EVN gửi 1.000 tỷ đồng vào EVN Finance?

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thoái hết vốn số cổ phần sở hữu tại Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance) nhưng đến ngày 31/12/2020, EVN vẫn đang gửi khoảng 1.000 tỷ đồng tại EVN Finance, trong khi đang cần nguồn vốn để phát triển.

Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực được thành lập và hoạt động từ ngày 01/9/2008 với sứ mệnh là đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án điện thuộc EVN và các đơn vị thành viên, đồng thời cung cấp các sản phẩm dịch vụ tài chính chuyên nghiệp cho các đơn vị trong ngành điện và các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế khác.

EVN Finance được thành lập bởi 3 cổ đông là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), Công ty Cổ phần Cơ Điện lạnh (REE) và gần 65.000 cổ đông là tổ chức và cán bộ nhân viên ngành điện với vốn điều lệ ban đầu là 2.500 tỷ đồng. Hiện nay, EVN Finance do ông Hoàng Văn Ninh làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ông Nguyễn Hoàng Hải giữ chức Tổng Giám đốc.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán năm 2019 của EVN Finance thể hiện một khoản tiền gửi của EVN vào EVN Finance lên tới 1.000 tỷ đồng.

Ngày 26/10/2020, EVN đã bán đấu giá thoái vốn số cổ phần sở hữu tại EVN Finance. Số lượng cổ phần chào bán là 2.650.000 cổ phần (26,5 tỷ đồng theo mệnh giá), tương đương 1% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phần. Phiên đấu giá có 2 nhà đầu tư cá nhân tham gia, với khối lượng đặt mua 2.650.000 cổ phần, bằng số cổ phần chào bán và mức giá đặt mua đúng bằng giá khởi điểm 17.411 đồng/cổ phần.

Kết quả sau phiên đấu giá, EVN đã bán hết 2.650.000 cổ phần (100% số cổ phần chào bán) cho 2 nhà đầu tư cá nhân với giá đấu thành công bình quân 17.411 đồng/cổ phần thu về hơn 46 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau khi thoái hết vốn khỏi EVN Finance để thu về hơn 46 tỷ đồng, thì đến hết quý 4/2020, EVN vẫn tiếp tục để khoản tiền gửi lên tới 1.000 tỷ đồng tại EVN Finance. Đây chính là số tiền đã được EVN gửi trước đó và được thể hiện trong bản báo cáo tài chính hợp nhất năm 2019 được kiểm toán bởi Công ty kiểm toán Deloitte.

Trước đó, trong tháng 7/2020, tại Diễn đàn cấp cao về Năng lượng Việt Nam về triển khai Nghị quyết số 55/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Ban Kinh tế trung ương và Chính phủ đồng tổ chức, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết để đảm bảo phát triển về nguồn điện, Việt Nam phải huy động nguồn lực cho năng lượng từ nay đến 2025 để tăng thêm 5.000MW công suất nguồn, tức mỗi năm cần từ 7-10 tỷ USD, chưa gồm vốn đầu tư xây dựng lưới truyền tải. “Cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực và Chính phủ đang tập trung nguồn lực để sửa luật liên quan, xây dựng cơ chế đặc thù trong đầu tư và phát triển nguồn điện, hệ thống truyền tải, cơ chế đầu tư đấu thầu phù hợp" – Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Dư luận không khỏi thắc mắc, hiện nay EVN cần rất nhiều vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, mạng lưới truyền tải điện… nhưng không hiểu vì sao, EVN vẫn gửi cả nghìn tỷ đồng tại EVN Finance chỉ để lấy lãi?

Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

 

Trụ sở Tập đoàn Điện lực Việt Nam

 

 

HOÀNG TRANG