hợp trước đây thì hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp sau đó chuyển mục đích sử dụng đất sang đất sản xuất phi nông nghiệp dẫn đến chuyển hình thức sử dụng đất từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Đến nay đã hết thời hạn thuê đất và không phù hợp quy hoạch để gia hạn thời gian thuê đất. Quy định như trên là chưa thật sự phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất đối với trường hợp: Người sử dụng đất không có nguồn gốc từ đất do Nhà nước quản lý và người sử dụng đất có nguồn gốc từ đất do Nhà nước quản lý.
Tác giả góp ý sửa đổi quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 89 Dự thảo theo hướng phân biệt từng trường hợp cụ thể.
“Các trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người bao gồm:… d) Đất có nguồn gốc do Nhà nước trực tiếp quản lý được Nhà nước giao, cho thuê có thời hạn nhưng không được gia hạn..”
2.5. Quy định về bồi thường đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê
Tại khoản 3 Điều 97 Dự thảo quy định: “Việc bồi thường về đất được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư”. Tiếp theo, tại khoản 1 Điều 101 Dự thảo có nội dung “Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất, nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 98 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại”.
Như vậy, đối với đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, khi Nhà nước thu hồi thì hình thức bồi thường bằng đất hay bằng tiền đối với trường hợp này vẫn còn bỏ ngõ, Luật và các quy định hướng dẫn của Trung ương chưa quy định rõ, chưa đảm bảo quyền lợi cho người sử dụng đất.
Tác giả góp ý sửa đổi quy định tại khoản 1 Điều 101 Dự thảo “…nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì được bồi thường theo nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 80 của Luật này thì được bồi thường về đất; mức bồi thường về đất được xác định theo thời hạn sử dụng đất còn lại”.
2.6. Quy định về bố trí tái định cư
Khoản 2 Điều 97 Dự thảo quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
“2. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ”.
Trên thực tế, khi thu hồi đất thì Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ căn cứ vào phương án bồi thường để bố trí tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Phương thức bố trí gồm: Bố trí bằng nền đất (nếu còn quỹ) hoặc căn hộ chung cư (nếu phương án có quỹ căn hộ). Việc thu hồi đất dẫn đến việc người dân phải thay đổi môi trường sống cũng như sinh kế, tuy nhiên việc bố trí bằng căn hộ là chưa phù hợp theo quy định của Dự thảo đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, bởi về bản chất việc thu hồi là thu hồi đất ở của hộ gia đình, nhiều vụ án đang thụ lý, giải quyết tại Toà án nhân dân TPHCM thì người khởi kiện đều cho rằng việc bố trí căn hộ chung cư, hoặc nền tái định cư xa khu vực đông dân sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, công việc buôn bán, kinh doanh của họ. Mặt khác, phạm trù tốt hơn hoặc bằng là khái niệm chung chung, cảm tính, chưa có thước đo lường cụ thể để thuyết phục người dân, dễ gây bức xúc, hiểu nhầm trong khi áp dụng dẫn đến khiếu kiện kéo dài[6].
Tác giả góp ý sửa đổi khoản 2 Điều 97 Dự thảo thay thế cụm từ “đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ” bằng “ đảm bảo an sinh xã hội”.
2.7. Trình tự, thủ tục thu hồi đất không quy định bước ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất
Theo khoản 2 Điều 101 Dự thảo quy định tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi thường. Vì vậy, việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký[7]. Quy định thủ tục này góp phần ngăn chặn tình trạng cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và có căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.
Tác giả góp ý bổ sung thêm nội dung quy định tại khoản 2 Điều 101 Dự thảo “Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không được ghi nhận trong biên bản hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất”.
Đường Tôn Đức Thắng, Q1 TPHCM - Ảnh: Thái Vũ
[1] Phan Trung Hiền – Đinh Thị Mỹ Linh, Đổi mới các quy định pháp luật về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia - dân tộc, lợi ích công cộng, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/815971/doi-moi-cac-quy-dinh-phap-luat-ve-thu-hoi-dat-de-phat-trien-kinh-te---xa-hoi-vi-loi-ich-quoc-gia---dan-toc%2C-loi-ich-cong-cong.aspx#, truy cập ngày 27/11/2022.
[2] Hoàng Anh Tuấn, Một số vướng mắc và bất cập đối với quy định bồi thường khi nhà nước thu hồi đất ở, https://tapchitoaan.vn/mot-so-vuong-mac-va-bat-cap-doi-voi-quy-dinh-boi-thuong-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-o6604.html, truy cập ngày 27/11/2022.
[3] Trong Dự án khu công nghệ cao Quận 9, Thanh tra Chính phủ và Thủ tướng quyết định áp dụng giá tính bồi thường là ngay tại thời điểm 2007, chứ không phải 2018.
[4] Hải Liên, Nhà ở xây dựng tạm trên nền đất cũ được hỗ trợ bằng 80% giá trị xây dựng khi Nhà nước thu hồi đất, https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/nha-o-xay-dung-tam-tren-nen-dat-cu-duoc-ho-tro-bang-80-gia-tri-xay-dung-khi-nha-nuoc-thu-hoi-dat-1491863371, truy cập ngày 28/11/2022.
[5] Nội dung kiến nghị dựa trên việc cụ thể hoá khoản 4 Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/4/2014 của Chính phủ quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
[6] Thanh Tuyền, TP.HCM: Bố trí quỹ nhà tái định cư nhưng dân không chịu nhận, https://plo.vn/tphcm-bo-tri-quy-nha-tai-dinh-cu-nhung-dan-khong-chiu-nhan-post684799.html, truy cập ngày 06/12/2022.
[7] Nguyễn Đức Hùng, Một số bất cập trong quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất trong Luật Đất đai năm 2013, https://lsvn.vn/mot-so-bat-cap-trong-quy-dinh-ve-trinh-tu-thu-tuc-thu-hoi-dat-trong-luat-dat-dai-nam-20131621266996.html, truy cập ngày 28/11/2022.
Bài liên quan
-
TAND tỉnh Bến Tre thụ lý vụ án một người dân khởi kiện UBND huyện Châu Thành khi bị thu hồi đất vắng chủ
-
An Dương - Hải Phòng: Tài sản của người dân bị hủy hoại trước khi có quyết định thu hồi đất
-
Người bị thu hồi đất được bồi thường bằng đất có cùng mục đích với đất bị thu hồi hoặc bằng tiền, bằng đất khác hoặc bằng nhà ở
-
Cần điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận