Bàn về việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án qua đường dịch vụ bưu chính

Trường hợp đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án qua đường dịch vụ bưu chính nhưng không có chứng thực chữ ký tên của người khởi kiện thì xử lý như thế nào?

1.Quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự

Điều 189 của BLTTDS quy định cá nhân khởi kiện phải làm đơn khởi kiện. Nếu cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ nơi cư trú của người khởi kiện trong đơn phải ghi họ tên, địa chỉ nơi cư trú của cá nhân đó; ở phần cuối đơn, cá nhân đó phải ký tên hoặc điểm chỉ. Nếu cá nhân là người không biết chữ, người khuyết tật nhìn, người không thể tự mình làm đơn khởi kiện, người không thể tự mình ký tên hoặc điểm chỉ thì có thể nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện và phải có người có đủ năng lực tố tụng dân sự làm chứng. Người làm chứng phải ký xác nhận vào đơn khởi kiện.

Khoản 1 Điều 190 BLTTDS quy định người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ đến Tòa án bằng phương thức nộp trực tiếp tại Tòa án, gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính hoặc gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Theo quy định tại Điều 191 BLTTDS thì Tòa án sau khi nhận được đơn khởi kiện do người khởi kiện gửi qua dịch vụ bưu chính thì phải ghi vào sổ nhận đơn, cấp giấy xác nhận đơn khởi kiện cho đương sự và Chánh án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện sẽ có một trong các quyết định sau đây: Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện; tiến hành thủ tục thụ lý vụ án; chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền; trả lại đơn khởi kiện.

Tuy nhiên, trường hợp đơn khởi kiện được gửi đến Tòa án qua đường dịch vụ bưu chính nhưng không có chứng thực chữ ký tên của người khởi kiện thì xử lý như thế nào?

2.Vướng mắc thực tiễn

Thứ nhất, yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện

Điều 193 BLTTDS quy định: “Trường hợp đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 4 Điều 189 của Bộ luật này thì Thẩm phán thông báo bằng văn bản nêu rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho người khởi kiện để họ sửa đổi, bổ sung”. Tuy nhiên, quy định về nội dung đơn khởi kiện tại khoản 4 Điều 189 BLTTDS không đề cập đến vấn đề xác nhận chữ ký tên của người khởi kiện. Do đó, không có căn cứ pháp lý để yêu cầu sửa đổi bổ sung đơn khởi kiện trường hợp này.

Thứ hai, trả lại đơn khởi kiện

Khoản 1 Điều 192 BLDS quy định Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện trong trường hợp: “Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự; chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật […]”. Tuy nhiên, do chưa xác định người khởi kiện có làm đơn khởi kiện hay không nên chưa có cơ sở xác định người khởi kiện có quyền khởi kiện hoặc có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự hay không. Do đó, không có cơ sở để căn cứ khoản 1 Điều 192 BLTTDS trả lại đơn khởi kiện trường hợp này.

Thứ ba, thụ lý vụ án

Theo quy định tại Điều 191 BLTTDS thì Thẩm phán khi xem xét đơn khởi kiện không có căn cứ yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, chuyển đơn khởi kiện, trả lại đơn khởi kiện thì tiến hành thụ lý vụ án theo quy định tại Điều 195 BLTTDS.

Cho nên, thực tiễn xét xử đối với các trường hợp này Tòa án sẽ tiến hành thụ lý vụ án. Sau đó trong quá trình giải quyết, Tòa án sẽ triệu tập nguyên đơn để tiến hành xác định lại ý chí làm đơn khởi kiện. Nếu nguyên đơn có mặt để xác nhận ý chí có làm đơn khởi kiện như trên thì Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử có nhiều vụ việc sau khi nguyên đơn nộp đơn khởi kiện đến Tòa án qua đường bưu điện thì nguyên đơn cũng có đơn đề nghị Tòa án giải quyết, xét xử vắng mặt hoặc nguyên đơn có văn bản ủy quyền cho người thứ ba đại diện tham gia tố tụng nên Tòa án không triệu tập được nguyên đơn để xác định lại ý chí làm đơn khởi kiện ban đầu. Trong khi đơn khởi kiện này chỉ có mỗi chữ ký tên của người khởi kiện ở cuối đơn, không có chứng thực chữ ký tên. Nên việc Tòa án thụ lý giải quyết yêu cầu khởi kiện này là chưa có căn cứ vững chắc đúng ý chí của người khởi kiện hay không.

3.Kiến nghị

Người viết nhận thấy, trường hợp trên hiện chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để áp dụng trong thực tiễn. Do đơn khởi kiện là văn bản thể hiện ý chí của người khởi kiện muốn được Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Trên cơ sở đơn khởi kiện này mà Tòa án sẽ thụ lý, giải quyết vụ việc dân sự và từ đây sẽ phát sinh nhiều mối quan hệ pháp lý cần xem xét giải quyết, liên quan đến nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức khác. Do đó, ngay từ bước đầu tiên của thủ tục khởi kiện, nếu không đảm bảo thể hiện đúng ý chí của người khởi kiện sẽ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhiều người liên quan, dẫn đến việc thụ lý, giải quyết đơn yêu cầu không đúng quy định pháp luật, gây mất thời gian, tốn kém chi phí tố tụng của Tòa án và người liên quan tham gia.

Người viết kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể: “Trường hợp người khởi kiện không trực tiếp đến Tòa án nộp đơn khởi kiện hoặc nộp đơn khởi kiện qua đường bưu chính thì đơn khởi kiện phải có chứng thực chữ ký của người khởi kiện theo quy định pháp luật” để đảm bảo nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo quy định tại Điều 5 BLTTDS. Từ đó, Tòa án có căn cứ pháp lý để thụ lý, giải quyết vụ án, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

 

Nơi tiếp nhận đơn khởi kiện tại TAND tỉnh Thái Nguyên – Ảnh: TAND tỉnh TN

 

 

 

 

 

 

 

Ths TRẦN THỊ KIM NHẪN (TAND huyện Thạnh Trị, Sóc Trăng)