“Làm sao để các cơ quan tố tụng thất nghiệp thì càng tốt”

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, rất nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm, lo lắng về nạn xâm hại tình dục trẻ em gần đây. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cũng đã phát biểu quan điểm của mình về vấn đề này ngay tại hội trường.

Các vụ xét xử đúng người, đúng tội chiếm  93% 

“Từ sáng giờ chúng ta đã đề cập đến vấn đề xâm hại tình dục trẻ nhưng mong muốn của đại biểu cũng như mong muốn của cử tri là làm sao chúng ta không để xảy ra loại tội phạm này để cho các cơ quan tố tụng thất nghiệp thì càng tốt” – Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nói.

Tuy nhiên, vụ việc đã xảy ra thì phải làm cho chỉn chu. Theo thống kê 5 năm từ 2013-2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em, bao gồm 5 tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật Hình sự 1999. Theo đó, xâm hại tình dục trẻ em đã trả hồ sơ 549 vụ = 6%, các vụ xét xử đúng người, đúng tội 93% = hơn 7.600 vụ. Mặc dù số vụ, trả hồ sơ, hủy, sửa số lượng không nhiều chỉ 6,6% nhưng gây bức xúc cho xã hội .

Đây là những vụ việc không khó khăn trong quá trình xét xử nhưng khó khăn trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ. Bởi vì, phần lớn đây là những vụ việc truy xét, không có người làm chứng, thời gian xảy ra đến khi phát hiện thường đã xa, gia đình cũng như nạn nhân ngại  khai báo, thậm chí có tính chất che dấu, không hợp tác với cơ quan điều tra. Có những loại tội, giám định trở thành yêu cầu bắt buộc nhưng gia đình cũng từ chối giám định. Đây là những việc rất khó khăn trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Cái này do tâm lý xã hội.

Về giải pháp, Chánh án cho là các cơ quan tiến hành tố tụng cũng đã phối hợp chặt chẽ với nhau cũng đưa được phần lớn (hơn 90%) vụ việc đưa ra xét xử đúng người, đúng tội. Tỷ lệ 6% còn lại có trả hồ sơ điều tra bổ sung hay là phải sửa, đòi hỏi chúng ta phải hạ tỷ lệ này xuống. Đây là đòi hỏi của Quốc hội cũng như đòi hỏi của cử tri.

Phía Toà án cũng làm rất nhiều việc để thực hiện theo hướng như thế này. Đối với nhiệm vụ hướng dẫn pháp luật, TANDTC đã ban hành rất nhiều hướng dẫn nghiệp vụ, xuất bản 3 tập giải đáp về mặt nghiệp vụ và đã xây dựng những bộ giáo trình riêng cho việc tập huấn xử lý các tội xâm hại tình dục trẻ em và trên thực tế cũng đã phối hợp với Viện Kiểm sát và Bộ Công an xây dựng các thông tư liên tịch hướng dẫn về việc giải quyết các loại tội phạm này, cả về mặt nội dung cũng như trình tự tố tụng.

Giải pháp thứ hai là nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, Tòa án cũng đã triển khai việc tập huấn cho tất cả các Thẩm phán, hơn 6.000 Thẩm phán trên 800 điểm cầu và thường xuyên mở các lớp tập huấn để nâng cao năng lực. Việc ban hành các thông tư về hướng dẫn xây dựng các Tòa thân thiện, Tòa gia đình với yêu cầu thân thiện với các cháu vị thành niên khi các vụ án này xảy ra.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời phỏng vấn – Báo TTO

 

Luật đã giao cho TANDTC hướng dẫn Điều 423 về các trình tự, thủ tục tố tụng thân thiện đối với trẻ em khi xảy ra các vụ việc này và Hội đồng Thẩm phán cũng đã dự thảo xong và sẽ ban hành trong tháng tới. Đối với giải pháp triển khai tổ chức, TANDTC cũng đã vừa ban hành thông tư thay đổi tòa chuyên trách và yêu cầu tất cả các Tòa án địa phương trong đó có các Tòa án cấp huyện có đủ điều kiện hình thành một tòa chuyên trách về hôn nhân gia đình và vị thành niên.

Về mô hình xét xử, TANDTC cũng đã có thông tư ban hành mô hình tòa xét xử, phòng xét xử đối với các vụ án hôn nhân gia đình và vụ án vị thành niên mang tính chất thân thiện và đã triển khai ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp với sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế được đánh giá rất cao và chúng tôi sẽ triển khai trên phạm vi toàn quốc trong năm nay nhưng đầu tư còn đang vướng. Chánh án đã báo cáo với Chính phủ có cuộc họp của Tòa án với Chính phủ thì Chính phủ cũng ủng hộ  việc xây dựng một đề án để trang bị cho các phòng xét xử thân thiện đối với các cháu vị thành niên, theo đó các vụ xâm hại tình dục như thế này, kể cả người bị hại phải xét xử kín, thậm chí không phải ra tòa, có thể thẩm vấn thông qua hệ thống micro để đảm bảo ổn định về mặt tâm lý.

Tăng cường phối hợp giữa các Bộ và cơ quan chức năng

Trước đó, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) cũng cho rằng đây là một tội phạm khá đặc biệt, khá đặc thù. Vì khó phát hiện, đặc biệt là các bằng chứng thì mất dần qua thời gian, mà thời gian ở đây tính theo giờ, theo ngày chứ không phải theo tháng, theo năm. Do vậy, vấn đề tiếp cận, tin báo, xử lý tố cáo, xét xử phải làm rất nhanh, phải mạnh mẽ chúng ta mới có được các bằng chứng để  kết tội.

Đối tượng bị hại là những cháu bé, khi xảy ra trường hợp đó rất hoảng loạn và lời khai của các cháu chưa nhận thức được, có thể rất khó trong khi lấy lời khai.

Vấn đề nhận thức của các cơ quan tố tụng còn khác nhau. Bằng chứng vừa rồi chúng ta thấy vụ Vũng Tàu xử 18 tháng án treo, mặc dù sơ thẩm đã 3 năm án tù, sau đó tòa giám đốc thẩm lại xử 3 năm tù. Rõ ràng vấn đề quan tâm của chính quyền, của cơ quan tố tụng vẫn chưa đảm bảo, cũng như vấn đề của xã hội, của gia đình vẫn chưa hợp lý trong vấn đề bảo vệ các em chống nạn xâm hại tình dục.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói: Luật trẻ em quy định rất rõ trách nhiệm. Tuy nhiên, thời gian vừa qua có một số vụ việc của chúng ta còn để kéo dài, thậm chí còn xử lý chưa nghiêm minh. Nhiều vụ việc khi có ý kiến các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước rồi mới tiến hành. Đây là một vấn đề các cấp, các ngành và các cơ quan có chức năng cũng cần xem và đánh giá lại thực chất hoạt động của mình thế nào.

Bộ trưởng cũng chia sẻ: Hầu như những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em, đặc biệt là những vụ nghiêm trọng, hầu như những vụ này bộ đều chủ động, có ý kiến. Nhiều vụ việc Bộ trưởng đã trực tiếp báo cáo với Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ để có ý kiến trực tiếp. Có những vụ việc cá nhân Bộ trưởng trực tiếp trao đổi. Ví dụ vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, ngày 11 khi sáng kết thúc phiên tòa, ngay buổi chiều Bộ trưởng báo cáo với Quốc hội, gặp trực tiếp và điện trực tiếp với Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình. Bọ trưởng nói rõ quan điểm của cá nhân cũng như trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước không đồng tình với kết quả xét xử như vậy. Bộ đề nghị hai cơ quan xem xét lại để xử lý nghiêm minh theo pháp luật. Lãnh đạo hai cơ quan tư pháp cũng chấp nhận ý kiến của Bộ trưởng, xử lý  rất nghiêm minh.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí  cho biết Viện Kiểm sát tối cao đang chủ trì cùng với Bộ Công an và Tòa án tối cao xây dựng thông tư liên tịch trong việc hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Tố tụng hình sự 2015 trong việc đó là xử lý trường hợp mà đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi. Thông tư liên tịch này đã xây dựng hoàn thành dự thảo 20 điều và hiện nay đang chờ ý kiến góp ý cuối cùng của Hội đồng Thẩm phán tối cao thì có khả năng đầu quý 3 này có thể sẽ ban hành được. Đây cũng là một trong những cơ sở pháp lý cho việc phối hợp cũng như hướng dẫn cho toàn bộ hệ thống, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc thực thi nhiệm vụ của mình trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử loại tội phạm này.

Tham gia giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định các mức án quy định về hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em đã được quy định rất chặt chẽ, cụ thể, rõ ràng trong Luật. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, một trong những nguyên nhân của việc chưa đẩy lùi được tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ở nước ta đó là, việc tố cáo, trình báo các vụ việc còn chậm, nhất là các vụ liên quan đến xâm hại tình dục, bởi đây là vấn đề có tính nhạy cảm nên người thân thường muốn giữ kín, không tố giác. Bên cạnh đó, hầu hết các vụ xâm hại tình dục trẻ em không có nhân chứng; tâm lý trẻ em còn non trẻ, nhận biết chưa đầy đủ dễ dẫn đến hoang mang, lời khai thường không thống nhất, thường theo sự hướng dẫn của bố mẹ.

Để ngăn chặn tình trạng này trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, lực lượng công an sẽ tiếp tục thiết lập các đường dây nóng; kêu gọi nhân dân tăng cường tố giác tội phạm; tăng cường phối hợp giữa các Bộ và cơ quan chức năng liên quan triển khai các biện pháp phòng ngừa, xét xử nghiêm minh các vụ việc vi phạm để tạo sức răn đe… Bên cạnh đó, tổ chức các câu lạc bộ đê giáo dục văn hóa và tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong nhân dân.

 

MINH KHÔI