6 công dân Việt Nam bị bắt giữ ở Nam Phi vì nghi ngờ đã tham gia giết hại 40 con sư tử

Mặc dù đã có quy định của pháp luật và có các cơ quan chuyên trách về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm nhưng tình trạng giết hại, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm vẫn liên tiếp diễn ra. Tại Nam Phi, lực lượng chức năng của nước này vừa phát hiện vụ việc nghiêm trọng, chỉ trong 2 ngày 23 và 24/11/2018 nhóm người gồm 6 công dân Việt Nam đã cùng 3 người Nam Phi đã giết hại 40 con sư tử để nấu cao...

Ngày 25/11/2018, lực lượng cảnh sát điều tra trọng án của Nam Phi phối hợp với các cơ quan chức năng của nước này đã bắt giữ 6 công dân Việt Nam do “sở hữu bất hợp pháp các sản phẩm động vật nuôi phục vụ mục đích giải trí và vi phạm các quy định về bảo vệ các loài động vật hoang dã thuộc danh mục các loài đang bị đe dọa, có nguy cơ tuyệt chủng, cần được bảo vệ”.

Thông báo của lực lượng cảnh sát điều tra trọng án (DPCI), thường được biết đến với tên gọi HAWKS, cho biết 6 công dân Việt Nam bị bắt giữ cùng 2 người Nam Phi khi nhóm người này đang di chuyển trên đường thuộc thị trấn Klerksdorp, tỉnh North West, cách thủ đô hành chính Pretoria khoảng 250km về phía Tây Bắc.

Khám xét các phương tiện nhóm người này sử dụng, lực lượng chức năng Nam Phi phát hiện nhiều bộ xương động vật, da sư tử và các dụng cụ, phương tiện được cho là sử dụng để nấu cao hổ.

Sau đó, ngày 27-11, công dân Nam Phi Michael Frederich Fouche, 42 tuổi, tên thường gọi là Frikkie Fouche, đã ra đầu thú sau khi 8 bị cáo khác bị cảnh sát Nam Phi bắt giữ hai ngày trước đó và đưa ra tòa trong cùng ngày 27-11.

Trang tin News24 dẫn lời cảnh sát cho biết họ tin rằng Fouche là nghi phạm chính trong vụ săn trộm và giết hại động vật hoang dã để lấy xương và da.

News24 cũng dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết danh tính các công dân Việt Nam gồm Nguyen Huu Son, 30 tuổi; Nguyen Van Tuan, 33 tuổi; Dao The Thanh, 38 tuổi; Pham Van Khue, 56 tuổi; Chanh, 56 tuổi và Cu Quoc Thang, 60 tuổi.

Những người này cùng với hai bị cáo quốc tịch Nam Phi gồm Johagem Louis Fouche, 22 tuổi và Lourens Pretorious, 24 tuổi bị truy tố theo đạo luật Nemba của Nam Phi (Quản lý môi trường quốc gia: Đạo luật đa dạng sinh học).

Các bị cáo thừa nhận đã giết 30 con sư tử trong ngày 24-11 và khoảng 10 con một ngày trước đó. Tuy nhiên, cảnh sát thú nhận họ không thể biết chính xác có bao nhiêu con sư tử đã bị giết hại tại trang trại.

 

Nồi được các bị cáo sử dụng để nấu cao sư tử được phát hiện tại trang trại Hartbeesfontein ngày 25-11 – Ảnh: HAWKS

Những người này sau đó được áp giải về trang trại Hartbeesfontein, Trang trại do nghi phạm Frikkie Fouche thuê dùng làm nơi để luộc, lóc thịt và cắt xương sư tử, tại đây cảnh sát thấy có một bộ da sư tử được phơi trên bụi cây, cảnh sát còn phát hiện nhiều bộ phận của con sư tử đã bị cắt nhỏ và máy móc được cho là để hỗ trợ việc cắt nhỏ xương nấu cao.”Có rất nhiều bộ phận từ cơ thể sư tử tại trang trại. Chúng tôi không biết được đó là dạ dày hay cái gì của con sư tử nữa. Tất cả chúng đều bị cắt nhỏ” – đại úy cảnh sát Tlangelani Rikhotso mô tả với Hãng thông tấn AFP.

Theo News24, vụ việc sẽ được tạm dừng xét xử tới ngày 5-12 để cảnh sát củng cố hồ sơ, mở rộng điều tra. Trong thời gian này các bị cáo có thể được bảo lãnh tại ngoại nếu có đơn xin.

Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời phát biểu của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi cho biết Đại sứ quán thường xuyên khuyến cáo khách du lịch Việt Nam khi sang Nam Phi và công dân Việt Nam đang sinh sống tại địa bàn phải chấp hành đúng các quy định của luật pháp sở tại và pháp luật Việt Nam, không được có bất kỳ hoạt động gì làm ảnh hưởng tới quan hệ Việt Nam – Nam Phi cũng như ảnh hưởng uy tín, hình ảnh đất nước.

Đại sứ quán đã và đang tiến hành các bước cần thiết để nắm tình hình vụ việc và thực hiện công tác bảo hộ đối với 6 công dân Việt Nam bị bắt giữ tại Nam Phi.

Tháng 9 vừa qua, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam và Cơ quan công tố quốc gia Nam Phi (NPA) đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam và Nam Phi đang thúc đẩy đàm phán ký kết các văn bản hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia như Hiệp định hợp tác phòng chống tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Cảnh sát Nam Phi, Hiệp định dẫn độ tội phạm giữa Bộ Công an Việt Nam với Bộ Tư pháp và xây dựng Hiến pháp Nam Phi.

Khi các văn bản pháp lý trên có hiệu lực sẽ góp phần tăng cường hiệu quả hợp tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia giữa 2 nước cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho các bên trong bảo hộ công dân mỗi nước.

BÙI KIM NGÂN- Trung tâm dữ liệu Phi chính phủ nước ngoài (tổng hợp)