Ngăn chặn tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp

Tại diễn đàn kỳ họp thứ 6 QH XIV, để làm sâu sắc hơn các báo cáo của các cơ quan tư pháp trình bày tại phiên họp về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận về nhiều nội dung, trong đó có vấn đề tội tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em rất nghiêm trọng hiện nay.

Phức tạp và nghiêm trọng

Năm 2018, tội phạm mua bán người, mua bán trẻ em trên địa bàn Nghệ An diễn ra phức tạp và nghiêm trọng. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An) cho biết: Tính từ đầu năm 2018 đến nay, công an Nghệ An đã phát hiện khởi tố 12 vụ mua, bán người và mua, bán trẻ em. Phối hợp với các đơn vị giải cứu thành công 6 nạn nhân từ Trung Quốc trở về Việt Nam an toàn. Đặc biệt thời gian gần đây tại huyện Kỳ Sơn xảy ra tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn mới, đó là các đối tượng mua, bán người tìm đến các gia đình người dân tộc Khơ mú có phụ nữ mang thai từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 8 để dụ dỗ, lôi kéo sang Trung Quốc sinh con rồi bán cho người Trung Quốc với số tiền từ 60 triệu đến 80 triệu tùy thuộc vào con trai hay con gái, trong đó con gái giá cao hơn.

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu – Ảnh QH

 

Tính từ cuối năm 2017 đến nay tại hai xã Hữu Lập và Hữu Kiểm của huyện Kỳ Sơn đã xảy ra 22 vụ án với thủ đoạn nêu trên. Công an tỉnh đã chỉ đạo điều tra, xác minh, xác định được đối tượng phạm tội, cá biệt có vụ bán cả mẹ, cả con, giải cứu được mẹ nhưng không giải cứu được con vì không biết con ở đâu. Các đối tượng liên quan đến vụ án đều thừa nhận đầy đủ hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra chỉ khởi tố, xử lý được hành vi bán mẹ, còn hành vi bán đứa con không thể xử lý được. Công an Nghệ An đã trực tiếp trao đổi với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, đồng thời có văn bản xin hướng dẫn của Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đều được trả lời chưa có văn bản nào hướng dẫn các vụ án nói trên. Công an Nghệ An đã nhiều lần đến Móng Cái, Quảng Ninh và hy vọng điều tra hành vi tổ chức môi giới cho người khác trốn ra nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, nhưng đều không thành công vì họ sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch, do bọn chuyên dẫn dắt môi giới đưa đi. Hiện nay 22 vụ án nói trên đang bị bế tắc không có đường lối xử lý và nếu tình trạng này vẫn tiếp diễn thì tình trạng mua, bán trẻ em với thủ đoạn nêu trên sẽ tiếp tục diễn ra nghiêm trọng, gây bất an, bất bình trong nhân dân.

Một ví dụ điển hình là ngày 9/8/2013, cách đây 5 năm, chị Hoàng Thị Hậu, sinh năm 1961 tại Nghi Lộc, Nghệ An, đã có đơn tố cáo hai đối tượng người ở Cửa Lò và Diễn Châu giết con trai của chị là Nguyễn Phú Minh tại Quảng Châu, Trung Quốc. Gia đình bị hại đã sang Trung Quốc nhận xác con đưa về mai táng, đề nghị cơ quan điều tra xử lý nghiêm các thủ phạm. Cùng ngày, hai đối tượng đã đến Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An đầu thú, khai nhận toàn bộ hành vi và xác định nguyên nhân của vụ án là do mâu thuẫn nên hai đối tượng đã ra chợ mua dao và điều nạn nhân ra vùng hẻo lánh để sát hại. Công an tỉnh Nghệ An đã rất nhiều lần gửi văn bản đến Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Đông, Trung Quốc, cơ quan điều tra Bộ Công an, Vụ Hợp tác quốc tế, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nhưng đều không xử lý được. Qua 5 năm vụ án vẫn bết tắc, gia đình vẫn nhiều lần làm đơn nhưng không xử lý được.

Từ những ví dụ đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị các cơ quan tư pháp hình sự trung ương hướng dẫn để công an Nghệ An tiếp tục điều tra làm rõ các vụ án nói trên. Ông cũng kiến nghị với Chính phủ cần sửa đổi lại Hiệp định tương trợ tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký với nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa từ năm 1998 đến nay để phù hợp và tháo gỡ các vướng mắc nói trên.

Những nguyên nhân cần quan tâm

Cùng quan tâm đến tội phạm này, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy (Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa) đánh giá công tác phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm vẫn còn hạn chế. Trong đó, nổi lên là tình trạng mua bán người đang diễn biến phức tạp, gây lo lắng trong nhân dân. Theo báo cáo của các ngành chức năng và thực tiễn, đại biểu nhận thấy có 5 vấn đề cần quan tâm.

 

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy – Ảnh QH

 

Thứ nhất, theo báo cáo của Bộ Công an, tội phạm mua bán người xảy ra và có dấu hiệu xảy ra ở tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, chủ yếu là mua bán người ở nước ngoài chiếm 85%, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước có chung đường biên giới. Cả nước hiện còn 519 nạn nhân chưa trở về trong tổng số 3.090 nạn nhân bị mua bán và nghi bị mua bán. Ngoài ra, còn có 868 trường hợp phụ nữ vắng mặt lâu ngày ở địa phương và hàng nghìn người đang ở nước ngoài chưa có điều kiện xác minh, xác định họ có phải là nạn nhân hay không? Những con số này làm cho mỗi chúng ta phải suy nghĩ, bao nhiêu nạn nhân chưa được giải cứu đồng nghĩa với bấy nhiêu cuộc đời đang phải sống trong nỗi khổ cùng cực, làm nô lệ cho kẻ buôn người. Có lẽ con số này trên thực tế còn lớn hơn nhiều, bởi vì đây là loại tội phạm ẩn, việc xác định nạn nhân rất khó khăn. Hơn nữa, với tâm lý xấu hổ, không muốn hoặc chậm trễ trình báo cơ quan chức năng của nạn nhân, người nhà nạn nhân là một trong những nguyên nhân làm tỷ lệ ẩn của loại tội phạm này ngày càng cao.

Thứ hai, thực tế cho thấy nguyên nhân chủ yếu khiến nạn nhân thường sa vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người là do đời sống kinh tế còn nghèo khó, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết. Theo báo cáo của các ngành chức năng, nạn nhân bị mua bán chủ yếu là phụ nữ và trẻ em chiếm 90%. Đa số thuộc các dân tộc thiểu số chiếm 80%, thường tập trung ở vùng nông thôn, miền núi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, phần lớn có hoàn cảnh khó khăn.

Thứ ba, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa ở một số gia đình, nhà trường và cộng đồng xã hội còn hạn chế. Những giá trị chuẩn mực truyền thống gia đình đã và đang bị tác động thay đổi, làm cho đạo đức, nhân cách của một bộ phận dân cư bị lung lay, xa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chấp pháp luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến tội phạm mua bán người ngày càng tăng cao. Theo Báo cáo của Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho thấy 37,2% nạn nhân do gặp những chuyện éo le về tình cảm gia đình, trình độ học vấn thấp. 6,8% các cô gái trẻ, học sinh, sinh viên thiếu kỹ năng sống, thiếu hiểu biết xã hội, thích thụ hưởng ăn chơi, đua đòi, thiếu cảnh giác nên dễ tin theo lời hứa hẹn của đối tượng về việc làm ổn định, thu nhập cao hoặc lấy chồng nước ngoài khá giả dẫn đến bị lừa bán.

Thứ tư, công tác tuyên truyền pháp luật về phòng, chống mua bán người chưa thực sự hiệu quả, chưa đến được với người dân tại cơ sở. Đặc biệt là đối tượng có nguy cơ cao dễ bị mua bán ở các thôn bản, vùng sâu, vùng xa và những địa bàn mà tội phạm mua bán người thường hoạt động. Mặt khác, do sự khác biệt về trình độ, ngôn ngữ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong khi đó chúng ta vẫn áp dụng các hình thức tuyên truyền thiếu linh hoạt, sáng tạo, nặng về tổ chức hội nghị, phổ biến phát tài liệu, tờ rơi bằng tiếng phổ thông đang là những rào cản lớn cho nhận thức, sự cảnh giác của người dân ở vùng có nguy cơ cao về tội phạm mua bán người.

Thứ năm, về quản lý nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực vẫn còn bất cập, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động. Theo báo cáo của Bộ Công an, lợi dụng chính sách mở thông thoáng trong thủ tục xuất nhập khẩu, việc cấp hộ chiếu công dân và giấy thông hành qua biên giới thuận lợi. Một số nước được miễn thị thực nên các đối tượng nước ngoài vào Việt Nam cấu kết với đối tượng cò mồi, môi giới, tổ chức nhiều vụ đưa người trái phép ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Đặc biệt chúng thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức, lạm dụng tình dục và ép buộc lấy dân bản địa.

Giải pháp nào để khắc phục?

 Từ những vấn đề trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy đề nghị Chính phủ, các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một, phát động phong trào toàn dân đấu tranh phát hiện các hoạt động dụ dỗ, mua bán người. Coi đây là hoạt động sinh hoạt cộng đồng thường xuyên để toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm. Tiếp tục đổi mới hơn nữa công tác tuyên truyền, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tăng cường xây dựng mới nhiều chuyên trang, chuyên mục, tin bài, phóng sự, phim tài liệu bằng cả tiếng dân tộc thiểu số để phát huy hiệu quả công tác truyền thông trực tiếp tại các phiên chợ vùng cao. Tại các trường học để truyền tải các thông điệp về phòng, chống mua bán người. Tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội để nâng cao nhận thức, chủ động phòng ngừa tội phạm.

Hai, các lực lượng chức năng cần tăng cường đấu tranh với các phương thức, thủ đoạn mới ngày càng tinh vi, xảo quyệt của tội phạm. Chúng thường sử dụng mạng internet, mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân. Giả danh lực lượng chức năng, hình thành các đường dây tội phạm liên tỉnh và xuyên quốc gia. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn dân cư, nhân khẩu, hộ khẩu. Quản lý chặt chẽ hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Tránh việc lợi dụng hoạt động này để mua bán người, thực hiện thống kê công tác rà soát mua bán người trong nước để có giải pháp kịp thời.

Ba, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, nhân rộng mô hình, hoạt động có hiệu quả, đặc biệt là mô hình Ngôi nhà bình yên, Trung tâm hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chính phủ, các địa phương cần quan tâm dành nguồn lực để tổ chức triển khai các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội để tạo việc làm, xóa mù chữ, phổ cập giáo dục và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững cho người dân, cho phụ nữ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số để họ có đủ khả năng tự bảo vệ, tự cảnh giác trước tội phạm mua bán người.

Bốn, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, Đảng, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị – xã hội trong việc tuyên truyền, vận động, quản lý và hỗ trợ các hoạt động để các thành viên, hội viên tham gia phòng, chống, ngăn chặn và tố giác tội phạm, làm trong sạch địa bàn.

MINH KHÔI