Vướng mắc, bất cập khi áp dụng Điều 420 Bộ luật tố tụng Hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện

Quá trình tố tụng hình sự đối với người dưới 18 tuổi đòi hỏi phải có những quy định chặt chẽ theo hướng được bảo vệ tốt nhất nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự được hiệu quả nhất.Bài viết nêu một số bất cập trong quy định về người đại diện của người dưới 18 tuổi, đại diện nhà trường, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án

Quy định của pháp luật

Việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức trong vụ án hình sự của người dưới 18 tuổi được quy định tại Điều 420 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

“1. Người đại diện của người dưới 18 tuổi, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng theo quyết định của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

2. Người đại diện của người dưới 18 tuổi được tham gia việc lấy lời khai, hỏi cung người dưới 18 tuổi; đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu, khiếu nại, tố cáo; đọc, ghi chép, sao chụp tài liệu liên quan đến việc buộc tội người dưới 18 tuổi trong hồ sơ vụ án sau khi kết thúc điều tra.

3. Những người quy định tại khoản 1 Điều này khi tham gia phiên tòa có quyền đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án”

Vướng mắc, bất cập trong áp dụng thực tiễn:

Mặc dù, những sửa đổi, những thay thế, hoàn thiện của quy định về sự tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã tạo được sự thuận lợi, thống nhất cho các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình áp dụng pháp luật (liên quan đến việc sử dụng các thuật ngữ như “đại diện gia đình”, “Người đại diện”, “Người đại diện hợp pháp”) tránh sự được sự mâu thuẫn, trùng lặp trong cách quy định trước đây, mở rộng và quy định tương đối chi tiết về các quyền khi tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức và cũng như giai đoạn được tham gia tố tụng của các chủ thể này. Song, quá trình áp dụng trên thực tế các quy định này của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng bộc lộ những bất cập và hạn chế nhất định như sau:

Một là, Điều 420 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác” và tại khoản 3 Điều 423 của Bộ luật tố tụng hình sự lại quy định: “Phiên tòa xét xử bị cáo là người dưới 18 tuổi phải có mặt đại diện của bị cáo, đại diện của nhà trường, tổ chức nơi bị cáo học tập, sinh hoạt, …”.

Song cả hai Điều luật nêu trên lại không quy định chi tiết về trường hợp nào thì cơ quan tiến hành tố tụng phải ra quyết định để thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác tham gia tố tụng; trường hợp nào thì  “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường”, trường hợp nào thì “Đoàn thanh niên, tổ chức khác” hoặc tất cả những người nêu trên đều phải có mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa xét xử có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến sự hiểu và áp dụng không thống nhất quy định của pháp luật.

Hai là, mặc dù việc tham gia tố tụng của “nhà trường, tổ chức” được quy định là quyền và nghĩa vụ nhưng không quy định bắt buộc những chủ thể này tham gia theo quyết định của Cơ quan cảnh sát điều tra; Viện kiểm sát (giai đoạn điều tra, truy tố) mà chỉ có quy định quyền và sự bắt buộc có mặt của những chủ thể nêu trên tại phiên tòa (giai đoạn xét xử).

Ba là, theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 8 của Thông tư 02/2018/TT-TANDTC ngày 21/9/2018 của Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc xét xử vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên thì trường hợp đại diện nhà trường, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt mà vắng mặt lần thứ nhất hoặc vắng mặt lần thứ hai vì lý do bất khả kháng, do trở ngại khách quan thì Tòa án phải hoãn phiên tòa. Trường hợp những người quy định tại khoản 1 Điều này vắng mặt lần thứ hai không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan nhưng để bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi thì Tòa án cũng có thể hoãn phiên tòa.

Theo quy định nêu trên thì Tòa án xác định sự vắng mặt của đại diện nhà trường, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người dưới 18 tuổi lao động, sinh hoạt tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội, là căn cứ để hoãn phiên tòa, trong khi sự có mặt hay vắng mặt của những chủ thể này hay ý kiến quan điểm của họ tại phiên tòa không phải là yếu tố quyết định đến việc xác định những tình tiết khách quan của vụ án, những tình tiết về nhân thân hay các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội dưới 18 tuổi.

Hơn nữa, các quy định về hoãn phiên tòa tại Điều 297 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 không có quy định về trường hợp hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của các chủ thể nêu trên.

Bốn là, Điều 420 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt có quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng”, song trong thực tế xét xử, đại diện nhà trường và tổ chức ít có mặt tại phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội. Trong nhiều vụ án, đại diện nhà trường và tổ chức có mặt nhưng không thể hiện được vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bị cáo chưa thành niên. Việc tham gia tố tụng của những chủ thể này chỉ mang tính hình thức, thụ động, thực tế không mang lại hiệu quả thiết thực cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và việc quyết định hình phạt nói riêng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, bởi lẽ, ý kiến, quan điểm của những chủ thể này trên thực tế không hoặc chưa được xem là một trong các căn cứ để Hội đồng xét xử đánh giá khi quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật hình sự.

Năm là, các chi phí tố tụng cho “thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác” khi tham gia tố tụng chưa được quy định. Điều 135 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không có quy định chi phí tố tụng đối với những chủ thể nêu trên, trong khi thực tế họ phải bỏ chi phí cho việc di chuyển đến phiên tòa và bị mất thu thập trong khoảng thời gian tham gia phiên tòa.

Sáu là, theo quy định của pháp luật thì người đại diện, thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt được triệu tập thạm gia tố tụng; nhưng vấn đề đặt ra là họ tham gia với tư cách gì. Hiện nay Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 chưa có quy định tư cách tham gia tố tụng của những chủ thể này nhưng lại quy định cho họ có nhưng quyền hết sức quan trọng, cụ thể: Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu và đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng; phát biểu ý kiến, tranh luận; khiếu nại các hành vi tố tụng của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và các quyết định của Tòa án”.

Kiến nghị hoàn thiện:

Để việc tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, tổ chức trong quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi được áp dụng có hiệu quả, khắc phục những bất cập, vướng mắc nêu trên, tác giả kiến nghị một số nội dung như sau:

Một là, cần có quy định cụ thể về tư cách tố tụng của các chủ thể nêu trên. Quy định rõ quyền, nghĩa vụ của họ trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người dưới 18 tuổi.

Hai là, trong các trường hợp mà thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” tham gia tố tụng, thì cần quy định ý kiến, quan điểm tranh luận của các chủ thể này tại phiên tòa phải được xem là một trong các căn cứ để quyết định hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hoặc xem xét ý kiến quan điểm có lợi của các chủ thể này đối với người phạm tội là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự.

Ba là, tương tự quy định về người bào chữa, cần quy định quyền của người dưới 18 tuổi trong vụ án có sự tham gia tố tụng của thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt”, theo hướng người dưới 18 tuổi được quyền yêu cầu hoặc từ chối sự tham gia tố tụng của các chủ thể nêu trên.

Bốn là, cần quy định về chi phí cho thầy giáo, cô giáo, đại diện của nhà trường, Ðoàn thanh niên, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt” khi họ tham gia tố tụng trong vụ án như trường hợp chi phí tố tụng cho người làm chứng.

NGUYỄN TIẾN SỸ (Chánh tòa Tòa Gia đình và Người chưa thành niên - Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai)