Bình luận Án lệ số 12/2017/AL – Như thế nào được coi là đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất sau khi Tòa án đã hoãn phiên tòa
Án lệ số 12/2017/AL được Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua ngày 14-12-2017 và được công bố theo Quyết định số 299/QĐ-CA ngày 28/12/2017 của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, do nội dung Án lệ khá dài nên trong bài viết này, Tạp chí TAND chỉ trích đăng một số nội dung quan trọng trong Án lệ liên quan đến phần bình luận của tác giả để bạn đọc tiện theo dõi.
1.Về án lệ số 12/2017/AL
1.1. Nguồn án lệ
Quyết định giám đốc thẩm số 14/2017/KDTM-GĐT ngày 06-6-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về vụ án kinh doanh, thương mại “Tranh chấp về hợp đồng mua bán hàng hoá” tại tỉnh Quảng Trị giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Q (người đại diện theo pháp luật là ông Đặng Công D, người đại diện theo ủy quyền là ông Hồ Nghĩa A) với bị đơn là Công ty trách nhiệm hữu hạn T (người đại diện theo pháp luật là ông Võ Văn T, người đại diện theo ủy quyền là bà Võ Thị T).
1.2. Khái quát nội dung của án lệ
– Tình huống án lệ:
Tòa án đã quyết định hoãn phiên tòa và lý do hoãn phiên tòa không phải do lỗi của đương sự (nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Phiên tòa được mở lại nhưng có đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ vắng mặt.
– Giải pháp pháp lý:
Tòa án phải xác định đây là trường hợp đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa.
1.3. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
Khoản 1 Điều 199, Điều 202, khoản 2 Điều 266 BLTTDS năm 2004 (khoản 1 Điều 227, Điều 228, khoản 2 Điều 296 BLTTDS năm 2015).
1.4. Nội dung Án lệ
“[1] Về tố tụng: Theo Biên bản phiên tòa phúc thẩm ngày 26-11-2013 thì tại phiên tòa các đương sự có mặt đầy đủ theo giấy triệu tập của Tòa án. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm được mở lại vào ngày 26-02-2014, bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn vắng mặt. Trường hợp Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa và việc hoãn phiên tòa là do Tòa án, tại phiên tòa được mở lại đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì được coi là vắng mặt lần thứ nhất. Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.”
2. Bình luận
2.1. Sự cần thiết ban hành án lệ số 12/2017/AL
Theo quy định tại Điều 199, Điều 200, Điều 201 BLTTDS năm 2004 mỗi đương sự được vắng mặt một lần nếu có lý do chính đáng. Điều đó có nghĩa là nếu vụ án có nhiều đương sự thì có nhiều khả năng Tòa án phải hoãn phiên tòa nhiều lần và thực tế đã từng diễn ra như vậy nhưng khi BLTTDS này được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-3-2011, có hiệu lực từ ngày 01-01-2012), tại Điều 199 đã có thay đổi quan trọng về bảo đảm quyền của đương sự có mặt và nghĩa vụ phải có mặt tại phiên tòa sơ thẩm, cụ thể:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Tòa án thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự biết việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, nếu vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn, người đại diện theo pháp luật vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
b) Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập của mình và Tòa án quyết định đình chỉ việc giải quyết đối với yêu cầu độc lập có người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó, nếu thời hiệu khởi kiện vẫn còn;
d) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ”.
Điều 227 BLTTDS năm 2015 cũng có quy định tương tự [1].
Đối với phiên tòa phúc thẩm, tại Điều 266 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 cũng đã quy định rõ trường hợp nào phải hoãn phiên tòa, trường hợp nào xét xử vắng mặt, cụ thể:
“1. Kiểm sát viên tham gia phiên tòa vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.
2. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp người có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
3. Người kháng cáo, người tham gia tố tụng khác không phải là người kháng cáo, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì việc hoãn phiên tòa, đình chỉ xét xử phúc thẩm hay vẫn tiến hành xét xử phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại các điều 199, 202, 204, 205 và 206 của Bộ luật này.
4. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 208 của Bộ luật này.” Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định tương tự [2].
Có thể nhận thấy quy định tại Điều 199, Điều 266 BLTTDS năm 2004 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 là khá rõ nhưng trong thực tiễn xét xử vẫn còn nhận thức khác nhau về thế nào được coi là triệu tập hợp lệ và thế nào là triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vụ án nêu trên là một ví dụ.
Tuy những sai sót dạng này không phải là phổ biến nhưng để không lặp lại sai sót tương tự thì việc Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chọn vấn đề tố tụng liên quan đến triệu tập trong vụ án này làm án lệ có tác dụng giúp cho Thẩm phán hiểu đúng hơn về vấn đề triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, triệu tập hợp lệ lần thứ hai theo đúng quy định của BLTTDS.
2.2. Nội dung án lệ
Theo quy định tại Điều 199 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì đối với phiên tòa xét xử sơ thẩm khi Tòa án đã triệu tập hợp lệ lần thứ nhất đương sự hoặc người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt; trường hợp vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, nếu triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt (không vì sự kiện bất khả kháng) Tòa án sẽ xét xử vắng mặt nếu là bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; sẽ đình chỉ giải quyết vụ án nếu là nguyên đơn, trừ trường hợp đương sự có đơn xin xét xử vắng mặt thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt.
Theo quy định tại Điều 266 BLTTDS năm 2004 (được sửa đổi, bổ sung năm 2011) thì tại phiên tòa phúc thẩm mà người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ đã được triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp có đơn xin xét xử vắng mặt.
Người kháng cáo được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt không phải do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án sẽ đình chỉ xét xử phúc thẩm, trừ trường hợp có đơn xin xét xử vắng mặt, khi đó phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
Trong trường hợp được chọn là Án lệ thì Tòa án cấp phúc thẩm đã triệu tập hợp lệ các bên đương sự lần thứ nhất và tất cả các đương sự đều có mặt nhưng Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn hoãn phiên tòa với lý do để các đương sự cung cấp thêm chứng cứ. Như vậy, việc hoãn phiên tòa không phải vì có đương sự vắng mặt như quy định tại Điều 199 mà lý do hoãn phiên tòa xuất phát từ Hội đồng xét xử: để đương sự cung cấp thêm chứng cứ; tự Hội đồng xét xử thấy cần hoãn và quyết định hoãn theo chính yêu cầu của mình. Trong trường hợp này, việc hoãn phiên tòa không phải do lỗi (không có mặt theo giấy triệu tập) của bất kỳ đương sự nào. Việc hoãn phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất không thuộc quy định tại Điều 199, Điều 266 BLTTDS nên không được xác định việc hoãn phiên tòa lần thứ nhất được tính cho bên đương sự.
Khi Hội đồng xét xử triệu tập hợp lệ các bên đương sự lần thứ hai vào ngày 26/2/2014, bên nguyên đơn có mặt nhưng Công ty T (bị đơn – bên có đơn kháng cáo) và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty T (bị đơn) vắng mặt thì phải xác định là đương sự vắng mặt lần thứ nhất.
Trong trường hợp này, Án lệ chỉ rõ: “ Lẽ ra, Tòa án cấp phúc thẩm phải xác định là bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất vắng mặt tại phiên tòa theo quy định tại khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự để hoãn phiên tòa. Tòa án cấp phúc thẩm nhận định tại phiên tòa phúc thẩm bị đơn và luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai vắng mặt tại phiên tòa, từ đó đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của bị đơn là không đúng quy định tại Điều 199, 202, 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, làm mất quyền kháng cáo, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.”
Với nội dung nói trên của Án lệ, lần hoãn phiên tòa lần thứ nhất không phải do lỗi vắng mặt của bất kỳ đương sự nào mà do Tòa án thì không được tính cho đương sự. Vì vậy, lần thứ nhất Tòa án triệu tập đương sự không vắng mặt nên chưa xuất hiện việc đương sự vắng mặt lần thứ nhất theo nội dung được quy định tại Điều 199 BLTTDS.
Khi Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ các bên đến phiên tòa vào ngày 26-2-2014, phía bị đơn vắng mặt, trong trường hợp này Tòa án cấp phúc thẩm phải căn cứ khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 BLTTDS để hoãn phiên tòa, xác định đây là lần thứ nhất có đương sự vắng mặt và cũng là hoãn phiên tòa lần thứ nhất do lỗi đương sự đã được triệu tập hợp lệ mà không có mặt.
Khi Tòa án cấp phúc thẩm triệu tập hợp lệ đương sự lần tiếp theo, tính về số lần đơn thuần theo con số toán học là lần thứ ba nhưng tính trên cơ sở sự có mặt hay vắng mặt của đương sự thì được coi là lần thứ hai mà Công ty T vắng mặt thì lúc này Tòa án mới áp dụng khoản 1 Điều 199, khoản 2 Điều 266 BLTTDS để đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với kháng cáo của Công ty T (bị đơn) mới là áp dụng đúng quy định của BLTTDS.
Tóm lại: Việc triệu tập lần thứ nhất, lần thứ hai không được hiểu đơn thuần theo thứ tự số học của lần triệu tập mà nội dung của Điều 199, Điều 266 BLTTDS (luôn gắn với hai điều kiện: một là triệu tập hợp lệ, hai là đương sự vắng mặt), do đó, phải được hiểu là sự vắng mặt lần thứ nhất của đương sự khi đã được triệu tập hợp lệ, mới coi là vắng mặt lần thứ nhất; khi triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà có đương sự vắng mặt không vì lý do bất khả kháng mới được tính là vắng mặt lần thứ hai khi đã được triệu tập hợp lệ. Tùy thuộc đương sự nào (nguyên đơn hay bị đơn…) vắng mặt Tòa án xử lý bên vắng mặt như quy định tại Điều 199 (nếu là phiên tòa sơ thẩm), áp dụng Điều 266 để xử lý trường hợp bên vắng mặt (nếu là phiên tòa phúc thẩm).
2.3. Tính ứng dụng của Án lệ
Có thể nhận thấy Án lệ số 12 đã giải thích Điều 199, Điều 266 BLTTDS, đã chỉ ra việc xác định như thế nào được coi là triệu tập đương sự hợp lệ lần thứ nhất hay nói khác đi khi nào việc hoãn phiên tòa được tính cho đương sự. Nội dung của Án lệ giúp hiểu chính xác, áp dụng chính xác Điều 199, Điều 266 Bộ luật Tố tụng dân sự, đây chính là tính ứng dụng trong thực tiễn khi áp dụng Án lệ này./.
Ảnh minh họa Một phiên tòa phúc thẩm dân sự tại Hà Nam – Ảnh: VKSNDHN
1.Tại Điều 227 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“1. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa; nếu có người vắng mặt thì Hội đồng xét xử phải hoãn phiên tòa, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải thông báo cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
2. Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, đương sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải có mặt tại phiên tòa, trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; nếu vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì Tòa án có thể hoãn phiên tòa, nếu không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì xử lý như sau:
a) Nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện và Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Nguyên đơn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật;
b) Bị đơn không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
c) Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
d) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó, trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập có quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
đ) Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.”
2.Điều 296 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định:
“1. Kiểm sát viên được phân công tham gia phiên tòa phúc thẩm vắng mặt thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử, không hoãn phiên tòa, trừ trường hợp Viện kiểm sát có kháng nghị phúc thẩm.
2. Người kháng cáo, người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ nhất mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
3. Người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt thì bị coi như từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu kháng cáo của người đó, trừ trường hợp người đó đề nghị xét xử vắng mặt thì Tòa án tiến hành phiên tòa phúc thẩm xét xử vắng mặt họ.
Trường hợp người kháng cáo vắng mặt vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Trường hợp có nhiều người kháng cáo, trong đó có người kháng cáo được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt nhưng không có đơn đề nghị xét xử vắng mặt thì coi như người đó từ bỏ việc kháng cáo và Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Trong phần quyết định của bản án, Tòa án đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với phần kháng cáo của người kháng cáo vắng mặt đó.
Người không kháng cáo nhưng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị và những người tham gia tố tụng khác đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì Tòa án tiến hành xét xử vụ án.
4. Thời hạn hoãn phiên tòa và quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo quy định tại Điều 233 của Bộ luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Hành vi của Nguyễn Văn B chưa đủ dấu hiệu cấu thành tội “tàng trữ trái phép súng săn”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
Bình luận